Theo chuyên gia Dhruva Jaishankar trong bài viết cho Viện chính sách Lowy (Australia), mối quan hệ Ấn Độ-Úc đã trở nên sâu sắc hơn bao giờ hết, đúng vào thời điểm cả hai nước đều cần tới mối quan hệ này...

 

 

Trước đây, việc Canberra từ chối bán urani cho New Delhi khi Ấn Độ vẫn chưa tham gia Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân luôn là vấn đề gai góc trong mối quan hệ giữa hai nước. Thế nhưng, khi vấn đề urani đã được cựu Thủ tướng Úc, Julia Gillard giải quyết, một câu hỏi không thể tránh khỏi trong mọi cuộc thảo luận quan trọng về mối quan hệ song phương là khi nào Ấn Độ sẽ mời Úc tham gia cuộc tập trận hải quân Malabar của nước này.

 

 

Việc Australia tham gia cuộc tập trận 2 năm một lần cùng với Nhật Bản và Mỹ, hai quốc gia thành viên khác của nhóm "Bộ tứ" (Quad), cho đến nay đã trở thành phép thử quan trọng về mối quan hệ đối tác chiến lược mới được thiết lập giữa hai nước.

 

 

 

 

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và người đồng cấp Australia Scott Morrison hội đàm trực tuyến, tháng 6/2020. (Nguồn: ANI)

 

 

 

 

Mới đây, trong bài viết cho Viện chính sách Lowy (Australia), Dhruva Jaishankar - chuyên gia về chính sách đối ngoại của Ấn Độ và là người đứng đầu Sáng kiến Mỹ tại Quỹ Nghiên cứu Người quan sát (ORF) - nhận định: “Sự tham gia của Úc trong cuộc tập trận Malabar đúng là quan trọng nhưng không quá quan trọng như nhiều người nghĩ. Trung Quốc sẽ không đột ngột thay đổi hành vi của họ ngay sau khi Úc tham gia Malabar”.

 

 

Theo chuyên gia Jaishankar, mối quan hệ Ấn Độ-Úc đã trở nên sâu sắc hơn bao giờ hết, đúng vào thời điểm cả hai nước đều cần tới mối quan hệ này: Úc đang phải đối mặt với sự trả đũa về kinh tế và an ninh ngày càng tăng từ Trung Quốc, trong khi Ấn Độ đang phải vật lộn với tình trạng bế tắc nguy hiểm ở khu vực biên giới với Trung Quốc.

 

 

Thỏa thuận hỗ trợ hậu cần lẫn nhau, mới được ký giữa Thủ tướng Scott Morrison và người đồng cấp Ấn Độ Narendra Modi hồi tháng 6 năm nay - theo đó hợp tác nâng cao nhận thức về lĩnh vực hàng hải, các cuộc tập trận song phương và các cuộc đối thoại ba bên - có ý nghĩa hơn nhiều so với sự tham gia của Úc tại Malabar.

 

 

Ông Jaishakar nhận định, Ấn Độ có thể sẽ khiến Úc thất vọng trong lĩnh vực thương mại, theo nghĩa nước này sẽ không bao giờ là đối tác thương mại tầm cỡ Trung Quốc như Úc mong muốn, nhưng “bản chất đột phá” của các cam kết chiến lược mới giữa Úc và Ấn Độ đôi khi không được nhìn nhận đúng.

 

 

Nguyên nhân của điều này là một số nhận thức tiêu cực còn sót lại về mối quan hệ song phương, hậu quả từ chính sách Australia Da trắng và thời kỳ Chiến tranh Lạnh, khi mối quan hệ giữa Ấn Độ với Liên Xô trước đây gây mâu thuẫn với các nước phương Tây.

 

 

Chuyên gia Jaishakar nói: “Đúng là mối quan hệ Ấn Độ-Úc từ trước đến nay là yếu nhất trong số 4 quốc gia thành viên Bộ tứ, bao gồm Ấn Độ, Mỹ, Úc và Nhật Bản. Về mặt chiến lược, cả hai nước từ lâu đã coi nhau như người xa lạ. Tuy nhiên, điều đó đã thay đổi, kéo theo những hậu quả đối với kiến trúc an ninh khu vực rộng lớn hơn”.

 

 

Một loạt sự kiện mới đây - bao gồm đại dịch Covid-19, một nước Mỹ mất tập trung và sự gia tăng bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc - đã làm nổi bật khả năng dễ bị tổn thương của khu vực trước Bắc Kinh, cũng như sự phụ thuộc quá mức của Úc vào siêu cường châu Á này, và nêu bật tầm quan trọng của các mối quan hệ giữa các cường quốc trung bình.

Ông Jaishankar lập luận rằng Úc và Ấn Độ đã cố gắng dẹp bỏ những oán giận cũ để cùng nhau xây dựng kiến trúc của mối quan hệ giữa hai cường quốc tầm trung ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mà một ngày nào đó có thể phải đối mặt với sự xâm lược của Trung Quốc mà có thể không có sự hỗ trợ của Mỹ.

 

 

Là hai cường quốc hàng hải lớn nhất trong số các quốc gia ven biển Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Ấn Độ và Úc sẽ có vai trò lớn và phải vượt qua những hạn chế hiện tại, bao gồm năng lực không tương thích và các ưu tiên quốc gia khác nhau, để xây dựng khả năng tương tác quân sự và hợp tác công nghệ sâu hơn.

 

 

Trong khi Úc và Ấn Độ đang trong quá trình hướng đến mục tiêu trên, ông Jaishankar cho rằng Mỹ vẫn đóng một vai trò rất quan trọng trong khu vực. Ông nói  “Mỹ có thể thực hiện một số chức năng nhất định ở Biển Đông mà không một cường quốc nào khác có thể thực hiện một mình hoặc cùng với các nước khác”.

 

 

Một trong những động lực chính thúc đẩy sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa Ấn Độ và Australia cũng như giữa Ấn Độ, Úc, Nhật Bản và Mỹ chính là hành vi của Trung Quốc trong vài tháng qua, dù đó là các cuộc tấn công mạng gần đây chống Úc hay tranh chấp biên giới với Ấn Độ.

 

 

Chuyên gia Jaishankar khẳng định  “Trong một vài khía cạnh, quả bóng đang ở trên sân của Bắc Kinh. Nếu có một Trung Quốc dễ chịu hơn trong khu vực, chúng ta sẽ không thấy những mối quan hệ chặt chẽ như hiện nay”

(Theo baoquocte)