Hoàng thái tử Ả Rập Saudi Mohammed ben Salman (bên phải) bắt tay tổng thống Syria Ahmad al-Sharaa trong cuộc gặp với tổng thống Mỹ Donald Trump (ở giữa), tại Riyad, Ả Rập Saudi, ngày 14/05/2025. AP - Saudi Royal Palace
TRUNG ĐÔNG - Tổng thống Mỹ Donald Trump đang góp phần từng bước mang lại ổn định cho « chảo lửa » Trung Đông? Theo ông, Washington và Teheran sắp tiến tới một thỏa thuận về vấn đề nguyên tử của Iran. Ngày 13/05/2025, trong chuyến công du Ả Rập Saudi, tổng thống Mỹ bất ngờ thông báo dỡ bỏ cấm vận Syria và hai bên bắt đầu đàm phán bình thường hóa quan hệ song phương. Quyết định « lịch sử và dũng cảm » là bước ngoặt để Syria sang trang mới, nhưng chặng đường phía trước còn nhiều chông gai.
Một hình ảnh mang tính biểu tượng khác là nguyên thủ Mỹ gặp tổng thống Syria Ahmad al Sharaa, dù chưa đầy 30 phút, ít lâu sau khi ông thông báo dỡ cấm vận: « Syria có một chánh phủ mới mà chúng tôi hy vọng sẽ giúp ổn định đất nước và duy trì hòa bình. Đó là điều chúng tôi muốn thấy ở Syria. Đất nước này đã chứng kiến nhiều thảm kịch, chiến tranh và thảm sát trong nhiều năm. Đó là lý do tại sao chánh quyền của tôi đã thực hiện những bước đầu tiên để khôi phục quan hệ bình thường giữa Mỹ và Syria - lần đầu tiên sau hơn một thập niên. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã gọi cho tôi vào hôm trước và đề nghị tôi một điều rất giống với những người khác và bạn hữu mà tôi rất coi trọng ở Trung Đông: Tôi sẽ ra lệnh dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Syria để tạo cơ hội cho nước này tỏa sáng ».
10 năm nội chiến tàn phá đất nước
Tuy nhiên, để « tỏa sáng » được, Syria sẽ phải trải qua chặng đường đầy khó khăn, tái thiết đất nước từ đống đổ nát, nền kinh tế kiệt quệ, chảy máu chất xám. Khoảng 16,7 triệu dân cần viện trợ nhân đạo khẩn cấp, 6,8 triệu người tị nạn và khoảng 90% dân số sống dưới ngưỡng nghèo. Theo Marie-Pierre Vérot, thông tín viên của Radio France tại Thổ nhĩ Kỳ được trích dẫn trong bài « Những thách thức tái thiết Syria » của Viện Nghiên cứu Chiến lược và Chánh trị Pháp - INASP, cơ sở hạ tầng ở Syria trong tình trạng thảm họa, các thành phố gần như bị san phẳng, các vùng nông nghiệp bị phá, khó tiếp cận được nguồn điện-nước, ngành dệt may từng chiếm 63% cơ sở công nghiệp của Syria hiện giờ gần như không còn.
Còn theo Ngân hàng Thế giới, Syria hiện bị coi là nước có thu nhập thấp, GDP giảm 83% từ năm 2010 đến 2023, nội tệ mất giá và ngân khố trống rỗng. Sản lượng dầu lửa từ 383.000 thùng/ngày vào năm 2010 xuống còn 90.000 thùng/ngày vào năm 2023. Người dân Syria sống nhờ viện trợ nhân đạo trong khi Liên Hiệp Quốc, trong 5 tháng đầu năm 2025, chỉ huy động được chưa đầy 10% nguồn ngân sách cần thiết để đáp ứng nhu cầu. Liên Hiệp Quốc thẩm định cần 400 triệu đô-la để tái thiết Syria sau 14 năm nội chiến khiến hơn 500.000 người thiệt mạng và hơn 10 triệu người phải di cư.
Thảm trạng ở Syria bị tác động một phần do những biện pháp trừng phạt của phương Tây nhắm vào chế độ Bashar Al Assad, đặc biệt là từ Mỹ với những biện pháp được cho là « khắc nghiệt nhất », theo Jihad Yazigi, giám đốc của chuyên trang kinh tế The Syria Report.
Trả lời RFI, ông Joseph Bahout, giám đốc Viện Chánh sách công và Đối ngoại, Đại học Mỹ Beyrouth, Liban nhận định:
« Các lệnh trừng phạt đã trở nên khá lỗi thời kể từ khi chế độ sụp đổ (ngày 08/12/2024). Với các lệnh trừng phạt tài chánh, hệ thống ngân hàng quốc tế, hệ thống Swift cấm mọi giao dịch tài chánh và tiền tệ với Syria. Người Syria gặp rất nhiều khó khăn trong việc mở tài khoản ở nước ngoài, thậm chí chuyển tiền hoặc hoạt động giao dịch thông thường, sử dụng thẻ tín dụng của họ khi sống ở nước ngoài. Điều này thực sự rất bất công. Các lệnh trừng phạt ảnh hưởng đến mọi hoạt động xuất-nhập cảng để tái thiết, để tái trang bị cho Syria. Trên thực tế, toàn bộ nền kinh tế Syria đã bị đóng băng hoàn toàn và trở lại như thập niên 1970. Vì vậy, việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt là một phép màu lớn mà người dân Syria trông đợi. Hiện giờ, có thể nói rằng quốc gia này sẽ được hồi sinh về mặt kinh tế và tài chánh ».
Việc dỡ bỏ cấm vận sẽ tác động tích cực trước tiên đến người dân, tạo thuận lợi cho việc chuyển-nhận tiền từ nước ngoài, tiếp theo là cho hoạt động nhân đạo thường nhật, theo nhận định với RFI của ông Mergo Terzian, tổng giám đốc của tổ chức y tế và tương ái của Pháp MEHAD, hoạt động tại Syria từ năm 2011 và quản lý khoảng 20 trung tâm y tế:
« Đây là tin rất tốt. Tin này thực sự sẽ giúp cuộc sống hàng ngày của chúng tôi dễ dàng hơn. Trong nhiều tháng, thậm chí nhiều năm, chúng tôi gặp những khó khăn rất lớn trong việc gửi các khoản tiền cần thiết đến Syria để có thể bảo đảm các hoạt động y tế, nhân đạo của các nhóm của chúng tôi ở đông bắc, cũng như ở tây bắc Syria. Vì vậy, quyết định này là tin rất tốt cho giới hoạt động nhân đạo, cho người dân Syria và xã hội dân sự, những người hy vọng sẽ khởi động lại công cuộc tái thiết đất nước của họ ».
Ổn định chánh trị để thu hút đầu tư
Một trong những thách thức khác của Syria là phải ổn định chánh trị. Liên minh cầm quyền hiện nay gồm hai lực lượng thân Thổ Nhĩ Kỳ: phong trào Hayat Tahrir Al-Sham (HTS) xuất thân từ Al Qaida nhưng khẳng định đã đoạn tuyệt với lực lượng khủng bố và hiện giờ theo khuynh hướng ôn hòa ; lực lượng Quân đội Nhà nước Syria, hoàn toàn được Thổ Nhĩ Kỳ tài trợ và chủ trương xích lại gần với Ankara về ý thức hệ cũng như kinh tế. Ngoài ra, trong thành phần lực lượng nổi dậy chống chế độ Bashar Al Assad còn có nhánh dân chủ gồm Lực lượng Dân chủ Syria, được phương Tây hậu thuẫn, chủ yếu là Mỹ, từ năm 2011 đã ủng hộ thành lập một nước cộng hòa Syria dân chủ, chào đón mọi cộng đồng thiểu số. Và cuối cùng phải kể đến những lực lượng thiểu số khác như Druze và Kurdistan.
Dù Mỹ thông báo dỡ bỏ cấm vận và châu Âu đã giảm nhẹ nhưng đây là một quá trình kéo dài và phức tạp, ví dụ luật Caesar của Mỹ trừng phạt Syria từ năm 2020 cần phải được Quốc Hội Mỹ thông qua. Cuối cùng, khi thông báo hủy các biện pháp trừng phạt, tổng thống Donald Trump cũng đặt ra hàng loạt điều kiện với Syria, trong đó có bình thường hóa quan hệ với Israel, chiến binh nước ngoài phải rời khỏi lãnh thổ Syria, trục xuất những « kẻ khủng bố Palestine » và phải giúp Washington ngăn chặn tổ chức Nhà nước Islamic hồi sinh.
Anthony Samrani, đồng tổng biên tập nhật báo Liban l’Orient le jour, nhận định với RFI:
« Về khả năng tổng thống Syria tiến hành bình thường hóa quan hệ với Israel, tôi nghĩ ông ấy không hoàn toàn phản đối điều đó. Nhìn vào những gì Syria đã trải qua trong những năm gần đây, tất nhiên điều đó sẽ tạo ra sự thù địch. Ông ấy sẽ bị chỉ trích, đặc biệt là từ những người cực đoan hơn trong chánh quyền. Nhưng điều đó sẽ không gây ra sự thù địch như những gì dường như đang diễn ra ở Liban, nơi mà theo tôi, hiện giờ, vấn đề Israel khó được giải quyết hơn nhiều. Nhưng để quan hệ với Israel tiến triển, thứ nhất, ông Sharaa cần một đối tác « biết điều », nhưng chánh quyền Israel hiện nay lại không phải như vậy vì họ đang hành xử theo cách hoàn toàn phi lý ở Syria ; thứ hai, ông Sharaa sẽ cần một số nhượng bộ tối thiểu từ phía người Israel, đặc biệt là về vấn đề cao nguyên Golan ».
Đây là điều kiện không hề dễ dàng, thậm chí là phức tạp trong ngắn hạn đối với Syria. Chuyên gia Aron Lund, trung tâm nghiên cứu Century International, được AFP trích dẫn ngày 15/05, nhấn mạnh đến lịch sử của Syria với nước láng giềng đẫm máu hơn nhiều so với những nước Ả Rập khác gần đây đã bình thường hóa quan hệ với Nhà nước Do Thái trong khuôn khổ các thỏa thuận Abraham năm 2020.
Điều kiện chiến binh nước ngoài phải rút khỏi lãnh thổ Syria cũng gây khó khăn cho tổng thống hiện tại vì nhiều người đã tham gia lực lượng của ông Sharaa chống Bashar và lật đổ triều đại Al Assad trị vì từ nửa thế kỷ qua ở Syria.
(Theo RFI)