Tổng thống Pháp, Emmanuel Macron, đang dẫn đầu nỗ lực ngoại giao nhằm kêu gọi các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) thành lập một lực lượng quân đội chung để bảo vệ châu lục này trước các nguy cơ tiềm ẩn, sau khi Úc hủy hợp đồng tàu ngầm của Pháp để ký kết hiệp ước an ninh với Mỹ và Anh, cũng như Mỹ “đơn phương” rút quân khỏi Afghanistan trong sự hụt hẫng của các đồng minh châu Âu.

 

 

 

 

Tổng thống Macron bắt tay các binh sĩ Pháp trong chuyến thăm căn cứ không quân tại miền Nam nước này. Ảnh: EPA

 

 

 

 

 

Tự chủ chiến lược và chủ quyền

 

Hôm 28-9, chưa đầy 2 tuần sau khi Úc hủy thỏa thuận mua tàu ngầm của Pháp, Tổng thống Macron và Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis có cuộc gặp tại Ðiện Élysée và hai bên ký bản ghi nhớ mua bán 3 tàu chiến được dự đoán có tổng trị giá từ 2,3 đến 3,5 tỉ USD. Chi tiết thỏa thuận không được tiết lộ, nhưng theo Hãng tin AFP, Pháp sẽ bắt đầu giao  3 khinh hạm Belharra cho Hy Lạp vào năm 2024. Athens cũng để ngỏ khả năng đàm phán với Paris mua thêm chiếc thứ 4. 

 

 

Ðáng chú ý là hồi đầu năm nay,  Hy Lạp cũng đã ký với Pháp mua 18 chiến đấu cơ Rafale trị giá 3 tỉ USD, bao gồm 12 chiếc đã qua sử dụng và 4 chiếc mới. Ðến đầu tháng 9 này, Thủ tướng Mitsotakis gây ngạc nhiên cho nhiều nhà quan sát khi thông báo kế hoạch mua thêm 6 chiếc Rafale nữa.

 

 

Mục tiêu của Hy Lạp trong việc tăng cường sức mạnh quân sự là nhằm răn đe tham vọng của Thổ Nhĩ Kỳ ở Ðịa Trung Hải. Tổng thống Macron hôm 28-9 cũng tuyên bố thỏa thuận mua bán tàu chiến mới giữa Pháp và Hy Lạp là một phần trong mối quan hệ đối tác chiến lược sâu sắc giữa 2 nước nhằm bảo vệ lợi ích chung trên Ðịa Trung Hải. Tuy nhiên, ông Macron lại đưa ra nhiều thông điệp mạnh mẽ hơn. Ông cho rằng việc Hy Lạp mua khinh hạm Belharra là “tín hiệu lòng tin” vào ngành công nghiệp quốc phòng Pháp trước đối thủ cạnh tranh, tập đoàn quốc phòng Mỹ Lockheed Martin.

 

 

Ðặc biệt, ông Macron nhấn mạnh thỏa thuận mới với Hy Lạp đánh dấu “bước đi dũng cảm đầu tiên hướng đến sự tự chủ chiến lược của châu Âu”. “Thỏa thuận góp phần vào an ninh của châu Âu, tăng cường sự tự chủ chiến lược và chủ quyền của châu Âu, cũng như góp phần cho nền hòa bình và an ninh thế giới”, ông Macron tuyên bố. Ông cho rằng tàu chiến Pháp là phương tiện không chỉ bảo đảm an ninh ở Ðịa Trung Hải mà cả Bắc Phi, Trung Ðông và Balkan. “Thỏa thuận này không nhằm vào ai, nó cho phép hành động phối hợp hiệu quả vì hòa bình, hợp tác và ổn định trong trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và tôn trọng các cam kết”, ông chủ Ðiện Élysée gửi thông điệp đến thỏa thuận tàu ngầm bị Úc hủy bỏ với sự tiếp tay của Mỹ và Anh.

 

 

Tổng thống Macron nhận định trong hơn 10 năm qua, Mỹ đã chú trọng vào lợi ích quốc gia riêng và có những lợi ích chiến lược khi tái định hướng vào Trung Quốc và Thái Bình Dương. Vì thế, ông cho rằng châu Âu phải khẳng định sự độc lập của mình với Mỹ và phải thôi ngây thơ về cạnh tranh địa chính trị.

 

 

 

 

Cơ hội nào cho quân đội chung?

 

Sự tự chủ chiến lược của châu Âu mà ông Macron nói đến là nằm trong ý tưởng thành lập quân đội chung châu Âu được ông ấp ủ từ rất lâu. Trong bài phát biểu hồi tháng 11-2018, ông Macron kêu gọi thành lập lực lượng quân đội chung với tên gọi Sáng kiến can thiệp châu Âu nhằm bảo vệ lục địa già trước các mối đe dọa, đồng thời tránh lệ thuộc vào Mỹ. Nhà lãnh đạo xứ gà trống Gaulois cho rằng châu Âu “sẽ không bảo vệ được người dân nếu châu Âu không có quân đội thực thụ”.

 

 

Nếu như tháng 11-2018 chỉ có 9 thành viên của EU tán đồng kế hoạch của ông Macron, thì đến tháng 6-2021 có tới 14 thành viên của khối này bày tỏ sự ủng hộ. Trong bài phát biểu tại Nghị viện châu Âu (EP) hồi năm 2018, Thủ tướng Ðức Angela Merkel cũng đã kêu gọi thành lập quân đội châu Âu. Ngoài ra, bà Merkel còn kêu gọi thành lập hội đồng an ninh châu Âu, tổ chức tập trung vào các chính sách an ninh, quốc phòng của châu lục.

 

 

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cũng kêu gọi châu Âu rút ra bài học từ vụ rút quân của Mỹ tại Afghanistan và thành lập một lực lượng quân sự riêng của khối. “Khối chúng ta phải có khả năng can thiệp quân sự mà không có sự trợ giúp của Mỹ, nhưng chúng ta thiếu thiện chí chính trị. Vì thế, đây là thời điểm châu Âu cần phải sẵn sàng làm nhiều hơn cho riêng mình”, bà Leyen nhấn mạnh. Ðược biết, hội nghị bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng EU hồi đầu tháng 9 đã ủng hộ kế hoạch thành lập “lực lượng phản ứng nhanh” gồm 5,000 binh sĩ.

 

 

Tuy nhiên, bên cạnh sự ủng hộ của lãnh đạo EU và nhiều nước thành viên, tham vọng quốc phòng chung của ông Macron còn gặp nhiều thách thức, trở ngại. Thủ tướng Ðan Mạch Mette Frederiksen cho biết bà “sẽ chống lại những ai cố gắng tìm cách làm phương hại đến sự hợp tác xuyên Ðại Tây Dương”. Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg cũng phản đối kế hoạch thành lập lực lượng quân sự độc lập của EU. Ông chỉ trích động thái của EU là “không chỉ làm suy yếu NATO, mà còn gây chia rẽ châu Âu”. Theo ông Stoltenberg, trong điều kiện nguồn lực khan hiếm, động thái của EU sẽ “thiết lập các cơ cấu song song và cấu trúc chỉ huy chồng chéo”. Ông này cho rằng những “nỗ lực trùng lặp” như vậy sẽ chỉ làm suy yếu khả năng hợp tác của tất cả các bên.

 

 

Trong khi đó, các nước thành viên EU sẽ phải chấp nhận hy sinh một phần không nhỏ trong ngân sách hạn hẹp của mình để chi thêm cho quốc phòng dù EU đã phân bổ hơn 9 tỉ USD cho Quỹ Quốc phòng châu Âu vào năm 2027. Ðây rõ ràng là thách thức đối với một số nước khi vẫn phải “gồng mình” chi 2% GDP cho quốc phòng theo yêu cầu của NATO. Ðến nay, chỉ 9/30 nước châu Âu trong NATO đáp ứng cam kết này.

 

 

Một trở ngại nữa nằm chính ở cơ chế phối hợp trong nội bộ EU. Cụ thể, việc tạo lập quân đội riêng sẽ phải trải qua rất nhiều vòng đàm phán để các nước thành viên thống nhất quan điểm, đưa ra cách thức và quy trình cụ thể nhằm hiện thực hóa ý tưởng. Trong khi đó, việc thống nhất quan điểm giữa các nước EU được cho là không hề đơn giản, mất rất nhiều thời gian. Không chỉ vậy, để thành lập một đội quân chung, các nước EU cũng phải tìm ra phương án tích hợp hàng loạt hệ thống vũ khí khác biệt nhau để có thể phối hợp nhuần nhuyễn trên chiến trường.