Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern (bên phải) đến dự hội nghị thượng đỉnh NATO tại trung tâm đại hội Ifema ở Madrid, Tây Ban Nha, hôm 29/6/2022. (Ảnh: Javier Soriano/AFP/Getty Images)

 

QUỐC TẾ - Đảng Cộng Sản Trung Quốc ( ĐCSTQ) đã bác bỏ bài phát biểu của Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Madrid, nơi bà Ardern cho biết sẽ kiên định với các trật tự dựa trên quy tắc khi chế độ Trung Quốc ngày càng trở nên không e dè và sẵn sàng thách thức các luật lệ quốc tế.

 

Phát ngôn viên Đại sứ quán Trung Quốc tại New Zealand gọi các lời nhận định của bà Ardern là “sai lầm” và “đáng tiếc”, đồng thời khẳng định những bình luận như vậy là “không hữu ích” cho việc tăng cường sự tin tưởng lẫn nhau cũng như giữ cho mối quan hệ song phương đi đúng hướng.

 

Với tư cách là một đối tác, bà Ardern đã được mời tham dự phiên họp của NATO, nơi lần đầu tiên khối liên minh quân sự này chính thức công nhận Trung Quốc là một mối đe dọa an ninh.

 

Trong bài phát biểu của mình, bà Ardern lưu ý New Zealand không phải có mặt tại sự kiện này để mở rộng liên minh quân sự, hơn nữa đất nước của bà có có chính sách đối ngoại “độc lập một cách quyết liệt”.

 

Tuy nhiên trong khi đề cập đến ĐCSTQ, Thủ tướng New Zealand nhấn mạnh rằng NATO và các đồng minh cần phải “đứng vững” trên trật tự dựa vào các quy tắc của thế giới.

 

Bà Ardern phát biểu: “Tại đây, chúng ta phải phản ứng với những hành động mà chúng ta chứng kiến. Chúng ta phải đứng vững trên trật tự dựa vào các quy tắc, kêu gọi can dự ngoại giao và lên tiếng chống lại các hành vi vi phạm nhân quyền mọi lúc, mọi nơi mà chúng ta thấy chúng".

 

Lời bình luận của bà Ardern về việc Trung Quốc vi phạm nhân quyền không được nhắc hay đề cập đến, tuy nhiên phát ngôn viên đại sứ quán Trung Quốc cho biết ĐCSTQ phản đối việc các quốc gia áp đặt “ý chí riêng” và áp đặt các định nghĩa về quy tắc quốc tế lên những bên khác, cho rằng điều đó “phá hoại” nền hòa bình toàn cầu.

 

Lời cảnh báo cho New Zealand

Khái niệm Chiến lược mới nhất của NATO tuyên bố rằng Bắc Kinh đã sử dụng đòn bẩy kinh tế để “tạo ra sự phụ thuộc và nâng cao tầm ảnh hưởng của mình”, đáng chú ý nhất là thông qua Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường.

 

Trích dẫn tài liệu Khái niệm Chiến lược của NATO, có đoạn, “Trung Quốc sử dụng một loạt các công cụ chính trị, kinh tế và quân sự để gia tăng dấu ấn và sức mạnh các dự án trên toàn cầu trong khi vẫn chưa rõ ràng về chiến lược, ý định và việc xây dựng quân đội của mình” .

 

Bà Ardern cũng đề xuất với hội nghị thượng đỉnh NATO rằng liên kết Ấn Độ-Thái Bình Dương nên được tăng cường thông qua “các mối quan hệ và xây dựng kinh tế” hơn là quân sự hóa.

 

Phát ngôn viên đại sứ quán Trung Quốc đã đáp lại bằng cách khẳng định rằng mối quan hệ giữa Trung Quốc và các quốc gia Thái Bình Dương là vì mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và đẩy mạnh sự phát triển.

 

Phát ngôn viên tuyên bố nếu thực sự có leo thang căng thẳng ở Thái Bình Dương, thì đó không phải là do Trung Quốc gây ra.

 

Vị phát ngôn viên này cũng đưa ra một cảnh báo nhẹ với New Zealand khi nói rằng chế độ Trung Quốc sẽ “sẵn sàng” làm việc với nước này thông qua “hợp tác cùng có lợi” bằng cách tôn trọng lẫn nhau và loại bỏ sự khác biệt.

 

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của New Zealand và quốc đảo nhỏ bé này thường tránh sử dụng ngôn từ mạnh mẽ đối với chế độ cộng sản Bắc Kinh do lo sợ bị trả đũa về kinh tế.

(ntdvn.net, Huyền Anh - Theo The Epoch Times)