Gia đình cụ Trang Thị Đấu 98 tuổi, người Hmong, định cư tại Mỹ (Ảnh:SBS)

 

 

QUỐC TẾ - Trong năm 2023, đã có 150 đồng bào người Việt bị kẹt tại Thái Lan được Cao Ủy Tỵ Nạn công nhận tư cách tỵ nạn và đã lên đường định cư ở các nước thứ ba, chỉ trong 6 tháng cuối năm 2023. Với tiến độ nầy, hy vọng trong năm 2024 sẽ có khoảng 400 người Việt tỵ nạn ở Thái Lan sẽ định cư ở nước thứ ba. Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng thuộc tổ chức BPSOS cho biết thêm chi tiết.

 

 

1. Xin cập nhật các hoạt động của BPSOS vào cuối năm 2023, về việc vận động cho người Việt kẹt tại Thái Lan được đi định cư?

 

NDT - Đã vận động thêm nhiều yễm trợ cho khá nhiều đồng hương người Việt bị kẹt tại Thái Lan, trong cuối năm 2023 khi họ đã được qui chế tỵ nạn của Cao Ủy Tỵ Nạn LHQ hay UNHCR.

 

Trong năm 2023, BPSOS đã thuyết phục UNHCR giới thiệu thêm nhiều người đi định cư ở nước thứ ba.

 

Trước đây có trở lực là các quốc gia đệ tam đặc biệt là Hoa Kỳ, nhận định cư người tỵ nạn rất ít từ Thái Lan nói chung, chứ không riêng gì người Việt.

 

Cuối năm 2022, BPSOS đã thuyết phục Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đến Thái Lan để xem xét tình hình và cuối cùng công nhận rằng, đây là điểm nóng cần giải quyết trước khi quá trễ.

 

 

2. Liệu con số 400 người hy vọng đi định cư trong năm 2024 có nhiều quá so với năm 2023 và có lạc quan quá không?

 

NDT - Nếu duy trì mức độ hiện nay thì có thể đạt được con số 400 người, vì 150 người được đi định cư chỉ trong 6 tháng cuối năm 2023.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng nói "Với tiến độ như hiện nay, chúng tôi có thể hy vọng trong năm 2024, số đồng bào được UNHCR công nhận tư cách tỵ nạn được định cư ở nước thứ ba lên đến 400 người".

 

Một nghịch lý là số người đi định cư khá đông là 150 người trong 6 tháng cuối năm 2023, thế nhưng tổng số người tại Thái Lan vẫn tăng vì mới đây có khoảng 400 đồng bào người Việt mới trốn sang Thái Lan.

 

3. Có phải họ là đồng bào thiểu số người Thượng, hay những người tranh đấu phải bỏ trốn để lánh nạn?

NDT - Phần lớn họ đi từ một huyện ở tỉnh Gia Rai, do có tin đồn là chương trình định cư nhanh chóng Welcome Core.

 

Họ bán nhà cửa, ruộng vườn, trâu bò để có lộ phí ra đi sang Thái Lan, nhưng sau đó hiểu ra chương trình định cư không nhanh như vậy.

 

Đã có khoảng 50 người trở về, số còn lại không còn khả năng trở về quê nhà, vì nhà cửa bán hết và không còn để trở lại.

 

4. Trường hợp một gia đình tỵ nạn người Việt gốc Hmong đến Melbourne định cư hồi năm rồi cho thấy, Cộng Đồng Người Việt tại Úc có thể góp một bàn tay trong việc bảo lãnh. Liệu trong năm 2024, Cộng Đồng người Việt tại Úc có thể làm được gì?

 

NDT - Nên vận động thúc đẩy chính phủ Úc tiến hành việc phỏng vấn nhanh hơn, đối với nhữngngười đang chờ đợi để được phỏng vấn giải quyết việc định cư.

 

Hồi tháng 6 đến tháng 9 năm rồi, Úc nhận rất nhanh tuy nhiên mấy tháng qua thì khựng lại.

 

Có những hồ sơ phỏng vấn chờ đợi 3 đến 4 tháng vẫn chưa có kết quả, trong khi bình thường chỉ mất 2 tuần lễ thôi.

 

Hiện có một số thay đổi và hy vọng sẽ giải quyết nhanh chóng các hồ sơ tồn đọng.

 

 

5. Có tin 4 tổ chức phi chính phủ NGO trình bày kiến nghị về Việt Nam, trước kỳ 'Rà soát định kỳ phổ quát' hay UPR đối với Việt Nam sắp tới, sao không thấy tổ chức BPSOS vốn thường có mặt?

 

NDT - Ngược lại, chúng tôi nạp đến 3 bản báo cáo, được xem là nhiều nhất trong khi 4 tổ chức kia chỉ nộp một bản báo cáo cho mỗi tổ chức mà thôi.

 

Chúng tôi có phái đoàn đến Geneva để cập nhật thông tin, cho các đại diện phái bộ của nhiều quốc gia Tây Phương, để quan tâm đến tình trạng vi phạm nhân quyền tại Việt Nam.

 

Thứ nhất là báo cáo về việc đàn áp xuyên quốc gia, bắt cóc người như trường hợp của Trương Duy Nhất, Đường Văn Thái, cùng với việc tra tấn cũng như vận động bỏ án tử hình, đặc biệt là vấn đề buôn người.

 

Báo cáo thứ hai về quyền trẻ em và quyền tự do biểu đạt.

 

Thứ ba là báo cáo về quyền tự do tôn giáo, quyền của các sắc dân bản địa.

 

Thế nhưng trước cuộc họp, mỗi tổ chức chỉ được 2 phút để trình bày, nên chỉ tóm tắt về quyền của người bản địa, tự do tôn giáo và vấn đề nạn nhân của các vụ buôn người.

 

6. Việc rà soát định kỳ phổ quát về các vi phạm của Việt Nam dường như chỉ có hình thức, trong khi thực chất là vẫn như cũ. Văn bút quốc tế nêu trường hợp có 18 nhà văn và 37 nhà báo bị bắt giữ trong năm qua. Liệu có diễn biến nào tích cực?

 

NDT - Đã vận động cho một số nhà báo độc lập đang bị bệnh nặng, cũng như thực hiện các báo cáo chung với các tổ chức trong nước để ra trước nghị trường mà nhà cầm quyền Việt nam phải lắng nghe.

 

Người dân trong nước có thể tự chủ được, đặc biệt khi phái đoàn Việt Nam đối mặt với các phái đoàn ngoại quốc về các vấn đề họ nêu lên.

 

Một chuyện đặc biệt là một đại diện cho chúng tôi đến từ Thái Lan có mặt tại Geneva, đã được bảo vệ an ninh vì nghi ngờ phía Việt Nam tìm cách làm khó dễ.

 

(Theo SBS)