Hãng phần mềm Oracle Corp, có trụ sở tại California (Mỹ), đang nghiêm túc xem xét việc mua lại hoạt động của ứng dụng chia sẻ video TikTok tại Mỹ, Canada, Úc  và New Zealand.

 

 

Hãng phần mềm Oracle Corp, có trụ sở tại California (Mỹ), đang nghiêm túc xem xét việc mua lại hoạt động của ứng dụng chia sẻ video TikTok tại Mỹ, Canada, Australia và New Zealand.

 

 

 

 

 

Biểu tượng TikTok trên một màn hình điện thoại ở Virginia, Mỹ. Ảnh: AFP

 

 

 

 

Tờ Financial Times của Mỹ số ra ngày 17/8 cho hay, Oracle đã tổ chức các cuộc đàm phán sơ bộ với ByteDance, công ty sở hữu TikTok, và đang bàn thảo với một số nhà đầu tư Mỹ có cổ phần trong ByteDance, trong đó có General Atlantic và Sequoia Capital, về vấn đề này. Hiện ByteDance cũng như TikTok chưa đưa ra bình luận gì về thông tin trên.

 

 

Trước đó, hồi đầu tháng này, Reuters đưa tin mạng xã hội Twitter Inc. đã tiếp cận ByteDance và thể hiện mối quan tâm đến việc mua lại các hoạt động của ứng dụng này tại Mỹ. Tuy nhiên, giới chuyên gia tỏ ra nghi ngờ về khả năng tài chính của Twitter cho một thỏa thuận tiềm năng với ByteDance.

 

 

Hãng công nghệ Microsoft Corp (Mỹ) cũng đang theo đuổi thỏa thuận mua lại toàn bộ hoạt động kinh doanh trên toàn cầu của TikTok, trong bối cảnh nền tảng này đang đối mặt với áp lực ngày càng lớn từ Chính phủ Mỹ.

 

 

Tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã yêu cầu  trong vòng 90 ngày, công ty ByteDance của Trung Quốc phải chuyển nhượng lợi ích trong các hoạt động của TikTok tại Mỹ.

 

 

Trong sắc lệnh trên, Tổng thống Trump nhấn mạnh có bằng chứng đáng tin cậy về việc ByteDance có thể có hành động làm suy yếu an ninh quốc gia của Mỹ. Động thái trên đã gia tăng sức ép buộc ByteDance phải chuyển nhượng TikTok, tạo cơ sở pháp lý để chính quyền Tổng thống Trump trấn áp ứng dụng truyền thông xã hội này của Trung Quốc.

 

 

Phát biểu trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 17/8, người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian) cho biết TikTok đã thực hiện mọi yêu cầu từ phía Mỹ như đặt máy chủ tại Mỹ và các trung tâm dữ liệu tại Mỹ và Singapore.

 

 

TikTok cũng đã thuê 1.500 nhân viên người Mỹ, trong đó có cả nhân viên quản lý cấp cao, và cam kết mang lại 10.000 việc làm. Chính sách kiểm toán và mã nguồn thuật toán cũng được công khai...song một số chính khách Mỹ vẫn gây khó khăn cho TikTok với lý do "an ninh quốc gia".

 

 

Về phần mình, TikTok tiếp tục phủ nhận cáo buộc của Washington rằng ứng dụng chia sẻ video nổi tiếng này là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia Mỹ.

 

 

TikTok tuyên bố những thông tin về mối liên hệ giữa TikTok với Chính phủ Trung Quốc chỉ là "những đồn đoán vô căn cứ và thông tin sai sự thật". TikTok khẳng định chưa bao giờ cung cấp bất cứ dữ liệu nào của người sử dụng Mỹ cho Chính phủ Trung Quốc, và cũng sẽ không hành động như vậy nếu được yêu cầu. Các dữ liệu người sử dụng Mỹ được lưu trữ ở Mỹ, trong khi bản sao dự phòng được lưu trữ tại Singapore.