Hai chiếc Cuồng phong (Typhoons) của lực lượng Không quân Hoàng gia Vương Quốc Anh (RAF) đã phản ứng nhanh chóng sau khi một máy bay Nga bị nghi tiếp cận không phận NATO Ảnh: Getty Images
Hôm thứ Sáu (7/1), Hoa Kỳ và NATO đã bác bỏ hoàn toàn yêu cầu của Nga rằng liên minh không được kết nạp thành viên mới. Ngày càng có nhiều lo ngại rằng, Nga có thể xâm lược Ukraine, quốc gia đang có nguyện vọng gia nhập liên minh NATO.
AP đưa tin, Ngoại trưởng Antony Blinken và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg khẳng định, Nga không có tiếng nói về việc ai nên được phép gia nhập khối. Và, họ cảnh báo Nga về một biện pháp đáp trả "mạnh mẽ" đối với bất kỳ sự can thiệp quân sự nào nữa vào Ukraine.
Những tuyến bố của họ bác bỏ hoàn toàn một phần quan trọng trong yêu cầu của Tổng thống Nga Vladimir Putin về việc xoa dịu căng thẳng với Ukraine. Ông Putin muốn NATO tạm dừng kế hoạch thành viên của tất cả các nước, bao gồm cả Ukraine.
Ông Blinken và ông Stoltenberg đã nói chuyện riêng sau cuộc họp gấp trực tuyến của các ngoại trưởng khối NATO. Cuộc họp của Hội đồng Bắc Đại Tây Dương là cuộc họp đầu tiên trong một loạt các cuộc đàm phán cấp cao trong tuần tới nhằm xoa dịu tình hình căng thẳng với Nga.
Ông Blinken nói với các phóng viên tại Washington, NATO đã sẵn sàng để đáp trả mạnh mẽ trước sự xâm lược hơn nữa của Nga, nhưng một giải pháp ngoại giao vẫn để mở và tốt nhất Nga nên lựa chọn giải pháp này. Ông dứt khoát bác bỏ tuyên bố của Nga rằng NATO đã cam kết không mở rộng về phía Đông sau khi tiếp nhận một số vệ tinh của Liên Xô cũ sau Chiến tranh Lạnh.
“NATO không bao giờ hứa không kết nạp thành viên mới; Điều này không thể và sẽ không bao giờ có thể”, ông Blinken nói, đồng thời cáo buộc ông Putin đưa ra lập luận này nhằm đánh lạc hướng các động thái quân sự của Nga dọc biên giới Ukraine.
“Nga muốn lôi kéo chúng tôi vào một cuộc tranh luận về NATO hơn là tập trung vào vấn đề hiện tại, đó là sự gây hấn của họ đối với Ukraine. Chúng tôi sẽ không bị chuyển hướng khỏi vấn đề đó”, Ngoại trưởng Blinken khẳng định.
Trước đó tại Brussels, Tổng thư ký Stoltenberg đã có lời phát biểu tương tự khi các đồng minh chuẩn bị cho một loạt các cuộc gặp ngoại giao giữa Mỹ và Nga tại Geneva vào thứ Hai (10/1). Sau đó sẽ là cuộc họp Hội đồng Nga-NATO (NRC) vào ngày 12/1 và ngày 13/1 là cuộc họp giữa Nga và Cộng đồng châu Âu EU.
Ông Stoltenberg nói: “Chúng tôi sẽ không thỏa hiệp về các nguyên tắc cốt lõi, bao gồm quyền quyết định con đường của mỗi quốc gia, bao gồm cả loại thỏa thuận an ninh mà quốc gia đó muốn tham gia”.
Cuộc họp Hội đồng Nga-NATO sẽ là cuộc họp đầu tiên sau hơn hai năm và sẽ cho các đại sứ NATO cơ hội thảo luận trực tiếp với đặc phái viên của Nga về các đề xuất an ninh của ông Putin.
Nhiều tài liệu mà Moscow đã công khai, bao gồm dự thảo thỏa thuận với các nước NATO và đề nghị ký hiệp ước giữa Nga và Mỹ dường như đều không khả thi đối với khối quân sự 30 quốc gia này. NATO lo ngại rằng, Putin có thể ra lệnh xâm lược Ukraine.
Theo yêu cầu của ông Putin, NATO sẽ phải đồng ý dừng tất cả các kế hoạch thành viên, không chỉ với Ukraine, và chấm dứt các cuộc tập trận quân sự gần biên giới của Nga. Đổi lại, Nga sẽ tôn trọng các cam kết quốc tế mà nước này đã ký kết về việc hạn chế các cuộc chiến, cũng như chấm dứt các sự cố máy bay hú và các hành động thù địch mức độ thấp khác.
Nếu chấp nhận yêu cầu của Nga, NATO sẽ vi phạm một phần quan trọng của hiệp ước thành lập của mình. Theo Điều 10 của Hiệp ước Washington năm 1949, tổ chức có thể mời bất kỳ quốc gia châu Âu sẵn sàng nào tham gia giữ gìn an ninh ở khu vực Bắc Đại Tây Dương, cũng như thực hiện các nghĩa vụ của thành viên.
Ông Blinken cho biết, Moscow nhận thức rõ ràng, rằng NATO sẽ không chấp nhận các yêu cầu họ đưa ra.
Ông nói: “Chắc chắn một phần trong vở kịch của ông Putin là đưa ra một danh sách các yêu cầu hoàn toàn không thể đáp ứng. Sau đó, họ sẽ tuyên bố rằng, phía bên kia không thiện chí và lấy cớ để biện minh cho hành động gây hấn”.
Ông Stoltenberg cho biết, sự gia tăng quân sự của Nga tiếp tục làm dấy lên quan ngại về cuộc xâm lược Ucraine. “Chúng tôi thấy các đơn vị thiết giáp, chúng tôi nhìn thấy pháo binh, chúng tôi thấy quân đội sẵn sàng chiến đấu, chúng tôi thấy các thiết bị tác chiến điện tử và chúng tôi thấy rất nhiều khả năng quân sự khác nhau”, ông nói.
Theo ông Stoltenberg, sự tích hợp này, cùng với các yêu cầu an ninh của Nga và hồ sơ theo dõi của họ ở Ukraine và Gruzia, “gửi đi một thông điệp rằng có nguy cơ thực sự sẽ xảy ra xung đột vũ trang mới ở châu Âu”.
Nga sáp nhập Bán đảo Crimea của Ukraine vào năm 2014 và sau đó ủng hộ một cuộc nổi dậy ly khai ở miền đông của đất nước. Trong hơn bảy năm, cuộc giao tranh đã giết chết hơn 14.000 người và tàn phá trung tâm công nghiệp Donbas của Ukraine.
Nga phủ nhận rằng họ có kế hoạch mới để tấn công nước láng giềng, nhưng Putin muốn có những đảm bảo pháp lý để loại trừ việc NATO mở rộng và triển khai vũ khí. Moscow cho biết họ mong đợi câu trả lời cho các đề xuất an ninh của mình trong tháng này.
Cho dù có nói thế nào, thì đơn giản là Ukraine không thể gia nhập NATO với Crimea đang bị chiếm đóng và cuộc chiến đang diễn ra ở Donbas. NATO phải đảm bảo an ninh tập thể của khối - rằng một cuộc tấn công vào một đồng minh được coi là một cuộc tấn công vào tất cả. Điều này sẽ dẫn đến cuộc chiến nếu nước này trở thành thành viên.
Thật vậy, sự giúp đỡ của NATO trong trường hợp xảy ra một cuộc xâm lược sẽ không có khả năng liên quan đến lực lượng quân sự lớn.
Ông Stoltenberg nói: “Ukraine là một đối tác rất thân thiết. “Chúng tôi cung cấp hỗ trợ cho Ukraine. Nhưng Ukraine không nằm trong điều khoản phòng thủ tập thể của NATO vì Ukraine không phải là thành viên NATO”.
Ông Blinken và ông Stoltenberg đã nói rằng Mỹ và NATO sẵn sàng thảo luận về kiểm soát vũ khí với Moscow, nhưng ông Putin không được phép áp đặt các hạn chế đối với cách tổ chức này bảo vệ các nước thành viên gần biên giới với Nga như Estonia, Latvia, Lithuania và Ba Lan.
“Chúng ta không thể kết thúc trong một tình huống mà chúng ta có một loại thành viên NATO hạng hai; nơi NATO với tư cách là một liên minh không được phép bảo vệ họ theo cách giống như chúng tôi bảo vệ các đồng minh khác”, họ cho biết.
Hội đồng NATO-Nga được thành lập cách đây hai thập kỷ. Nhưng NATO đã chấm dứt hợp tác thực tế với Nga thông qua NRC vào năm 2014 sau khi nước này sáp nhập Crimea. Cuộc họp hôm thứ Tư (12/1) tới sẽ là cuộc họp đầu tiên kể từ tháng 7/ 2019. Các quan chức NATO cho biết Nga đã từ chối tham gia các cuộc họp nếu Ukraine có trong chương trình nghị sự.
Theo The Hill, Mỹ và các đồng minh đã đưa ra quan ngại rằng Moscow có thể đang lên kế hoạch xâm lược Ukraine giống như khi nước này sáp nhập Bán đảo Crimea của Kyiv vào năm 2014.
Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan hôm thứ Sáu (7/1) cho biết, tình báo Mỹ đánh giá rằng ông Putin vẫn chưa đi đến quyết định về việc có nên xâm lược Ukraine hay không.
Trong khi đó, Nga cho biết họ lo lắng về việc Ukraine tập trung quân đội gần biên giới của mình và gần đây nhất là cáo buộc NATO có ý định triển khai tên lửa tầm trung.
Theo Reuters, Ông Konstantin Gavrilov, người dẫn đầu phái đoàn của Nga tại Vienna, cho biết các cuộc trò chuyện với NATO cần phải "nghiêm túc".
Ông Gavrilov nói: “Mọi người trong NATO hoàn toàn hiểu rõ, bất chấp sức mạnh và quyền lực của họ, họ cần phải thực hiện các hành động chính trị cụ thể, nếu không giải pháp thay thế sẽ là một đòn đáp trả quân sự và quân sự-kỹ thuật từ Nga.
(Theo ntdvn.com)