Công ty Henley & Partners cho BBC biết hồi tháng 2/2024 rằng hầu hết khách hàng Việt Nam đăng ký chương trình đầu tư nhập tịch là những người sinh sống ở Hà Nội và TP HCM. Ảnh: BBC Việt ngữ

 

 

QUỐC TẾ - Chương trình "hộ chiếu vàng" hay còn gọi là "đầu tư mua quốc tịch" đang được những người giàu có từ Việt Nam và các nước khác săn đón. Tuy nhiên, chương trình này đang bị lên án vì có thể cung cấp một lối thoát hiểm cho quan chức tham nhũng.

 

Có hơn 60 nước đang cung cấp chương trình “hộ chiếu vàng” cho các nhà đầu tư nước ngoài với lộ trình nhanh chóng để định cư và thậm chí là nhập tịch.

 

 

'Phục vụ mục đích tham nhũng'

Bên cạnh giá trị kinh tế mà loại chương trình đầu tư lấy quốc tịch này mang lại đặc biệt cho những quốc gia nhỏ thì Minh bạch Quốc tế (Transparency International), tổ chức phi chính phủ theo dõi tình trạng tham nhũng tại hơn 100 quốc gia, đưa ra cảnh báo các chương trình "hộ chiếu vàng" của Liên minh Âu châu (EU) “không thuần túy về đầu tư hay di cư – mà là phục vụ lợi ích của những kẻ tham nhũng”.

 

 

Bà Eka Rostomashvili, nhà vận động chiến dịch từ tổ chức Minh bạch Quốc tế, cho biết dù các quốc gia vận hành chương trình như vậy đã có các biện pháp thẩm định chuyên sâu nhưng những biện pháp này không luôn luôn có tác dụng như mong đợi.

 

“Đến nay đã có các trường hợp những kẻ đào tẩu đã nộp đơn để có được hộ chiếu và thị thực vàng ngay trước khi chuyện họ phạm tội tham nhũng hay lừa đảo được đưa ra ánh sáng.”

 

“Rõ ràng những người này xem đây như một dạng chính sách bảo đảm để họ không phải chịu trách nhiệm trước pháp luật [tại chính quốc gia của mình].”

 

Năm 2023, một phúc trình về chương trình "hộ chiếu vàng" tại Anh do Bộ Nội vụ thực hiện, đã phát hiện “một số lượng nhỏ nhà đầu tư nước ngoài thuộc diện nguy cơ cao” về việc có liên quan đến nạn tham nhũng hay hình thức tội phạm có tổ chức.

 

 

'Ngấm ngầm nhập tịch chui'

Chụp lại hình ảnh,Hộ chiếu Việt Nam xếp thứ 92/199 trong bảng xếp hạng về quyền lực hộ chiếu năm 2024 do Henley & Partners thực hiện. Xét trong vùng Đông Nam Á, hộ chiếu của Việt Nam chỉ "quyền lực" hơn Lào và Myanmar. Ảnh chụp bên sông Sài Gòn vào tháng 2/2024. Ảnh: MAIKA ELAN/BLOOMBERG/GETTY IMAGES ; BB Việt ngữ.

 

 

 

Trả lời BBC hồi tháng 2/2024, ông Dominic Volek, Giám đốc Kinh doanh của Henley & Partners, cho biết: "Tính đến thời điểm hiện tại (năm 2024), xét ở khu vực Đông Nam Á, công dân Việt Nam chiếm gần 25% số đơn đăng ký chương trình đầu tư nhập tịch và là thị trường lớn thứ tư toàn cầu của công ty."

 

Công ty Henley & Partners cho biết thêm hầu hết khách hàng Việt Nam đăng ký chương trình đầu tư nhập tịch là những người sinh sống ở Hà Nội và TP HCM.

 

Để tham gia vào các dự án đầu tư định cư, người ứng tuyển phải chi số tiền từ khoảng 100.000 USD tới 400.000 USD (gần 2,5 đến 9,9 tỷ đồng).

 

Hộ chiếu Việt Nam xếp thứ 92/199 trong bảng xếp hạng về quyền lực hộ chiếu năm 2024 do Henley & Partners thực hiện. Xét trong vùng Đông Nam Á, hộ chiếu của Việt Nam chỉ "quyền lực" hơn Lào và Myanmar.

 

Loạt phóng sự điều tra của hãng truyền thông Al Jazeera năm 2020 về bộ hồ sơ có tên "The Cyprus Papers" (Hồ sơ Cyprus) tiết lộ rằng hàng chục quan chức cấp cao và gia đình của họ đã mua "hộ chiếu vàng" của Cyprus (đảo Síp) từ tháng 11/2017 đến tháng 9/2019.

 

Vào thời điểm đó, có hai cái tên gây chú ý là đại biểu Quốc hội Việt Nam Phạm Phú Quốc được cấp quốc tịch Cyprus ngày 12/12/2018 và vợ ông cũng có quốc tịch Cyprus.

 

Người thứ hai là ông Phạm Nhật Vũ, người tại thời điểm đó đang thụ án tù 3 năm liên quan đến vụ án MobiFone mua AVG, có hộ chiếu Cyprus ngày 6/5/2019. Vợ ông cũng được cấp quốc tịch Cyprus.

 

Trước ông Phạm Phú Quốc đã có đại biểu Quốc hội Việt Nam, ông Nguyễn Văn Thân, mang quốc tịch Ba Lan (sau ông khai là đã bỏ) và đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Nguyệt Hường có thêm quốc tịch Malta.

 

Bà Hường đã bị bác tư cách đại biểu Quốc hội vì có thêm quốc tịch Malta nhưng không kê khai trong hồ sơ ứng cử.

 

Các tỉnh thành ở Việt Nam trong những năm qua luôn kiểm soát chặt việc cán bộ, công chức đi nước ngoài vì lý do bảo vệ bí mật quốc gia, ngăn chặn tình trạng cán bộ, viên chức "bị thế lực phản động lôi kéo".

 

Điều 34 Quy định số 69-QĐ/TW, ngày 6/7/2022 của Bộ Chính trị quy định Đảng viên vi phạm một trong các trường hợp sau thì kỷ luật bằng hình thức khai trừ: nhập quốc tịch, chuyển tiền, tài sản ra nước ngoài, mở tài khoản, mua, bán tài sản ở nước ngoài trái quy định.

 

Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng từng phát biểu: “Giờ anh là cán bộ của Đảng, anh lại đi mua nhà ở nước ngoài, anh gửi tiền ra nước ngoài, ngấm ngầm nhập quốc tịch chui ở nước ngoài, thử hỏi những đảng viên như vậy còn yêu nước không, còn có vì Đảng, vì dân không, có còn vì quốc gia, dân tộc không? Hay đợi lúc nào Việt Nam khó khăn thì bay ra nước ngoài sinh sống, như vậy không xứng đáng là người đảng viên nữa.”

 

Tuy nhiên, việc các cơ quan công quyền có thể nắm được việc cán bộ đảng viên có mua quốc tịch khác hay không, hay âm thầm chuyển tài sản ra nước ngoài hay không còn là dấu chấm hỏi.

 

 

 

Thu hồi tài sản tham nhũng được bao nhiêu?

 

Chụp lại hình ảnh,Không ít quan chức khi bị phát hiện tham nhũng đã chạy ra nước ngoài hoặc tẩu tán tài sản ra nước ngoài. Cựu Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa là một trường hợp nổi bật. Ảnh: FACEBOOK Thông Tin Chính Phủ Việt Nam ; BBC Việt ngữ.

 

 

 

Ngoài ra, vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng còn là điều luôn được dư luận quan tâm ở Việt Nam. Trong các vụ đại án tham nhũng, tỷ lệ thu hồi được cho là thấp, và khả năng một lượng tài sản lớn đã bị tuồn ra nước ngoài từ trước.

 

Hồi tháng 3/2023, trả lời chất vấn từ Đại biểu quốc hội Phạm Văn Hòa của tỉnh Đồng Tháp, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình nói rằng "không chỉ Việt Nam mà trên thế giới, việc thu hồi tài sản tham nhũng gần như không bao giờ triệt để được", theo tường thuật của báo Thanh Niên.

 

Chánh án Nguyễn Hòa Bình nói thêm rằng, 40% số tài sản tham nhũng được thu hồi "là con số rất đáng ghi nhận, biểu dương".

 

Vào tháng 5/2023, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết tỉ lệ thu hồi tài sản tham nhũng "chỉ đạt 32,5%, tức mất 10 đồng thì chỉ thu hồi được 3 đồng".

 

Ngày 12/4, Bộ Tư pháp Việt Nam cho biết đã thu hồi hơn 10.000 tỷ đồng trong các vụ án tham nhũng, kinh tế tính trong 6 tháng, cụ thể từ tháng 10/2023 cho đến nay.

 

Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long đề cập những khó khăn trong thu hồi tài sản như về "nguồn gốc, tính pháp lý của nhiều tài sản được kê biên, đưa ra xử lý phức tạp và mất nhiều thời gian để làm rõ. Có trường hợp cần phải xác minh tài sản đó là tài sản chung hay tài sản riêng, tài sản của người phạm tội và của người ngay tình đến mức nào…"

 

Cho đến nay vẫn không rõ tung tích của một số cá nhân, là cựu cán bộ nhà nước hoặc liên quan đến sai phạm tại cơ quan nhà nước, đang bị truy nã đỏ, như cựu Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa (bị truy nã từ năm 2020 đến nay), Cựu chủ tịch Công ty AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn (bị truy nã từ năm 2022 đến nay).

 

Hồi tháng 4/2023, Bộ Tư pháp thông tin "chưa nhận được bất cứ thông tin nào từ địa phương chuyển lên có liên quan đến quốc tịch của bà Nhàn".

 

Bà Hồ Thị Kim Thoa được cho đã xuất cảnh ra nước ngoài và Bộ Công an Việt Nam vào năm 2020 thông tin "chưa biết bà Hồ Thị Kim Thoa hiện nay trốn ở đâu".

 

Theo Chỉ số Cảm nhận Tham nhũng (Corruption Perceptions Index - CPI) năm 2023 do Transparency International công bố, Việt Nam xếp thứ 83/180 nước, tụt một hạng so với năm 2022.

 

Chiến dịch "đốt lò" chống tham nhũng của ông Nguyễn Phú Trọng vẫn đang tiếp tục nóng khi trong 15 tháng qua, hai phó thủ tướng, hai chủ tịch nước và một thành viên bộ chính trị khác đã bị buộc phải từ chức.

 

Số lượng ủy viên Bộ Chính trị giảm từ 18 xuống còn 14 trong vòng hai năm qua. Hàng loạt các cựu bí thư, chủ tịch tỉnh đã bị bắt giữ trong thời gian gần đây.

 

Dự báo, lò của ông Trọng sẽ tiếp tục "đỏ lửa" ít nhất là từ đây cho tới trước Đại hội Đảng lần thứ 14 vào đầu năm 2026.

 

 

 

Nhiều nước hạn chế 'hộ chiếu vàng'

 

 

Chụp lại hình ảnh,Lối đi làm thủ tục cho công dân thuộc EU tại sân bay quốc tế Dusseldorf (Đức). Ảnh: NICOLAS ECONOMOU/NURPHOTO/GETTY IMAGES; BBC Việt ngữ.

 

 

 

Chương trình "hộ chiếu vàng" yêu cầu một khoản đầu tư như từ 100.000 USD vào bất động sản ở Panama, hay mua bất động sản trị giá 400.000 USD tại Thổ Nhĩ Kỳ, đầu tư 536.000 USD vào một công ty hiện hữu ở Luxembourg cho đến 21,4 triệu USD dưới dạng ký gửi vào một định chế tài chính có trụ sở tại Luxembourg.

 

Từ đó người đầu tư có thể có quyền công dân tại quốc gia đầu tư, bao gồm quyền làm việc và đi bầu cử.

 

Có khoảng 60 nước đang cung cấp "hộ chiếu vàng", 20 quốc gia cho phép nhập tịch với khoản đầu tư và một nửa trong số các nước này có hơn 100 ứng viên mỗi năm, theo Phó Giáo sư Kristin Surak.

 

Thổ Nhĩ Kỳ hiện là quốc gia có số lượng hồ sơ đầu tư nhận quốc tịch lớn nhất. Số lượng đơn tham gia chương trình "hộ chiếu vàng" của Thổ Nhĩ Kỳ chiếm khoảng 50% số lượng đầu tư để lấy quốc tịch trên toàn cầu.

 

Saint Kitts, Dominica, Vanuatu, Grenada, Antigua và Malta là các nước cung cấp "hộ chiếu vàng". Liên minh Âu châu (EU) cũng là một nơi được những người muốn đầu tư có quốc tịch săn đón vì quyền được tự do đi lại trong khối Schengen.

 

Có 14 quốc gia trong EU cung cấp chương trình "hộ chiếu vàng" vào năm 2020. Hy Lạp, Latvia, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha chiếm đến hơn 70% số đơn chấp thuận trong khối.

 

Nhưng nhiều nước hiện đã chuyển sang hạn chế chương trình này vì các nguy cơ từ đầu tư mua quốc tịch.

 

Hồi năm 2022, chính phủ Anh đã chấm dứt chương trình cho phép các công dân nước ngoài trú tại quốc gia của mình nếu họ mang tài sản theo cùng.

 

Năm 2023, Ireland cũng bỏ chương trình "hộ chiếu vàng", Bồ Đào Nha đã chỉnh sửa chương trình của mình, không còn cho phép mua tài sản để đổi lại định cư nhưng tiếp tục chương trình thông qua việc chuyển giao nguồn vốn và đầu tư trong các hoạt động nghiên cứu.

 

Về phần mình, Tây Ban Nha cũng lên kế hoạch xóa bỏ chương trình "hộ chiếu vàng", có nội dung cung cấp một lộ trình định cư nhanh chóng cho những công dân không thuộc Liên minh Âu châu để đổi lại các khoản đầu tư tài chính lớn.

 

 

(Theo BBC Việt ngữ)