Đậu nành (Max Pixel)

 

 

Chiến tranh Nga-Ukraine đang củng cố sức mạnh kinh tế của Trung Quốc.

 

Mỹ và Âu châu đã khiến các chủ ngân hàng Trung Quốc và Nga ngạc nhiên. Để trả đũa việc Nga xâm lược Ukraine, họ đã đóng băng khoảng 630 tỉ USD dự trữ ngoại hối của Nga vào ngày 26/2.

 

Moscow đột nhiên không thể sử dụng lượng dự trữ tiền mạnh mà họ nghĩ rằng họ sở hữu. Họ có thể đã lên kế hoạch sử dụng hàng tỉ USD để bảo vệ đồng rúp trên thị trường quốc tế. Thay vào đó, đồng rúp giảm khoảng 30% so với đồng USD vào ngày 28/2.

 

Bắc Kinh đang học tập từ việc này. Đối mặt với việc dự trữ ngoại hối trị giá 3,2 nghìn tỉ USD của mình có thể trở nên vô giá trị, chính quyền Trung Quốc đang âm thầm bán tống USD bằng cách mua tài sản trên toàn cầu, bao gồm gần đây nhất là thông qua mua năng lượng và hàng hóa.

 

Được thúc đẩy bởi sự bất ổn địa chính trị tổng hợp từ cuộc chiến của Nga, các biện pháp trừng phạt của quốc tế đối với nạn diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ, dịch chuyển chuỗi cung ứng do COVID-19, gián đoạn thương mại ở Biển Đen, cuộc chiến thương mại với Úc, và chi phí vận chuyển hàng hải tăng vọt, Bắc Kinh đang thu mua các mặt hàng quan trọng như dầu, khí đốt, quặng sắt, lúa mì, lúa mạch, ngô, và vàng.

 


 

Một chồng các thỏi vàng. (Stevebidmead / Pixabay)

 

 

Những người mua thuộc nhà nước Trung Quốc có vẻ không quan tâm lắm đến giá cả khi mua nguyên liệu, để chuẩn bị cho sự khan hiếm hàng hóa dự kiến ​​ngày càng tăng. Nhiều mặt hàng đã tăng giá trong vài ngày qua, tăng từ 3% đến 8% do tác động của cuộc chiến tranh Nga - Ukraine. Các lệnh trừng phạt đối với phân bón Potash từ Belarus đã khiến Trung Quốc phải móc hầu bao thêm 139% để nhập khẩu mặt hàng này từ Israel và Canada.

 

Mặt khác, chiến tranh đôi khi giúp ích cho vị thế cạnh tranh của Trung Quốc. Với việc Nga trở thành quốc gia bị bỏ rơi, Bắc Kinh có quyền mặc cả để quy định các hợp đồng hàng hóa với Nga bằng đơn vị tiền tệ của mình, đồng nhân dân tệ. Các giao dịch bằng đồng USD và đồng Euro với Nga hiện đang ngày càng trở nên bất hợp pháp do các lệnh trừng phạt quốc tế vì chiến tranh, vì vậy các ngân hàng của Trung Quốc vui vẻ tuân thủ bằng cách chuyển sang đồng nhân dân tệ. Nga chỉ có ít nơi để bán năng lượng sang, vì vậy Bắc Kinh tận hưởng một thị trường người mua tiềm năng.

Chẳng hạn, Trung Quốc trước đây đã mua khoảng 1% trữ lượng than từ Nga (khoảng 30 triệu tấn), nhưng nếu cuộc chiến Ukraine tiếp tục, sức ép từ các biện pháp trừng phạt sẽ buộc Nga phải cố gắng chuyển 38% lượng than xuất khẩu của mình (khoảng 76 triệu tấn) từ Châu Âu và Ukraine, đến các thị trường Châu Á.

Nhưng hai trong số các ngân hàng quốc doanh lớn nhất của Trung Quốc hiện giới hạn các khoản vay ngoại tệ để mua hàng hóa của Nga. Chẳng hạn, chi nhánh nước ngoài của Ngân hàng Công thương Trung Quốc đã ngừng phát hành thư tín dụng mệnh giá USD để mua nguyên liệu thô của Nga. Tuy nhiên, tín dụng bằng đồng nhân dân tệ vẫn được cung cấp cho một số khách hàng.

Trung Quốc mua khoảng 60 tỉ USD năng lượng hàng năm từ Nga. Các nhà sản xuất thép và nhà máy điện của Trung Quốc — thường nhập khẩu một lượng lớn than từ Nga — đang tìm kiếm các nhà cung cấp thay thế khi các chủ ngân hàng của họ khuyên tạm dừng mua, vì rủi ro Trung Quốc sẽ bị trừng phạt. 

Việc Trung Quốc gia tăng mua ngũ cốc và đậu nành gây áp lực lên giá cả trên thế giới. Giá hiện đang trở nên khó có thể mua nổi đối với những người nghèo trên toàn cầu. Theo Bloomberg đưa tin vào ngày 3/3, Trung Quốc đã nhập khẩu 34 tỉ USD nông sản từ Mỹ vào năm 2021.

Kể từ tháng 11, phần nào do cái mà Nikkei vào tháng 12 đã gọi là “tích trữ” của chính quyền Trung Quốc, giá đậu nành đã tăng gần 50%. Xuất khẩu ngũ cốc từ Nga và Ukraine đã phải tạm dừng vì chiến tranh và các lệnh trừng phạt, làm tăng giá thậm chí nhiều hơn.

 

 

Theo Nikkei, Trung Quốc — quốc gia chiếm khoảng 18% dân số toàn cầu — đã dự trữ hơn một nửa lượng ngũ cốc trên thế giới, làm tăng giá cả đến mức “khiến nhiều quốc gia rơi vào cảnh đói kém hơn”. Trong khi phần còn lại của thế giới rơi vào chiến tranh và hỗn loạn, Trung Quốc có kho dự trữ lúa mì đủ cho một năm rưỡi, theo một quan chức tại Cục Dự trữ Chiến lược và Lương thực Quốc gia Trung Quốc chia sẻ với các phóng viên.

 

Trung Quốc không chỉ mua thực phẩm mà còn đang mua toàn bộ các công ty, bao gồm cả một nhà chế biến thịt của châu Âu vào năm 2021 và một công ty sữa hàng đầu ở New Zealand vào năm 2019. Từ năm 2020 đến năm 2021, chỉ số giá thực phẩm của Liên Hợp Quốc đã tăng 30%.

 

Chính quyền Bắc Kinh cũng là một con sâu vàng. Họ tự khai thác phần lớn vàng của họ, và cũng mua nhiều vàng hơn trên các thị trường quốc tế. Trong khi số liệu chính thức nói rằng Bắc Kinh nắm giữ 1.948 tấn kim loại quý này, hầu hết các nhà phân tích ước tính trữ lượng của họ đạt từ 10.000 đến 30.000 tấn vàng, cao hơn nhiều so với trữ lượng 8.133 tấn của Mỹ. Với nhiều vàng như vậy, trong tương lai Trung Quốc có thể cho phép đồng nhân dân tệ được bảo đảm bằng vàng, thay thế cho đồng USD không được bảo đảm bằng vàng.

 

Trung Quốc cần lương thực và hàng hóa cho nền kinh tế của mình, cũng như tất cả các nước khác. Nhu cầu của họ là một yếu tố kéo để nhiều nguồn cung hơn xuất hiện, cũng có nghĩa là sẽ có nhiều việc làm hơn trên toàn cầu. Nhưng cách tiếp cận của Trung Quốc là cạnh tranh vô nguyên tắc, lừa dối, và độc đoán. Chẳng hạn như họ tích trữ thông qua các nỗ lực đánh cắp tài nguyên thiên nhiên và độc quyền hóa các mặt hàng khan hiếm nhất.

 

Nếu thế giới cho phép chính quyền Trung Quốc tiếp tục đi theo con đường phi đạo đức để nâng cao vị thế của họ, chúng ta chính là đang đẩy tương lai của chính mình vào nguy hiểm. 

 

 

Quan điểm được trình bày trong bài viết này là ý kiến ​​của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Tác giả bài bình luận Anders Corr hoàn thành bằng Cử nhân / Thạc sĩ Khoa học chính trị tại Đại học Yale (2001), và bằng Tiến sĩ về Chính phủ tại Đại học Harvard (2008). Ông là người đứng đầu Corr Analytics Inc. — nhà xuất bản của Tạp chí Rủi ro Chính trị (Journal of Political Risk). Ông cũng đã thực hiện các nghiên cứu sâu rộng ở Bắc Mỹ, Châu Âu, và Châu Á. Những cuốn sách mới nhất của ông là "Tập trung quyền lực: Thể chế hóa, Hệ thống phân cấp, và Quyền bá chủ" (2021), và "Các quốc gia có thế lực lớn, Các chiến lược rất lớn: Cuộc chơi mới ở Biển Đông" (2018).

(ntdvn.net - Cao Dương Theo The Epoch Times)