Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và nhà lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-Un (trái) tham dự tiệc chiêu đãi sau cuộc hội đàm của họ trên đảo Russky, vùng viễn đông Nga, ngày 25/4/2019. (Ảnh: Alexey Nikolsky/Sputnik/AFP qua Getty Images)

 

 

QUỐC TẾ - Theo bài báo của Financial Times đăng tải vào thứ Ba (26/3), Nga đã bắt đầu cung cấp dầu trực tiếp cho Bắc Hàn, vi phạm lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc (LHQ).

 

Tờ RT đưa tin, hình ảnh vệ tinh do Viện Nghiên cứu Dịch vụ Hoàng gia Anh (RUSI) cung cấp cho thấy ít nhất 5 tàu chở dầu Bắc Hàn đã cập cảng Vostochny ở Viễn Đông Nga trong tháng 3 để lấy dầu.

 

Lô hàng đầu tiên được thực hiện vào ngày 7/3, đánh dấu đợt giao hàng trực tiếp bằng đường biển đầu tiên từ Nga kể từ khi Hội đồng Bảo an LHQ áp đặt hạn ngạch nhập cảng dầu nghiêm ngặt đối với Bắc Hàn vào năm 2017.

 

LHQ yêu cầu các nước thành viên báo cáo việc cung cấp, bán và chuyển giao xăng dầu cho Bắc Hàn, đồng thời áp đặt hạn ngạch 500.000 thùng đối với lượng nhập cảng xăng dầu tinh chế hàng năm của Bình Nhưỡng.

 

Ông Hugh Griffiths, cựu điều phối viên nhóm chuyên gia LHQ giám sát lệnh trừng phạt Bắc Hàn, nhận định: "Hành động này tấn công trực diện vào chế độ trừng phạt đang bên bờ vực sụp đổ".

 

Bài báo khẳng định các tàu Bắc HànTriều Tiên đều là tàu chở dầu sản phẩm. Các tàu này cập cùng bến do công ty dầu mỏ Nga vận hành tại Vostochny và được bơm dầu trực tiếp.

 

Hình ảnh vệ tinh được cho là đã xác nhận rằng hai trong số những tàu chở dầu Bắc Hàn sau khi lấy hàng tại cảng Vostochny (Nga) đã chạy đến cảng Chongjin (Bắc Hàn) và dường như đang dỡ hàng.

 

 

Ông Joseph Byrne, nhà nghiên cứu tại RUSI, chia sẻ với Financial Times: "Những tàu mà chúng tôi ghi nhận tại các bến cảng Nga thuộc nhóm có tải trọng lớn nhất trong đội tàu Bắc Hàn và hoạt động liên tục. Một số tàu còn bị LHQ chỉ định cấm cập cảng nước ngoài, chứ đừng nói đến việc vận chuyển dầu".

 

Theo ấn phẩm, các nhà nghiên cứu RUSI ước tính lượng dầu được ghi nhận vận chuyển từ Cảng Vostochny có thể lên tới 125.000 thùng sản phẩm dầu - tương đương 1/4 hạn ngạch LHQ cho phép - chỉ trong vài tuần.

 

Hồi tháng Sáu năm ngoái, Ủy ban trừng phạt của Liên Hợp Quốc báo cáo rằng hoạt động xuất cảng dầu từ Moscow sang Bình Nhưỡng đã được nối lại vào tháng 12/2022 sau hai năm gián đoạn. Ngoại trưởng Bắc Hàn, Choe Sun Hui, khi đó khẳng định "hợp tác chiến lược" giữa hai nước chưa bao giờ mạnh mẽ đến vậy, đồng thời ví đây là "thời hoàng kim" mới trong quan hệ song phương.

 

 

 

Lượng dầu vận chuyển lên tới 125.000 thùng

Theo Financial Times, việc giao hàng diễn ra sau cáo buộc Bắc Hàn cung cấp hàng nghìn container đạn dược cho Nga vào tháng 8/2023. Các chuyên gia quân sự nhận định hành động này góp phần đáng kể vào nỗ lực chiến tranh của Moscow ở Ukraine.

 

RUSI cho biết cảng Vostochny cũng được sử dụng làm điểm đến cho các tàu Nga bị cáo buộc liên quan đến buôn bán vũ khí giữa hai nước.

 

Cựu điều phối viên Liên Hợp Quốc Griffiths nhận định: "Có vẻ như đây là thỏa thuận trao đổi vũ khí lấy dầu rõ ràng, vi phạm lệnh trừng phạt mà Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký trực tiếp”.

 

Theo RUSI, toàn bộ 5 tàu Triều Tiên đều tắt bộ thu phát tín hiệu trong hành trình đến cảng Vostochny. Một trong số đó, Paek Yang San 1, đã được Liên Hợp Quốc xác định vào năm 2018 là có liên quan đến vận chuyển dầu trái phép nhằm lách lệnh cấm vận, vốn hạn chế Bắc Hàn chỉ được phép nhập cảng 500.000 thùng/năm đối với dầu và các sản phẩm làm từ dầu mỏ.

 

Hoạt động giao hàng chỉ được coi là tuân thủ lệnh cấm vận nếu được báo cáo với Ủy ban trừng phạt của Liên Hợp Quốc.

 

Các nhà nghiên cứu của RUSI ước tính lượng dầu vận chuyển từ cảng Vostochny trong vài tuần qua lên tới 125.000 thùng, tương đương 1/4 hạn ngạch được cấp phép hàng năm.

 

Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Dmitry Peskov và người điều hành các tàu Bắc Hàn đều từ chối bình luận về vụ việc với Financial Times.

 

 

Lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc: Liệu có còn hiệu quả?

 

Thông tin về việc Bắc Hàn đổi vũ khí lấy dầu từ Nga đang khiến các nhà ngoại giao phương Tây lo ngại về hiệu quả của lệnh trừng phạt và sự tồn tại của ủy ban giám sát lệnh trừng phạt này.

 

Họ đang nỗ lực duy trì Ủy ban trừng phạt của Liên Hợp Quốc nhằm giám sát việc tuân thủ các lệnh cấm vận đối với Bắc Hàn, nhưng Nga và Trung Quốc đã đề xuất cắt giảm quyền hạn của ủy ban.

 

Hồi tháng 3, các quan chức phương Tây đã hoãn cuộc bỏ phiếu về việc đổi mới ủy ban do lo ngại Nga có thể phủ quyết.

 

Chuyên gia Joseph Byrne từ RUSI nhận định: "Việc Bắc Hàn dễ dàng tiếp cận nguồn dầu mỏ từ Nga cho thấy hậu quả tiềm ẩn nếu lệnh trừng phạt được dỡ bỏ. Điều này sẽ mang lại lợi ích to lớn cho Bắc Hàn".

 

Chuyên viên nghiên cứu Go Myong-hyun, từ Viện Chiến lược An ninh Quốc gia Nam Hàn, cũng cho rằng việc Nga cung cấp trực tiếp dầu mỏ cho Bắc Hàn sẽ "giúp ổn định nền kinh tế" của nước này.

 

Trước đây,  Bắc Hàn phải trả giá cao cho dầu mỏ vì phải thông qua mạng lưới môi giới phức tạp và đắt đỏ.

 

Tuy nhiên, hiện tại, họ có thể bảo đảm nguồn cung cấp dầu ổn định với mức giá ưu đãi hoặc thanh toán bằng vũ khí.Điều này sẽ giúp  Bắc Hàn giải phóng nguồn lực cho lực lượng vũ trang và chương trình vũ khí hạt nhân của nước này.

 

Hoạt động đổi vũ khí lấy dầu giữa Nga và Bắc Hàn đang làm gia tăng lo ngại về hiệu quả của hệ thống trừng phạt. Việc Nga và Trung Quốc đề xuất cắt giảm quyền hạn của Ủy ban trừng phạt của Liên Hợp Quốc càng khiến cho tương lai của cơ chế này trở nên bấp bênh.

 

(Theo ntdnv.net)