Vua Charles III (trái) hội kiến Thủ tướng Canada Mark Carney tại Cung điện Buckingham ở London vào ngày 17/3/2025. Ảnh: Getty Images
Vũ Đức Khanh
Vai trò, Gửi cho BBC News Tiếng Việt từ Ottawa, Canada
Tân Thủ tướng Mark Carney chỉ vừa công bố nội các mới hôm 13/5 thì ngay hôm sau đã vấp phải một thử thách ngoại giao nhạy cảm: công khai chỉ trích Vua Charles III – nguyên thủ quốc gia trên danh nghĩa của Canada – chỉ gần hai tuần sau khi chính ông mời Đức Vua tới Ottawa để dự lễ khai mạc Quốc hội Khóa 45 và đọc "Throne Speech" (Tạm dịch: Diễn văn Ngai vàng).
Tại sao điều này lại xảy ra ngay sau khi tân nội các của Carney nhậm chức?
Và đâu là nguyên nhân thực sự phía sau cuộc đối đầu ngoại giao đầy tế nhị giữa Ottawa, London và Washington?
Khi chiếc ngai trở thành đòn bẩy ngoại giao
Ngày 2/5, chỉ bốn ngày sau chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử, ông Mark Carney thông báo hai quyết định đối ngoại quan trọng: sẽ tới Washington ngày 6/5 để hội đàm cùng Tổng thống Donald Trump (người vừa tái đắc cử nhiệm kỳ thứ hai trong một chiến thắng gây tranh cãi), và sẽ đón tiếp Vua Charles III đến đọc "Throne Speech" tại Quốc hội Canada vào ngày 27/5.
Thoạt nhìn, động thái này thể hiện sự kết hợp giữa thực dụng chính trị và biểu tượng quốc gia.
Trong vai trò một quốc gia quân chủ lập hiến, Canada chưa bao giờ đặt nghi vấn công khai về vị thế biểu trưng của vương quyền.
Nhưng chỉ chưa đầy hai tuần sau, ngày 14/5, Carney bất ngờ chỉ trích sự im lặng của Hoàng gia Anh trước những tuyên bố của ông Trump, người từng bóng gió rằng Canada nên trở thành tiểu bang thứ 51 của Hoa Kỳ.
Điều này đặt ra một nghịch lý: tại sao lại mời Vua Charles III tới Ottawa nếu đồng thời xem Hoàng gia là một phần của vấn đề?
Một số nhà quan sát cho rằng đây là phản ứng bộc phát của Carney trước việc Vua Charles đồng ý tiếp đón ông Trump trong chuyến công du cấp quốc gia thứ hai tới Anh.
Nhưng câu hỏi lớn hơn là: tại sao lại đưa biểu tượng vương quyền vào một cuộc tranh chấp chính trị thời hiện đại?
Một sai lầm chiến lược?
Trên thực tế, Mark Carney đã có cuộc gặp với Vua Charles III tại London vào ngày 17/3, ngay sau khi ông được chỉ định làm thủ tướng lâm thời thay thế Justin Trudeau, người vừa tuyên bố từ chức.
Nhưng việc ông chọn công khai chỉ trích vị nguyên thủ quốc gia ngay sau khi vừa thắng cử tại Quốc hội và thành lập chính phủ mới có thể là một bước đi thiếu khôn ngoan.
Trong khi nội bộ Đảng Tự do có thể còn đang chia rẽ, chính phủ thiểu số sau ngày 28/4 cần xây dựng đồng thuận quốc nội, thì Carney lại làm dấy lên một căng thẳng ngoại giao không cần thiết.
Với nhiều người dân Canada, việc chính phủ Anh trải thảm đỏ lần hai cho Trump — người từng công khai đe dọa chủ quyền Canada — không chỉ là sự "phản bội" tinh thần khối Thịnh vượng chung, mà còn là một sự xúc phạm.
Tuy vậy, đòi hỏi Vua Charles can thiệp vào quyết định của chính phủ Anh lại là một hiểu lầm căn bản về nguyên tắc quân chủ lập hiến: nhà vua trị vì nhưng không cai trị.
Ở đây, Carney có thể đã nhầm lẫn vai trò biểu tượng với vai trò hành động.
Trong một thời đại nơi uy quyền vương triều chỉ còn là hình thức, việc kỳ vọng Hoàng gia sẽ "lên tiếng" trước Trump có lẽ là một ảo tưởng hơn là một chiến lược thực tiễn.
Donald Trump và Thái tử Charles tại Cung điện Buckingham vào ngày 3/6/2019 tại London khi ông Trump đang là tổng thống Hoa Kỳ nhiệm kỳ đầu, thời điểm trước khi ông Charles kế vị mẹ mình là Nữ hoàng Elizabeth II. Ảnh: Getty Images
Từ hình ảnh sang bản lĩnh
Vấn đề sâu xa hơn nằm ở chỗ: Canada đang loay hoay tìm một chỗ đứng trong một trật tự thế giới đang thay đổi nhanh chóng.
Khái niệm "Pax Americana" có thể được kể đến ở đây.
Khái niệm này thường được sử dụng phổ biến nhất để mô tả quyền tối cao của siêu cường Hoa Kỳ sau năm 1945, chủ yếu là ở "thế giới phương Tây", cũng như nền hòa bình, ổn định và thịnh vượng tương đối mà nó mang lại cho một số quốc gia và xã hội nằm trong phạm vi ảnh hưởng của Hoa Kỳ trong Chiến tranh Lạnh, nhưng không phải tất cả, theo một bài nghiên cứu về khái niệm này đăng năm 2018.
Theo đó, "Pax Americana" đang phai nhạt, trật tự đa phương rạn vỡ, còn các thể chế quốc tế ngày càng bị vô hiệu hóa bởi chủ nghĩa đơn phương và sự hồi sinh của chủ nghĩa cường quyền.
Nếu ông Carney thực sự muốn vẽ lại vị thế toàn cầu của Canada, điều cần thiết không phải là một cử chỉ biểu tượng với Vua Charles hay lời qua tiếng lại với ông Trump, mà là xây dựng một học thuyết đối ngoại rõ ràng, độc lập và chủ động.
Học thuyết đó — dù chưa chính thức mang tên ông — nên được định hình từ những nguyên tắc rõ ràng, gắn liền với thực tiễn quyền lực mềm, khả năng kết nối toàn cầu, và giá trị dân chủ của Canada.
Năm trụ cột của một học thuyết Carney
Nếu phải gọi tên, học thuyết ấy có thể dựa trên 5 trụ cột chiến lược sau:
1. Chiến lược kinh tế trong thời đại hỗn loạn: Củng cố lại Hiệp định Canada-Hoa Kỳ-Mexico (CUSMA) trước sự bất ổn từ chính sách thương mại Mỹ, đa dạng hóa thị trường ngoài Trung Quốc, và tham gia vào các sáng kiến tài chính thay thế nhằm đối trọng với mô hình nợ của các chế độ độc tài.
2. Bảo vệ dân chủ và phẩm giá con người: Thúc đẩy tự do báo chí, quyền số hóa và xã hội dân sự toàn cầu, đồng thời áp dụng các chế tài nhắm vào các chính phủ đàn áp nhân quyền.
3. Khí hậu và an ninh năng lượng như chiến lược: Dẫn dắt một liên minh năng lượng sạch với châu Âu và Đông Á, nhằm tách rời chuỗi cung ứng khỏi các quốc gia dầu mỏ độc tài và thúc đẩy công lý khí hậu.
4. Chủ quyền công nghệ và phòng vệ mạng: Làm sâu sắc liên minh công nghệ dân chủ với Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Anh và Pháp để bảo vệ hạ tầng số và phát triển AI, điện toán lượng tử an toàn.
5. Cải tổ đa phương chủ động: Thúc đẩy cải cách các thể chế toàn cầu như Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và Liên Hợp Quốc, hướng tới một hiệp ước xã hội toàn cầu kiểu mới do Khối G7 dẫn dắt, đặt nền tảng trên phẩm giá lao động, đoàn kết xã hội và quản trị số công bằng.
Một bài kiểm tra tại G7
Việc chỉ trích Vua Charles có thể là hệ quả của sự thất vọng nhất thời, nhưng cũng có thể phản ánh một sự thật nghiêm trọng hơn: Canada đang thiếu một định hướng đối ngoại vững chắc giữa thời đại chuyển tiếp toàn cầu. Và đây là thời điểm lý tưởng để Mark Carney thể hiện điều đó.
Hội nghị thượng đỉnh G7 vào tháng 6 tới tại Alberta, Canada sẽ là dịp đầu tiên để Thủ tướng Carney thể hiện bản lĩnh chính khách quốc tế. Thay vì tiếp tục phản ứng theo cảm xúc hay hình ảnh biểu tượng, ông cần đưa ra một tầm nhìn thực tế, nhất quán và đầy đủ cho vai trò của Canada trong thế kỷ 21.
Đó sẽ không chỉ là sự trả lời thích đáng cho ông Donald Trump, mà còn là một lời cam kết với chính người dân Canada: rằng chủ quyền quốc gia không thể bảo vệ bằng hình ảnh, mà phải bằng bản lĩnh, liên minh và trí tuệ chính sách.
- Tác giả Vũ Đức Khanh hiện sống tại Canada, là luật sư và nhà tiểu luận chuyên về chính trị Việt Nam và Canada, quan hệ quốc tế và luật pháp quốc tế.
(Theo BBC)