Các thùng hàng (container) tại một bến cảng ở Oakland, California, April 2025. Ảnh: Carlos Barria / Reuters
Nguồn: Zongyuan Zoe Liu, “How China Armed Itself for the Trade War,” Foreign Affairs, 29/04/2024
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng (nghiencuuquocte.org)
Cách ứng xử rủi ro cao của Bắc Kinh trong cuộc đối đầu kinh tế với Washington.
Làm thế nào mà hai nền kinh tế lớn nhất thế giới lại lao vào một cuộc thương chiến mà không bên nào thực sự mong muốn và phần còn lại của thế giới thì không thể gánh chịu nổi? Sau buổi lễ “Ngày giải phóng” của Tổng thống Mỹ Donald Trump vào ngày 02/04, trong đó ông công bố các mức thuế khác nhau đối với tất cả các đối tác thương mại của Washington, Mỹ và Trung Quốc đã phát động một số vòng leo thang trả đũa, đẩy mức thuế quan giữa hai nước lên mức cao ngất ngưởng. Đến ngày 11/04, mức thuế đối với hàng hóa Trung Quốc nhập cảng vào Mỹ đã lên tới 145%, trong khi hàng hóa Mỹ nhập cảng vào Trung Quốc bị đánh thuế 125%. Trừ phi hai nước đưa ra các miễn trừ rộng rãi, thì 700 tỷ đô-la thương mại song phương hàng năm giữa họ có thể giảm tới 80% chỉ trong vòng hai năm tới. Các thị trường đã phản ứng tiêu cực với cuộc thương chiến đang rình rập, trong khi nhiều chuyên gia kinh tế và chuyên gia phân tích phải chật vật tìm cách giải thích những gì chính quyền Trump đang cố gắng đạt được.
Cách tốt nhất để hiểu được tình cảnh bế tắc hiện tại giữa Mỹ và Trung Quốc là xem nó như sản phẩm của những giả định sai lầm và những bước đi sai lầm đến từ cả hai bên. Về phía Trump, những nhân vật và phe phái quyền lực dưới quyền ông đã đánh giá sai năng lực phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc và cho rằng nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ vội vàng thực hiện một thỏa thuận để tránh phản ứng dữ dội trong nước. Kết quả là, những người theo chủ nghĩa diều hâu chống Trung Quốc ở Washington đã không lường trước được phản ứng kiên quyết của Bắc Kinh trước mức thuế quan của Trump.
Trong khi đó, tại Trung Quốc, việc thiếu đi sự khéo léo trong ngoại giao đã khiến nước này giỏi thể hiện sự thách thức hơn là định hình kết quả. Bắc Kinh đã không giải quyết được quan ngại chính đáng của nhiều người ở Mỹ và xa hơn nữa, rằng một làn sóng hàng xuất cảng giá rẻ mới sẽ tạo ra một “cú sốc Trung Quốc” thứ hai bằng cách tiếp tục làm suy yếu cơ sở công nghiệp của các nền kinh tế khác. Và những lời lẽ hiếu chiến – chẳng hạn như tuyên bố vào tháng Ba của Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington, rằng Trung Quốc “sẵn sàng chiến đấu đến cùng” trong “một cuộc thương chiến hoặc bất kỳ loại chiến tranh nào khác” – đã không thể thay đổi được dư luận quốc tế và hoàn toàn không truyền tải được mong muốn lâu dài của giới lãnh đạo Trung Quốc là tránh xung đột bên ngoài.
Giờ đây, chính quyền Trump đang cố gắng cứu vãn tình hình hỗn loạn kinh tế toàn cầu – điều dường như không nằm trong kế hoạch của họ, như nhiều dấu hiệu đã chỉ ra – bằng cách chuyển từ việc tái cấu trúc toàn bộ hệ thống kinh tế toàn cầu sang một cuộc tấn công trực diện, có mục tiêu hơn, nhắm vào nền kinh tế Trung Quốc. Tập và phần còn lại của giới lãnh đạo Trung Quốc không hề ảo tưởng rằng đất nước họ có thể giành chiến thắng trong cuộc thương chiến với Mỹ. Nhưng họ vẫn sẵn sàng mạo hiểm trong một cuộc chiến mà Trump có thể thua.
CÔNG THỨC SAI LẦM
Quan điểm cho rằng giới lãnh đạo Trung Quốc đang tuyệt vọng đàm phán một thỏa thuận thương mại, để tránh nỗi đau kinh tế có thể gây mất ổn định xã hội Trung Quốc và đe dọa đến độc quyền quyền lực của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), là quan điểm phổ biến trong số những nhân vật diều hâu chống Trung Quốc tại Mỹ. Quan điểm này chỉ đúng một phần, nhưng nó đã khiến nhiều người đưa ra kết luận sai lầm.
Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc hiện yếu hơn bất kỳ thời điểm nào trong ba thập kỷ qua. Tuy nhiên, nền kinh tế không yếu đến mức như Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent từng nhiều lần tuyên bố, rằng họ đang ở trong một “cuộc suy thoái nghiêm trọng, nếu không muốn nói là khủng hoảng.” Tăng trưởng đã chậm lại từ mức hai con số hàng năm cách đây hai thập kỷ xuống mức gần 10% trong những năm 2010, và hiện tại là khoảng 5% (nhiều người theo dõi Trung Quốc cho rằng con số thực tế gần với 2%, do ĐCSTQ có xu hướng phóng đại).
Nhưng sự tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc không tự động mang lại lợi thế cho Mỹ. Các nền kinh tế tiên tiến đã tăng trưởng trung bình 1,7% vào năm ngoái, với nền kinh tế Mỹ dẫn đầu ở mức 2,8%. Tuy nhiên, đà tăng trưởng đó đang yếu dần. Công ty dịch vụ tài chính J.P. Morgan đã dự báo tăng trưởng âm của Mỹ trong nửa cuối năm 2025, trong khi dự báo tăng trưởng chính thức của Trung Quốc sẽ giảm xuống còn 4,6%.
Hồi đầu tháng Ba, Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick nói với NBC News rằng, “Donald Trump đang mang tăng trưởng về nước Mỹ. Tôi sẽ không bao giờ đánh cược vào suy thoái. Không có cơ hội nào để suy thoái xảy ra cả.” Những lời phóng đại như vậy, khi được tin tưởng hoàn toàn, đã góp phần khiến chính quyền Trump đánh giá quá cao tiềm năng quan thuế sẽ buộc Trung Quốc phải ngồi vào bàn đàm phán. Chiến lược của họ đã phản tác dụng, làm giảm đáng kể cơ hội đàm phán trực tiếp mà trong đó Trung Quốc có thể sẵn sàng đưa ra những nhượng bộ có ý nghĩa. Bắc Kinh đã thể hiện năng lực trả đũa mạnh mẽ và sự cởi mở về mặt chiến thuật đối với đàm phán, nhưng không sẵn lòng cúi đầu.
Chính quyền Trump dường như tin rằng có thể đạt được một thỏa thuận thương mại toàn diện thông qua đối thoại trực tiếp giữa Trump và Tập. Nhưng vấn đề là Tập không trực tiếp đàm phán các thỏa thuận; ông luôn giữ thái độ xa cách như một vị hoàng đế, chỉ chấp thuận các thỏa thuận do người khác soạn thảo và không can dự vào công việc quản trị hàng ngày. Ngược lại, Trump tạo dựng vốn chính trị từ việc thu hút sự chú ý của giới truyền thông; mọi thành tựu phải là của ông một cách rõ ràng và công khai. Ông đã tự xem mình là “người đàm phán chính,” đích thân thúc đẩy chương trình nghị sự về thuế quan.
Sự bất cân xứng trong phong cách lãnh đạo này đặt ra một thách thức hậu cần nghiêm trọng đối với ngoại giao. Thật khó để tưởng tượng Trump sẽ lựa chọn thái độ kiềm chế cần thiết để tránh đóng khung cuộc tranh chấp này như một cuộc thi cá nhân giữa hai nhà lãnh đạo vĩ đại. Tuy nhiên, chính việc đóng khung đó lại là điều tối kỵ đối với phía Trung Quốc – và có thể khiến Bắc Kinh rút lui hoàn toàn. Bắc Kinh cho rằng một cuộc gặp giữa Tập và Trump khó có thể bảo đảm kết quả thực chất, và rằng đó là một sự nhượng bộ đối với Washington, đem về lợi ích nhỏ nhưng rủi ro lại đáng kể. Ngay cả một hội nghị thượng đỉnh được dàn dựng cẩn thận cũng có thể gây tổn hại đến hình ảnh của Tập và theo đó là vị thế của đảng. Các quan chức Trung Quốc vẫn nhớ rất rõ cách Trump phát động cuộc thương chiến ngay sau chuyến thăm cấp nhà nước nồng ấm và hiệu quả tới Bắc Kinh vào năm 2017. Hơn nữa, Bắc Kinh không muốn mạo hiểm để xảy ra một “vụ nổ” như những gì đã xảy ra khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đến thăm Tòa Bạch Ốc vào tháng Hai.
CUỘC CHƠI ĐƯỜNG DÀI CỦA TẬP
Sự nghiệp chính trị của Tập Cận Bình nổi bật với hai điểm chính: chống lại sự ép buộc của nước ngoài và chế ngự các cuộc đấu tranh giành quyền lực trong nước. Bản năng của ông được thành hình trong Cách mạng Văn hóa vào những năm 1960 và 1970, khi gia đình ông mất đi vị thế và bản thân ông bị đưa đi lao động khổ sai ở vùng nông thôn Thiểm Tây. Thông điệp chính trị cốt lõi của Tập – được thể hiện trong khái niệm thực khổ, nghĩa đen là “ăn đắng”– kêu gọi công dân Trung Quốc, đặc biệt là các thanh niên, chịu đựng gian khổ để phục vụ cho mục tiêu phục hưng dân tộc. Việc ông kêu gọi sứ mệnh lịch sử của ĐCSTQ là vượt qua “mối nhục trăm năm” (Bách niên quốc sỉ [giản thể: 百年国耻; phồn thể: 百年國恥; bính âm: bǎinián guóchǐ, tiếng Anh: century of humiliation]) của Trung Quốc không chỉ là luận điệu hoa mỹ, mà là nền tảng cho tính chính danh của ông.
Các chính sách thương mại đối đầu của Trump, dù được thiết kế để làm suy yếu vị thế của Bắc Kinh, trớ trêu thay lại củng cố cho câu chuyện của Tập. Mối đe dọa bên ngoài tạo ra vỏ bọc cho quá trình tái định hướng nền kinh tế đang diễn ra của ĐCSTQ và biện minh cho việc nhà nước thúc đẩy tự lực cánh sinh. Nó cũng cho phép Tập chuyển hướng các chỉ trích nhắm vào những sai lầm chính sách trước đây – đặc biệt là lập trường trừng phạt của chính quyền ông đối với các doanh nghiệp tư nhân. Sự thay đổi đó đã hiện rõ trong việc khôi phục lại sự ủng hộ một cách tượng trưng đối với các doanh nhân từng bất hòa với nhà nước, chẳng hạn như tỷ phú nổi tiếng Jack Ma, người gần như đã biến mất khỏi tầm nhìn của công chúng sau khi chỉ trích hệ thống quản lý tài chính của Trung Quốc vào năm 2020, nhưng đã được phục hồi vị thế về mặt chính trị trong những tháng gần đây.
ĐCSTQ nắm giữ độc quyền quyền lực trong hệ thống chính trị của Trung Quốc, và Tập cũng duy trì vị thế gần như độc quyền trong đảng. Sự tập trung quyền lực này cho phép nhà lãnh đạo Trung Quốc đưa ra các quyết định chính sách toàn diện mà không bị thách thức – và đảo ngược hướng đi cũng nhanh chóng không kém. Và bởi vì đảng kiểm soát thông tin, đặc biệt là thông tin liên quan đến các vấn đề đối ngoại, nên bất kỳ cuộc chạm trán nào với chính quyền Trump cũng đều có thể được định hình trong nước là Tập kiên quyết chống lại sự bắt nạt của nước ngoài.
Phản ứng của Trung Quốc đối với thuế quan của Mỹ không phải là để giữ thể diện, mà là để thực hiện một chiến lược được cân nhắc kỹ lưỡng. Khác với các đồng minh của Mỹ, những nước đã bị bất ngờ trước chiến thuật của Trump, Bắc Kinh đã dành nhiều năm để chuẩn bị cho cuộc đối đầu. Kể từ năm 2018, Trung Quốc đã vượt qua một cuộc thương chiến cấp thấp, tích lũy kinh nghiệm trong việc quản lý sự cạnh tranh Mỹ-Trung ngày càng sâu rộng, và học cách đi đường vòng để tránh các hạn chế kinh tế của Washington.
Để ứng phó, Bắc Kinh đã kêu gọi các quan chức địa phương và doanh nghiệp nhà nước tăng cường năng lực phục hồi của chuỗi cung ứng và phát triển thị trường nước ngoài. Để giảm bớt tác động đối với các doanh nghiệp nhỏ và ngăn chặn tình trạng thất nghiệp, họ đã công bố các biện pháp tài khóa và tiền tệ có mục tiêu để hỗ trợ người dân trong cảnh bất ổn. Tại kỳ họp gần đây nhất của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc, tức Quốc hội Trung Quốc, vào tháng Ba, các nhà lãnh đạo đã nhấn mạnh rằng thúc đẩy nhu cầu trong nước là chìa khóa cho tăng trưởng trong tương lai, với các chính sách mới nhằm tăng cường chi tiêu của người tiêu dùng và cải thiện môi trường kinh doanh trong nước. Họ cũng thúc đẩy việc sử dụng các hệ thống thanh toán bằng đồng nhân dân tệ trên trường quốc tế để giảm thiểu rủi ro của Trung Quốc trước các lệnh trừng phạt tài chính mang tính cưỡng ép của Mỹ.
Đồng thời, Trung Quốc đã ban hành một loạt luật mới – chẳng hạn như Luật Chống Trừng phạt Nước ngoài, Luật Kiểm soát Xuất cảng, và các quy định chống gián điệp – tạo ra cơ sở pháp lý cho các biện pháp trả đũa và đặt các doanh nghiệp quốc tế vào tình thế khó khăn. Các công ty có thể tuân thủ lệnh trừng phạt của Mỹ và đối mặt với nguy cơ vi phạm luật pháp Trung Quốc, hoặc ngược lại.
Trên mặt trận ngoại giao, Trung Quốc đã tìm cách làm giảm chủ nghĩa bảo hộ của phương Tây bằng cách làm sâu sắc thêm các quan hệ cấp khu vực. Nước này đã đẩy nhanh các cuộc đàm phán về một hiệp định thương mại tự do với các quốc gia Ả Rập thuộc Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh. Về Liên minh châu Âu, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã mô tả cuộc gặp vào tháng Ba với người đồng cấp Pháp Jean-Noël Barrot là “mang tính xây dựng,” và Trung Quốc và Pháp hiện đang lên kế hoạch tổ chức ba cuộc đối thoại cấp cao trong năm nay. Trong những ngày trước khi có thông báo áp thuế của chính quyền Trump, các bộ trưởng từ Trung Quốc, Nhật Bản, và Hàn Quốc đã nối lại đối thoại kinh tế và thương mại sau 5 năm gián đoạn, đồng ý thảo luận về một hiệp định thương mại tự do toàn diện hơn giữa ba nước, hợp tác cải cách Tổ chức Thương mại Thế giới, và chào đón các thành viên mới tham gia hiệp định thương mại tự do khu vực của họ, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Đầu tháng này, Tập cũng đã đến thăm Đông Nam Á lần thứ hai trong vòng chưa đầy 2 năm, để tăng cường quan hệ với Việt Nam và các nước láng giềng quan trọng khác, những nơi đã trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa của Trung Quốc.
Không nghi ngờ gì, quan thuế cao sẽ làm xói mòn cơ hội vào được thị trường Mỹ của các công ty xuất cảng Trung Quốc. Nhưng theo quan điểm của Tập, nền kinh tế Trung Quốc đang ở vị thế tốt hơn bao giờ hết để chịu đựng nỗi đau. So với những cú sốc từ lệnh phong tỏa COVID-19, thì một sự gián đoạn thương mại với Mỹ sẽ là một sự gián đoạn có thể chấp nhận được. Các lệnh phong tỏa đã chứng minh rằng ĐCSTQ có thể đẩy người dân của mình vào tình cảnh khốn khổ đến mức nào mà không làm mất ổn định quyền kiểm soát xã hội – vốn là mối quan tâm hàng đầu của họ. Quan trọng hơn, thước đo của sự phục hưng dân tộc của Tập không phải là GDP; mà là sự phát triển khoa học và công nghệ. Chương trình nghị sự chính sách “Nước Mỹ trên hết” của Trump chỉ giúp củng cố thêm cho lập luận của Tập về đổi mới trong nước và tự lực cánh sinh. Khác với thời chính quyền Trump đầu tiên, giờ đây Trung Quốc đã sẵn sàng phân tách khỏi Mỹ nếu cần.
KHÔNG CÓ GÌ CHẮC CHẮN
Bỏ qua những lo ngại về lạm phát trong ngắn hạn, biến số lớn nhất đang định hình lại chuỗi cung ứng toàn cầu hiện nay là liệu Mỹ có còn được xem là đối tác kinh tế ổn định và lâu dài hay không. Sự nghi ngờ giữa các đối tác truyền thống của Mỹ đã không bị Bắc Kinh bỏ qua, và các quan chức Trung Quốc đã nhanh chóng tận dụng việc quốc tế không còn chú ý đến việc Tập Cận Bình tập trung quyền lực và đi ngược lại tầm nhìn “cải cách và mở cửa” của Đặng Tiểu Bình. Vào đầu tháng Tư, Nhân dân Nhật báo, tờ báo chính thức của ĐCSTQ, đã mời gọi các nhà đầu tư nước ngoài “sử dụng sự ổn định ở Trung Quốc để phòng ngừa sự bất ổn ở Mỹ.”
Tuy nhiên, sự bất định của Mỹ không tự động biến Trung Quốc thành một lựa chọn thay thế đáng tin cậy hơn. Bắc Kinh vẫn chưa giải quyết được các vấn đề kinh tế mang tính cấu trúc của chính mình. Chẳng có gì bảo đảm rằng chiến lược tự lực cánh sinh và đổi mới do nhà nước Trung Quốc thúc đẩy sẽ mang lại kết quả đủ nhanh để ngăn nước này khỏi bị nhốt trong bẫy thu nhập trung bình. Khi những trở ngại tăng trưởng bên trong và bên ngoài gia tăng, Bắc Kinh cũng phải đối mặt với nguồn ngân sách eo hẹp do tình trạng thiếu vốn: nhiều tiền hơn cho công nghệ có nghĩa là ít tiền hơn cho các hộ gia đình.
Nhưng những người sinh vào những năm 1970 trở về sau lại hình dung về một tương lai không còn nhiều khó khăn, mà là sự thịnh vượng lâu dài. Và thế hệ trẻ có lý do chính đáng để lo lắng. Họ đã trưởng thành ở một Trung Quốc ngày càng giàu có và mang lại nhiều cơ hội, và COVID-19 là cuộc khủng hoảng quốc gia lớn đầu tiên mà nhiều người trong số họ từng trải qua.
Ở cả Trung Quốc và Mỹ, việc hoạch định chính sách đều do giới tinh hoa chính trị già nua thống trị. Và ở cả hai quốc gia, thế hệ trẻ ngày càng nhận thức được rằng những người nắm quyền đang sẵn sàng thế chấp tương lai của họ. Đối với Trung Quốc, về lâu dài, lời kêu gọi “ăn đắng” có thể không còn truyền cảm hứng cho một xã hội đã lớn lên với kỳ vọng về sự ngọt ngào.
VIÊN THUỐC ĐẮNG CỦA TRUMP
Cách đối xử “Nước Mỹ trên hết” của Trump đối với Trung Quốc không nhất thiết phải chuyển thành áp lực tối đa. Các chiến thuật mạnh tay sẽ chỉ củng cố thêm sự nghi ngờ lâu nay của Bắc Kinh, rằng Washington đang tìm cách kiềm chế Trung Quốc và cuối cùng là lật đổ Đảng Cộng sản. Cách chơi chiến lược tốt hơn là đặt ra cho Bắc Kinh một tình thế lưỡng nan thay vì một tối hậu thư.
Tình thế lưỡng nan đó bắt đầu bằng việc chấp nhận một thực tế mang tính cấu trúc: Mỹ sẽ luôn thâm hụt thương mại với Trung Quốc, bởi vì người Mỹ không muốn giành lại các công việc sản xuất cấp thấp từ các nhà máy Trung Quốc. Thách thức mà Trump phải đối mặt là làm thế nào để cấu trúc sự thâm hụt đó theo cách bền vững về mặt chính trị – để tạo ra sân chơi bình đẳng trong các ngành công nghiệp sẽ định hình tương lai, chẳng hạn như trí tuệ nhân tạo, máy tính lượng tử, và năng lượng sạch, và để bảo đảm rằng Trung Quốc tiếp tục tái đầu tư thặng dư thương mại của mình vào các tài sản bằng đô-la Mỹ.
Để làm được điều này, Mỹ nên tiếp tục xuất cảng một lượng lớn nguyên liệu thô và đầu vào công nghiệp, tạo ra thặng dư củng cố nhằm vị thế là quốc gia cung cấp thượng nguồn trong chuỗi sản xuất toàn cầu và đối tác quan trọng trong hệ sinh thái công nghiệp của Trung Quốc. Đồng thời, Washington nên chấp nhận thâm hụt đáng kể đối với sản xuất ở quy mô nhỏ, cấp thấp. Dù nhu cầu trong nước đối với những mặt hàng này vẫn mạnh, nhưng việc đưa lĩnh vực này trở lại Mỹ vừa vô nghĩa về mặt chính trị, vừa không hấp dẫn về mặt kinh tế. Mặt khác, chính quyền Trump nên hướng tới mục tiêu duy trì sản xuất chiến lược, cấp cao – trong các lĩnh vực như chất bán dẫn và robot công nghiệp – gần với mức cân bằng, thông qua thuế quan đối ứng có công thức rõ ràng. Nhờ các mức thuế quan đó, Washington cũng có thể tạo ra động lực để Bắc Kinh thu hẹp khoảng cách thương mại, bằng cách áp dụng thuế cao hơn một chút cho các lĩnh vực công nghệ cao này và giảm dần khi Trung Quốc mua nguyên liệu thô và hàng công nghiệp đầu vào của Mỹ. Một khuôn khổ như vậy sẽ cho phép cả hai bên có thể tuyên bố chiến thắng: Trump có thể nói rằng ông đã bảo vệ các ngành công nghiệp quan trọng của Mỹ, trong khi Tập có thể lập luận rằng ông đã bảo tồn cơ sở sản xuất của Trung Quốc và thậm chí đạt được việc giảm thuế nhẹ. Điều quan trọng là nó sẽ chuyển gánh nặng điều chỉnh sang Bắc Kinh, mang lại cho Trung Quốc sự linh hoạt để cân bằng lại nền kinh tế theo cách riêng của mình trong khi vẫn phù hợp với lợi ích của Mỹ.
Để bảo đảm rằng Bắc Kinh sẽ tái đầu tư thặng dư thương mại của mình vào tài sản của Mỹ và tiếp tục sử dụng hệ thống đô-la Mỹ – một đòn bẩy ngầm nhưng rất mạnh khác của Mỹ – thì cơ hội thiết thực nằm ở việc đảo ngược xu hướng Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đang dần giảm nắm giữ trái phiếu Kho bạc Mỹ. Kể từ năm 2016, ngân hàng này đã giảm lượng trái phiếu Kho bạc Mỹ nắm giữ khoảng 40%, chuyển một phần dự trữ sang vàng. Việc chuyển hướng dù chỉ một phần số vàng mới mua gần đây trở lại Kho bạc Mỹ có thể tạo ra khoản đầu tư mới ước tính là 43 tỷ đô-la vào Mỹ, từ đó hỗ trợ mong muốn của chính quyền Trump nhằm giữ lãi suất ở mức thấp và ổn định thị trường trái phiếu, vốn là các thành phần quan trọng trong kế hoạch tái cấp vốn cho khoản nợ quốc gia trị giá 36 nghìn tỷ đô-la của Mỹ. Một động thái như vậy cũng sẽ báo hiệu cam kết liên tục của Bắc Kinh đối với hệ thống đô-la và làm giảm bớt sự suy đoán về một loại tiền tệ BRICS mới nổi, hoặc một nỗ lực lớn hơn nhằm phi đô-la hóa.
Tuy nhiên, nếu không có một chế độ thuế quan phối hợp giữa các đồng minh và đối tác của Mỹ, thì sẽ không có chiến lược nào là chắc chắn. Các công ty xuất cảng Trung Quốc sẽ không ngồi yên trong lúc Washington đàm phán, đặc biệt là khi xét đến tốc độ chậm chạp của các cuộc đàm phán trước đây. Ví dụ, phải mất hai năm để hoàn tất thỏa thuận thương mại Giai đoạn Một mà Mỹ và Trung Quốc đã ký vào tháng 1/2020, trong khi tuổi thọ trung bình của một doanh nghiệp vừa và nhỏ của Trung Quốc – động lực chính của xuất cảng của nước này – chỉ là 3,7 năm.
Ngay cả khi Mỹ áp thuế cao liên tục, điều đó cũng không thể ngăn cản Trung Quốc mở rộng hoạt động kinh doanh trên toàn cầu. Dư thừa công suất trong nước và cạnh tranh nội bộ khốc liệt đã thúc đẩy các công ty Trung Quốc hướng ra nước ngoài để tìm kiếm biên lợi nhuận. Động lực đó đã được củng cố bởi sự hỗ trợ của nhà nước thông qua các ưu đãi tài chính, tinh giản quy định, giảm thuế, và mở đường đi vào thị trường và chuỗi cung ứng ở nước ngoài.
Phạm vi của một thỏa thuận giữa Washington và Bắc Kinh – và những nhượng bộ mà Trump có thể đạt được từ Tập – có lẽ đã thu hẹp trong tháng qua. Nếu Trump muốn bảo đảm một thỏa thuận, ông có thể phải cùng người dân Trung Quốc “ăn đắng” và chấp nhận một số thỏa hiệp khó khăn. Nhưng với một chiến lược ngoại giao được hiệu chỉnh lại, ông vẫn có thể giành được một số chiến thắng nhỏ – và tránh được những tổn thất tiềm tàng lớn mà Mỹ hiện đang phải đối mặt.
Zongyuan Zoe Liu là nghiên cứu viên về Trung Quốc tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại và là tác giả cuốn sách “Sovereign Funds: How the Communist Party of China Finances Its Global Ambitions.”
(nghiencuuquocte.org)