Một tàu khu trục mang hỏa tiễn dẫn đường lớp Lữ Dương của Hải quân Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc rời eo biển Torres và tiến vào vùng Biển San hô, ngày 18/2/2022. (Ảnh: Bộ Quốc phòng Úc)
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang trở nên mất kiểm soát. Quân đội của ông đang gia tăng số lượng các mối đe dọa và các cuộc diễn tập quân sự hung hãn. Điều này dường như nhằm gieo rắc nỗi sợ hãi đối với người Mỹ và các đồng minh, những người có lý do chính đáng muốn tránh một cuộc chiến không cần thiết khác.
Bài bình luận
Các quan chức Mỹ cho biết Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) có thể sẵn sàng tham chiến chống lại nền dân chủ của Đài Loan sớm nhất là vào năm 2027, chỉ 4 năm kể từ bây giờ. Một cuộc xung đột ở mức độ này rất có thể sẽ lôi kéo thêm Hoa Kỳ và các đồng minh, bao gồm Nhật Bản, Úc, Philippines và Vương quốc Anh.
Các mối đe dọa và các hành động đe dọa trong trường hợp không có chiến tranh là một phần trong chiến dịch chiến tranh tâm lý của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nhằm khiến chúng ta (và Đài Loan) phải đầu hàng mà không cần chiến đấu.
Gần đây nhất, một tàu khu trục của hải quân Trung Quốc đã phát sóng siêu âm vào các thợ lặn Úc trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Nhật Bản. Vào ngày 14/11, các thợ lặn Úc trên tàu khu trục HMAS Toowoomba đang cố gắng gỡ lưới đánh cá khỏi chân vịt thì một tàu của Trung Quốc tiếp cận. Tàu Úc đã hai lần thông báo cho tàu khu trục Trung Quốc về việc lặn của họ và yêu cầu tàu này tránh xa, nhưng tàu này đã tiến lại gần hơn. Việc phía Trung Quốc bật hệ thống định vị thủy âm (sonar) đã khiến một thợ lặn hải quân Úc bị thương nhẹ.
Mặc dù Bắc Kinh phủ nhận vụ tấn công các thợ lặn Úc, nhưng động thái này hoàn toàn nhất quán với các hành động gây hấn gần đây của PLA đối với Mỹ, Đài Loan, Nhật Bản và Philippines, bao gồm cả việc sử dụng tia laser cấp độ quân sự đối với các phi công Mỹ và Úc cũng như hải quân Philippines.
Các máy bay chiến đấu của Trung Quốc bay gần Đài Loan trong đoạn video do Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) của Trung Quốc phát sóng, ngày 7/8/2022. (Ảnh chụp màn hình do The Epoch Times cung cấp)
Những sự cố đe dọa này xảy ra ngay cả khi ông Tập tuyên bố mong muốn có tình hữu nghị với tất cả các quốc gia, chẳng hạn như tại bữa tối ngày 15/11 ở San Francisco (Mỹ). Trong sự kiện này, ông đã mời một số lượng lớn các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ đến tham dự.
Trong bữa tối, những ý định tốt đẹp và mối quan tâm của ông Tập về những người nghiện fentanyl ở Mỹ đều là những lời dối trá trắng trợn. Trước cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Joe Biden, ông Tập đã từ chối hợp tác trong cuộc chiến chống ma túy với Hoa Kỳ để trả đũa chuyến thăm Đài Loan của cựu Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi vào năm 2022.
Theo hãng tin Reuters, ông Tập đã đe dọa gây chiến với Đài Loan vào cùng ngày diễn ra bữa tối, kể cả ngay trước mặt Tổng thống Joe Biden. Chắc hẳn ông ta tin rằng tất cả chúng ta đều là những kẻ ngốc.
Theo Reuters, “Một quan chức Mỹ mô tả đã một cuộc trao đổi về vấn đề Đài Loan, hòn đảo dân chủ mà Trung Quốc tuyên bố là lãnh thổ của mình”.
“Quan chức Mỹ cho biết, ông Tập nói với ông Biden rằng ‘Ưu tiên của Trung Quốc là thống nhất một cách hòa bình với hòn đảo Đài Loan mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền’. Tuy nhiên, ông Tập tiếp tục đề cập đến các điều kiện có thể sử dụng vũ lực”.
Tờ The Washington Post đưa tin về hội nghị thượng đỉnh giữa ông Tập và ông Biden như sau: “Ông Tập đã cảnh báo ông Biden một cách hung hăng rằng Mỹ không nên trang bị vũ khí cho Đài Loan, đồng thời kêu gọi ông Biden không ủng hộ Phó Tổng thống Đài Loan Lại Thanh Đức trong cuộc tranh cử tổng thống trước thềm cuộc bầu cử vào tháng 1/2024”.
Vào mùa hè, PLA đã đe dọa đánh chìm một tàu sân bay và đội tàu hỗ trợ của Mỹ (bao gồm các tàu khu trục và tàu tuần dương) bằng cách công bố một cuộc tập trận được cho là một cuộc tấn công bằng 24 hỏa tiễn siêu thanh của Trung Quốc sẽ “chắc chắn đánh chìm toàn bộ hạm đội Mỹ”. Đài Loan tái diễn cuộc tập trận này và thu được kết quả tích cực hơn. Hòn đảo dân chủ cho rằng mối đe dọa là một hình thức chiến tranh tâm lý.
Theo cựu Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, ông Tập cũng từng đe dọa gây chiến với Philippines vào năm 2017 nếu Philippines chuyển sang thực thi luật pháp quốc tế tại vùng đặc quyền kinh tế của nước này ở Biển Đông.
Vào năm 2021, các phương tiện truyền thông nhà nước của Trung Quốc đã đưa ra cảnh báo tấn công Úc bằng "hỏa tiễn tầm xa" nếu Úc ủng hộ Đài Loan chuẩn bị chiến tranh.
Chính phủ Trung Quốc thường xuyên bao vây Đài Loan bằng lực lượng hải quân và không quân theo cách khiêu khích, bao gồm cả việc băng qua đường trung tuyến ở eo biển Đài Loan. Trung Quốc và Nga thường xuyên tấn công các vùng phòng không của Nhật Bản bằng các chuyến bay quân sự trong nhiều năm, thường là hàng ngày.
Theo một số quan chức Mỹ, ngay cả khi "trang bị vũ khí đến tận răng" cho Đài Loan là cách tốt nhất để răn đe ĐCSTQ, thì Hải quân Mỹ vẫn sa lầy vào “sự chậm trễ quan liêu”. Do đó, các đồng minh châu Á của chúng ta, đặc biệt là Úc, nên tự trang bị vũ khí thay vì xoa dịu ông Tập. Rõ ràng là ông Tập đang cố gắng sử dụng những lời đe dọa, nhiều trong số đó có thể là vô căn cứ, để đạt được những nhượng bộ.
Khi Hải quân PLA tấn công các thợ lặn Úc vào ngày 14 tháng 11, Lãnh đạo Công đảng Úc Anthony Albanese, đang cố gắng khôi phục quan hệ với Bắc Kinh nhằm tăng cường xuất khẩu của Úc sang Trung Quốc, bao gồm than đá và rượu vang. Tuy nhiên, ngay cả một chính phủ phương Tây như vậy cũng là mục tiêu cho sự xâm lược tùy tiện và không chính đáng của ĐCSTQ.
Ông Albanese cuối cùng đã phá vỡ sự im lặng vào ngày 20/11, gần một tuần sau vụ phía Trung Quốc tấn công thợ lặn Úc. Ông cho biết vụ tấn công là “nguy hiểm, không an toàn và thiếu chuyên nghiệp” và đã “làm tổn hại quan hệ song phương”.
ĐCSTQ đang phản bội bạn bè của mình hoặc những người cố gắng tỏ ra thân thiện như trường hợp của ông Albanese. Đây sẽ là một lời cảnh báo cho thế giới và là mệnh lệnh để không khuất phục trước những “thủ đoạn” của Bắc Kinh. Thay vào đó, hãy thực hiện các biện pháp phòng thủ mạnh mẽ để kiểm soát và ngăn chặn ĐCSTQ trước khi quá muộn.
Quan điểm thể hiện trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.
(Theo The Epoch Times)
(ntdvn.net, Lam Giang biên dịch)
Anders Corr
Tác giả Anders Corr có bằng cử nhân / thạc sĩ Khoa học chính trị tại Đại học Yale (2001) và bằng tiến sĩ Quản trị nhà nước tại Đại học Harvard (2008). Ông là chủ nhiệm của Corr Analytics - nhà xuất bản của The Journal of Political Risk (Tạp chí Rủi ro Chính trị). Ông Anders Corr đã thực hiện nhiều nghiên cứu sâu rộng ở Bắc Mỹ, châu Âu và châu Á; và là tác giả của cuốn sách The Concentration of Power: Institutionalization, Hierarchy, and Hegemony (Tập trung quyền lực: Thể chế hóa, Hệ thống cấp bậc, và Bá quyền) và cuốn sách Great Powers, Grand Strategies: the New Game in the South China Sea (Những quyền lực lớn, những chiến lược lớn: Trò chơi mới trên Biển Đông).