(Xem lại phần 1)

 

 

 

ĐỊA CHÍNH TRỊ CỦA CÁC CON SỐ

 

 

Sự suy giảm dân số không chỉ thay đổi cách chính phủ đối xử với công dân của mình, mà còn thay đổi cách họ đối xử với nhau. Sự thu hẹp dân số loài người chắc chắn sẽ làm thay đổi cán cân quyền lực toàn cầu hiện tại và gây căng thẳng cho trật tự thế giới hiện tại.

 

Có thể thấy được một số cách mà điều này có thể xảy ra. Một trong những điều chắc chắn về mặt nhân khẩu học của thế hệ tương lai là sự khác biệt về tăng trưởng dân số sẽ tạo ra những thay đổi nhanh chóng về quy mô tương đối của các khu vực chính trên thế giới. Thế giới ngày mai sẽ mang tính Phi châu hơn nhiều. Dù khoảng một phần bảy dân số thế giới hiện nay sống ở Phi Châu hạ Sahara, khu vực này chiếm đến gần một phần ba tổng số ca sinh; do đó, tỷ lệ lực lượng lao động và dân số của khu vực này so với thế giới sẽ tăng mạnh trong thế hệ sắp tới.

 

Nhưng điều này không nhất thiết có nghĩa là một “thế kỷ Phi châu” đang ở ngay trước mắt chúng ta. Trong một thế giới mà sản lượng bình quân đầu người thay đổi theo cấp số 100 giữa các quốc gia, vốn nhân lực – chứ không chỉ là tổng dân số – có ý nghĩa rất lớn đối với sức mạnh quốc gia, nhưng triển vọng về vốn nhân lực ở Phi châu cận Sahara vẫn còn đáng thất vọng. Các bài kiểm tra chuẩn hóa chỉ ra rằng có tới 94% thanh niên trong khu vực này còn thiếu các kỹ năng cơ bản. Dù nhóm dân trong độ tuổi lao động vào năm 2050 của khu vực này hứa hẹn sẽ rất lớn, nhưng số lượng lao động có kỹ năng cơ bản có thể không lớn hơn nhiều so với chỉ một mình nước Nga vào năm 2050.

 

 

Ấn Độ hiện là quốc gia đông dân nhất thế giới và đang trên đà tiếp tục tăng trưởng trong ít nhất vài thập niên nữa. Nhân khẩu học của nước này gần như bảo đảm rằng họ sẽ trở thành một cường quốc hàng đầu vào năm 2050. Nhưng sự trỗi dậy của Ấn Độ đang bị tổn hại bởi những lỗ hổng về nguồn nhân lực. Ấn Độ có một đội ngũ các khoa học gia, kỹ thuật viên, và sinh viên ưu tú đẳng cấp thế giới. Nhưng người dân Ấn Độ bình thường lại chỉ được tiếp cận nền giáo dục yếu kém. Một con số đáng kinh ngạc là bảy trong số tám người trẻ ở Ấn Độ ngày nay thậm chí còn thiếu các kỹ năng cơ bản – hậu quả của cả tỷ lệ nhập học thấp và chất lượng kém của các trường tiểu học và trung học dành cho những cá nhân đủ may mắn được đi học. Hồ sơ kỹ năng của thanh niên Trung Quốc vượt xa hàng chục năm, thậm chí là hàng thế hệ, so với thanh niên Ấn Độ ngày nay. Điều đó có nghĩa là Ấn Độ khó có thể vượt qua một Trung Quốc đang suy giảm dân số về sản lượng bình quân đầu người hoặc thậm chí là tổng GDP trong một thời gian rất dài.

 

 

Quan hệ đối tác hợp nhất giữa Trung Quốc, Iran, Bắc Hàn, và Nga đang thách thức trật tự phương Tây do Mỹ lãnh đạo. Các quốc gia xét lại này có những nhà lãnh đạo hung hăng, tham vọng, và tự tin vào các mục tiêu quốc tế của họ. Nhưng xu hướng nhân khẩu học đang chống lại họ.

 

Trung Quốc và Nga từ lâu đã là những xã hội có tỷ lệ sinh dưới mức thay thế, cả hai hiện đều có lực lượng lao động thu hẹp và dân số suy giảm. Dân số Iran cũng thấp hơn nhiều so với mức thay thế. Dữ liệu dân số của Bắc Hàn vẫn được giữ bí mật, nhưng việc lãnh tụ độc tài Kim Jong Un công khai bày tỏ lo ngại về tỷ lệ sinh quốc gia hồi cuối năm ngoái cho thấy giới lãnh đạo không hài lòng về nhân khẩu học của đất nước.

 

 

Dân số Nga đang giảm, và những khó khăn dường như không thể giải quyết được của nước này trong lĩnh vực sức khỏe cộng đồng và sản xuất tri thức đã làm giảm sức mạnh kinh tế tương đối của nước này trong nhiều thập niên, và có lẽ sẽ không có sự thay đổi lớn nào. Tỷ lệ sinh sụt giảm ở Trung Quốc – thế hệ tiếp theo được dự đoán chỉ bằng một nửa thế hệ trước – sẽ khiến việc thu hẹp lực lượng lao động và tăng tốc quá trình già hóa dân số là không thể tránh khỏi, trong lúc các gia đình mở rộng của Trung Quốc, trước đây từng là mạng lưới an sinh xã hội chính của đất nước, đang teo tóp và tan rã. Những thực tế sắp xảy ra này báo trước những gánh nặng phúc lợi xã hội mới, không thể tưởng tượng được đối với một nền kinh tế Trung Quốc đã không còn rực rỡ và có thể sẽ cản trở nguồn tài trợ cho tham vọng quốc tế của Bắc Kinh.

 

 

Chắc chắn, các quốc gia xét lại sở hữu vũ khí nguyên tử có thể gây ra những rủi ro quá lớn đối với trật tự toàn cầu hiện tại – cứ nhìn vào những rắc rối mà Bắc Hàn gây ra dù GDP không đáng kể. Nhưng nền tảng nhân khẩu học cho sức mạnh quốc gia đang chống lại những kẻ xét lại này, khi sự suy giảm dân số tương ứng của họ đang đến gần.

 

Đối với Mỹ, các yếu tố cơ bản về nhân khẩu học có vẻ khá vững chắc – chí ít là khi so sánh với các đối thủ cạnh tranh. Các xu hướng nhân khẩu học đang giúp tăng cường sức mạnh của Mỹ trong những thập niên tới, hỗ trợ cho sự thống trị toàn cầu liên tục của Mỹ. Xét đến những căng thẳng trong nước và căng thẳng xã hội mà người Mỹ đang trải qua ngày nay, những lợi thế lâu dài này của Mỹ có thể gây bất ngờ. Nhưng chúng đã bắt đầu được các nhân vật quan sát và nhân vật ở nước ngoài tính đến.

 

Dù Mỹ là một xã hội có tỷ lệ sinh dưới mức thay thế, nhưng nước này vẫn có mức sinh cao hơn bất kỳ quốc gia Đông Á nào và hầu hết các quốc gia Âu châu. Cùng với dòng người nhập cư mạnh mẽ, tỷ lệ sinh không quá thấp của Mỹ mang lại cho nước này một quỹ đạo nhân khẩu học rất khác so với hầu hết các xã hội phương Tây giàu có khác, với sự gia tăng dân số và lực lượng lao động liên tục và chỉ già hóa dân số ở mức vừa phải cho đến năm 2050.

 

 

 

Trong một đám tang ở Bronx, New York, tháng 6/2024. © Shannon Stapleton / Reuters

 

 

 

Nhờ phần lớn vào người nhập cư, Mỹ đang trên đà chiếm một phần ngày càng tăng trong lực lượng lao động, thanh niên, và nhân tài trình độ cao của các nước giàu. Dòng người nhập cư có tay nghề được duy trì liên tục cũng mang lại cho nước này một lợi thế lớn. Không có nhóm dân số nào khác trên hành tinh này có vị thế tốt hơn để chuyển tiềm năng dân số thành sức mạnh quốc gia – và có vẻ như lợi thế nhân khẩu học đó sẽ vẫn được duy trì vào năm 2050. So với các đối thủ khác, đặc điểm nhân khẩu học của nước Mỹ ngày nay trông khá tuyệt vời – và có thể còn tuyệt vời hơn vào ngày mai – tuy nhiên, trong khi chờ đợi, cần nhấn mạnh sự ủng hộ liên tục của công chúng đối với người nhập cư. Mỹ vẫn là ngoại lệ địa chính trị quan trọng nhất đối với tình trạng suy giảm dân số sắp tới.

 

Nhưng sự suy giảm dân số cũng sẽ làm xáo trộn cán cân quyền lực theo những cách không thể đoán trước. Hai điều chưa biết nổi bật là: các xã hội suy giảm dân số sẽ thích nghi nhanh chóng và khéo léo ra sao trước hoàn cảnh mới của họ, và sự suy giảm dân số kéo dài có thể ảnh hưởng đến ý chí và tinh thần quốc gia như thế nào.

 

Không có gì bảo đảm rằng các xã hội sẽ vượt qua được sự hỗn loạn do tình trạng suy giảm dân số gây ra. Khả năng phục hồi và sự gắn kết xã hội chắc chắn có thể tạo điều kiện cho những quá trình chuyển đổi này, nhưng một số xã hội rõ ràng là kém phục hồi và kém gắn kết hơn những xã hội khác. Để đạt được những tiến bộ về kinh tế và xã hội bất chấp tình trạng suy giảm dân số sẽ đòi hỏi những cải cách đáng kể trong các thể chế chính phủ, các khu vực tư nhân, các tổ chức xã hội, cũng như các chuẩn mực và hành vi cá nhân. Nhưng các chương trình cải cách lại luôn thất bại trong thế giới hiện tại, bị cản trở bởi khả năng lập kế hoạch kém, khả năng lãnh đạo kém, và chông gai chính trị.

 

Phần lớn GDP của thế giới ngày nay được tạo ra bởi các quốc gia sẽ rơi vào tình trạng suy giảm dân số sau một thế hệ nữa. Các xã hội suy giảm dân số không chịu thay đổi sẽ phải trả giá: đầu tiên là trì trệ kinh tế và sau đó rất có thể là khủng hoảng tài chính và khủng hoảng kinh tế xã hội. Nếu số lượng các xã hội suy giảm dân số không chịu thay đổi đủ lớn, những khó khăn của họ sẽ kéo nền kinh tế toàn cầu đi xuống. Kịch bản ác mộng sẽ là một khu vực có các nền kinh tế quan trọng nhưng lại suy giảm dân số, chiếm phần lớn sản lượng của thế giới, bị đóng băng trong tình trạng cứng nhắc hoặc suy thoái do bi quan, lo lắng, và chống lại cải cách. Ngay cả khi các xã hội suy giảm dân số cuối cùng cũng thích nghi thành công với hoàn cảnh mới của họ, thì cũng chẳng có gì bảo đảm rằng họ sẽ làm như vậy đúng thời hạn mà các xu hướng dân số mới hiện nay đòi hỏi.

 

Các hàm ý về an ninh quốc gia cũng rất quan trọng. Một ẩn số chiến lược lớn trong một thế giới đang suy giảm dân số là liệu tình trạng già hóa lan rộng, tỷ lệ sinh thấp, và tình trạng suy giảm dân số kéo dài có ảnh hưởng đến mức độ sẵn sàng của các xã hội đang thu hẹp đối với phòng thủ tự vệ và chấp nhận thương vong khi làm như vậy hay không. Bất chấp tất cả những cải tiến công nghệ đang thay đổi bộ mặt của chiến trường, vẫn không gì có thể thay thế được những cơ thể con người dễ bị tổn thương trong chiến tranh.

 

Người ta sẽ không thể bảo vệ đất nước nếu không chấp nhận hy sinh – đôi khi là sự hy sinh tột cùng. Nhưng quyền tự chủ, quyền được thể hiện bản thân, và mong muốn tìm kiếm tự do cá nhân đang thúc đẩy “cuộc chạy trốn khỏi gia đình” trên khắp các nước giàu có. Nếu cam kết thành lập một gia đình bị xem là gánh nặng, thì việc đòi hỏi sự hy sinh tột cùng cho những người mà chúng ta còn chưa từng gặp mặt sẽ trở nên nặng nề hơn đến thế nào? Mặt khác, nhiều người, đặc biệt là những người đàn ông trẻ tuổi, với ít ràng buộc và nghĩa vụ gia đình, có thể sẽ ít sợ rủi ro hơn và cũng mong muốn hỗ trợ cộng đồng, khao khát sự gắn bó và ý thức về mục đích mà nghĩa vụ quân sự có thể mang lại.

 

Khả năng gánh chịu thương vong ở các quốc gia đang suy giảm dân số cũng có thể phụ thuộc rất nhiều vào các điều kiện bất trắc không lường trước được – và có thể đem lại những kết quả đáng ngạc nhiên. Cuộc xâm lược Ukraine của Nga chính là một phép thử. Cả hai quốc gia đều có tỷ lệ sinh rất thấp vào đêm trước cuộc xâm lược. Và cả kẻ xâm lược chuyên chế lẫn người bảo vệ dân chủ đều đã chứng minh rằng họ sẵn sàng chịu thương vong nghiêm trọng trong một cuộc chiến hiện đang bước sang năm thứ ba.

 

Trung Quốc có lẽ là dấu hỏi lớn nhất khi nói đến tình trạng suy giảm dân số và ý chí chiến đấu. Vì chính sách một con được thực thi một cách nghiêm ngặt trong nhiều thập niên và sự suy giảm số lượng trẻ sơ sinh đột ngột kể từ khi chính sách bị đình chỉ gần mười năm trước, quân đội Trung Quốc sẽ bao gồm phần lớn những người trẻ tuổi được nuôi dưỡng mà không có anh chị em ruột. Một sự kiện thương vong hàng loạt sẽ gây ra hậu quả tàn khốc cho các gia đình trên khắp đất nước, khiến nhiều dòng dõi bị chấm dứt hoàn toàn.

 

Có lý khi đánh cược rằng người Trung Quốc sẽ chiến đấu dữ dội chống lại một cuộc xâm lược của nước ngoài. Nhưng việc chấp nhận thương vong như vậy có thể không mở rộng đến các cuộc phiêu lưu ở nước ngoài và các chuyến thám hiểm bị trục trặc. Ví dụ, nếu Trung Quốc quyết định thực hiện và sau đó duy trì một chiến dịch tốn kém chống lại Đài Loan, thế giới sẽ học được một điều gì đó ảm đạm về những gì có thể xảy ra trong thời đại suy giảm dân số.

 

 

 

MỘT CHƯƠNG MỚI

 

Kỷ nguyên suy giảm dân số đang đến gần. Quá trình già hóa mạnh mẽ và sự suy giảm vô thời hạn của dân số loài người – cuối cùng là ở quy mô toàn cầu – sẽ đánh dấu sự kết thúc của một chương phi thường trong lịch sử loài người và mở ra một chương khác, có thể không kém phần phi thường so với chương trước đó. Suy giảm dân số sẽ biến đổi loài người một cách sâu sắc, có thể theo nhiều cách mà các xã hội chưa bắt đầu xem xét và có lẽ vẫn chưa có khả năng hiểu được.

 

Tuy nhiên, đối với tất cả những thay đổi quan trọng sắp tới, chúng ta cũng có thể mong đợi những sự tiếp nối quan trọng và giúp trấn an tinh thần. Loài người đã tìm ra công thức để xóa bỏ tình trạng khan hiếm vật chất và tạo ra sự thịnh vượng ngày càng lớn hơn. Công thức đó có thể hoạt động bất kể dân số tăng hay giảm. Sự tiến bộ vật chất đã trở nên khả thi nhờ một hệ thống hợp tác hòa bình giữa người với người – sâu sắc, rộng lớn và phức tạp không thể hiểu thấu – và hệ thống chủ yếu dựa trên thị trường đó sẽ tiếp tục phát triển từ kỷ nguyên hiện tại sang kỷ nguyên tiếp theo. Ý chí của con người – động lực thúc đẩy sự suy giảm tỷ lệ sinh trên toàn thế giới ngày nay – cũng sẽ không kém phần mạnh mẽ so với ngày hôm nay.

 

Loài người chúng ta có thể vượt trên hành tinh, khám phá vũ trụ và tiếp tục định hình lại chính mình vì con người là loài động vật sáng tạo và thích nghi nhất thế giới. Nhưng sẽ cần nhiều hơn một chút sáng tạo và khả năng thích nghi để đối phó với những hậu quả không mong muốn trong tương lai của các lựa chọn về gia đình và sinh sản đang được thực hiện ngày nay.

 

 

Nicholas Eberstadt là Giáo sư về Kinh tế chính trị tại Viện Doanh nghiệp Mỹ.

 

(nghiencuuquocte.org)