Đền Angkor Wat của Campuchia thu hút khoảng hai triệu du khách mỗi năm (Ảnh: SBS)

 

 

CAMPUCHIA - Một dự án lớn hiện đang được tiến hành để di dời khoảng 10.000 gia đình khỏi Đền Angkor Wat và công viên khảo cổ xung quanh. Các tổ chức nhân quyền cho biết đây là trục xuất bắt buộc, với những người dân không có lựa chọn nào khác và chỉ được hỗ trợ tối thiểu để tái định cư ở nơi khác.

 

Đây là một trong những địa điểm khảo cổ quan trọng nhất ở Đông Nam Á.

 

Đền Angkor Wat của Campuchia thu hút khoảng hai triệu du khách mỗi năm, bởi những bí ẩn của Đế chế Khmer và thúc đẩy hoạt động kinh tế trên toàn tỉnh Siem Reap.

 

Nhưng giờ đây, chính phủ Campuchia đang di dời khoảng 10.000 gia đình đang sinh sống và làm việc bên trong Khu khảo cổ Angkor rộng 400 cây số vuông.

 

Long Kosal là phó tổng giám đốc của APSARA, cơ quan chính phủ Campuchia quản lý Angkor Wat.

 

Ông nói rằng các gia đình sống ở địa điểm này một cách bất hợp pháp và phải được di chuyển ra khỏi khuôn viên của Angkor Wat để giữ vị trí của nó trong danh sách Di sản Thế giới của UNESCO.

"Bởi vì họ không có quyền hợp pháp để ở đây. Vì vậy, đó là lý do tại sao chúng tôi bắt họ, chúng tôi yêu cầu họ tự nguyện di dời. Khi họ ở lại đây, như tôi đã nói, họ có tác động, bạn biết đấy, rác rưởi... bất cứ thứ gì họ đang sản xuất vẫn còn đó và chúng ta không thể quản lý được. Vì vậy, họ đang góp phần làm suy giảm các giá trị phổ quát của địa điểm vốn là trung tâm của các hoạt động bảo tồn và phát triển bền vững của chúng tôi."

 

Bà mẹ hai con Srey Mom là một trong những người phải đối mặt với việc bị trục xuất.

 

Cô đã mở một quán ăn ven đường gần chùa được 16 năm. Nhưng ngôi nhà và cơ sở kinh doanh của cô ấy sẽ sớm bị phá hủy, và cô phải vay ngân hàng 40.000 đô-la để xây một ngôi nhà tại khu tái định cư mới.

"Chúng tôi sẽ phải đi, vì chúng tôi không thể phản đối. Tôi mới sinh em bé chưa đầy một tháng, vì vậy họ đang cho chúng tôi ở lại bây giờ. Không có trường trung học nào ở địa điểm mới cho con gái tôi và chúng tôi cũng chưa xây xong nhà."

 

Người hàng xóm của cô cũng phải rời đi và lo lắng về việc kiếm sống bằng cách nào sau khi bị đuổi khỏi Angkor Wat.

"Tất cả mọi người ở đây đều có công việc của họ và họ cần việc làm. Họ cần phải quay lại làm việc ở đây. Ngày nay, mọi người đều phải đối mặt với áp lực chi phí sinh hoạt và họ khó có thể xoay sở được chi phí sinh hoạt hàng ngày của mình."

 

Tổ chức Ân xá Quốc tế cho biết việc tái định cư tương đương với việc trục xuất cưỡng bức.

 

Montse Ferrer là Phó Giám đốc Khu vực phụ trách nghiên cứu của Tổ chức Ân xá Quốc tế.

"Chúng tôi đã nói chuyện với rất nhiều người không có sự lựa chọn, đã được yêu cầu rời đi và vì họ hiểu rằng họ không có lựa chọn nào khác nên họ rời đi. Điều đó không có nghĩa là tình nguyện rời đi. Điều đó tương đương với việc phải rời đi vì bạn không còn lựa chọn nào khác."

 

Chính phủ Campuchia đã thành lập hai địa điểm tái định cư. Người dân được nhận gói hỗ trợ tái định cư, trong đó bao gồm một lô đất, mái tôn để dựng nhà và tiền phúc lợi do chính phủ Úc chi trả một phần.

 

Nhưng Tổ chức Ân xá Quốc tế nói rằng các địa điểm và nhà ở không phù hợp và vi phạm luật nhân quyền quốc tế.

"Trong nhiều trường hợp chỉ là những mảnh đất không có nhà ở, nhà xây sẵn. Chúng không có cơ sở hạ tầng điện, nước, nước thải phù hợp cần thiết để cư trú đúng cách tại một địa điểm. Nhưng nếu bạn bị yêu cầu chuyển đến mảnh đất không có nhà ở, như thế thì sao gọi là đầy đủ để tái định cư cho được?"

 

SBS News đã đến thăm một trong những khu tái định cư, Run Ta Ek, và thấy người dân không hài lòng với hoàn cảnh của họ.

 

Chồng của Tuy Ran trước đây làm công nhân ít nhất 2 tuần một tháng. Nhưng kể từ khi chuyển đi, cô ấy nói rằng anh ấy không còn việc làm nữa.

 

"Tôi gặp rất nhiều khó khăn. Tôi không có tiền để xây nhà và chồng tôi đã mất việc. Chúng tôi đang sống trong một túp lều nhỏ như thế này. Hơn nữa, tôi mắc nhiều bệnh khác nhau. Tôi bị cao huyết áp và bệnh ngoài da".

 

Nhưng chính phủ Campuchia nói rằng đây không phải là vấn đề nhân quyền và họ tuân theo các hướng dẫn do UNESCO đặt ra để bảo tồn di sản của khu vực Angkor Wat.

 

Vẫn ông Long Kosal thuộc cơ quan chính phủ Campuchia quản lý Angkor Wat.

"Đây không phải là vấn đề nhân quyền, mà đây là vấn đề hỗ trợ di sản và cũng thúc đẩy cuộc sống tốt đẹp hơn cho thế hệ hiện tại và cả thế hệ trẻ. Hàng năm, mọi quốc gia thành viên cần cung cấp một khoản bảo tồn báo cáo với UNESCO. Vì vậy, hàng năm chúng tôi đều nhận được khuyến nghị từ UNESCO. Các tòa nhà bất hợp pháp nên được xem xét, đưa vào hành động rằng nó phải được dừng lại. Nó không thể kéo dài - nó không thể tiếp tục được nữa. Và đó là thông điệp mà chúng tôi nhận được từ UNESCO".

 

Trong một tuyên bố với SBS NEWS, UNESCO cho biết họ không phải là một bên tham gia chương trình tái định cư này và không đưa ra bất kỳ yêu cầu nào về việc tái định cư cho chính quyền Campuchia.

 

UNESCO cho biết họ đang theo sát tình hình và tình trạng bảo tồn của Angkor Wat sẽ được Ủy ban Di sản Thế giới xem xét trong phiên họp tiếp theo sẽ được tổ chức vào tháng Chín.