(Photo by Lina Selg/ANP/Sipa USA) Ảnh: SIPA USA / ANP/Lina Selg/ANP/Sipa USA
Tòa án Công lý Quốc tế vừa đưa ra một phán quyết mang tính lịch sử về nghĩa vụ khí hậu toàn cầu, mở ra khả năng yêu cầu bồi thường trong tương lai. Sau một chiến dịch kéo dài do các sinh viên luật tại các quốc đảo Thái Bình Dương khởi xướng, tòa án cao nhất thế giới đã tuyên bố rằng các quốc gia riêng lẻ có nghĩa vụ pháp lý trong việc đối phó với biến đổi khí hậu.
Một vấn đề mang tính sinh tồn ở quy mô toàn cầu.
Đó là cách mà tòa án cao nhất thế giới mô tả biến đổi khí hậu trong một phán quyết có thể tạo ra tác động trên phạm vi toàn cầu.
“Tòa án ghi nhận rằng hậu quả của biến đổi khí hậu là nghiêm trọng và lan rộng. Chúng ảnh hưởng đến cả hệ sinh thái tự nhiên và con người. Những hậu quả này nhấn mạnh tính cấp thiết và mối đe dọa sinh tồn mà biến đổi khí hậu đặt ra.”
Đây là một phán quyết mà nhiều người cho là có ý nghĩa quan trọng nhất trong lịch sử của tòa án.
Cốt lõi của phán quyết là: Tòa ICJ xác định rằng các quốc gia riêng lẻ có nghĩa vụ pháp lý trong việc đối phó với biến đổi khí hậu – và bất kỳ quốc gia nào không thực hiện nghĩa vụ đó có thể bị coi là đang vi phạm luật pháp quốc tế.
“Tòa án cho rằng một môi trường trong lành, lành mạnh và bền vững là điều kiện tiên quyết để thụ hưởng nhiều quyền con người – như quyền được sống, quyền được chăm sóc sức khỏe, và quyền có mức sống đầy đủ, bao gồm cả quyền tiếp cận nước sạch, thực phẩm và nhà ở. Quyền được sống trong một môi trường sạch, lành mạnh và bền vững bắt nguồn từ mối liên hệ mật thiết giữa quyền con người và việc bảo vệ môi trường."
Bên ngoài phiên tòa, những người hoạt động vì khí hậu tập trung theo dõi phán quyết qua màn hình lớn và reo hò suốt buổi xét xử kéo dài hai tiếng.
Vụ việc được đưa lên Tòa ICJ nhờ một chiến dịch kéo dài sáu năm do sinh viên luật từ Vanuatu và các quốc đảo Thái Bình Dương khác khởi xướng – và sau đó được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua.
Vishal Prasad – Giám đốc tổ chức Pacific Islands Students Fighting Climate Change, đơn vị dẫn đầu chiến dịch – cho biết tòa án đã gửi đi một thông điệp mạnh mẽ.
“Tôi thực sự vô cùng hạnh phúc với kết quả của ý kiến tư vấn lần này, và chúng tôi vẫn đang cố gắng tiếp nhận hết mọi điều – như có người nói, có lẽ tất cả chúng tôi hiện vẫn đang trong trạng thái sốc với những gì mà tòa đã trao cho chúng tôi. Tôi nghĩ đây là một thông điệp mạnh mẽ gửi tới tất cả chúng ta, đặc biệt là giới trẻ ở khắp nơi – rằng vẫn còn hy vọng, vẫn còn cơ hội, và vẫn còn lý do để chúng ta tiếp tục chiến đấu . Bởi như chúng tôi đã nói, phán quyết tư vấn này là một công cụ cho công lý khí hậu – và đúng là Tòa Công lý Quốc tế đã trao cho chúng tôi một công cụ đầy sức mạnh để tiếp tục cuộc đấu tranh đó. Chúng tôi vô cùng biết ơn.”
Theo yêu cầu của Liên Hợp Quốc, ý kiến tư vấn của tòa nhằm trả lời hai câu hỏi mang tính nền tảng:
Câu hỏi thứ nhất: Các quốc gia phải làm gì theo luật pháp quốc tế để bảo vệ môi trường khỏi khí thải nhà kính trong tương lai?
Câu hỏi thứ hai: Hệ quả pháp lý đối với các quốc gia gây ra thiệt hại môi trường – đặc biệt với các quốc đảo thấp và dễ bị tổn thương – sẽ là gì?
Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc, ông António Guterres, cho biết đây là một chiến thắng.
“Tôi hoan nghênh việc Tòa án Công lý Quốc tế đã đưa ra một ý kiến tư vấn mang tính lịch sử. Tòa đã khẳng định rõ rằng tất cả các quốc gia đều có nghĩa vụ theo luật pháp quốc tế trong việc bảo vệ hệ thống khí hậu toàn cầu. Đây là một chiến thắng cho hành tinh của chúng ta, cho công lý khí hậu, và cho sức mạnh của giới trẻ trong việc tạo ra sự thay đổi. Chính các bạn trẻ đến từ các quốc đảo Thái Bình Dương đã khởi xướng lời kêu gọi vì nhân loại này gửi đến thế giới. Và thế giới cần phải đáp lại. Như Tòa ICJ đã nêu rõ hôm nay, mục tiêu 1,5 độ C của Thỏa thuận Paris phải là nền tảng cho mọi chánh sách khí hậu, trong khuôn khổ các hiệp ước về biến đổi khí hậu hiện nay.”
Joie Chowdhury – luật sư cao cấp tại Trung tâm Luật Môi trường Quốc tế – đã phát biểu trước khi có kết quả, cho biết phán quyết lần này có thể mang lại hy vọng cho những cộng đồng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu.
“Đây là một vụ kiện mang tính lịch sử, khi các sinh viên Thái Bình Dương quyết định đưa vấn đề lớn nhất của thế giới lên tòa án cao nhất thế giới. Và hôm nay, tòa án đã giải quyết hai câu hỏi cốt lõi: Các quốc gia có nghĩa vụ pháp lý gì liên quan đến biến đổi khí hậu, và điều gì sẽ xảy ra nếu họ không thực hiện những nghĩa vụ đó? Điều này vô cùng quan trọng – có thể là một trong những phán quyết pháp lý có ảnh hưởng sâu rộng nhất trong thời đại của chúng ta – vì phạm vi vấn đề mà nó chạm đến liên quan trực tiếp đến cốt lõi của công lý khí hậu, và có thể mang lại hy vọng sống còn cho các cộng đồng và quốc gia đang chịu ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu trên toàn thế giới.”
Trong phiên điều trần kéo dài hai tuần hồi tháng Mười hai năm ngoái, hơn 100 quốc gia, tổ chức và chuyên gia đã lên tiếng trước tòa, với hy vọng tác động đến phán quyết cuối cùng.
Trong suốt quá trình đó, các quốc gia sản xuất nhiên liệu hóa thạch lớn – bao gồm cả Hoa Kỳ – lập luận rằng Thỏa thuận Paris năm 2015 là cơ chế đủ để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.
Dù Thỏa thuận Paris đã huy động được phản ứng toàn cầu đối với biến đổi khí hậu, các chuyên gia cho rằng nó chưa phát huy hiệu quả đủ nhanh.
Kể từ đó, Tổng thống Mỹ khi đó là Donald Trump đã rút hoàn toàn khỏi Thỏa thuận Paris, khi chánh quyền của ông ưu tiên nhiên liệu hóa thạch thay vì năng lượng sạch.
Sau khi phán quyết được công bố, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết Mỹ sẽ "xem xét ý kiến tư vấn của tòa trong những ngày và tuần tới".
Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres nói rằng dù lập trường của Mỹ là đáng lo ngại, nhưng "chánh phủ Mỹ không điều hành cả thế giới."
“Rõ ràng chánh quyền hiện tại là một trở ngại, nhưng không phải là trở ngại duy nhất. Chánh phủ Hoa Kỳ không kiểm soát mọi thứ. Đây là một nền kinh tế thị trường và một quốc gia phân quyền, nơi các bang có quyền lực rất lớn trong các vấn đề kinh tế và xã hội. Một điều tôi chắc chắn, đó là: những khoản đầu tư nhằm khai thác thêm các mỏ nhiên liệu hóa thạch mới sẽ hoàn toàn bị lãng phí. Vì vậy, mọi quyết định mở rộng khai thác nhiên liệu hóa thạch – dù ở Mỹ hay bất kỳ nơi nào khác – cũng chỉ là ném tiền qua cửa sổ.”
Vậy, phán quyết của tòa nói gì về nghĩa vụ của các quốc gia trong việc cắt giảm khí thải?
Dù đây là một ý kiến tư vấn không có tính ràng buộc pháp lý, nhưng nó được kỳ vọng sẽ có tác động lan rộng tới các tòa án, doanh nghiệp và cộng đồng trên toàn thế giới.
Mỗi quốc gia tham gia khuôn khổ đàm phán khí hậu của Liên Hợp Quốc đều có nghĩa vụ xây dựng các kế hoạch khí hậu thể hiện “mức độ tham vọng cao nhất có thể”.
Tòa án nhấn mạnh rằng việc không tuân thủ các cam kết cắt giảm khí thải có thể bị coi là hành vi vi phạm pháp luật quốc tế.
Jule Schnakenberg cho biết cô rất vui khi tòa án đã nêu rõ quan điểm về nhiên liệu hóa thạch.
“Tôi cho rằng ngôn ngữ của tòa liên quan đến nhiên liệu hóa thạch là vô cùng mạnh mẽ – và việc không loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch là một hành vi vi phạm pháp luật quốc tế. Đó là một tuyên bố rất mạnh mẽ, và điều này mang lại cho nhữn người vận động, luật sư, và những người hoạch định chánh sách một công cụ mạnh hơn rất nhiều – cả ở cấp quốc gia lẫn quốc tế.”
Phần gây tranh cãi nhất trong phán quyết của tòa là vấn đề bồi thường.
Tòa án cho biết, bất kỳ quốc gia nào vi phạm luật pháp quốc tế đều có nghĩa là chấm dứt hành vi đó và bảo đảm rằng sẽ không tái diễn trong tương lai.
Tòa cũng tuyên bố rằng các quốc gia chịu trách nhiệm cho những hành vi đó có thể bị buộc phải bồi thường đầy đủ cho các quốc gia bị thiệt hại – dưới hình thức khôi phục, đền bù thiệt hại, và các biện pháp thỏa mãn .
Trong quá trình điều trần, nhiều bên đã lập luận rằng các quốc gia phát thải lớn nhất thế giới cần phải trả tiền bồi thường cho các quốc gia khác – đặc biệt là các quốc đảo thấp ở Thái Bình Dương và vùng Caribe.
Bộ trưởng Biến đổi Khí hậu của Vanuatu, ông Ralph Regenvanu, cho biết ông hy vọng việc khai triển phán quyết này sẽ giúp thay đổi hiện trạng.
"Phán quyết hôm nay là một cột mốc lịch sử – và đã xác nhận điều mà các quốc gia dễ bị tổn thương như chúng tôi đã nói từ lâu và luôn biết rõ: rằng các quốc gia có nghĩa vụ pháp lý phải hành động trước biến đổi khí hậu. Những nghĩa vụ đó được quy định trong luật pháp quốc tế, trong luật nhân quyền, và trong các cam kết bảo vệ môi trường – điều mà chúng ta đã nghe Tòa nhắc đến rất nhiều lần. Và đây không phải là những lý tưởng mang tính mơ hồ, như một số người vẫn nghĩ. Tòa vừa xác nhận rằng đây là những nghĩa vụ có tính ràng buộc, và ý kiến tư vấn lần này đã làm rõ hậu quả pháp lý đối với các quốc gia không thực hiện đúng nghĩa vụ đó.”
(Theo SBS)