Xe thiết giáp của tập đoàn quốc phòng Phần Lan Patria được trưng bày tại hội nghị an ninh Helsinski, Phần Lan, ngày 29/01/2025. REUTERS - Anne Kauranen

 

 

ÂU CHÂU - Mười chín thành viên Liên Hiệp Âu Châu, trong đó có Pháp, Đức và Ý và Tây Ban Nha, ngày 31/01/2025, kêu gọi Ngân hàng Đầu tư Âu châu có biện pháp « khẩn cấp » nhằm « tăng cường » năng lực quốc phòng của khối.

 

Lời kêu gọi nói trên, theo sáng kiến của Phần Lan, yêu cầu « các biện pháp đột phá » nhằm « tăng cường các năng lực chung của Âu châu về quốc phòng cũng như nền công nghiệp quốc phòng ». Cụ thể là cần xem xét lại danh sách các hoạt động và các lĩnh vực không được Ngân hàng Đầu tư Âu châu cấp tín dụng và yêu cầu Ngân hàng nghiên cứu khả năng « phát hành trái phiếu để tài trợ cho các dự án an ninh và quốc phòng ».

 

 

27 quốc gia Liên Âu đều là cổ đông của Ngân hàng Đầu tư Âu châu. Một viên chức ngoại giao cho AFP biết, thông điệp nói trên cho thấy Liên Âu đang tìm kiếm « các nguồn tài trợ mới » cho nền quốc phòng chung của khối.

 

Cho đến nay Ngân hàng Đầu tư Âu châu (BEI), cơ quan tài chính của Liên Âu có trụ sở tại Luxembourg, không được phép tài trợ cho các hoạt động trang bị vũ khí theo nghĩa hẹp, như mua hỏa tiễn hay đạn dược. 

 

Năm ngoái, theo báo chí Âu châu, Ngân hàng Đầu tư Âu châu đã đầu tư tổng cộng gần 100 tỉ đô-la, trong đó khoảng 60% là dành cho các dự án chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, và 1phần trăm cho quốc phòng theo nghĩa rộng, tức là đầu tư cho các dự án liên quan đến các phương tiện lưỡng dụng, có thể sử dụng cho mục tiêu quân sự.

 

 

Ngân hàng Đầu tư Âu châu tỏ thái độ ủng hộ đòi hỏi của nhóm 19 nước nói trên. Một phát ngôn viên của định chế này cho biết « chúng tôi đã tăng gấp đôi tài trợ cho các dự án an ninh và quốc phòng trong năm 2024, và dự kiến sẽ tiếp tục gia tăng đầu tư, để đạt mức kỉ lục là 2 tỉ euro trong năm 2025 », trên tổng số tài trợ dự kiến 95 tỉ euro.

 

Vấn đề đầu tư cho quốc phòng chung của Âu châu luôn là chuyện nhạy cảm trong nội bộ Liên Hiệp Âu Châu. Hiện tại có 8 nước không ký tên vào thông điệp nói trên, bao gồm Áo, Bulgari, Hungary, Ireland, Luxembourg, Malta, Bồ Đào Nha và Ba Lan, quốc gia với tư cách chủ tịch luân phiên của Hội Đồng của Liên Hiệp Âu Châu có nghĩa vụ tổ chức các thảo luận về chủ đề này.

 

 

 

Thụy Điển cấp khoản viện trợ quân sự lớn nhất cho Ukraine từ đầu chiến tranh.

 

Chính phủ Thụy Điển hôm qua cho biết sẽ cấp thêm 1,8 tỉ euro viện trợ quân sự cho Ukraine để chống xâm lược Nga. Trả lời họp báo, bộ trưởng Quốc Phòng Thụy Điển Pal Jonson cho biết đây là một « tín hiệu mạnh gửi đến Kiev, và người dân Ukraine, cho thấy Thụy Điển sẵn sàng hậu thuẫn Ukraine về dài hạn ». Chính quyền Thụy Điển cũng nhấn mạnh Liên Âu cần phải bảo đảm một phần quan trọng hơn trong các nỗ lực hậu thuẫn Ukraine.

 

Chính phủ Thụy Điển cho biết từ đầu chiến tranh, Stockholm đã viện trợ quân sự cho Ukraine tổng cộng khoảng 8 tỉ euro.

 

 

(Theo RFI)