Người dân Hong Kong tham gia cuộc diễu hành phản đối Dự luật dẫn độ vào ngày 9/6/2019. (Ảnh Epoch Times)

 

 

 

 

 

Năm thanh niên Hong Kong đã đi xuồng cao su bơm hơi, vượt qua vùng biển rộng lớn trên Biển Đông và đến được Đài Loan; sau khi được Bộ Ngoại giao Mỹ can thiệp, cả năm người này cuối cùng đã đến được Mỹ xin tị nạn.

 

 

The Wall Street Journal đưa tin hôm 20/6 rằng, vào một buổi sáng sớm, năm người này xuất phát từ Hong Kong, mang theo điện thoại iPhone và la bàn, chỉ dẫn họ vượt qua hàng trăm km đường biển để đến được Đài Loan. Khi họ đi vào vùng nước sâu, sóng biển quật vào chiếc xuồng nhỏ của họ, khiến những chiếc áo phao rơi xuống biển.

 

 

 

Năm thanh niên này nằm trong khoảng độ tuổi từ 18 đến 26 tuổi và gần như không quen biết nhau trước khi xuất phát vào tháng 7/2020. Điểm chung của họ là để thoát khỏi sự truy tố bất công và án tù không thể tránh khỏi ở Hong Kong, bởi vì họ đều đã tích cực tham gia các cuộc biểu tình liên quan đến phản đối Dự luật dẫn độ trên quy mô lớn vào năm 2019.

 

 

Vài tháng sau khi đến Đài Loan, dưới sự can thiệp của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, cả 5 người này cuối cùng đã đến được Mỹ xin tị nạn.

 

 

The Wall Street Journal đã xác minh danh tính của 5 người này và có thể chứng thực câu chuyện của họ khi cần thiết.

 

 

Bài báo cho biết, vào tháng 11/2019, Ray (25 tuổi), một nhân viên nhà kho, đã tham gia vào cuộc đối đầu kéo dài nhiều ngày giữa những người biểu tình và cảnh sát tại hai trường đại học ở Hong Kong. Cuối cùng cảnh sát Hong Kong đã bắt giữ hơn 1,000 người.

 

 

Ray nói rằng, anh đã trốn thoát bằng cách bò dọc theo đường ray trong bóng tối. Anh cho biết, chính quyền đã khám xét căn hộ của cha mẹ anh nhiều lần, nhưng anh đã lẩn trốn.

 

 

Tommy (22 tuổi), là một sinh viên ngành nghệ thuật, kiêm nhân viên pha chế. Trước khi được bảo lãnh, anh đã bị bỏ tù ba ngày vì tụ tập trái phép. Tommy nói rằng, chính quyền đã tịch thu hộ chiếu của anh để ngăn anh rời khỏi Hong Kong một cách hợp pháp. Sau đó anh bị cáo buộc nhiều tội danh khác, bao gồm tội quấy rối.

 

 

Kenny (26 tuổi), là một kỹ sư xây dựng. Anh đã đụng độ với cảnh sát trong một cuộc biểu tình, sau đó bị bắt vào tháng 10/2019 và bị cáo buộc nhiều tội danh, bao gồm tội chống người thi hành công vụ.

 

 

Kenny nói rằng, trong thời gian bị giam giữ, cảnh sát đã đấm vào đầu anh cho đến khi anh bất tỉnh. Người phát ngôn của chính quyền Hong Kong cho biết, người khiếu nại cần cung cấp bằng chứng để tiến hành các cuộc điều tra toàn diện và chính quyền sẽ xem xét các cáo buộc ngược đãi một cách nghiêm túc.

 

 

Ba người đàn ông này quyết định rời Hong Kong vào những thời điểm khác nhau. Mỗi người đã chi khoảng 1.300 USD (khoảng 30 triệu VNĐ) để mua một chiếc xuồng cao su bơm hơi 2 động cơ. Họ từ chối tiết lộ ai là người đã tổ chức cuộc chạy trốn này, với lý do sợ bị chính quyền Hong Kong trả thù.

 

 

Vào một buổi sáng giữa tháng 7/2020, 5 người tập trung tại một bến tàu hẻo lánh. Tất cả đều mặc áo phông và quần đùi tối màu. Một người mang theo cần câu, một người khác mang theo một lượng tiền tiết kiệm.

 

 

“Chúng tôi rất sợ hãi, chúng tôi không biết họ đang làm gì”. Ray nhớ lại khi họ nhìn thấy những con tàu không xác định trên biển.

 

 

Sau khi đến được vùng biển quốc tế, họ phát tín hiệu cấp cứu bằng đèn pin trong bóng tối. Cảnh sát biển Đài Loan đã đưa 5 người đến đảo Đông Xa, sau đó họ được đưa đến Cao Hùng.

 

 

Ông Samuel Chu, Lãnh đạo của cộng đồng người Mỹ gốc Hong Kong, Giám đốc điều hành của Hội đồng Dân chủ Hong Kong (HKDC) có trụ sở tại Washington, nói với The Wall Street Journal rằng, Bộ Ngoại giao Mỹ đã liên lạc với ông sau khi nhận được thông tin về 5 người chạy trốn này và yêu cầu ông giúp đỡ họ đến Mỹ thông qua quy trình tạm tha của chủ nghĩa nhân đạo.

 

 

Vào tháng 2 năm nay, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố rằng: “Hoa Kỳ nên mở cửa cho những người chạy trốn khỏi sự đàn áp của chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và cung cấp cho họ một nơi trú ẩn an toàn”.

 

Ông Chu nói: “Ở một mức độ nào đó, Đài Loan hiện đang đóng vai mà Hong Kong từng đóng vào năm 1989”.

 

 

Hiện tại, Kenny đã chuyển đến thủ đô Washington và sống trong một căn hộ chung cư với những người tị nạn Hong Kong khác. Anh và những người khác đã đồng sáng lập một tổ chức để giúp đỡ những người biểu tình đến từ Hong Kong.

(Theo ntdvn.com - Theo Epoch Times tiếng Trung)