Dịch tả lợn châu Phi khiến nguồn thịt đông lạnh dự trữ của Bắc Kinh bị giảm mạnh, giá thịt lợn tăng mạnh (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images)
Dịch tả lợn châu Phi khiến nguồn thịt đông lạnh dự trữ của Bắc Kinh bị giảm mạnh, giá thịt lợn tăng mạnh. Trung Quốc buộc phải tăng nhập khẩu lợn từ Mỹ, số lượng nhập khẩu cao hơn cả trước thương chiến. Việt Nam cần dè chừng khi thị trường thịt lợn trong nước có thể bị tăng giá khiến lạm phát tăng cao bởi cầu từ Trung Quốc.
Giá thịt lợn tăng cao, kho dự trữ của Trung Quốc cạn kiệt
Dịch tả lợn châu Phi khiến nguồn thịt đông lạnh dự trữ của Bắc Kinh bị giảm mạnh, cũng là nguyên nhân gây thiếu hụt lợn con trong các trang trại lớn ở Lang Phường, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc.
Hai năm sau khi dịch tả lợn châu Phi xuất hiện và hoành hành tại Trung Quốc đã khiến quốc gia này gần như cạn kiệt nguồn thịt dự trữ. Cảnh báo sự thiếu hụt nguồn cung trầm trọng cho thị trường tiêu thụ protein hàng đầu thế giới.
Trung Quốc là nước sản xuất, tiêu thụ và nhập khẩu thịt lợn lớn nhất thế giới. Trữ lượng thịt lợn trong kho là một chiến lược và là bí mật quốc gia. Tuy nhiên, tổ chức tư vấn Enodo Economics tại London, Anh ước tính mức dự trữ thịt lợn đông lạnh của Trung Quốc đã giảm 452.000 tấn trong khoảng thời gian từ tháng 9/2019 đến tháng 8/2020, lượng dự trữ còn lại chưa đến 100.000 tấn.
Trưởng ban Kinh tế của tổ chức tư vấn Enodo Economics, bà Diana Choyleva, nhận định "Với tốc độ này, kho dự trữ sẽ cạn kiệt trong 2-3 tháng tới".
Nhận định của bà Choyleva được củng cố hơn nữa khi tùy viên nông nghiệp Hoa Kỳ tại Bắc Kinh có cùng ý kiến với, với lưu ý trong một báo cáo chăn nuôi gần đây rằng "dự trữ thịt lợn của Trung Quốc có thể cạn kiệt vào quý 3/2020".
Kể từ khi tả lợn châu Phi xuất hiện, đàn lợn của Trung Quốc đã bị tổn thất hơn 100 triệu con khiến giá thịt lợn liên tục lập kỷ lục. Để ứng phó với tình trạng thiếu hụt nguồn cung và bình ổn giá cả, Trung Quốc quyết định đưa lượng hàng dự trữ trong kho ra thị trường nội địa. Giá thịt sau đó đã được hạ nhiệt so với đỉnh điểm nhưng vẫn còn ở mức cao. Giá bán buôn giao ngay hiện đang cao gấp 2 lần so với mức trước khi dịch bùng phát, xấp xỉ 47 NDT/kg (khoảng 7 USD/kg).
Theo dữ liệu công bố chính thức, giá thịt lợn tiêu dùng đã tăng hơn 50% trong tháng 8/2020 so với cùng kỳ năm 2019. Nguồn dự trữ thịt có vai trò bình ổn giá hơn việc thay thế nguồn cung khan hiếm. Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cũng đồng thời cảnh báo “khả năng can thiệp trực tiếp vào thị trường thịt lợn của Bắc Kinh sẽ bị hạn chế trong nửa cuối năm 2020 và cả năm 2021”.
Thiếu hụt nguồn cung trầm trọng, Trung Quốc thành thị trường tiêu thụ thịt lớn nhất thế giới
Dù Chủ tịch Tập Cận Bình nỗ lực thúc đẩy nguồn cung trong nước, nhưng sự thiếu hụt đã buộc Trung Quốc phải nhập khẩu lượng thịt kỷ lục trong năm nay từ các nhà sản xuất hàng đầu thế giới, bao gồm cả Mỹ. Lượng thịt nhập khẩu đạt mức 430.000 tấn trong tháng 7/2020, tăng hơn gấp 2 lần với năm 2019.
Justin Sherrard, chiến lược gia toàn cầu về protein động vật tại Rabobank, cho biết “Trung Quốc là quốc gia tiêu thụ thịt lớn nhất thế giới và nhu cầu nhập khẩu đạt mức kỷ lục trong năm nay”.
Báo cáo của USDA chỉ ra, mức tiêu thụ thịt lợn trung bình của Trung Quốc trong 5 năm qua ở mức 50 triệu tấn/năm.
Darin Friedrichs, một chuyên gia phân tích của công ty môi giới hàng hóa StoneX tại Thượng Hải, nhận định rằng việc nhập khẩu thịt lợn gia tăng vì nguồn dự trữ cạn kiệt "sẽ có tác động lớn" đến giá thịt lợn.
“Việc mở kho dự trữ là động tác để chứng minh chính phủ Trung Quốc đang hành động. Doanh thu từ các nguồn thịt dự trữ của Bắc Kinh thể hiện rằng họ đang làm gì đó”, ông Friedrichs cho biết.
Giá thịt lợn tăng cao hấp dẫn nông dân Trung Quốc quay trở lại tái đàn và mở rộng đàn bất chấp cảnh báo virus gây chết lợn vẫn còn khả năng bùng phát. Theo đó, giá lợn con và thức ăn chăn nuôi cũng bị đẩy lên. Giá đậu tương trên sàn giao dịch ở Chicago, Mỹ đã tăng hơn 10 USD/dạ trong tháng 9/2020, mức giá cao nhất trong 2 năm qua.
Sự phụ thuộc vào nguồn thịt nhập khẩu khiến Bắc Kinh phải gồng mình gánh thêm một khó khăn về chính trị.
Cuối năm 2019, sau 4 tháng gián đoạn, Trung Quốc đã khôi phục lại việc nhập khẩu thịt lợn từ Canada. Một quan chức Bộ Ngoại giao Trung quốc “lưu ý” đây không phải là dấu hiệu xoa dịu mối quan hệ giữa hai nước.
Tuần trước, Trung Quốc đã ra lệnh cấm nhập khẩu thịt lợn từ Đức, nơi dịch tả lợn châu Phi vừa được phát hiện, để “ngăn chặn dịch bệnh lây lan và bảo vệ ngành chăn nuôi trong nước”.
Mỹ hưởng lợi
Xuất khẩu thịt lợn của Mỹ sang Trung Quốc đã tăng vượt mức so với trước thời điểm chiến tranh thương mại.
Theo báo cáo của Panjiva, đơn vị nghiên cứu chuỗi cung ứng của S&P Global Market Intelligence, dẫn đầu là các lô hàng xuất khẩu từ Brazil, JBS SA JBSS3.SA và WH Group Ltd của Trung Quốc 0288.HK, chủ sở hữu của Smithfield Foods.
So với cùng kỳ năm 2017 và tính đến 31/8/2020, JBS xuất khẩu hơn 370% thịt lợn Mỹ sang Trung Quốc, liên kết xuất khẩu với WH Group tăng 90,1%. Trong khi đó, Springdale, Tyson Foods Inc TSN.N có trụ sở tại Arkansas, xuất khẩu thịt lợn sang Trung Quốc ít hơn 7,3%.
Tháng 4/2020, Tổng thống Mỹ Donald Trump ra lệnh cho các nhà máy chế biến thịt của Mỹ vẫn mở cửa hoạt động để đảm bảo nguồn cung thịt trong nước. Khi dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán bùng phát mạnh ở Mỹ, các nhà máy trên toàn quốc bị yêu cầu đóng cửa, Mỹ phải giảm xuất khẩu để tập trung đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa.
Tháng 6/2020, Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ Hoa Kỳ Elizabeth Warren và Cory Booker yêu cầu các công ty chế biến thịt cung cấp thông tin lượng thịt lợn xuất khẩu sang Trung Quốc.
JBS cho biết tổng thị phần thịt lợn của công ty xuất khẩu sang Trung Quốc chưa đến 10%. Xuất khẩu chủ yếu các sản phẩm như chân lợn và gan lợn mà người tiêu dùng Mỹ thường không ăn. Còn Smithfield nói với các thượng nghị sĩ rằng họ sẽ không ưu tiên cho các đối tác nước ngoài.
Trung Quốc đồng ý thỏa thuận nhập khẩu con số kỷ lục 36,5 tỷ USD hàng hóa trang trại của Mỹ trong thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 được ký kết vào tháng 1/2020. Dự kiến, thịt lợn là chìa khóa để đạt được con số này.
Nhu cầu nhập khẩu thịt của Trung Quốc sẽ còn tăng hơn nữa sau khi Bắc Kinh ra lệnh ngừng nhập khẩu từ Đức do quốc gia này đang bị bùng phát dịch tả lợn châu Phi.
Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, sản lượng thịt của Hoa Kỳ nhanh chóng phục hồi do các nhà máy đã mở cửa trở lại. Nguồn cung thịt lợn đông lạnh trong các công ty chế biến đạt mức cao nhất trong ba tháng vào tháng 8/2020.
Lạm phát có thể tăng do giá thịt lợn - Việt Nam cần cẩn trọng
Nhìn lại lịch sử, giá thịt lợn trong nước luôn có diễn biến cùng chiều với giá thịt lợn của “ông lớn láng giềng” Trung Quốc. Dự báo giá thịt lợn tại Trung Quốc và Việt Nam của tổ chức lương thực thế giới FAO cũng đi theo mối tương quan thuận chiều như vậy.
Giá thịt lợn Việt Nam trong quá khứ hay tương lai sẽ đều liên thông mạnh mẽ với thị trường thịt lợn tại Trung Quốc (nguồn FAO)
Giai đoạn 2015 - 2016, khi nguồn cung thịt lợn của Trung Quốc khan hiếm, giá thịt lợn trong nước tăng vọt, cầu tăng do xuất khẩu tiểu ngạch thịt lợn sang Trung Quốc tăng. Quãng thời gian này cũng khiến lạm phát tăng cao. Giá thịt lợn tăng kéo theo giá lương thực tăng, trong khi giá lương thực chiếm 4,6% trong tỷ trọng tính CPI (thời điểm năm 2015-2016, đã hiệu chỉnh quyền số này năm 2020).
Trong năm 2020, vào tháng 5 khi giá thịt lợn tăng vọt cũng đã tác động không nhỏ tới chỉ số giá trong nước. Tổng cục Thống kê cho biết, chỉ số giá tiêu dùng bình quân 5 tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm trước vẫn ở mức cao nhất trong 3 năm gần đây (tăng 4,39%). Bên cạnh các yếu tố mùa vụ (làm nhu cầu một số loại hàng hóa tăng) đẩy giá tăng, thì với quyền số tới 4,2% giá thịt lợn liên tục tăng cao chính là nguyên nhân làm CPI bình quân 5 tháng qua có mức tăng cao nhất trong 3 năm gần đây.
Do đó, sự khan hiếm nguồn cung thịt lợn và dự trữ thịt lợn từ Trung Quốc sẽ tác động không nhỏ tới sự ổn định giá cả trong nước. Vì thế, Việt Nam cần thận trọng trong việc ổn định nguồn cung và kế hoạch xuất khẩu thịt lợn sang Trung Quốc nhằm đảm bảo ổn định giá, tâm lý tiêu dùng cũng như tăng kim ngạch xuất khẩu thịt lợn bền vững.
(Theo ntdvn.com)