Diễn viên Alain Delon và Romy Schneider, trong một cảnh phim "La Piscine" quay năm 1968. AFP/Archivos
Tài tử điện ảnh Pháp Alain Delon qua đời hôm 18/08/2024, tại nhà riêng ở Douchy, theo thông báo của gia đình. Sinh năm 1935 tại Sceaux, ngoại ô Paris, Alain Delon đến với điện ảnh gần như tình cờ. Vẻ đẹp thể hình của người được ví như ‘‘thần Mặt trời’’ và trực giác điện ảnh đã giúp ông sớm gặt hái thành công qua hàng loạt bộ phim nổi tiếng như Plein Soleil, Le Samourai, Rocco et ses frères…
Báo chí Pháp nói đến sự ra đi của ‘‘quái kiệt cuối cùng của nền điện ảnh’’ Pháp. Trên mạng X, tổng thống Emmnuel Macron ca ngợi ‘‘một tượng đài’’ của văn hóa Pháp. Bày tỏ cảm xúc về sự ra đi của tài tử Alain Delon, Macron viết: ‘‘Ông Klein, hay Rocco, Guépard hay le Samouraï (võ sĩ đạo), những nhân vật huyền thoại mà Alain Delon thủ vai khiến thế giới ước mơ. Gương mặt không thể xóa nhòa của ông ấy đã đảo lộn cuộc sống của chúng ta.’’
Viện Hàn Lâm các ngành nghệ thuật và kỹ thuật, tổ chức trao giải điện ảnh César hàng năm, nhận định Alain Delon đã trở thành ‘’một biểu tượng vĩnh cửu của nền nghệ thuật thứ bảy, đại diện cho điện ảnh Pháp trên trường quốc tế’’, ‘‘Alain Delon đã đưa cái tài năng không thể nào bắt chước nổi và phong thái hòa hoa chinh phục lòng người của ông vào từng vai diễn. Rất nhiều bộ phim ông tham gia đã trở thành những tác phẩm kinh điển’’, như ‘‘Plein Soleil, Le Guépard, Rocco et ses frères, Le Samouraï, Un Flic’’.
Năm 2019, Alain Delon đã được trao tặng giải điện ảnh Cành Cọ Vàng cho toàn bộ sự nghiệp. Tổng đại diện của Liên hoan Cannes Thierry Frémaux nói đến sự ra đi ‘’một trong những ngôi sao điện ảnh vĩ đại nhất của Lịch sử’’, người đã hết sức thành công trong cả điện ảnh thương mại lẫn đến ‘‘dòng phim nghệ thuật’, một tấm gương về thái độ trân trọng ‘‘với đạo diễn và các đối tác’’.
Tài tử khiến dân Nhật một thời mê đắm
Alain Delon có một ảnh hưởng rộng rãi trong công chúng Nhật thế hệ cao tuổi. Thông tín viên Bruno Duval tường trình từ Tokyo :
‘‘Đa số giới trẻ không biết Alain Delon là ai. Ngược lại, tài tử điện ảnh Pháp được vô số người cao tuổi hâm mộ. Một phụ nữ trạc bẩy mươi tuổi chia sẻ :
‘‘Tôi ngưỡng mộ Jean Gabi, Belmondo hay Jeanne Moreau, nhưng diễn viên điện ảnh Pháp mà tôi yêu mến nhất vẫn luôn là Alain Delon. Bởi đằng sau gương mặt thiên thần, ông ấy thường xuyên nhập vai các nhân vật tăm tối, nguy hiểm. Cái sắc thái ‘‘vẻ đẹp của quỷ dữ’’ của ông ấy đã hút hồn tôi. Phim Plein Soleil (thường được chuyển ngữ thành Trưa tím) đã in đậm dấu ấn với tôi thời trẻ. Cùng với sự ra đi của ông ấy là cả một nền điện ảnh, khiến tôi vô cùng tiếc nhớ’’.
Tại Nhật Bản, công chúng cũng tiếp xúc nhiều với Alain Delon qua các phim quảng cáo. Ví dụ như đoạn quảng cáo sau đây trong phim quảng cáo D’Urban, về các bộ complet – caravate thời thượng, nghe như một bài thơ, tạm dịch là : ‘‘Tôi trở về nhà, dưới làn mưa bụi. Mặt trời sắp lên, hương môi em đọng lại, nhắc tôi nhớ lại những mối tình đầu tiên : D’Urban, linh hồn của mốt’’. Đoạn phim quảng cáo kết thúc với câu : ‘‘D’Urban, vẻ đẹp tao nhã của người đàn ông hiện đại.’’
Tại Nhật Bản, tên tuổi của tài tử Alain Delon, đã được dùng để quảng cáo cho ô dù, cho caravate, hay cho nước hoa. Trong một thời gian dài, người Nhật thậm chí hút cả thuốc lá mang nhãn hiệu Alain Delon.
Việc mác ‘‘Alain Delon’’ đã được rất nhiều đàn ông Nhật mê mẩn không khiến người phụ nữ về hưu này ngạc nhiên : ‘‘Đối với họ, việc sử dụng các mặt hàng xịn gắn liền với tên tuổi Alain Delon khiến cho họ thấy sang trọng hẳn lên. Tại Nhật, đây được coi là lối chơi sang kiểu Pháp. Thêm vào đó, bất chấp tuổi thơ khó nhọc, Alain Delon đã có một sự nghiệp phi thường, khiến ông trở thành một hình mẫu về mặt nghề nghiệp. Ông đã vươn đến đỉnh cao nhờ lao động. Điều rõ ràng có ý nghĩa rất nhiều với người Nhật’’.
‘‘Võ sĩ đạo’’ Delon (như tên gọi bộ phim Samourai nổi tiếng mà ông thủ vai) in đậm dấu trong tâm khảm dân Nhật, tại một đất nước mà người ta luôn được yêu cầu cống hiến hết mình, việc xuôi tay, bỏ cuộc, là điều không thể chấp nhận.