Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị (ảnh: Shutterstock).
Trong một bài bình luận về 3 vấn đề thời sự liên quan đến động thái của chính quyền Trung Quốc thời gian gần đây, chuyên gia Đường Hạo đã chỉ ra 6 lý do ngoại giao “chiến lang” của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đột nhiên dịu giọng.
Sau đây là trích đoạn bình luận của ông Đường Hạo, được Epoch Times tổng hợp:
Hội nghị Bắc Đới Hà là một khái niệm đề cập đến việc các quan chức cấp cao hiện tại và đã nghỉ hưu của ĐCSTQ đến khu vực Bắc Đới Hà để nghỉ hè vào khoảng đầu tháng 8 hàng năm. Đồng thời, thông qua dịp không chính thức này để đàm phán và thảo luận các vấn đề chính trị. Cuộc họp này có tác động đáng kể đến việc sắp xếp nhân sự và các chính sách trong tương lai của chế độ ĐCSTQ.
Hội nghị Bắc Đới Hà không nằm trong lịch trình chính thức và khá kín đáo. Tuy nhiên, lịch trình gần đây của lãnh đạo Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường từ ngày 31/7 chưa được cập nhật, có thể có nghĩa là họ đã đến Bắc Đới Hà để tham dự cuộc họp.
Điều đáng chú ý là cách đây ít lâu, ĐCSTQ và Hoa Kỳ đều đã đưa ra những tuyên bố và hành động cứng rắn, còn truyền thông chính thức và Bộ Ngoại giao Trung Quốc thì thi nhau cắn xé thế giới theo kiểu “sói chiến” (chiến lang), gây bất bình và lên án từ cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, vào đêm trước của Hội nghị Bắc Đới Hà, những giọng điệu sói chiến của ĐCSTQ đột nhiên biến mất.
Vào ngày 30/7, Thôi Thiên Khải, đại sứ của Trung Quốc tại Hoa Kỳ, đã viết cho trang tin tức chính trị của Hoa Kỳ Politico, rằng Trung Quốc sẵn sàng dùng “thiện chí và sự chân thành để phát triển quan hệ Trung-Mỹ”, rằng “tương lai và vận mệnh của quan hệ Trung-Mỹ vẫn là đối thoại và hợp tác thay vì đối đầu”.
Vào ngày 4/8, Thôi Thiên Khải một lần nữa nhấn mạnh tại một diễn đàn rằng Hoa Kỳ và Trung Quốc nên hợp tác, không nên đối đầu. Cùng ngày, có thông tin cho rằng Lưu Hạc, nhà đàm phán thương mại Trung Quốc, một lần nữa sẽ hội đàm với đại diện Lighthizer của Mỹ để đánh giá việc thực hiện hiệp định thương mại.
Vào ngày 5/8, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cũng cho biết trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với Tân Hoa xã rằng “Trung Quốc sẽ đối mặt với sự hối thúc và quan ngại của Mỹ bằng sự bình tĩnh và lý trí”. Ông ta cũng đề xuất rằng Mỹ và Trung Quốc nên “tránh đối đầu” và “đối thoại thẳng thắn”; “Từ chối phân tách và duy trì hợp tác”.
Nói cách khác, chính sách ngoại giao sói chiến của ĐCSTQ dường như thay đổi hình dạng ngay lập tức, trở thành “ngoại giao chim bồ câu”. Các quan chức ĐCSTQ đột ngột thay đổi giọng điệu từ xã hội đen hung hãn thành biểu hiện nhân tính. Tại sao vậy? ĐCSTQ đã thực sự thay đổi quan điểm của mình? Dĩ nhiên là không.
Theo tôi, đây chỉ là việc ĐCSTQ tạm thời buông sự hung dữ của loài sói và dùng vẻ ngoài “ranh mãnh và xảo quyệt” của loài sói để tìm cách tự bảo vệ tạm thời. Tại sao? Có một số lý do chính:
Lý do 1: Hội nghị Bắc Đới Hà ẩn chứa cuộc đấu tranh nội bộ khốc liệt
Hiện tại, hội nghị Bắc Đới Hà đã bắt đầu. Trong hai năm qua, chính quyền Bắc Kinh đã tạo ra hàng loạt thất bại và di chứng do hàng loạt đánh giá sai lầm, không chỉ về chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, mà còn có vấn đề Hồng Kông, bầu cử Đài Loan, quản lý dịch bệnh, và tình hình Biển Đông. Sự suy thoái của kinh tế Trung Quốc, dịch bệnh và thiên tai vẫn là những rủi ro lớn.
Do đó, các nhà lãnh đạo Bắc Kinh có khả năng phải đối mặt với sự chỉ trích và công kích từ nhiều phe phái khác nhau trong đảng và những lão niên của triều đại trước, khiến ông Tập Cận Bình phải chịu áp lực thoái vị. Do đó, đối với ông Tập Cận Bình, tính cấp thiết và tầm quan trọng của những áp lực chính trị trong nước hiện nay và các cuộc đấu tranh phe phái quan trọng hơn quan hệ Mỹ – Trung.
Do đó, chính quyền Bắc Kinh muốn kêu gọi hợp tác với Mỹ trong thời điểm hiện tại, đưa ra “quân bài không chiến tranh” và tập trung giải quyết cuộc tranh giành quyền lực trong nội bộ đảng.
Lý do 2: Tránh leo thang xu hướng chống cộng quốc tế và giảm áp lực chống Tập Cận Bình
Từ chiến tranh thương mại, Hồng Kông, dịch bệnh đến Biển Đông, ĐCSTQ đã áp dụng các biện pháp hung hãn và khiêu khích đối với hàng loạt vấn đề này, gây bức xúc thế giới, và khiến Hoa Kỳ và nhiều nước khác trên thế giới lên tiếng phản đối ĐCSTQ, thậm chí dần dần hình thành một “liên minh chống ĐCSTQ” để ngăn chặn và cô lập ĐCSTQ, với các hành động ngày càng quyết liệt.
Do đó, Bắc Kinh có thể đã cảm thấy áp lực to lớn và quyết định tạm gác tư thế “con sói chiến tranh hung dữ” và đeo mặt nạ “chim bồ câu hòa bình” để trước tiên cố gắng ngăn chặn cuộc điều tra của cộng đồng quốc tế đối với Bắc Kinh, đồng thời cũng để xoa dịu sự phản đối trong ĐCSTQ đối với những người nắm quyền.
Lý do 3: Lo lắng Mỹ sẽ hoàn toàn “điểm huyệt để phong bế”
Hoa Kỳ gần đây đã chỉ cử “Bốn hiệp sĩ” đưa ra một “cuộc thảo luận cộng đồng” toàn diện, kêu gọi toàn thế giới và nhân dân Trung Quốc hợp lực chống lại ĐCSTQ và thúc đẩy sự thay đổi của chế độ ĐCSTQ.
Mỹ cũng đã tiến hành một loạt cuộc chiến thương mại, chiến tranh công nghệ, chiến tranh ngoại giao, chiến tranh truyền thông… và đã thông qua một số dự luật áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các công ty Trung Quốc và quan chức ĐCSTQ; thậm chí còn chuẩn bị đóng băng tài sản các đảng viên ĐCSTQ và gia đình họ ở nước ngoài bằng các biện pháp xử phạt tài sản, cấm nhập cảnh, hủy visa…
Gần đây, Hoa Kỳ đã chặn thêm TikTok và WeChat phiên bản nước ngoài, đồng thời tuyên bố sẽ “thanh lọc mạng” và có kế hoạch chặn tất cả các ứng dụng điện thoại di động và thiết bị mạng 5G liên quan đến ĐCSTQ, đồng thời chuẩn bị tách rời khỏi Trung Quốc trên Internet và công nghệ.
WeChat, vốn được người Hoa ở nước ngoài sử dụng phổ biến, cũng bị chỉ trích là “phần mở rộng của ĐCSTQ”.
Hãy nghĩ về điều đó, những ứng dụng phần mềm Trung Quốc mà Hoa Kỳ nhắm tới không chỉ là công cụ giúp ĐCSTQ đánh cắp dữ liệu từ người dùng ở nước ngoài và giám sát xã hội ở nước ngoài, mà quan trọng hơn, những phần mềm và công ty này liên quan đến lợi ích to lớn của các nhóm quyền lực và giàu có của ĐCSTQ.
Một khi các công ty và phần mềm này bị Hoa Kỳ loại bỏ, và nguy cơ các quốc gia khác cũng làm theo, thì chắc chắn sẽ gây tổn hại lớn đến lợi ích của các nhóm quyền lực của ĐCSTQ. Do đó, ĐCSTQ có thể đã cố gắng thực hiện nhấn phanh khẩn cấp nhằm làm dịu Hoa Kỳ, với hy vọng ngăn Hoa Kỳ và các quốc gia khác hoàn toàn “hạ bệ ĐCSTQ” và phá hủy kho bạc và ví tiền của giới quyền lực của ĐCSTQ.
Lý do 4: Quân đội Hoa Kỳ sẵn sàng chiến đấu ở Biển Đông
Trước đó, việc ĐCSTQ thường xuyên quân sự hóa và bành trướng ở Biển Đông không chỉ xung đột với các nước láng giềng ở Biển Đông mà còn liên tục gây hấn với Mỹ để biến Biển Đông trở thành kho thuốc súng quốc tế mới.
Gần đây, Mỹ không chỉ điều hai hàng không mẫu hạm đến Biển Đông và Ấn Độ Dương, mà còn tiến hành một số cuộc tập trận chung với Australia, Nhật Bản, Singapore, Brunei, Ấn Độ và các nước đồng minh khác, thậm chí còn cử máy bay quân sự bay gần đất liền Trung Quốc để trinh sát tình báo quân sự. Rõ ràng, Hoa Kỳ đã sẵn sàng cho cuộc chiến thực tế lâu dài ở Biển Đông.
Tuy nhiên, sự chuẩn bị tích cực của Hoa Kỳ cho chiến tranh dường như đã khiến ĐCSTQ phát hiện ra điều gì đó không ổn. Họ nhận thấy rằng các phương pháp “giả vờ” và “tấn công văn hóa và đe dọa quân sự” không thể đánh lừa chính quyền Trump. Thay vào đó, nó đã thu hút một số lượng lớn quân đội và sức mạnh quân sự của Hoa Kỳ vào Biển Đông. Bị bao vây tứ phía, Bắc Kinh cảm thấy áp lực hơn.
Chúng tôi đã phân tích nhiều lần trước đây rằng ĐCSTQ hiện không có đủ sức mạnh chiến đấu để chống lại Hoa Kỳ, và có quá nhiều rủi ro và khủng hoảng phải lo lắng. Có lẽ Hoa Kỳ cũng đã nhìn ra điểm này. Vì vậy, họ sẵn sàng “chơi ra chơi” trước các chiêu trò dọa dẫm “uốn cong cơ bắp” của ĐCSTQ, khiến nó phải rút lui và hô hào “tìm kiếm hòa bình” và “hợp tác” để tránh trường hợp hai bên thực sự giao chiến với nhau. Bởi sự đối đầu quân sự có thể khiến sự thật về sức mạnh quân sự của ĐCSTQ được phơi bày ra thế giới, và cũng có thể mang đến một cuộc khủng hoảng chính trị cho những kẻ nắm giữ quyền lực.
Lý do 5: Kinh tế trong nước suy thoái và nguồn cung lương thực eo hẹp
Tình hình kinh tế ở Trung Quốc vẫn còn khó khăn, vấn đề thất nghiệp và khủng hoảng nợ vẫn còn trầm trọng. Ngoài ra, trong những ngày gần đây, lũ lụt, châu chấu, côn trùng di cư mùa thu, thời tiết khắc nghiệt và tham nhũng đã làm tổn hại nghiêm trọng đến lịch trình sản xuất và cung cấp lương thực của Trung Quốc.
Do đó, một khi Mỹ và Trung Quốc gây chiến, không chỉ người dân và quân đội Trung Quốc đồng thời rơi vào khủng hoảng lương thực, mà nền kinh tế và tài chính của Trung Quốc cũng sẽ sụp đổ, khó có thể chống chọi với sự tàn phá của chiến tranh.
Lý do 6: Khiến địch bị dịch, chờ thay đổi
Sau khi đọc năm yếu tố đầu tiên, bạn sẽ hiểu tại sao ĐCSTQ không sẵn lòng và không muốn gây chiến với Hoa Kỳ. Vì vậy, ĐCSTQ hy vọng sẽ tạm thời dịu đi để làm chậm đà và áp lực của Hoa Kỳ, đồng thời câu kéo thêm thời gian để nạn dịch tiếp tục hoành hành Hoa Kỳ và thế giới, làm suy yếu sức mạnh kinh tế và quân sự của các nước, cho phép ĐCSTQ từng bước có được lợi thế so sánh.
Mặt khác, đó cũng là kế hoãn binh để chờ cho đến sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11, để xem ông Trump có thể được bầu lại làm Tổng thống hay không, rồi mới quyết định chiến lược tiếp theo để đối phó với Mỹ.
Chạy nếu không thể chiến đấu và giả vờ hợp tác nếu không thể chiến đấu, đây là chiến lược ngụy trang phổ biến trong lịch sử ĐCSTQ. Bây giờ ĐCSTQ đang nhẫn nhịn với Hoa Kỳ, hiển nhiên cũng muốn làm suy yếu thực lực của đối phương bằng dịch bệnh, ém binh chờ thời để lợi dụng mâu thuẫn trong nội bộ nước Mỹ.
(Theo Li Hao, The Epoch Times Hương Thảo biên dịch – dkn.tv)