Ngày 26-8, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Teodoro Locsin Jnr tuyên bố Manila sẽ tìm đến sự giúp đỡ từ thỏa thuận quốc phòng với Mỹ nếu bị Trung Quốc tấn công trên biển Đông.

 

 

Trong chương trình trò chuyện buổi sáng của kênh tin tức ANC, ông Locsin nói Manila sẽ tiếp tục tuần tra trên không tại biển Đông bất chấp việc Bắc Kinh kêu gọi chấm dứt hành động họ mô tả là “khiêu khích bất hợp pháp”.

 

 

“Nếu có điều gì đó xảy ra ngoài sự xâm phạm, ví dụ như một cuộc tấn công nhắm vào tàu hải quân Philippines, tôi sẽ gọi cho Washington” – tờ South China Morning Post dẫn lời ông Locsin. Khi được người dẫn chương trình hỏi Manila sẽ gọi Mỹ trong những trường hợp nào, bộ trưởng ngoại giao Philippines từ chối tiết lộ chi tiết vì “bản chất của chiến lược răn đe là không chắc chắn”.

 

 

Bình luận của ông Locsin đánh dấu lần đầu tiên chính quyền Tổng thống Rodrigo Duterte công khai khẳng định sẽ nhờ Washington giúp đỡ trong bối cảnh các cuộc xung đột giữa Manila và Bắc Kinh diễn ra trong vùng biển tranh chấp.

 

 

 

 

 

Những chiếc máy bay trên tàu một sân bay Mỹ ở biển Đông. Ảnh: EPA

 

 

 

 

 

Hồi đầu tháng 8, ông Locsin đã trò chuyện với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo sau khi Washington bác bỏ tuyên bố của Trung Quốc đối với tuyến đường thủy giàu tài nguyên đang tranh chấp và cho biết Mỹ sẽ hỗ trợ các nước cho rằng Bắc Kinh đang vi phạm tuyên bố của chính họ.

 

 

Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ, ông Pompeo và người đồng cấp Philippines đã “trao đổi về sự thay đổi gần đây trong chính sách của Mỹ về các tuyên bố lãnh thổ trên biển Đông, sự ủng hộ của Mỹ với các nước ven biển Đông Nam Á và các cơ hội hợp tác sâu sắc hơn đối với hàng hải Mỹ – Philippines”.

 

 

Trong khi Trung Quốc phản đối Mỹ vì “can thiệp” vào tranh chấp chủ quyền trên biển Đông, ông Locsin lại cho rằng sự hiện diện của cường quốc phương Tây trong khu vực “có lợi” cho Philippines. “Một lần nữa, chúng ta đã có sự cân bằng về quyền lực. Đúng vậy, chúng ta cần sự hiện diện của Mỹ tại châu Á” – bộ trưởng ngoại giao Philippines nhấn mạnh.

 

 

Đây là lí do vì sao ông Locsin phản đối các ý kiến cho rằng các thế lực nước ngoài không nên tham gia thảo luận về Bộ Quy tắc Ứng xử trên biển Đông.  

Ông Locsin nói thêm “Là một nhà ngoại giao, tôi có thể nói rằng tôi sẽ không từ biện pháp nào để bảo vệ chủ quyền và tự do của đất nước, kể cả điều tồi tệ nhất”