Xe hơi điện của hãng BYD Trung Quốc trưng bày tại triển lãm xe hơi tại Paris, 14/10/2024. REUTERS - Benoit Tessier

 

Trung Quốc, hôm ngày 30/10/2024, thông báo đã kiện Liên Hiệp Âu Châu ra trước Tổ chức Thương Mại Thế giới (WTO), sau khi Ủy Ban Âu Châu thông qua quy định về tăng thuế đối với các xe hơi điện nhập từ Trung Quốc, một quyết định mang tính chất “bảo hộ mậu dịch” đối với Bắc Kinh.

 

 

Bất chấp sự chống đối của Đức, Ủy Ban Âu Châu, hôm ngày 29/10, đã quyết định là ngoài mức thuế 10% đã được áp dụng, sẽ áp thêm mức thuế lên tới 35% đối với xe hơi điện của Trung Quốc. Quyết định này đã được đăng trên Công Báo hôm qua và chính thức có hiệu lực kể từ hôm nay.

 

 

Từ Bruxelles, thông tín viên Pierre Benazet tường trình:

Cho đến giờ chót, các viên chức  thương thuyết Âu châu đã cố đàm phán với các đồng nhiệm Trung Quốc nhằm đạt được một giải pháp cho vấn đề vẫn gây khó chịu cho Liên Hiệp Âu Châu, đó là các trợ cấp của Nhà nước cho các công ty sản xuất xe hơi Trung Quốc. 

Trong vòng ba năm, thị phần của xe hơi điện Trung Quốc đã tăng từ 4% lên 25%. Liên Hiệp Âu Châu đã thiết lập các công cụ bảo hộ để ngành công nghiệp xe hơi Âu châu không bị tràn ngập hơi Trung Quốc như trường hợp của tấm pin năng lượng Mặt trời.

Từ nay, vấn đề trợ cấp được xem xét kỹ lưỡng. Liên Âu đã thi hành các biện pháp tạm thời từ tháng Bẩy và hải quan đã thu trước theo mức thuế được thông báo. Kể từ hôm nay, mức thuế này chính thức có hiệu lực.

Nước Đức đã không hội đủ một đa số để chống lại việc ban hành chính sách tăng mức thuế mà về mặt lý thuyết sẽ có hiệu lực trong 5 năm. Các hãng sản xuất xe hơi của Đức rất quan ngại cho thị phần của họ. Riêng hai hãng BMW và Dacia lo ngại về việc nhập cảng các phụ tùng. Còn các công ty sản xuất rượu cognac, các sản phẩm chế biến từ sữa, các loại thịt nguội thì lo ngại về các biện pháp trả đũa mà Trung Quốc đã bắt đầu thi hành. 

 

 

Theo thông tín viên Clea Broadhurst tại Bắc Kinh, Trung Quốc sẽ nhanh chóng thi hành các biện pháp trả đũa quyết định nói trên của Ủy Ban Âu Châu. Hiện giờ các loại rượu nhập từ Liên Hiệp Âu Châu đã chịu mức thuế mang tính trừng phạt, lên tới 39%. Các cuộc điều tra chống phá giá cũng đang được tiến hành đối với thịt heo và sản phẩm chế biến từ sữa nhập từ Liên Âu.

 

Các biện pháp trả đũa của Trung Quốc có thể gây tổn hại cho các ngành xuất cảng trọng yếu của Liên Hiệp Âu Châu, gây thêm căng thẳng kinh tế giữa hai bên.

 

 

(Theo RFI Việt ngữ)