Phát hiện muộn màng khi người nhiễm virus đã rời du thuyền ở Campuchia

Tàu Westerdarm cập cảng ở Sihanoukville, Campuchia, ngày 15/2. Ảnh: AFP/Getty.
(Theo news.zing.vn)

Được đảm bảo rằng tàu Westerdam không có bệnh, hàng trăm hành khách đã rời khỏi Campuchia và hướng đến các sân bay. Một người sau đó được phát hiện nhiễm virus corona.

Du thuyền Westerdam đã bị hắt hủi hết cảng này đến cảng khác vì lo sợ nó có thể mang virus corona, nhưng khi đến Campuchia vào ngày 13/2, các hành khách trên tàu với những bông hoa, với đích thân Thủ tướng Hun Sen ra bến cảng để chào mừng.

Giữa những đảm bảo rằng con tàu không có bệnh, hàng trăm hành khách phấn khởi đã rời tàu. Một số đã đi ngắm cảnh, tham quan các bãi biển và nhà hàng, đi mát-xa. Những người khác tới các điểm đến trên khắp thế giới.

Tuy nhiên, một hành khách đã không thể vượt qua máy quét nhiệt tại sân bay Kuala Lumpur ở Malaysia. Công dân người Mỹ bị chặn lại hôm 15/2 sau đó đã thử nghiệm dương tính với virus corona.

Theo New York Times, hôm 16/2, với những hành khách đã tới các điểm đến trên ít nhất ba lục địa, các quan chức y tế đang tìm cách xác định mức độ nghiêm trọng của vấn đề và làm cách nào để ngăn nó lan rộng hơn.

Rắc rối ngoài dự tính

"Chúng tôi đã lường trước những trục trặc nhưng ở mức độ này thì chưa", tiến sĩ William Schaffner, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Y tế Đại học Vanderbilt, cho biết.

Với hơn một nghìn hành khách từ Westerdam hướng về nhà, việc ngăn chặn sự bùng phát virus corona trong phạm vi Trung Quốc có thể khó khăn hơn bao giờ hết.

Ông nói "Đây có thể là một bước ngoặt"

Không rõ các hành khách đã được sàng lọc kỹ lưỡng như thế nào trước khi được phép rời tàu. Nhưng các chuyên gia cho biết cách tiếp cận tốt nhất để ngăn chặn sự lây lan của virus từ Westerdam ra rộng hơn là theo dõi tất cả hành khách và cách ly họ trong hai tuần.

Điều đó sẽ không dễ dàng.

Tiến sĩ Peter Rabinowitz, đồng giám đốc của MetaCenter về phòng chống đại dịch và an ninh y tế toàn cầu tại Đại học Washington, cho biết sự việc sẽ thách thức khả năng truy tìm dấu vết, phương pháp được sử dụng để theo dõi những người bị nhiễm bệnh.

Tiến sĩ Rabinowitz nói "Việc kiểm soát một tình huống như thế này khi mọi người đã đi khắp thế giới thật sự đáng sợ"

Các quan chức cho biết hơn 140 hành khách từ tàu đã bay tới Malaysia. Tất cả, trừ người phụ nữ Mỹ có kết quả dương tính và chồng bà, cuối cùng đã được phép tiếp tục hành trình của họ, tới các điểm đến bao gồm Mỹ, Hà Lan và Australia.

Hãng tàu cho biết hơn 1.000 hành khách khác đã lên các chuyến bay đến Phnom Penh, thủ đô của Campuchia, và đang trong các giai đoạn quá cảnh khác nhau.

Khi tàu Westerdam khởi hành từ Hong Kong vào ngày 1/2 cho hành trình kéo dài 14 ngày, du thuyền của Holland America Line đang chở 1.455 hành khách và 802 thành viên thủy thủ đoàn.

Nó cập cảng ở Cao Hùng, Đài Loan, vào ngày 4/2 nhưng sau đó sớm gặp rắc rối.

Hành trình sóng gió, kết thúc không êm ả

Khi virus lây lan giữa các hành khách và thành viên thủy thủ đoàn bị mắc kẹt trên một tàu du lịch khác, Diamond Princess, ở Yokohama, Nhật Bản, các cảng trên hành trình ban đầu của Westerdam bắt đầu từ chối cho nó cập bến.

Đài Bắc, Đài Loan, nói không. Các cảng tại Nhật Bản, Philippines, Thái Lan và lãnh thổ đảo Guam của Mỹ cũng vậy.

Hôm 13/2, khi công ty Holland America khẳng định rằng không có ai ở Westerdam bị nhiễm bệnh, Campuchia đã đồng ý cho nó cập cảng.

"Có người Campuchia hay người nước ngoài nào ở Campuchia đã chết vì căn bệnh này không?", Thủ tướng Hun Sen nói hồi đầu tháng này. "Căn bệnh thực sự đang diễn ra ở Campuchia lúc này là bệnh sợ hãi".

Hôm 14/2, Tổng thống Donald Trump viết trên Twitter lời cảm ơn tới Campuchia vì đã cho phép con tàu với hơn 600 hành khách là người Mỹ cập cảng.

Nhưng bằng cách mở rộng vòng tay với Westerdam, ông Hun Sen có thể đã khiến công dân của mình gặp nguy hiểm.

Holland America cho biết tính đến ngày 16/2, 233 hành khách và 747 thành viên thủy thủ đoàn vẫn còn trên tàu cập cảng tại Sihanoukville, Campuchia.

Sau khi Malaysia thông báo rằng một hành khách đã bị nhiễm bệnh, các hành khách và thành viên thủy thủ đoàn còn lại đã bị hạn chế trên tàu và xe buýt được lên kế hoạch vận chuyển họ vẫn đậu gần đó.

Không rõ liệu Campuchia có tìm cách cách ly những hành khách vẫn còn ở trong nước hay không và những người đã rời khỏi máy bay có phải đối mặt với việc cách ly ở quê nhà khi họ trở về không.

Hôm 16/2, Phó thủ tướng Malaysia Wan Azizah Wan Ismail cho biết trong cuộc họp báo rằng người phụ nữ Mỹ xác nhận bị nhiễm bệnh sau khi rời tàu đã thử nghiệm dương tính hai lần với virus.

Phó thủ tướng Malaysia Wan Azizah Wan Ismail nói chuyện với các phóng viên tuần trước. Ảnh: AP.

Cả người phụ nữ 83 tuổi và chồng bà, 85 tuổi, cũng là công dân Mỹ, đều phải nhập viện và cách ly. Người chồng cũng đã được xét nghiệm hai lần với virus và kết quả đều âm tính. Nhưng ông bị viêm phổi, thường là dấu hiệu của virus xuất hiện trước khi nó có thể được xác định thông qua xét nghiệm.

Lỗ hổng trong quy trình sàng lọc

Cuộc chiến toàn cầu chống lại virus corona trở nên phức tạp bởi thực tế là các quốc gia khác nhau có thể có các biện pháp giám sát và phòng ngừa dịch bệnh khác nhau.

Mặc dù Tổ chức Y tế Thế giới đã cung cấp hướng dẫn, việc thực thi các tiêu chuẩn này tùy thuộc vào mỗi quốc gia, bao gồm cả việc cách ly những người có thể bị phơi nhiễm hoặc ngăn họ đi lại.

Chính phủ Campuchia cho biết hành khách và thành viên thủy thủ đoàn trên Westerdam đã được sàng lọc bằng các quy trình theo hướng dẫn từ Tổ chức Y tế Thế giới và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh tại Mỹ trước khi được phép rời tàu.

Một hành khách cho biết các quan chức y tế Campuchia đã đo nhiệt độ của mọi người.

Khoảng 20 người báo cáo bị bệnh trong chuyến đi cũng đã được xét nghiệm virus corona, theo tuyên bố hôm 16/2 của Đại sứ quán Mỹ tại Campuchia. Tất cả đều có xét nghiệm âm tính.

Người phụ nữ Mỹ không nằm trong số đó. Holland America cho biết bà không đến trung tâm y tế của tàu trong hành trình để báo cáo bất kỳ triệu chứng bệnh nào.

Hành khách của Westerdam được sàng lọc hôm 15/2 trước khi rời tàu ở Sihanoukville. Ảnh: Getty.

Tiến sĩ Schaffner, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, cho biết sẽ tốt hơn khi kiểm tra từng hành khách rời đi thay vì một nhóm được chọn bởi vì các phương pháp sàng lọc khác - như bảng câu hỏi du lịch và đo nhiệt độ - đều có thể không chính xác.

Những người háo hức xuống tàu có thể không trả lời hoàn toàn trung thực và những người bị bệnh có nhiệt độ khác nhau trong ngày, thường thấp hơn vào buổi sáng.

Khi hành khách Mỹ lần đầu thử nghiệm dương tính, cả Holland America và Campuchia đều đặt câu hỏi về kết quả này, yêu cầu thử nghiệm và xác nhận thêm. Malaysia đã tiến hành vòng thử nghiệm thứ hai và xác nhận người phụ nữ bị nhiễm bệnh. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ bà bị nhiễm bệnh khi nào, ở đâu và do ai.

Phó thủ tướng Malaysia nói rằng nước này sẽ không chấp nhận thêm bất kỳ hành khách nào từ Westerdam.

Các hành khách rời tàu hôm 15/2. Ảnh: AFP/Getty.

Sự phối hợp giữa Malaysia và Campuchia dường như rất ít. Trong bức thư tìm kiếm thêm thông tin từ người đồng cấp Malaysia hôm 16/2, Bộ trưởng Y tế Campuchia Mam Bunheng cho biết ông chỉ biết qua truyền thông rằng xét nghiệm đầu tiên của người phụ nữ Mỹ là dương tính.

Holland America cho biết trong tuyên bố hôm 16/2 rằng không có hành khách hoặc thành viên thủy thủ đoàn nào khác báo cáo bất kỳ triệu chứng nào và hành khách đã trở về nhà sẽ được sở y tế địa phương liên lạc.

Công ty nói rằng trước khi tàu rời Hong Kong, hộ chiếu của mọi người trên tàu đã được xem xét để đảm bảo rằng không có ai đi qua Trung Quốc đại lục trong 14 ngày trước khi đi tàu. Nhưng chính Hong Kong cũng bị dịch bệnh xâm nhập.