(Cù Tuấn biên dịch)
Tóm tắt: Khoảng 100 người Ukraine mỗi ngày quay trở lại Ukraine tại một cửa khẩu biên giới không chính thức, mang theo những câu chuyện về sự đàn áp và nỗi sợ hãi về cuộc sống ở các vùng lãnh thổ do Nga kiểm soát.
Những người lính Nga đến nhà Evelina vào lúc gần nửa đêm với một thông điệp đáng lo ngại.
Evelina, một nhân viên xã hội cho đến tháng này vẫn sống dưới sự chiếm đóng của Nga ở miền đông nam Ukraine, kể lại “Họ nói, ‘Nếu trong hai tuần nữa chị không có sổ thông hành (passport) Nga, chúng tôi sẽ nói chuyện với chị theo cách khác’.”
Evelina không chờ đợi đến lúc đó. Thay vào đó, cô gói một ít tài sản vào vali và rời đi cùng cô con gái tuổi teen, hướng tới lãnh thổ do Ukraine kiểm soát.
Cô nói, ở những vùng đất do Nga cai trị, tình hình đã trở nên căng thẳng đến mức “bạn sợ phải nhìn ra ngoài cửa sổ của chính nhà mình”.
Bế tắc quân sự lan rộng khắp miền Đông Nam Ukraine đặt ra mối đe dọa an ninh tiềm ẩn đối với phần còn lại của đất nước này và đe dọa Âu châu với một thời gian dài bất ổn. Nhưng đối với khoảng 4 đến 6 triệu người Ukraine sống ở các khu vực do Nga nắm giữ, như Evelina, sự bế tắc có nghĩa là một điều gì đó đáng chán nản hơn: một sự chiếm đóng không có hồi kết.
Chỉ còn lại khoảng một nửa dân số và dưới sự cai trị quân sự khắc nghiệt, vùng lãnh thổ do Nga chiếm đóng, một khu vực có diện tích bằng Hà Lan, bị mắc kẹt trong tình trạng lấp lửng đáng lo ngại: lãnh thổ do Nga điều hành nhưng được hầu hết các quốc gia coi là thuộc Ukraine.
Nhân khẩu học ở những khu vực này đang thay đổi khi những người trong độ tuổi lao động bỏ trốn, khiến dân số trở nên già hơn và nghèo hơn.
Lính Nga trú ngụ trong những ngôi nhà bỏ hoang và tội phạm gia tang. Các doanh nhân Nga đang thúc đẩy mạnh mẽ các chủ doanh nghiệp địa phương bán đi các cửa hàng và trang trại, và những người di cư Trung Á đã xuất hiện để buôn bán ở chợ và làm công nhân.
Việc khám xét nhà trở thành chuyện cơm bữa. Serhiy, 41 tuổi, người đã rời thành phố Enerhodar trong tháng này, cho biết căn hộ của anh đã bị 3 binh sĩ lục soát. Anh ta nói “Một người đứng ở cầu thang với một khẩu súng và hai người còn lại vào trong và lục lọi đồ đạc của bạn.”
Sự đàn áp, bao gồm tra tấn tại các địa điểm giam giữ tạm thời dưới tầng hầm, nhắm vào những người bộc lộ quan điểm thân Ukraine, làm thay đổi bộ mặt chính trị của khu vực theo hướng có lợi cho Nga nhưng cũng làm thay đổi bối cảnh văn hóa khỏi ngôn ngữ và bản sắc Ukraine.
Nga hiện kiểm soát khoảng 17% đất đai Ukraine, một vùng đất nông nghiệp, làng mạc và thành phố rộng lớn hình bán nguyệt ở phía đông nam. Khu vực này bị cấm đối với các nhóm nhân quyền và hầu hết các phóng viên độc lập, nhưng lời kể của những người đã rời khỏi khu vực bị chiếm đóng đã mở ra một góc nhìn vào khu vực này của Ukraine.
Evelina đã đi một con đường bất thường nhưng ngày càng phổ biến để quay lại lãnh thổ do Ukraine kiểm soát: đi vào sâu trong nước Nga, đi về phía bắc và phía tây, sau đó quay trở lại Ukraine qua một cửa khẩu biên giới không chính thức gần thành phố Sumy phía bắc.
Con đường đó được khoảng 100 người Ukraine đi mỗi ngày. Họ thuê tài xế hoặc đi phương tiện công cộng ở Nga để đến biên giới. Từ đó, họ ròng rã đi bộ tới Ukraine, một dòng người mỏng manh gồm những gia đình kiệt sức đi bộ hai dặm trên con đường nông thôn gồ ghề giữa quân đội 2 nước, một hành lang hòa bình khó có thể xảy ra giữa hai quốc gia đang chiến đấu trong một cuộc chiến tranh bạo lực.
Lực lượng biên phòng làm việc trong khu vực cho biết, quân đội sử dụng lối đi này để trao đổi thi thể và tù nhân, đồng thời đã đàm phán về một thỏa thuận ngừng bắn không chính thức mà hầu hết vẫn được duy trì. Dân thường biết đến địa điểm này và những người có hộ chiếu Ukraine đã lợi dụng lệnh ngừng bắn không chính thức để đi thoát khỏi vùng chiếm đóng.
Khi đến nơi, họ nghỉ ngơi một thời gian tại một ngôi trường được cơ quan tình báo Ukraine sử dụng để thẩm vấn, được gọi là địa điểm thanh lọc. Trong các cuộc phỏng vấn, họ mô tả sự đàn áp và tàn bạo của Nga nhưng cũng mô tả hoạt động của chính quyền địa phương và hệ thống phúc lợi khi Nga củng cố quyền kiểm soát.
Đối với Evelina, nỗi sợ bị bắt và nỗi lo lắng ngày càng tăng của con gái đã thúc đẩy cô rời đi.
Trong mùa hè, có vẻ như quê hương của cô sẽ sớm được đổi chủ. Nó chỉ nằm cách điểm mà cuộc phản công của Ukraine bắt đầu vào tháng 6 chỉ 40km và là mục tiêu chính trong nỗ lực đánh bật quân Nga ra khỏi miền nam Ukraine. Nhưng cuộc tấn công bị đình trệ sau khi quân Ukraine tiến được khoảng 17km.
Vào thời điểm cô rời đi trong tháng 11/2023, Evelina cho biết, khoảng một nửa dân số đã chấp nhận sự chiếm đóng. Họ đã nhận được hộ chiếu Nga và các khoản lương hưu hoặc phúc lợi. Cô từ chối nêu tên thị trấn và giống như những người khác được phỏng vấn cho bài báo này, cô yêu cầu giữ kín họ của mình vì lý do an toàn.
Cô nói, họ sống cùng với hàng trăm binh sĩ Nga đóng quân trong những ngôi nhà bỏ hoang và những người dân tộc Azerbaijan mới đến, bán hàng ở chợ địa phương.
Chuyến viếng thăm nhà cô vào đêm khuya của những người lính và lời đe dọa của họ – một hoạt động trị an mà những người di tản khác cho là chuyện bình thường – khiến cô con gái 16 tuổi của cô khiếp sợ. Evelina nói “Con bé khóc, không nói chuyện và lấy chăn che mặt”.
Thông thường, chính quyền chiếm đóng địa phương bổ nhiệm một cộng tác viên làm lãnh đạo bù nhìn cho chính quyền địa phương hoặc khu vực trong khi một chỉ huy quân sự Nga thực hiện quyền kiểm soát trên thực tế đối với cộng đồng dân cư.
Để hỗ trợ kinh tế và chuyên môn trong chính quyền thành phố và địa phương, Nga đã thiết lập một thỏa thuận thành phố kết nghĩa, nơi các thành phố của Nga kết hợp với những thành phố bị chiếm đóng ở Ukraine. Ví dụ, chính quyền thành phố St. Petersburg đã đóng góp một số tài chính để tái phát triển Mariupol, thành phố cảng biển Azov bị san phẳng phần lớn trong một cuộc bao vây năm ngoái.
Các lãnh đạo địa phương bị chiếm đóng đã được mời làm việc ở Nga nếu họ làm tốt, thiết lập con đường sự nghiệp khuyến khích những người Nga và cộng tác viên có năng lực giữ các vị trí ở Ukraine bị chiếm đóng. Ví dụ, một phó lãnh đạo vùng Donetsk bị chiếm đóng đã trở thành thống đốc vùng Omsk thuộc Siberia ở Nga.
Những cơ hội nghề nghiệp đó nảy sinh cho các cộng tác viên ngay cả khi họ khiến người dân địa phương phải chịu sự lãnh đạo dường như không đạt tiêu chuẩn.
Chẳng hạn, một người đàn ông từng điều hành một doanh nghiệp cung cấp diễn viên ông già Noel cho các bữa tiệc ngày lễ đã trở thành người đứng đầu khu vực Donetsk vào năm 2014, khi quân đội Nga và các tay súng ủy quyền chiếm giữ các vùng ở miền Đông Ukraine. Năm ngoái vợ ông trở thành phó tỉnh trưởng vùng Kherson.
Theo một nghiên cứu được công bố vào mùa thu năm nay bởi David Lewis, một thành viên cấp cao tại Viện Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia, một viện nghiên cứu có trụ sở tại London, các chính sách chiếm đóng của Nga cũng đã mang lại lợi ích kinh tế cho các cộng tác viên và người Nga kết hợp chính trị, kinh doanh và tội phạm có tổ chức.
Ông Lewis viết: “Có một loạt lợi ích kinh doanh, các nhóm tội phạm, công ty quân sự tư nhân và các tiểu đoàn 'tình nguyện' đáng kinh ngạc, nhiều trong số đó kết hợp chặt chẽ giữa hệ tư tưởng, chiến tranh và kinh doanh”.
Một quy trình pháp lý cho phép tài sản bị những người Ukraine chạy trốn bỏ lại sẽ được giao cho người khác quản lý, điển hình là các doanh nhân Nga.
Nhưng người Nga quản lý việc chiếm đóng chủ yếu thông qua đàn áp, để lại bằng chứng về việc giam giữ, tra tấn và giết chóc ở bất cứ nơi nào họ rút lui. Các tình nguyện viên tại điểm vượt biên gần Sumy cho biết người Ukraine đến đây với những lời kể đau lòng về các tội ác chiến tranh, diễn ra vài lần một tuần.
Một người phụ nữ tên Olha kể lại việc binh lính đã vào nhà cô và dùng chảo rán đánh chồng cô, buộc tội anh ta thuộc lực lượng kháng chiến ngầm Ukraine. Cô kể, khi họ đánh anh, họ hét lên: “Mày đang giúp ai vậy?”
Cô nói, sau đó là một màn thẩm vấn quái ác.
Quân lính chia tách đôi vợ chồng. Olha cho biết sau đó họ nói với cô rằng chồng cô đã thú nhận là gián điệp, khuyến khích cô cũng đổ lỗi cho anh ta. Olha cho biết chồng cô đã bị giam cầm và thi thể của anh sau đó được tìm thấy trong một khu rừng bên ngoài thị trấn.
Điển hình hơn, người Ukraine kể lại áp lực hàng ngày ép phải làm hộ chiếu Nga và kể về việc mọi người sẽ bị giam giữ nếu họ tình cờ nghe được lời nói xấu Tổng thống Nga Vladimir V. Putin.
Chính quyền Ukraine cho biết họ không phản đối việc người Ukraine lấy hộ chiếu Nga để tránh bị bắt hoặc được phép đi lại.
Ivan Fedorov, thị trưởng Melitopol, người đã trốn sang lãnh thổ do Ukraine kiểm soát trong những tháng sau khi thành phố của ông bị quân Nga chiếm giữ, cho biết: “Sống mà không có hộ chiếu Nga ở các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng tạm thời là rất khó khăn và nguy hiểm”.
Tetyana Korobkova, nhà tâm lý học tư vấn cho những người vượt biên trong trạng thái tâm lý bất ổn, cho biết những người lớn tuổi thường lo lắng về ngôi nhà hoặc trang trại mà họ đã bỏ lại phía sau. Họ cảm thấy rằng công sức cả đời đã bị đổ sông đổ bể và dường như họ có rất ít cơ hội để lấy lại các tài sản trên, trừ phi có những bước tiến về quân sự của Ukraine.
Bà Korobkova cho biết những phụ nữ trẻ chạy trốn qua biên giới đã bị cưỡng hiếp. Và các bậc phụ huynh lo lắng con mình sẽ vô tình bộc lộ quan điểm chống Nga của gia đình khi đi học. Bà nói: “Họ hỏi các em những câu hỏi ranh ma ở trường học. Nếu trẻ trả lời sai thì họ sẽ đến gặp bố mẹ các em”.
Nhiều người di tản thấy mình rơi vào tình trạng lơ lửng về mặt cảm xúc, không thể hoàn toàn cam kết với cuộc sống mới trong môi trường xung quanh mới và có lẽ họ hy vọng một ngày nào đó họ sẽ trở về quê hương của mình.
Mykola, 64 tuổi, chạy trốn khỏi Enerhodar, một thành phố trên sông Dnipro với dân số trước chiến tranh khoảng 50.000 người. Ông ước tính vẫn còn khoảng 8.000 người ở lại đó.
Mykola không hối hận khi ra đi. Ông nói, thành phố này và phần lớn vùng Ukraine bị chiếm đóng “giống như khu vực Chernobyl”, một khu vực gồm những thị trấn trống rỗng, kỳ lạ bị bỏ hoang sau thảm họa hạt nhân năm 1986.
Ông nói, các tấm pano quảng cáo trong thành phố tuyên bố: “Enerhodar mãi mãi thuộc về nước Nga”.
Cù Tuấn biên dịch.