(Ảnh: SBS)

 

Gần mười triệu người đủ điều kiện sẽ đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử ở Campuchia, và một lần nữa, thủ tướng đương nhiệm Hun Sen cùng Đảng Nhân dân Campuchia cầm quyền của ông dự kiến vẫn sẽ chiếm ưu thế. Các tổ chức nhân quyền nói rằng cuộc bầu cử không khác gì hơn là một màn độc diễn, với việc đảng đối lập chính của Campuchia bị cấm và một số thành viên của đảng này bị bắt bỏ tù.

 

Rong Chhun là một nhà lãnh đạo công đoàn nổi tiếng, người bênh vực cho một số công nhân yếu thế nhất ở Campuchia.

 

Năm nay, ông tham gia Đảng đối lập có tên là Thắp Nến Candlelight với tư cách là phó chủ tịch.

 

Nhưng đảng này đã không đủ tư cách tham gia cuộc bầu cử năm 2023 vì theo ủy ban bầu cử, Thắp Nến Candlelight đã không cung cấp được các tài liệu phù hợp để đăng ký.

“Các cuộc bầu cử sắp tới sẽ không tự do và công bằng vì sự vắng mặt của Đảng Thắp Nến Candlelight. Khi mà một đảng chính trị có sức mạnh thực sự để thách thức đảng cầm quyền không thể tham gia thì như vậy các quyền tự do đã bị tổn hại."

 

Cấm phe đối lập chỉ là một cách để Đảng Nhân dân Campuchia cầm quyền được bảo đảm chiến thắng.

 

Trước cuộc bầu cử, luật bầu cử đã được thay đổi để coi việc tổ chức tẩy chay là một tội hình sự và bất kỳ ai không bỏ phiếu lần này sẽ không thể tranh cử với tư cách ứng cử viên trong các cuộc bầu cử trong tương lai.

 

Đảng Thắp Nến Candlelight cho biết một số thành viên của họ đã bị bỏ tù trong những tuần gần đây, trong đó có hai người bị cáo buộc xúi giục cử tri hủy các lá phiếu của họ.

“Trong vài ngày qua, các đồng nghiệp của tôi lần lượt bị bắt. Đêm 14 tháng 7, chúng bắt ông Ly Ry và ông Bun Kheit phụ trách hoạt động và tổ công tác tại Phnôm Pênh.”

 

Với việc phe đối lập chính bị đẩy ra ngoài cuộc, Đảng Nhân dân Campuchia cầm quyền không có đối thủ thực sự trong số 17 đảng khác trong cuộc bỏ phiếu.

 

iều này cho thấy trước kết quả rằng 38 năm cầm quyền của Thủ tướng Hun Sen sẽ còn tiếp tục.

 

Phil Robertson là Phó Giám đốc Ban Châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền.

“Đảng Thắp Nến Candlelight là đảng đối lập chính. Đây là một tổ chức thực sự có được những sự hỗ trợ và những hoạt động quan trọng ngay trong nước. Rõ ràng đây là đảng đối lập quan trọng nhất ở Campuchia. Nó đã giành được khoảng 22% phiếu bầu trong cuộc bầu cử cấp tỉnh vào năm ngoái, một con số không đáng kể. Chúng tôi kỳ vọng rằng ít nhất họ sẽ làm tốt như vậy nếu được phép tranh cử. Tất nhiên, vấn đề là giấy tờ mà họ đã nộp cho cuộc bầu cử toàn quốc năm nay cũng là những giấy tờ họ đã nộp vào trong cuộc bầu cử cấp tỉnh vào năm 2022, nhưng lần này thì họ đã bị từ chối. Chúng tôi tin rằng việc từ chối này là tùy tiện, không công bằng và có động cơ chính trị. Bởi vì Ủy ban Bầu Cử Campuchia NEC và các thành viên của nó đều do Đảng Nhân dân Campuchia cầm quyền chỉ định và bị họ kiểm soát chặt chẽ.”

 

Úc là một trong số các quốc gia bày tỏ lo ngại khi Đảng Thắp Nến bị cấm vào tháng Năm.

 

Và trong một tuyên bố với SBS News, phát ngôn nhân của Department of Foreign Affairs and Trade Australia ( Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc cho biết Úc) đang và sẽ tiếp tục ủng hộ nền dân chủ và phát triển của Campuchia.

 

Nhưng Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho biết chính phủ Úc vẫn tiếp tục hợp tác với chính phủ Hun Sen, bất chấp sự suy giảm dân chủ và pháp quyền.

“Thay vì lên án mạnh mẽ những loại mánh khóe này, thì chúng ta đang thấy một số xoa dịu. Tôi rất bất ngờ khi Bộ Ngoại giao và Thương mại vừa cử một phái viên thương mại sang ký hiệp định và phát hành một cuốn sách về cách thức đầu tư vào Campuchia. Đây chính xác là thông điệp sai lầm mà Úc gửi đi, chỉ 12 ngày trước cuộc bầu cử. Nó thực sự gây sốc."

 

Hun Sen đã từng là một thành viên của Khmer Đỏ, nhưng nói rằng ông đã trốn sang Việt Nam vào năm 1977.
 

Đối với những người ủng hộ, ông đã lèo lái đất nước vượt qua những năm hậu nội chiến và hiện đang chứng kiến Campuchia trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trên thế giới.

 

Sắp bước sang tuổi 71, một trong những nhà lãnh đạo tại vị lâu nhất thế giới và không ngạc nhiên khi ông nghỉ hưu thì quyền lực sẽ được chuyển giao cho con trai mình.

 

Hun Manet 45 tuổi hiện là người đứng đầu quân đội và phó tư lệnh quân đội.

 

Ông tốt nghiệp học viện quân sự West Point của Hoa Kỳ, viện đào tạo danh giá bậc nhất thế giới và có bằng thạc sĩ kinh tế tại Đại học New York, cũng như bằng tiến sĩ kinh tế tại Đại học Bristol của Anh.

 

Nhưng không có gì bảo đảm rằng sẽ có những thay đổi trong chính sách đối nội và đối ngoại của Campuchia sau khi ông kế quyền cha mình.

 

Kin Phea là Tổng Giám đốc Viện Quan hệ Quốc tế tại Học viện Hoàng gia Campuchia.

“Điều chúng tôi mong đợi là phong cách lãnh đạo sẽ thay đổi vì Hun Manet và cha của ông ấy có nền tảng giáo dục khác nhau. Thủ tướng Hun Sen khi còn trẻ là một quân nhân. Ông ấy đã chiến đấu rất nhiều trên chiến trường. Nhưng Hun Manet có trình độ học vấn rất cao ở các quốc gia tự do như Mỹ và Anh. Vì vậy, những gì chúng tôi mong đợi là phong cách lãnh đạo có thể thay đổi, nhưng chính sách và chiến lược khác sẽ không thay đổi nhiều. Vì đảng đã vạch ra đường lối, sách lược cho 5 năm, 20 năm cho chính phủ rồi.”

 

Với kết quả bầu cử không còn nghi ngờ gì nữa, câu hỏi đặt ra là chừng nào thì việc chuyển giao quyền lực từ cha sang con sẽ diễn ra.