(Anders Corr)
Thủ tướng Hungary Viktor Orbán hội đàm với nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình (không có trong ảnh) trong cuộc gặp song phương của Diễn đàn Vành đai và Con đường lần thứ hai tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh vào ngày 25/4/2019. (Ảnh: Andrea Verdelli/Pool/Getty Images)
Chánh Văn phòng của Thủ tướng Hungary Viktor Orban, ông Gergely Gulyas, cho biết ông Orban đang lên kế hoạch tiếp đón Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc từ ngày 8/5 đến ngày 10/5. Ông Orban được cho là nhà lãnh đạo quốc gia thân Trung Quốc nhất ở Âu châu.
Mối quan hệ ngày càng thân thiết giữa Budapest và Bắc Kinh đang đặt ra những lo ngại đáng kể về an ninh quốc gia cho cả Âu Châu và Hoa Kỳ. Là thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh Âu châu (EU), Hungary nắm giữ vị trí quan trọng, có thể phủ quyết các hoạt động của cả hai tổ chức này. Khi Thủ tướng Hungary Viktor Orban đảm nhận chức chủ tịch luân phiên EU vào tháng 7 tới, ảnh hưởng của ông trong việc định hướng chính sách của khối sẽ còn gia tăng đáng kể.
Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, Bộ trưởng Ngoại giao Hungary Peter Szijjarto đã có chuyến thăm Bắc Kinh vào ngày 24/4. Ông Szijjarto tuyên bố phản đối việc coi Trung Quốc là mối đe dọa và bác bỏ ý tưởng tách rời khỏi quốc gia này. Thay vào đó, ông bày tỏ mong muốn coi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) như một "đối tác".
Sự ủng hộ của Hungary đối với Trung Quốc, vốn là đối thủ của Mỹ và EU, đã dẫn đến nhiều hậu quả.
Tại Brussels, Hungary phải đối mặt với sự chỉ trích gay gắt. Theo một cuộc họp giao ban của Nghị viện Âu Châu diễn ra ngày 18/4, các nhà lập pháp đã bày tỏ lo ngại về việc "Hungary liên tục lạm dụng quyền phủ quyết và đe dọa các nước thành viên khác tại Hội đồng Âu Châu ".
Một ví dụ điển hình là vào năm 2021, Hungary đã phủ quyết một tuyên bố của EU lên án ĐCSTQ vi phạm quyền tự do dân sự ở Hong Kong. Hơn nữa, một nghị quyết của Nghị viện Âu Châu đã đặt câu hỏi về việc liệu Hungary có đủ điều kiện đảm nhiệm chức chủ tịch EU sắp tới hay không vì nước này thiếu cam kết với các giá trị của EU.
Thủ tướng Hungary Viktor Orbán phát biểu trước Bảo tàng Quốc gia Budapest, 15/03/2015. (Ảnh: Attila Kisbenedek/AFP/Getty Images)
Thủ tướng Viktor Orban của Hungary đang theo đuổi mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với Trung Quốc xuất phát từ những toan tính thực tế. Ông Orban mong muốn thúc đẩy đầu tư và thương mại song phương, và chiến lược thân Trung Quốc này đang mang lại lợi ích kinh tế rõ rệt cho Hungary. Trung Quốc hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Hungary, với tổng vốn đầu tư đạt 11,5 tỷ USD vào năm 2023.
Tuy nhiên, mối quan hệ "đối tác" Hungary - Trung Quốc tiềm ẩn những nguy cơ đáng kể đối với an ninh kinh tế và chiến lược của phương Tây.
Budapest đang sử dụng các khoản đầu tư từ Trung Quốc để gia tăng năng lực sản xuất pin xe điện, nhằm vượt qua Hoa Kỳ trong lĩnh vực này. Hiện nay, Trung Quốc chiếm lĩnh 79% thị phần sản xuất pin lithium-ion toàn cầu, trong khi Hoa Kỳ và Hungary lần lượt chỉ chiếm 6% và 4%, xếp ở vị trí thứ hai và thứ ba.
Hơn nữa, việc Tập đoàn Viễn thông Công nghệ Fiberhome (Fiberhome Telecom Tech) của Trung Quốc dự định xây dựng nhà máy sản xuất cáp quang trị giá 22 triệu USD tại Hungary cũng có thể đe dọa đến an ninh thông tin liên lạc. Fiberhome là công ty con của Viện Nghiên cứu Bưu chính Viễn thông Vũ Hán, một thực thể đã bị Hoa Kỳ đưa vào danh sách kiểm soát xuất cảng vào năm 2020 do lo ngại về an ninh quốc gia.
Hungary đang đẩy mạnh thu hút đầu tư hạ tầng từ Trung Quốc, bao gồm dự án đường ống dẫn dầu tới Serbia và tuyến đường sắt cao tốc kết nối với các cảng Piraeus và Thessaloniki của Hy Lạp. Tuy nhiên, quá trình khai triển các dự án này tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng ở cấp chính phủ cao nhất của Hungary. Theo những cáo buộc về hành vi của ĐCSTQ tại các quốc gia khác, mức độ hối lộ có thể lên tới 5 - 10% tổng giá trị đầu tư của Trung Quốc.
Bên cạnh lợi ích kinh tế, Bắc Kinh có thể còn theo đuổi mục tiêu khác trong mối quan hệ này. Chuyến thăm Hungary của Bộ trưởng Bộ Công an Trung Quốc Vương Tiểu Hồng vào tháng 2 được cho là nhằm chuẩn bị cho thỏa thuận an ninh giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Orban. Đáng chú ý, trong chuyến thăm này, Thủ tướng Orban đã từ chối tiếp phái đoàn Hoa Kỳ, thể hiện lập trường nghiêng về Trung Quốc.
Bộ trưởng Công an Trung Quốc Vương Tiểu Hồng gần đây đã đề xuất tăng cường hợp tác với Hungary trong các lĩnh vực như chống khủng bố, chống tội phạm xuyên quốc gia, và xây dựng năng lực an ninh và thực thi pháp luật. Ông Vương hy vọng biến an ninh và hợp tác thực thi pháp luật thành "điểm nhấn mới" trong quan hệ song phương.
Lập trường thân Trung Quốc của Thủ tướng Viktor Orban dường như không mảy may bận tâm đến bản chất độc đoán của chế độ Bắc Kinh. Tuy nhiên, vị thế thành viên NATO và Liên minh Âu châu của Hungary khiến cho những lời đề nghị hợp tác mật thiết của ông Orban với ĐCSTQ trở nên bất thường.
Khác với các nỗ lực thương mại tương tự của Mỹ, Pháp và Đức, Thủ tướng Hungary Viktor Orban có khả năng sẽ không đề cập đến các vấn đề nhân quyền trong chuyến thăm Hungary của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 5. Thực tế, từ năm 2014, ông Orban đã công khai tuyên bố mong muốn chấm dứt nền dân chủ tự do tại Hungary. Do vậy, việc ông gây sức ép buộc Trung Quốc dân chủ hóa là điều khó xảy ra, và có thể là một chủ đề quá nhạy cảm đối với Hoa Kỳ, Pháp và Đức.
Là một đồng minh thân cận của Tổng thống Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Hungary Viktor Orban có thể sẽ phớt lờ vấn đề Trung Quốc xuất cảng vật tư lưỡng dụng - loại vật tư được phát hiện trên các máy bay không người lái Nga bị bắn hạ tại Ukraine.
Vấn đề này càng trở nên nghiêm trọng khi chính quyền Tổng thống Biden đang cân nhắc áp dụng biện pháp trừng phạt kinh tế mạnh mẽ, bao gồm đe dọa trừng phạt các ngân hàng Trung Quốc tạo điều kiện thương mại cho các công ty sản xuất vũ khí Nga.
Chánh Văn phòng của Thủ tướng Hungary Viktor Orban, ông Gergely Gulyas, đã đưa ra tuyên bố gây tranh cãi khi khẳng định Trung Quốc "mạnh hơn Liên minh Âu châu " và lợi ích của Hungary nằm ở việc củng cố quan hệ kinh tế với Bắc Kinh. Ông Gulyas nhấn mạnh: "Hungary cho rằng không nên áp đặt các ranh giới ý thức hệ vào lĩnh vực kinh tế, và Hungary hoan nghênh chuyến thăm hai ngày của Chủ tịch Trung Quốc".
Việc Hungary lựa chọn ủng hộ một quốc gia "mạnh hơn" thay vì một quốc gia dân chủ hơn sẽ dẫn đến những hệ lụy nghiêm trọng, góp phần thúc đẩy sự lan rộng của chủ nghĩa chuyên chế trên toàn cầu. Budapest có nguy cơ trở thành một quốc gia bị cô lập trên trường quốc tế khi xích lại gần Bắc Kinh với tư cách là đối tác thứ yếu.
Lịch sử đã chứng minh con đường này không mang lại kết quả tốt đẹp cho các quốc gia như Nga, Iran, Bắc Triều Tiên, Miến Điện (Myanmar), Cuba hay Venezuela. Hungary cũng không ngoại lệ.
Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTD Việt Nam.
Anders Corr
Tác giả Anders Corr có bằng cử nhân / thạc sĩ Khoa học chính trị tại Đại học Yale (2001) và bằng tiến sĩ Quản trị nhà nước tại Đại học Harvard (2008). Ông là chủ nhiệm của Corr Analytics - nhà xuất bản của The Journal of Political Risk (Tạp chí Rủi ro Chính trị). Ông Anders Corr đã thực hiện nhiều nghiên cứu sâu rộng ở Bắc Mỹ, Âu châu và Á châu; và là tác giả của cuốn sách The Concentration of Power: Institutionalization, Hierarchy, and Hegemony (Tập trung quyền lực: Thể chế hóa, Hệ thống cấp bậc, và Bá quyền) và cuốn sách Great Powers, Grand Strategies: the New Game in the South China Sea (Những quyền lực lớn, những chiến lược lớn: Trò chơi mới trên Biển Đông).
(Theo The Epoch Times)
(ntdvn.net; Huyền Anh biên dịch)