Hình ảnh một tờ đô-la Mỹ và một cuốn sổ thông hành. Ảnh: Zhang Peng/LightRocket via Getty Images

 

 

 

 

QUỐC TẾ - Một phúc trình mới của McKinsey & Co. cho biết Trung Quốc đã vượt qua Mỹ để trở thành quốc gia giàu nhất thế giới, trong khi tài sản toàn cầu tăng gấp ba lần trong hai thập niên qua.

 

 

Phúc trình được chuẩn bị sau khi xem xét bảng cân đối kế toán của 10 quốc gia giàu nhất thế giới, chiếm hơn 60 phần trăm thu nhập toàn cầu.

 

 

Tiến sĩ Jan Mischke đến từ McKinsey Global Institute ở Zurich, Thuỵ Sĩ nói với Bloomberg trong một cuộc phỏng vấn rằng “Chúng ta hiện giàu có hơn bao giờ hết.”

 

 

Theo nghiên cứu do McKinsey & Co. thực hiện, giá trị tài sản ròng trên toàn thế giới đã tăng từ 156 ngàn tỷ USD trong năm 2000 lên 514 ngàn tỷ USD trong năm 2020.

 

 

Trung Quốc đứng đầu danh sách, chiếm gần một phần ba mức tăng.

 

 

Tài sản của Trung Quốc đã tăng vọt từ 7 ngàn tỷ USD trong năm 2020 lên 120 ngàn tỷ USD trong năm 2020, giúp quốc gia này vượt qua Hoa Kỳ về giá trị tài sản ròng.

 

 

Trong cùng giai đoạn, giá trị tài sản ròng của Mỹ tăng gấp đôi lên đến 90 ngàn tỷ USD. Tuy nhiên, Mỹ đã không thể đánh bại Trung Quốc do giá bất động sản của nước này tăng chậm.

 

 

Điều đáng chú ý là ở cả Mỹ và Trung Quốc, hơn 2/3 tài sản là do 10% những người giàu nhất nắm giữ với tỷ lệ ngày càng tăng.

 

 

Phúc trình của McKinsey & Co. cũng chỉ ra rằng 68% giá trị tài sản ròng toàn cầu được lưu trữ trong bất động sản. Các tài sản vô hình như tài sản trí tuệ và bằng sáng chế chiếm một tỷ lệ nhỏ.

 

 

 

Giá trị tài sản ròng tăng mạnh trong hai thập niên qua được thúc đẩy bởi giá bất động sản tăng chóng mặt do lãi suất giảm.

 

 

Thế nhưng điều này có thể khiến nhiều người không thể mua nhà, và làm tăng nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng tài chính như bong bóng nhà đất đã tàn phá nước Mỹ vào năm 2008.

 

 

Các xu hướng gần đây xuất hiện ở Trung Quốc cũng đáng báo động, vì giá bất động sản cao của nước này đã dẫn đến doanh số bán hàng thấp hơn và nhiều nhà phát triển bất động sản lớn đang vỡ nợ.

 

 

Trong bối cảnh như vậy, phúc trình kết luận rằng thế giới cần phải tìm cách đầu tư hiệu quả hơn, nhằm cải thiện GDP toàn cầu theo cách có ý nghĩa hơn.