Quốc kỳ Nhật Bản tung bay trên tòa nhà trụ sở chính của Ngân hàng Nhật Bản (BoJ) (phía dưới) ở Tokyo hôm 27/04/2022. (Ảnh: Kazuhiro Nogi/AFP/Getty Images)
TRUNG QUỐC - Chính quyền Trung Quốc đã chính thức bắt giữ một công dân Nhật Bản bị giam giữ kể từ tháng 3 với cáo buộc làm gián điệp, trong bối cảnh căng thẳng giữa hai nước ngày càng trầm trọng.
Quan chức Nhật Bản xác nhận vụ bắt giữ hôm 19/10 và kêu gọi chính quyền Trung Quốc trả tự do cho công dân của nước này để tránh gây tổn hại cho mối quan hệ song phương.
Trong cuộc họp báo ở Tokyo vào ngày 19/10, một quan chức Nhật Bản đã xác nhận việc giam giữ và kêu gọi lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thả công dân Nhật Bản để tránh gây thêm thiệt hại cho mối quan hệ song phương.
Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno cho biết: “Chúng tôi cũng đã mạnh mẽ kêu gọi Trung Quốc thả ngay lập tức ở nhiều cấp độ khác nhau và chúng tôi sẽ tiếp tục làm như vậy”.
Theo ông Matsuno, người đàn ông khoảng ngoài 50 tuổi này đã chính thức bị bắt vào giữa tháng 10.
Theo truyền thông Nhật Bản Kyodo News, cá nhân bị bắt là Giám đốc điều hành (CEO) của hãng dược phẩm Nhật Bản Astellas. Ông này đã bị bỏ tù ở Bắc Kinh kể từ tháng 3 với tình nghi "tham gia các hoạt động gián điệp và vi phạm luật chống gián điệp".
Theo Kyodo News, cá nhân này đã làm việc tại Trung Quốc được 20 năm và từng là quan chức cấp cao của Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản tại Trung Quốc.
Theo Nikkie Asia, Đại sứ quán Nhật Bản đã tới thăm người đàn ông này 6 lần để kiểm tra sức khỏe. Theo một phát ngôn viên của Astellas, công ty vẫn đang thu thập thông tin thông qua Bộ Ngoại giao Nhật Bản.
Chính quyền Trung Quốc chưa tiết lộ cáo buộc chi tiết đối với công dân Nhật Bản bị giam giữ. Trong cuộc gặp với người đồng cấp Trung Quốc lúc đó là Tần Cương vào tháng 4 năm nay, Ngoại trưởng Nhật Bản lúc bấy giờ là ông Yoshimasa Hayashi đã chính thức phản đối vụ việc và kêu gọi nhanh chóng thả người đàn ông này.
Lệnh cấm xuất cảnh và Luật phản gián mới của Trung Quốc
Nhân viên nước ngoài ở Trung Quốc đã gặp nguy hiểm kể từ tháng 7, khi Bắc Kinh sửa đổi Luật chống gián điệp, thắt chặt kiểm soát của nhà nước đối với luồng thông tin liên quan đến an ninh quốc gia và mở rộng phạm vi an ninh quốc gia.
Định nghĩa pháp lý về hoạt động gián điệp trước đây của Trung Nam Hải tập trung vào việc tiết lộ cái gọi là bí mật và tình báo quốc gia. Thuật ngữ mới bao gồm các tài liệu, dữ liệu, thông tin, hàng hóa liên quan đến an ninh quốc gia cũng như các hành vi kích động, xúi giục, ép buộc hoặc hối lộ công nhân nhà nước.
Ngoài ra, luật không nêu định nghĩa cụ thể về an ninh quốc gia hay bí mật nhà nước. Do đó, nhiều nhà quản lý công ty Nhật Bản ở Trung Quốc lo ngại rằng ĐCSTQ sẽ sử dụng tội danh gián điệp để tùy tiện giam giữ nhân viên của họ trong tương lai, do mối quan hệ ngày càng căng thẳng giữa hai nước.
Theo luật chống gián điệp ban đầu được thông qua vào năm 2014, tổng cộng 17 công dân Nhật Bản đã bị giam giữ và 9 người trong số họ đã chính thức bị kết án. Mười một người đã được trả tự do sau khi bị giam giữ tùy tiện hoặc mãn hạn tù, và một người đã chết trong tù. Hiện có 5 công dân Nhật Bản bị ĐCSTQ giam giữ hoặc đang thụ án trong tù.
Vào ngày 30/6, một ngày trước khi Luật chống gián điệp mới chính thức có hiệu lực, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã ban hành khuyến cáo du lịch kêu gọi công dân Hoa Kỳ “xem xét lại việc đi đến Trung Quốc đại lục do việc thực thi luật pháp địa phương một cách tùy tiện, bao gồm cả các lệnh cấm xuất cảnh, và nguy cơ bị giam giữ sai trái”.
Bộ Ngoại giao Mỹ cảnh báo rằng Bắc Kinh đã thẩm vấn và giam giữ công dân nước ngoài, bao gồm cả công dân Mỹ đang sống và làm việc tại Trung Quốc, vì cáo buộc vi phạm luật an ninh quốc gia.
Một định nghĩa rộng hơn về an ninh quốc gia cho phép Bắc Kinh “bắt giữ và truy tố các công dân nước ngoài vì cáo buộc hoạt động gián điệp”. Bộ Ngoại giao cảnh báo trong khuyến cáo du lịch rằng Trung Quốc sử dụng lệnh cấm xuất cảnh để buộc người nước ngoài tham gia vào các cuộc điều tra của chính phủ, gây áp lực cho gia đình của những người bất đồng chính kiến ở nước ngoài và để đạt được đòn bẩy đối với các chính phủ nước ngoài.
Chính quyền Trung Quốc từ lâu đã tổ chức các vụ xét xử bí mật. Hiện vẫn chưa rõ những công dân Nhật Bản này đã vi phạm luật nào hoặc liệu họ có thực sự tham gia vào hoạt động gián điệp hay không.
Lệnh cấm xuất cảnh của Trung Quốc đã làm gia tăng mối lo ngại của các doanh nghiệp quốc tế, vốn đã leo thang kể từ đầu năm nay, khi chính quyền Trung Quốc không chỉ bỏ tù giám đốc điều hành Astellas Pharma của Nhật Bản mà còn nhắm mục tiêu vào các doanh nghiệp Mỹ. ĐCSTQ đã đột kích các văn phòng của công ty thẩm định Mintz và công ty tư vấn Capvision, thẩm vấn các nhân viên của Bain & Co. và điều tra nhà sản xuất vi mạch bán dẫn Micron.
Vào tháng 9, cuộc thăm dò của Phòng Thương mại Mỹ cho thấy niềm tin kinh doanh của Mỹ vào Trung Quốc đã đạt mức thấp kỷ lục. Theo một cuộc thăm dò hồi tháng 8, hơn một nửa số công ty Nhật Bản tại Trung Quốc bày tỏ lo ngại về các hoạt động trong tương lai của họ tại nước này do luật chống gián điệp mới.
Sau khi luật chống gián điệp mới của Trung Quốc được ban hành, Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã đăng cảnh báo trên trang web của mình rằng bất kỳ hành vi nào được coi là "gây phương hại đến an ninh quốc gia" ở Trung Quốc đều có thể bị điều tra theo luật mới.
Cảnh báo chỉ ra rằng có những nguy cơ bị an ninh nhà nước giam giữ tùy tiện và các cáo buộc và kết án bất công. Nhật Bản khuyến cáo công dân thận trọng khi đến thăm Trung Quốc.
Tính đến tháng 7/2022, có 12.706 công ty Nhật Bản làm ăn với Trung Quốc, trong khi 107.715 công dân Nhật Bản sinh sống ở Trung Quốc tính đến tháng 10/2022.
(Theo The Epoch Times)
(ntdvn.net, Lam Giang biên dịch)