Máy bay chiến đấu đa năng J-16 của Tập đoàn Máy bay Thẩm Dương sản xuất cho Không quân Quân Giải phóng Nhân dân, tại Triển lãm Hàng không và Vũ trụ Quốc tế Trung Quốc lần thứ 13 ở Chu Hải, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, ngày 28/09/2021. (Ảnh: NOEL CELIS / AFP qua Getty Images)

 

 

Khi thế giới đang tập trung vào cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine - cùng với số người chết ngày một tăng và cuộc khủng hoảng người tị nạn ngày một căng thẳng - thì thế giới cũng chứng kiến ​​một sự thay đổi có tính địa chấn trong bối cảnh địa chính trị toàn cầu. Chiến tranh Nga - Ukraine có phải là hành động “đánh lạc hướng”, chuyển sự chú ý của Mỹ ra khỏi Trung Quốc?

 

Các hành động của Nga ở châu Âu luôn thu hút sự chú ý của Mỹ và các đồng minh phương Tây. Điều này đã diễn ra hàng thập kỷ qua. Trong khi đó, một thế lực lớn hơn, đáng gờm hơn đang tập hợp sức mạnh ở phía Đông, đặt mục tiêu thống trị Ấn Độ - Thái Bình Dương, và sau đó là toàn thế giới.

 

Trong nhiều thập kỷ, chế độ cộng sản Trung Quốc đã và đang xây dựng sức mạnh kinh tế và quân sự để có thể thay thế Mỹ trở thành siêu cường duy nhất vào giữa thế kỷ này. Với việc thừa nhận Bắc Kinh là mối đe dọa chính của Mỹ, Washington đã chuyển nhiều nguồn lực của mình sang khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương trong nỗ lực kiểm soát ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc.

 

Các nhà phân tích cho biết, cuộc chiến leo thang ở Đông Âu đang làm nản lòng các kế hoạch của Washington, ngay cả khi chính quyền Biden khẳng định rằng họ có thể tập trung vào cả hai mặt trận - châu Âu và Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương - cùng một lúc.

 

Madhav Nalapat, một nhà phân tích chiến lược và Phó Chủ tịch của Nhóm Nghiên cứu Nâng cao Manipal tại Ấn Độ, gần đây đã nói với The Epoch Times:

“Việc hồi sinh Chiến tranh Lạnh 1.0 (Moscow – Washington) lấy đi lượng lớn oxy từ Chiến tranh Lạnh 2.0 (Bắc Kinh – Washington) là một sai lầm lịch sử đối với các nền dân chủ".

 

Ông Nalapat đổ lỗi cho Washington và NATO vì đã mắc phải một loạt các sai lầm chiến lược mà ông tin rằng có đỉnh điểm là việc Nga xâm lược Ukraine.

 

Brandon Weichert, nhà phân tích địa chính trị và tác giả của cuốn sách “Chiếm lĩnh không gian: Cách nước Mỹ duy trì là một siêu cường” (Winning Space: How America Remains a Superpower), có cùng quan điểm. Ông Weichert chê trách chính quyền Biden vì đã chọn quay trở lại “trạng thái trước thời kì Trump” trong quan hệ của Mỹ với Nga - nghĩa là, áp dụng chính sách với mục tiêu “kiềm chế Nga” và gây áp lực để Moscow trở thành một nền dân chủ tốt, có nhân quyền.

 

Ông nói: “Vladimir Putin tin rằng không thể có thêm thỏa thuận nào nữa với Mỹ, chắc chắn không phải với giới tinh hoa tân tự do và tân bảo thủ như Joe Biden, hay thậm chí là Lindsey Graham, những người đang điều hành chính quyền ở Washington".

 

Ông nói: “Dưới thời [cựu Tổng thống Donald] Trump, đây là lối thoát cuối cùng của chúng ta, trước khi một thảm họa thực sự xảy ra” - sự hình thành liên minh Trung - Nga.

 

Theo ông Weichert, cách tiếp cận gần đây đã đẩy Tổng thống Nga Vladimir Putin vào chân tường. Và không còn cách nào khác, Putin đã chọn đứng về phía Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

 

Nhưng kết cục này, như ông nói, có thể đã được ngăn chặn. Theo ông Weichert, mặc dù Nga không phải là một đối tác lý tưởng hay là một đối tác được hình thành một cách tự nhiên, xét theo hồ sơ nhân quyền và quân sự của nước này, cần phải thừa nhận rằng Moscow có thể giúp chính quyền Mỹ với tư cách là một đối trọng có giá trị đối với Bắc Kinh.

 

Ông nói: “Nếu chúng ta có thể có được một nhà lãnh đạo phù hợp, chúng ta sẽ có thể tách Nga ra khỏi Trung Quốc, bởi vì cuối cùng thì, Nga vẫn không tin tưởng Trung Quốc. Và cuối cùng, Nga vẫn muốn tiếp tục làm ăn với người châu Âu và vẫn có quan hệ tích cực, ít nhất là trong lĩnh vực không gian, và về các vấn đề hạt nhân với người Mỹ”.

 

Và điều này đã không xảy ra, Nga và Trung Quốc đang làm sâu sắc hơn mối quan hệ của họ, theo những cách chưa từng thấy trước đây. Hai tuần trước cuộc xâm lược, khi Nga đang bị quốc tế chỉ trích nặng nề vì kế hoạch tấn công Ukraine, ông Putin và ông Tập đã tuyên bố quan hệ đối tác "không có giới hạn", một mối quan hệ song phương "vượt trội so với các liên minh chính trị và quân sự trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh".

 

Ông Weichert nói, mối quan hệ đối tác đang phát triển này là rất đáng lo ngại, bởi vì hai nước quyết định không chỉ hợp tác kinh tế và quân sự, mà còn hợp tác với nhau theo “cách thức chung về ý thức hệ”.

 

Ông nói: “Họ đang bắt đầu xem xét về thành phần ý thức hệ — chế độ chuyên quyền, khái niệm đa cực — việc có nhiều cường quốc khác nhau trên thế giới, trái ngược với việc chỉ có Mỹ điều hành thế giới, với các phạm vi ảnh hưởng".

 

“Đó là điều mà Nga và giới lãnh đạo Trung Quốc đã nói đến trong 30 năm qua, nhưng hai nước này chưa bao giờ thực sự chia sẻ hoặc phối hợp với nhau. Bây giờ chúng ta đã thấy sự khởi đầu của điều đó".

 

Tổng thống Nga, Vladimir Putin, và lãnh tụ Trung Quốc, Tập Cận Bình, tham dự cuộc họp các nguyên thủ quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác Thượng Hải ở Bishkek, Kyrgyzstan, ngày 14/06/2019. (Ảnh: Vyacheslav Oseledko / AFP qua Getty Images)

 

 

Đối tác không đáng tin cậy

Vào ngày khai mạc Thế vận hội mùa đông, Tổng thống Nga Putin đã gặp ông Tập tại Bắc Kinh, thể hiện sự đoàn kết chống lại việc lên án ngày càng tăng của cộng đồng quốc tế đối với các chế độ của họ.

 

Theo một tuyên bố chung dài 5.000 từ, hai nhà lãnh đạo cho biết sẽ "không có lĩnh vực hợp tác nào bị cấm" giữa hai nước.

 

Tuyên bố cũng tiết lộ rằng ông Putin và ông Tập đã quyết định hỗ trợ lẫn nhau về mặt địa chính trị: Trung Quốc phản đối sự mở rộng của NATO, một lý do quan trọng cho cuộc xâm lược của Nga; trong khi Moscow ủng hộ tuyên bố của Bắc Kinh rằng hòn đảo Đài Loan tự trị là một phần của Trung Quốc.

 

Trên thực tế, mối quan hệ đối tác mới đã được hình thành trong nhiều năm, đặc biệt là sau năm 2014 khi Nga chịu nhiều lệnh trừng phạt do sáp nhập Crimea. Kể từ đó, thương mại song phương Trung - Nga đã tăng hơn 50% và hiện nay Trung Quốc là điểm đến hàng đầu của hàng xuất khẩu của Nga.

 

Nga là nhà cung cấp dầu lớn thứ hai của Trung Quốc sau Ảrập Xêút, chiếm 15,5% tổng nhập khẩu dầu của Trung Quốc vào năm 2021. Nga cũng là nhà cung cấp khí đốt và than lớn cho Trung Quốc.

 

Mặc dù mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc có thể tỏ ra mạnh mẽ trên bề mặt, nhưng ông Weichert nói rằng Tổng thống Putin phải nhận thức đầy đủ về những gì mối quan hệ đối tác này đòi hỏi.

 

Ông nói: “Những gì đang diễn ra bây giờ là, nước Nga dưới thời Putin nhận thức rất rõ rằng họ tương đối yếu hơn Trung Quốc. Và khi Putin tiếp cận càng gần hơn với Trung Quốc, thì càng có nhiều khả năng ông ấy trở thành người đứng thứ hai — kẻ phụ thuộc vào đế chế của Tập Cận Bình ở Trung Quốc”.

 

“Điều cuối cùng mà ông ấy [Putin] muốn là chuyển từ việc bị phương Tây gây khó khăn sang bị người Trung Quốc gây khó khăn; đột nhiên phải phụ thuộc vào đế chế công nghệ cao mới đang phát triển của Trung Quốc".

 

Theo quan điểm của ông Weichert, ông Putin đã cố gắng khẳng định vị thế của mình đối với ông Tập, khi Tổng thống Nga quyết định triển khai quân đội Nga tới Kazakhstan với tư cách là lực lượng gìn giữ hòa bình vào tháng 1.

 

Ông Weichert nói: “Tôi nghĩ rằng Putin đang cố gắng nói, ‘Này, ông Tập, chúng ta có thể hợp tác với nhau để kinh doanh ở Trung Á, nhưng tôi là thủ lĩnh ở đây, anh làm việc với tôi, không phải ngược lại’”.

 

Trung Quốc đã tăng cường đáng kể ảnh hưởng của mình ở Trung Á - một khu vực gồm các quốc gia thuộc Liên Xô cũ nơi Nga nắm giữ nhiều ảnh hưởng - đặc biệt trong những năm gần đây, khi Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Uzbekistan đều đã tham gia Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường (BRI).

 

Năm 2013, Bắc Kinh đưa ra sáng kiến này ​​nhằm tăng cường ảnh hưởng kinh tế và chính trị trên toàn thế giới bằng cách xây dựng các tuyến thương mại kết nối Trung Quốc, Đông Nam Á, Trung Á, châu Phi, châu Âu và châu Mỹ Latinh.

 

Ông Weichert đánh giá: “Trung Quốc và Nga sẽ không ngừng đề phòng lẫn nhau ngay cả khi họ đang hợp tác cùng nhau để đẩy lùi sức mạnh của Mỹ, trước tiên là ở lục địa Âu Á và cuối cùng là trên toàn thế giới".

 

 

Trung Quốc là mối đe dọa lớn hơn

Theo ông Weichert, yếu tố quan trọng nhất khiến Trung Quốc trở thành mối đe dọa lớn hơn Nga là quy mô của nền kinh tế Trung Quốc. Ông nói: “Mối đe dọa từ Trung Quốc là mối đe dọa chiến lược lâu dài hơn. Trung Quốc có cơ sở công nghệ lớn hơn. Quy mô nền kinh tế của Trung Quốc chỉ đứng sau quy mô của Mỹ”. 

Trung Quốc hiện là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, sau Mỹ. Theo dữ liệu năm 2020 từ Ngân hàng Thế giới, nền kinh tế Trung Quốc lớn hơn nền kinh tế Nga khoảng 10 lần.

 

Do đó, sức mạnh kinh tế đằng sau chế độ cộng sản Trung Quốc cho phép ĐCSTQ làm những điều mà Nga không thể, theo đánh giá của ông Anders Corr - chủ nhiệm của công ty tư vấn chính trị Corr Analytics có trụ sở tại New York.

 

“Trung Quốc sử dụng sức mạnh kinh tế đó không chỉ để xây dựng quân đội của họ”, ông Corr cho biết. “Trung Quốc còn sử dụng sức mạnh kinh tế đó để gây ảnh hưởng chính trị trên toàn thế giới”.

 

“Vì vậy, về cơ bản, họ có thể hối lộ các chính trị gia, cho dù đó là trực tiếp đưa những túi tiền mặt hay thông qua những lời hứa hỗ trợ, cho vay và cho vay giá rẻ”.

 

Giới chức và chuyên gia phương Tây đã chỉ trích Trung Quốc xuất khẩu tham nhũng thông qua BRI hoặc duy trì tham nhũng ở các quốc gia BRI. Sáng kiến BRI cũng được mô tả là một hình thức “ngoại giao bẫy nợ”, tạo ra gánh nặng nợ nần cho các quốc gia đang phát triển không bền vững, có khả năng buộc các quốc gia đó phải chuyển giao tài sản chiến lược cho Bắc Kinh.

 

Công ty China Merchants Port Holdings hiện đang điều hành cảng Hambantota của Sri Lanka theo hợp đồng thuê 99 năm, sau khi quốc gia Nam Á này không thể trả khoản vay 1,4 tỷ USD dành cho xây dựng vào năm 2017. Việc chiếm giữ cảng đã cho phép Bắc Kinh có được một chỗ đứng quan trọng tại Ấn Độ Dương.

 

Trung Quốc còn có một lợi thế khác, xuất phát từ mối quan hệ kinh doanh với các công ty phương Tây khi những công ty này mong muốn giành được miếng bánh lớn hơn tại thị trường Trung Quốc béo bở. Kết quả là, Bắc Kinh đã có thể xây dựng ảnh hưởng tại Mỹ và các nơi khác, thông qua giới tinh hoa của các nước — một chiến lược được gọi là “thu phục giới tinh hoa”.

 

“ĐCSTQ đã làm rất tốt trong việc tranh thủ tầng lớp tinh hoa của thế giới tự do. Và do đó, rất nhiều tài sản của giới siêu giàu gắn liền với mối quan hệ với Trung Quốc”, ông Robert Spalding, một thành viên cấp cao tại Viện Hudson và là trung tướng không quân đã nghỉ hưu, nói với The Epoch Times.

 

Đài loan

Một mối đe dọa khác từ Trung Quốc, tác động toàn thế giới, là ý định xâm lược Đài Loan - vùng đất mà Bắc Kinh tuyên bố là một phần lãnh thổ của Trung Quốc. Đài Loan là quê hương của nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới TSMC. Quốc đảo này sản xuất khoảng 63% lượng chip bán dẫn toàn cầu, trong khi các nhà sản xuất của Mỹ chỉ cung cấp khoảng 12% lượng chip toàn cầu.

 

Việc chiếm lấy Đài Loan sẽ giúp Trung Quốc kiểm soát các cơ sở sản xuất chip của hòn đảo, cho phép Bắc Kinh ngăn các quốc gia khác mua công nghệ quan trọng được sử dụng để cung cấp năng lượng cho gần như tất cả các loại thiết bị điện tử, từ ô tô đến hệ thống tên lửa.

 

“Tôi nghĩ rằng Trung Quốc chắc chắn đang để mắt đến Đài Loan. Trung Quốc sẽ xem những gì chúng ta làm và những gì Nga làm đối với Ukraine như bài học về mặt chiến lược đối với Đài Loan”, ông Corr nói.

 

“Vì vậy, tôi nghĩ rằng, nếu chúng ta không trừng phạt Nga một cách nghiêm khắc, chúng ta sẽ bật đèn xanh cho Trung Quốc làm điều tương tự với Đài Loan”.

 

 

Trung Quốc đồng lõa với Nga?

Khi cuộc chiến Ukraine kéo dài, Bắc Kinh đã nhiều lần từ chối lên án Nga vì hành vi xâm lược của họ. Trung Quốc cũng không coi cuộc tấn công của Nga là một "cuộc xâm lược". Nước này cũng bác bỏ việc cùng phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt tài chính chống lại Moscow, cho rằng động thái này là thiếu cơ sở pháp lý.

 

Những dấu hiệu hỗ trợ ngầm như vậy khiến một số người cho rằng Bắc Kinh đã đóng một vai trò lớn hơn so với bề ngoài trong việc tạo điều kiện cho Nga tấn công Ukraine.

 

“Moscow chịu nhiều ảnh hưởng từ Bắc Kinh”. “Điều này khiến tôi nghĩ rằng trong trường hợp cuộc xâm lược Ukraine hiện nay, nó không phải vì lợi ích của Nga ... khi Nga tự biến mình thành tội đồ và tâm điểm chú ý của thế giới", ông Corr chia sẻ. “Tôi nghi ngờ rằng có thể Bắc Kinh đã yêu cầu Putin làm điều này hoặc khuyến khích Putin làm điều này theo một cách nào đó. Vì vậy, tôi nghĩ rằng chúng ta phải coi đó là một khả năng có thể xảy ra”.

 

Thật vậy, có nhiều bằng chứng cho thấy Bắc Kinh đã biết về các kế hoạch quân sự của Moscow và đã thảo luận với các quan chức Nga trước khi Nga tiến quân vào Ukraine.

 

Các quan chức cấp cao của chính quyền Biden đã chia sẻ thông tin tình báo với giới chức hàng đầu của Trung Quốc về việc Nga đổ quân gần Ukraine, theo một bài báo đăng ngày 25/02 của The New York Times. Bài báo cho biết, việc chia sẻ thông tin tình báo đã kéo dài hơn 3 tháng, dẫn lời các quan chức Hoa Kỳ giấu tên. Nhưng Trung Quốc đã phớt lờ những cảnh báo lặp đi lặp lại của Mỹ, thay vào đó quay lại nói với Moscow rằng họ đã học được gì từ người Mỹ và rằng họ sẽ không can thiệp vào các kế hoạch của Nga.

 

Một báo cáo tình báo phương Tây, lần đầu tiên được The New York Times đưa tin vào ngày 02/03, chỉ ra rằng các quan chức cấp cao của Trung Quốc đã yêu cầu giới chức cấp cao của Nga đợi cho đến khi Thế vận hội mùa đông 2022 kết thúc rồi mới xâm lược Ukraine. Yêu cầu này được đưa ra vào đầu tháng 2, nhưng báo cáo không nói rõ liệu ông Tập và ông Putin có thảo luận về nó trong cuộc gặp ở Bắc Kinh hay không.

 

Các nhà lập pháp và giới chuyên gia lưu ý, bất kể mức độ can dự của Trung Quốc là như thế nào, cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine cuối cùng cũng giúp Bắc Kinh đạt được mục đích.

 

Dân biểu Ken Buck (Đảng Cộng hòa - bang Colorado) gần đây đã nói với chương trình “China Insider” của EpochTV rằng cuộc xâm lược là một hành động “đánh lạc hướng”, chuyển sự chú ý của Mỹ ra khỏi Thái Bình Dương.

 

Ông Buck nói: “Theo quan điểm của Trung Quốc, đó là một cách để hút bớt các nguồn lực có thể được sử dụng trong các lĩnh vực khác”.

 

Theo ông Corr, cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine sẽ khiến dư luận không còn chú ý đến các vấn đề của Trung Quốc, chẳng hạn như cuộc diệt chủng chống lại người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số Hồi giáo khác ở vùng Tân Cương, cũng như việc mở rộng các đảo nhân tạo ở Biển Đông.

(ntdvn.net; Bảo Nguyên - Theo The Epoch Times)