Ảnh minh họa : Một điểm của hệ thống internet vệ tinh Starlink gần Bakhmut, vùng Donetsk, Ukraine, ngày 8/3/2023. REUTERS - LISI NIESNER

 

 

Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục gây sức ép lên Kyiv và đưa ra những phát biểu gay gắt nhắm vào đồng nhiệm Ukraine Volodymyr Zelenskyy khi cho rằng sự hiện diện của ông là « không quan trọng », do việc ông ấy « chẳng có lá bài nào trong tay » để có thể bước vào đàm phán với Nga.

 

Theo AFP, những tuyên bố trên của nguyên thủ Mỹ được đưa ra trên đài phát thanh Fox Radio, một ngày sau cuộc gặp giữa tổng thống Ukraine với đặc sứ của tổng thống Trump về Ukraine, ông Keith Kellogg, tại Kyiv. Sự việc còn cho thấy Washington đang gia tăng nỗ lực ép buộc Kyiv hợp tác với Mỹ, đặc biệt là về thỏa thuận khai thác các quặng mỏ chiến lược của Ukraine.

 

Hãng tin Anh Reuters dẫn ba nguồn thạo tin về hồ sơ này cho biết các viên chức đàm phán Mỹ dường như đã đưa vấn đề quyền tiếp cận Starlink do SpaceX sở hữu trong các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Ukraine sau việc tổng thống Zelenskyy từ chối đề xuất ban đầu từ bộ trưởng Tài Chính Mỹ Scott Bessent.

 

Vấn đề này đã được đặc sứ Mỹ Keith Kellogg nêu lại trong cuộc gặp với tổng thống Ukraine hôm thứ Năm 20/02. Phía Kyiv đã được thông báo rằng họ sẽ phải đối mặt với việc ngừng cung cấp dịch vụ truy cập Starlink, nếu không đạt được thỏa thuận về khai thác khoáng sản quan trọng. Theo nguồn tin ẩn danh, nếu bị mất « Ngôi sao phương Bắc » Starlink, một nguồn kết nối internet quan trọng, thì đây sẽ là « một đòn giáng mạnh » đối với quân đội Ukraine.

 

 

Trả lời RFI Pháp ngữ, giáo sư kinh tế Grégory Vanel, trường đại học Grenoble, nhận định chiến lược này của nguyên thủ Mỹ đang đặt cả Ukraine lẫn Liên Hiệp Âu Châu trong một « thế bí » :

 

« Ukraine đang tìm cách kéo dài thời gian bởi tất cả sẽ phụ thuộc vào khả năng Liên Hiệp Châu Âu gây áp lực về chính trị, áp lực ngoại giao và áp lực kinh tế trong thỏa thuận hòa bình mà Ukraine hiện đang bị gạt ra ngoài.

 

Tổng thống Ukraine giờ đứng trước hai lựa chọn: Hoặc kết thúc chiến tranh với việc mất 20 phần trăm lãnh thổ, chảy máu nhân khẩu, với sự lệ thuộc kinh tế vào Mỹ và đóng băng xung đột ở biên giới mà không có một bảo đảm an ninh nào, điều này rất quan trọng. Hoặc, tiếp tục cuộc chiến mà không có sự hậu thuẫn của Mỹ với nguy cơ bị lệ thuộc về chính trị vào Nga.

 

Và do vậy, Ukraine làm thế nào có thể chống đỡ được lâu dài thế lưỡng nan này? Nếu như Mỹ kiểm soát hết những nguồn tài nguyên chủ chốt, cần thiết cho công cuộc chuyển đổi sang cuộc cách mạng số, các nước châu Âu - vốn dĩ cũng có một lợi ích chiến lược quan trọng trong việc hỗ trợ Ukraine, trước hết là để tiếp cận các nguồn tài nguyên của nước này, mà còn để duy trì mô hình kinh tế và chính trị của châu Âu - không những có nguy cơ sẽ bị gạt sang một bên mà sẽ còn bị nền kinh tế Mỹ chi phối vĩnh viễn »

 

 

(Theo RFI)