Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 132.985 trường hợp mắc COVID-19 và 6.294 ca tử vong. Tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên toàn cầu tăng lên trên 8,2 triệu người. Diễn biến dịch đang trái chiều giữa các châu lục, và nguy cơ về làn sóng dịch thứ hai ngày càng hiển hiện.
Nhóm tình nguyện đào huyệt mộ giả trên bãi biển Copacabana,để tưởng nhớ những người đã tử vong vì dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại Rio de Janeiro, Brazil, ngày 11/6/2020. Ảnh: AFP
Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 17/6 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 8.241.652 ca, trong đó có 444.890 người thiệt mạng.
Dịch bệnh đến nay đã xuất hiện và lây lan ở 213 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 4.298.109 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca nguy kịch giảm xuống còn 54.543 và 3.498.653 ca đang điều trị tích cực.
Châu Âu tiếp tục xu thế "hạ nhiệt", tạo điều kiện để các quốc gia cựu lục địa nới lỏng các biện pháp phòng dịch và từng bước mở cửa biên giới, khôi phục hoạt động kinh tế.
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân mắc COVID-19 vào một bệnh viện ở New York, Mỹ ngày 6/4/2020. Ảnh: AFP
Trong khi đó, bão dịch virus SARS-CoV-2 đang hoành hành dữ dội ở Mỹ Latinh, đặc biệt là Brazil và Mỹ. Châu Á, nơi khởi phát đại dịch cuối năm 2019, đang thật sự đối mặt với nguy cơ làn sóng dịch thứ hai, khi hàng loạt ca COVID-19 mới được phát hiện tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Iran, Indonesia....
Ấn Độ đang trở thành tâm dịch mới của châu lục khi ghi nhận số ca mắc bệnh và tử vong tăng vọt.
Trong 24 giờ qua, có tới 9 nước ghi nhận số ca tử vong ở mức trên 100 ca/ngày. Cho tới thời điểm sáng 17/6, có ba quốc là Brazil, Mỹ và Ấn Độ ghi nhận ca mắc mới trong ngày ở mức trên 11.000. Cá biệt, Brazil trong một ngày qua phát hiện tới trên 31.600 ca virus SARS-CoV-2, mức kỷ lục của nước này và thế giới từ trước tới nay.
Người dân đổ xô đến một khu mua sắm sầm uất ở bang Sao Paulo, Brazil khi các cơ sở kinh doanh tại đây được phép mở cửa trở lại ngày 10/6/2020. Ảnh: AFP
Trong 24 giờ qua, Brazil ghi nhận số ca mắc bệnh COVID-19 cao kỷ lục là 31.633 ca. "Xứ sở Samba" cũng ghi nhận 1.123 ca tử vong mới, qua đó nâng tổng số ca mắc bệnh và tử vong vì virus SARS-CoV-2 lên lần lượt 923.189 và 45.241 trường hợp.
Brazil hiện là quốc gia có số người nhiễm và tử vong do COVID-19 cao nhất Mỹ Latinh và đứng thứ 2 trên thế giới, chỉ sau Mỹ. Số liệu thống kê các trường hợp nhiễm bệnh và tử vong tại Brazil thường giảm vào cuối tuần khi có sự chậm chễ trong báo cáo từ các địa phương và tăng nhanh vào các ngày trong tuần khi các xét nghiệm được xử lý.
Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Brasilia, Brazil, ngày 26/5/2020. Ảnh: THX
Thành phố Santana Do Livramento ở miền Nam Brazil giáp với Uruguay đã phải ban bố lệnh giới nghiêm vào ban đêm do sự lây lan mạnh của dịch bệnh, đồng thời gây ảnh hưởng một cách nghiêm trong tới thành phố Rivera của nước láng giềng Uruguay do người dân hai bên thường xuyên qua lại cửa khẩu.
Bộ trưởng Giáo dục Abraham Weintraub đã bị phạt hành chính vì không đeo khẩu trang dù việc này đã trở thành yêu cầu bắt buộc ở nơi công cộng trong thủ đô Brasillia kể từ tháng Tư. Tại một sự kiện thu hút những người ủng hộ Tổng thống Jair Bolsonaro cuối tuần qua, ông Weintraub đã bắt tay và chụp ảnh với những người ủng hộ, những người này cũng không đeo khẩu trang. Ông đã phải nộp phạt 2.000 real (385 USD).
Chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới trung tâm y tế ở Brooklyn, New York (Mỹ) ngày 2/4/2020. Ảnh: AFP
Hiện Mỹ vẫn là nước có số ca mắc và tử vong nhiều nhất thế giới. Sau mấy ngày có vẻ thuyên giảm, số ca tử vong và mắc bệnh COVID-19 tại "Xứ sở cờ hoa" đã tăng mạnh trở lại.
Trong một ngày qua, Mỹ ghi nhận 24.073 ca dương tính với virus SARS-CoV-2 và 824 ca tử vong, qua đó nâng tổng số trường hợp mắc bệnh và tử vong tại nước này lên lần lượt 2.207.023 và 119.107 trường hợp.
Dù vậy, bang New York, tâm dịch lớn nhất, ghi nhận số ca nhập viện và tử vong trong ngày thấp nhất kể từ khi đại dịch bùng phát tại đây. Thành phố New York hiện cũng là nơi có tỷ lệ lây nhiễm thấp, giảm xuống còn 1,3% trong khi tỷ lệ lây nhiễm ở các khu vực khác trong bang còn thấp hơn.
Tuy nhiên, có thể số ca mắc bệnh tại Mỹ sẽ tăng mạnh trong những ngày tới, như là hậu quả của làn sóng biểu tình bất chấp dịch bệnh đang lây lan mấy ngày qua trên khắp nước Mỹ.
Hành khách tại sân bay Toronto Pearson ở Toronto, Canada, ngày 26/1/2020. Ảnh: AFP
Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 16/6, Thủ tướng Canada Justin Trudeau cho biết, lệnh đóng cửa biên giới giữa Canada và Mỹ sẽ tiếp tục được kéo dài tới ngày 21/7. Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Mỹ đã vượt mốc 2 triệu và số ca nhiễm mới ở một số bang của Mỹ vẫn tiếp tục tăng.
Thủ tướng Trudeau khẳng định biện pháp mới nhằm bảo vệ người dân ở cả hai nước trong bối cảnh cuộc chiến với đại dịch COVID-19 vẫn đang tiếp diễn. Biên giới giữa Mỹ và Canada đã được đóng đối với các hoạt động đi lại không thiết yếu bắt đầu từ đêm ngày 20/3 và được kéo dài từ đó đến nay.
Trên trang mạng của Chính phủ Canada, số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại nước này đã lên tới 99.147 ca, trong đó có 8.175 trường hợp tử vong.
Người vô gia cư xếp hàng chờ nhận lương thực cứu trợ bên ngoài một bệnh viện ở Mexico City, Mexico ngày 9/5/2020. Ảnh: AFP
Bộ Ngoại giao Mexico thông báo nước này và Mỹ đã thống nhất kéo dài lệnh hạn chế đi lại không cần thiết qua biên giới chung thêm 30 ngày nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19.
Bộ Ngoại giao nước này cho biết các hạn chế đi lại đã được cả hai nước áp đặt vào giữa tháng 3 và được gia hạn vào tháng 5. Tuy nhiên, do tình hình dịch vẫn diễn biến phức tạp, chính phủ 2 bên đã quyết định kéo dài đối với sự lưu thông không thiết yếu qua biên giới chung.
Bộ Ngoại giao Mexico cho biết, tính tới thời điểm hiện tại, 1.038 công dân nước này đã tử vong do COVID-19 tại Mỹ. Bên cạnh đó, Mexico đã ghi nhận 150.264 ca bệnh, trong đó có 17.580 ca tử vong do COVID-19 ở trong nước.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Santiago, Chile, ngày 28/5/2020. Ảnh: THX
Trong khi đó, Chính phủ Chile quyết định gia hạn "tình trạng thảm họa" thêm 90 ngày do số ca nhiễm đang tiếp tục tăng. Hiện nước này ghi nhận gần 180.000 ca nhiễm, trong đó 3.362 ca tử vong.
Tỷ lệ ca nhiễm mới hằng ngày tăng mạnh trong tháng 5 và đầu tháng 6, trung bình hơn 5.000 ca/ngày trong những tuần gần đây. Tình hình đã buộc chính quyền phải ban bố lệnh phong tỏa toàn bộ thủ đô Santiago với hơn 6 triệu dân.
Lực lượng phòng vệ và dân sự Peru đóng gói lương thực cứu trợ cho người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 tại Lima ngày 28/5/2020. Ảnh: AFP
Tổng thống Ecuador, ông Lenín Moreno, ngày 16/6 đã tuyên bố gia hạn tình trạng khẩn đến ngày 13/8 nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19. Với quyết định trên, Chính phủ Ecuador có quyền huy động các lực lượng vũ trang và duy trì các biện pháp hạn chế đi lại, trong đó có lệnh giới nghiêm, cũng như đình chỉ quyền tự do hội họp.
Ecuador - đất nước có 17,5 triệu dân - là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19 ở khu vực Mỹ Latinh với hơn 47.943 ca nhiễm virus tính đến cuối ngày 16/6. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại nước này đã lên tới 3.970 người, xếp thứ 4 tại Mỹ Latinh sau Brazil, Mexico và Peru.
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tới bệnh viện ở Breves, trên đảo Marajo, bang Para, Brazil ngày 25/5/2020. Ảnh: AFP
Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) ngày 16/6 cảnh báo châu Mỹ đang nhanh chóng tiếp cận mốc 4 triệu người mắc bệnh COVID-19, với hai nước dẫn đầu về số người nhiễm bệnh là Mỹ và Brazil với các tỷ lệ lần lượt 54% và 23% tổng số ca tại lục địa này.
Phát biểu tại một buổi họp báo trực tuyến, Giám đốc PAHO - bà Carissa Etienna cho hay dịch bệnh vẫn đang “tăng tốc” lây nhiễm tại châu lục và chưa có dấu hiệu “giảm nhiệt”. Trong đó, Mỹ Latinh hiện vẫn là khu vực đứng đầu “làn sóng” dịch bệnh và dự báo trong hai tháng 6 và 7 là những thời điểm đỉnh điểm của sự lây lan SARS-Cov-2 tại một số nước trong khu vực.
Xét nghiệm nhằm phát hiện người nhiễm COVID-19 cho người dân sống gần khu chợ đầu mối thực phẩm Tân Phát Địa ở Bắc Kinh, ngày 14/6/2020. Ảnh: AFP
Tại châu Á, đại dịch bất ngờ nóng trở lại ở nhiều nước khi nguy cơ về một làn sóng dịch thứ hai đang ngày một hiển hiện.
Ngày 16/6, sau khi kích hoạt “các biện pháp thời chiến” để ứng phó đại dịch COVID-19, chính quyền thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc đã nâng mức cảnh báo đại dịch và hoạt chế hoạt động của một số dịch vụ công cộng.
Phát biểu tại cuộc họp báo tối 16/6 (theo giờ địa phương), Phó bí thư Thành ủy Bắc Kinh Chen Bei cho biết chính quyền thành phố quyết định nâng mức tình trạng khẩn cấp y tế cộng đồng từ mức 3 lên mức 2. Theo ông Chen Bei, chính quyền Bắc Kinh cũng yêu cầu các thư viện, bảo tàng và công viên trong thành phố giảm 30% số lượng khách thăm; các trường trung học và tiểu học trên địa bàn tạm đóng cửa và khôi phục hoạt động giảng dạy trực tuyến, trong khi các trường cao đẳng cũng phải đóng cửa.
Các dịch vụ taxi và đi xe chung ở thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc được khuyến cáo chỉ đón trả khách trong nội đô để ngăn chặn dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 lây lan sau khi bùng phát một số "ổ dịch" mới ở thành phố này trong những ngày qua.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 khi mua hàng trong siêu thị ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 15/6/2020. Ảnh: THX
Sáng 16/6, Ủy ban Y tế quốc gia (NHC) Trung Quốc cho biết đã ghi nhận thêm 40 ca mắc COVID-19 tại Trung Quốc đại lục trong ngày 15/6, trong đó 32 ca lây nhiễm trong nước và 8 ca từ nước ngoài nhập cảnh.
Không có ca tử vong nào do COVID-19 ở Trung Quốc đại lục trong ngày 15/6. Trong tổng số ca lây nhiễm trong nước, 27 ca được ghi nhận tại thủ đô Bắc Kinh, 4 ca tại tỉnh Hà Bắc, và 1 ca tại tỉnh Tứ Xuyên.
Với 8 ca nhiễm mới nhập cảnh, đến nay Trung Quốc đại lục đã ghi nhận tổng cộng 1.845 ca nhiễm từ nước ngoài nhập cảnh, trong đó 1.752 ca đã khỏi bệnh và được xuất viện, 93 ca đang được điều trị. Trong số các ca mới, 3 ca tại Thượng Hải, 3 ca tại tỉnh Quảng Đông, 1 ca tại khu tự trị Nội Mông và 1 ca tại tỉnh Liêu Ninh.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Mumbai, Ấn Độ ngày 6/6/2020. Ảnh: THX
Ấn Độ có số ca tử vong vì COVID-19 cao nhất thế giới trong vòng 24 giờ qua, với 2.006 trường hợp.
Quốc gia Nam Á này cũng ghi nhận 11.135 ca dương tính mới, qua đó nâng tổng số ca mắc bệnh và tử vong vì virus SARS-CoV-2 tại Ấn Độ lên lần lượt 354.161 và 11.921 trường hợp. Xu thế đáng lo ngại là tỷ lệ các ca mắc bệnh mới và tử vong đang có xu thế tăng mạnh những ngày qua ở Ấn Độ.
Ngày 15/6, thành phố Chennai, thủ phủ bang Tamil Nadu của Ấn Độ thông báo tái áp đặt biện pháp phong tỏa từ ngày 19/6 tới trong bối cảnh các ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 tăng mạnh trong khu vực.
Bang Tamil Nadu, miền Nam Ấn Độ, là bang chịu tác động mạnh thứ hai trên cả nước sau bang Maharashtra. Hiện bang này ghi nhận hơn 44.000 ca mắc trên tổng số 332.424 ca trên cả nước. Phần lớn các ca nhiễm bệnh ở thành phố Chennai.
Trước đó, Bangladesh xác nhận số ca mắc mới trong ngày cao nhất là 3.471 ca hôm 12/6. Số ca tử vong tăng thêm 53 ca trong 24 giờ qua lên 1.262 ca kể từ ngày 18/3 vừa qua. Hôm 12/6, Bangladesh ghi nhận số ca tử vong trong ngày cao nhất với 46 ca.
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Seoul, Hàn Quốc ngày 22/4/2020. Ảnh: AFP
Với 34 ca nhiễm mới được phát hiện, tổng số ca tại Hàn Quốc đã tăng lên 12.155 ca. Như vậy, Hàn Quốc trong 3 ngày liên tiếp ghi nhận số ca nhiễm mới dưới 40 ca. Trong số ca nhiễm mới ghi nhận có 21 ca lây nhiễm trong cộng đồng.
Hàn Quốc cũng ghi nhận thêm 1 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong ở nước này lên 278 ca, trong khi có thêm 30 bệnh nhân bình phục hoàn toàn, đưa tổng số ca được chữa khỏi lên 10.760 người, chiếm 88,5%.
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Tehran, Iran ngày 2/6/2020. Ảnh: AFP
Tại Trung Đông, chính quyền Iran ghi nhận số ca tử vong tăng lên 9.065 ca sau khi xác nhận thêm hơn 100 ca/ngày trong 3 ngày liên tiếp.
Trong 24 giờ qua, thêm 2.563 ca có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm tại Iran lên 192.439 ca kể từ khi những ca nhiễm đầu tiên được phát hiện ngày 19/2.
Du khách thăm quan Cung điện Hoàng Gia ở Bangkok, Thái Lan ngày 7/6/2020. Ảnh: AFP
Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 16/6, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có thêm 1.629 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng trên 3.540 người.
Trong 24 giờ qua, khối ASEAN có ba quốc gia Indonesia, Philippines và Brunei ghi nhận ca tử vong vì virus SARS-CoV-2. Tình hình tiếp tục diễn biến nghiêm trọng và ngày một xấu đi ở Indonesia. Trong ngày, khu vực chỉ có 4 nước ghi nhận các ca mắc mới là Singapre, Indonesia, Philippines và Malaysia.
Virus SARS-CoV-2 đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 3.548 người dân ở khu vực này, tăng 39 trường hợp so với 1 ngày trước đó, trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 120.698 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 64.950 trường hợp.
Khách du lịch trên đường Khao San ở thủ đô Bangkok, Thái Lan, ngày 6/3/2020. Ảnh: AFP
Singapore vẫn là quốc gia ASEAN có số ca mắc cao nhất, song Indonesia sắp vượt qua “đảo quốc sư tử” về tổng số ca mắc. Về tổng thể, dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại hai nước Indonesia và Philippines.
Ngược lại, các nước khác trong khu vực đang kiểm soát tốt địch bệnh và đời sống kinh tế-xã hội bắt đầu trở lại nhịp. Nhiều nước ASEAN đang đẩy nhanh quá trình mở cửa trở lại và khôi phục hoạt động kinh tế xã hội.
Người dân giao thương tại khu chợ biên giới giữa Đức với Ba Lan ở Lubieszyn, miền Tây Bắc Ba Lan ngày 13/6/2020, thời điểm lệnh dỡ bỏ hạn chế nhập cảnh bắt đầu có hiệu lực ở Ba Lan. Ảnh: AFP
Tại châu Âu, một số quốc gia vẫn tiếp tục nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội một cách thận trọng. Tâm dịch châu Âu đã hạ nhiệt nhiều, và hầu hết các nước đang đẩy nhanh việc khôi phục hoạt động kinh tế-xã hội, mở cửa lại các đường biên giới.
Liên minh châu Âu (EU) lên kế hoạch mở lại hoàn toàn các biên giới nội khối từ ngày 15/6 cho phép du khách đến từ các quốc gia Balkan nhập cảnh từ ngày 1/7 tới. Kế hoạch trên được cân nhắc sau khi nhiều nước bắt đầu nới lỏng những hạn chế đi lại nhằm ngăn chặn dịch viêm đường hô hấp COVID-19 lây lan.
Tại Romania, chính phủ nước này chính thức kích hoạt giai đoạn 3 nới lỏng hạn chế, cho phép các trung tâm thương mại, các sòng bài, bể bơi ngoài trời và trung tâm thể hình mở cửa trở lại. Romania tiếp tục nới lỏng hạn chế dù giới chức y tế cảnh báo số ca mắc mới đang có xu hướng gia tăng trở lại trong những ngày gần đây.
Lực lượng dân phòng Tây Ban Nha kiểm tra các phương tiện tại một trạm kiểm soát biên giới ở Pausu, gần Hendaye, Tây Nam Pháp nhằm ngăn dịch COVID-19 lây lan ngày 17/3/2020. Ảnh: AFP
Tương tự, thủ đô Lisbon của Bồ Đào Nha cũng đã bắt đầu cho phép các trung tâm thương mại và cửa hàng lớn mở cửa trở lại khi thành phố bước vào giai đoạn 3 nới lỏng hạn chế. Thành phố này bắt đầu giai đoạn 3 chậm hơn dự kiến 2 tuần do số ca nhiễm mới trong khu vực cao hơn những địa phương còn lại trên cả nước. Đến nay, Bồ Đào Nha ghi nhận tổng cộng hơn 37.000 ca mắc bệnh, trong đó có hơn 1.500 ca tử vong.
Tại Áo, lệnh bắt buộc đeo khẩu trang khi đi mua sắm đã được dỡ bỏ khi cả nước bước vào giai đoạn nới lỏng tiếp theo - giảm các quy định bắt buộc và khuyến khích người dân tự giác bảo vệ sức khỏe. Hiện hoạt động kinh doanh tại quốc gia này đã gần như trở lại mức bình thường.
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Moskva, Nga ngày 15/6/2020. Ảnh: AFP
Ngày 16/6, Nga ghi nhận thêm 8.248 ca mắc bệnh COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm lên 545.458 trường hợp, trong đó 7.284 người đã tử vong, tăng 193 người so với một ngày trước đó.
Trong ảnh: (tư liệu) Phu nhân của Tổng thống Ukraine Olena Zelenska trong chuyến thăm Riga, Latvia, ngày 16/10/2019. Ảnh: AFP
Ngày 16/6, Văn phòng Tổng thống Ukraine thông báo Đệ nhất phu nhân Olena Zelenska đã nhập viện do mắc COVID-19, song tình trạng sức khỏe của bà vẫn ổn định.
Đệ nhất phu nhân thông báo bà đã có kết quả xét nghiệm dương tính với chủng mới của virus SARS-CoV-2, song chồng và hai con của bà có kết quả âm tính. Hiện Ukraine ghi nhận tổng cộng 32.476 ca nhiễm và 912 ca tử vong, tăng lần lượt 666 và 11 trường hợp so với ngày trước đó.
Khách du lịch tại thủ đô London, Anh. Ảnh: AFP
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 16/6 đã ca ngợi việc Anh sử dụng một loại steroid cơ bản để điều trị các bệnh nhân COVID-19 ở trong tình trạng nghiêm trọng là một “đột phá khoa học có tính chất cứu mạng”, bởi liệu pháp này đã cứu sống được 1/3 tổng số đối tượng bệnh nhân này.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh: “Đây là tin tức tuyệt vời và chúng tôi chúc mừng Chính phủ Anh, Đại học Oxford, cùng nhiều bệnh viện và bệnh nhân ở Anh - những người đã đóng góp vào đột phá khoa học cứu mạng này”.