Tàu chở than Úc, The Jag Anand, mắc kẹt ngoài khơi bờ biển Trung Quốc trong 356 ngày đã rời cảng Jingtang, tỉnh Hà Bắc, trong hôm 20/5.

 

 

 

Bloomberg dẫn dữ liệu theo dõi tàu thuyền cho biết tàu The Jag Anand rời cảng Jingtang sau khi đã bốc dỡ hàng hoá.

 

 

Con tàu được Công ty Cargill Inc (Mỹ) thuê, khởi hành từ cảng Gladstone (Úc) vào ngày 26-5-2020, chở khoảng 174,000 tấn than.

 

 

Tàu The Jag Anand thả neo ngoài khơi cảng Jingtang hồi giữa tháng 6 năm ngoái, bị mắc kẹt cho đến khi được phép cập cảng Jingtang vào ngày 16/5 năm nay.

 

 

Ngoài The Jag Anand, có 70 tàu khác cũng bị mắc kẹt ngoài khơi bờ biển Trung Quốc do Bắc Kinh áp đặt lệnh cấm đối với một số hàng hóa của Úc trong bối cảnh quan hệ giữa hai nước xấu đi.

 

 

Hiện ít nhất 19 tàu chở than Úc vẫn neo đậu ngoài khơi bờ biển Trung Quốc, bao gồm tàu The W Eagle chở 90,000 tấn than, khởi hành từ cảng Gladstone vào ngày 17/6/2020.

 

 

Trong khi Trung Quốc cho phép 35 tàu bốc dỡ hàng hoá, những tàu khác chọn cách chuyển hướng tới Ấn Độ, Việt Nam và một quốc gia Đông Nam Á hồi đầu năm nay.

 

 

Xuất khẩu than của Úc sang Trung Quốc từng đạt đỉnh 1,78 tỉ AUD (1,38 tỉ USD) vào tháng 6-2018 nhưng bị giảm xuống bằng 0 trong năm 2021.

 

 

Gần đây nhất, hôm 6/5, chính phủ Trung Quốc tuyên bố đình chỉ mọi hoạt động trong khuôn khổ Đối thoại Kinh tế chiến lược Trung - Úc vô thời hạn. Đài ABC (Úc) đưa tin đây là lần đầu tiên Bắc Kinh đóng băng cơ chế ngoại giao chính thức với Canberra kể từ khi quan hệ giữa hai nước xấu đi.

 

 

Các nhà phân tích cho rằng động thái này của Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NDRC) có khả năng để trả đũa tuyên bố gần đây của chính phủ liên bang Úc, rằng họ đã huỷ bỏ 2 thỏa thuận "Vành đai và Con đường" giữa Trung Quốc với tiểu bang Victoria.

 

 

Giáo sư kinh tế học, Heling Shi, tại Trường Đại Học Monash (Úc), đã hạ thấp tác động kinh tế của quyết định từ NDRC. Ông Shi nói với đài ABC rằng "Tôi nghĩ Trung Quốc vẫn cần quặng sắt của Úc. Nền kinh tế Trung Quốc đang phục hồi và Trung Quốc vẫn phụ thuộc vào quặng sắt của Úc. Vì vậy, các hoạt động kinh tế sẽ không dừng lại".

 

 

Quặng sắt mà ông Shi nói đến được nhiều nhà phân tích xem là "át chủ bài" của Úc trong cuộc căng thẳng với Trung Quốc.

 

 

Úc là nhà sản xuất quặng sắt lớn nhất thế giới, khai thác hơn 910,000,000 tấn trong năm tài chính 2019-2020, theo số liệu từ Canberra. Con số này cao gần gấp đôi so với đối thủ cạnh tranh Brazil. Theo tổ chức theo dõi thương mại Observatory of Economic Complexity, gần 2/3 lượng quặng sắt nhập khẩu của Trung Quốc vào năm 2019 đến từ Úc, nhiều hơn cả của Brazil, Nam Phi và Ấn Độ cộng lại.