Hoạt động tại mỏ than ở Newcastle, Úc. Ảnh: AFP/TTXVN

 

 

 

QUỐC TẾ - Các nhà khai thác than của Úc hiện đang nhận được nhiều yêu cầu vận chuyển hàng hóa giao ngay là nhiên liệu hóa thạch sang Âu châu.

 

 

Các nhà khai thác than của Úc hiện đang nhận được nhiều yêu cầu vận chuyển hàng hóa giao ngay là nhiên liệu hóa thạch sang Âu châu và, trong một số trường hợp, có cả những yêu cầu về thỏa thuận cung ứng dài hạn hơn, trong bối cảnh các công ty năng lượng tại "lục địa già" đang cố gắng tìm kiếm các nguồn cung mới, nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào Nga.

 

Đại diện của Công ty tư vấn tài nguyên Wood Mackenzie cho biết các nhà sản xuất than của Úc và Mỹ đã nhận được nhiều cuộc điện thoại đặt hàng từ Âu châu, thậm chí cả ngoài giờ làm việc. Ông nói, các quốc gia Âu châu đang chạy đua để tìm kiếm nguồn cung năng lượng thay thế, bao gồm than, dầu và khí đốt tự nhiên.

 

Ngay cả khi không có các lệnh trừng phạt chính thức ngăn châu Âu nhập khẩu năng lượng của Nga, thì với tình trạng thiếu hụt khí đốt trầm trọng đã diễn ra từ năm ngoái, nhu cầu về năng lượng hóa thạch tại Âu châu cũng vô cùng lớn.

 

Chuyên gia Viktor Tanevski, phân tích gia chuyên về than của Wood Mackenzie, cho biết số lượng đơn đặt hàng từ những thương nhân Âu châu đã tăng vọt, trong đó có cả các đơn đặt hàng với số lượng lớn lên đến hàng tấn than, bao gồm cả giao ngay và hợp đồng có kỳ hạn, cung cấp xuyên suốt trong năm 2022.

 

Whitehaven Coal và New Hope, hai trong số những công ty khai thác than lớn nhất của Úc, xác nhận họ đã nhận được một số đơn đặt hàng từ Âu châu và đang xúc tiến kế hoạch tiếp cận thị trường này. Người phát ngôn của New Hope cho biết nhu cầu tại các thị trường hiện có của công ty vẫn rất cao, tuy nhiên New Hope sẽ xem xét các cơ hội cung cấp hàng hóa cho thị trường Âu châu.

 

Tại Âu châu, Nga là nhà cung cấp năng lượng chính, chiếm gần 40% nhu cầu khí đốt tự nhiên và 60% nhu cầu nhiệt điện than.

 

Trong khi cho tới nay các biện pháp trừng phạt kinh tế của Âu châu áp dụng đối với Nga đã loại trừ vấn đề xuất cảng năng lượng, nhưng các hạn chế tài chính đối với ngân hàng Nga đang tạo khó khăn cho các thương nhân Âu châu muốn giao dịch với các nhà cung cấp của Nga, cũng như những lo ngại ngày càng gia tăng về khả năng cung cấp hàng hóa bằng hình thức vận tải đường sắt sẽ dần suy giảm.    

Sự gia tăng nhu cầu ngày càng cao từ các quốc gia đang tìm kiếm các nguồn cung thay thế cho hàng hóa của Nga đã tạo thêm áp lực cho thị trường than vốn đã eo hẹp trên toàn cầu. Giá chuẩn cho than nhiệt chất lượng cao tại cảng Newcastle của Úc đã tăng hơn 100% trong vòng ba tháng qua và đang được giao dịch quanh ngưỡng 346 AUD/ tấn (243 USD/tấn) trong tuần này.

 

Mặc dù đã nhận được các đơn đặt hàng từ Âu châu, nhưng rất ít công ty khai thác than nhiệt của Úc hiện có sẵn nguồn hàng để vận chuyển đến châu lục này.

 

Phân tích chuyên gia về năng lượng hóa thạch của Ngân hàng UBS, Lachlan Shaw, cho biết do điều kiện khí hậu bất lợi và tình trạng thiếu hụt lao động trầm trọng tại hai bang khai thác than lớn của Úc là New South Wales và Queensland, xuất cảng than của "xứ chuột túi" tính từ đầu năm đến nay đã bị sụt giảm 3%.

 

Bên cạnh đó, ngoài các dự án hiện có, không có thêm bất kỳ dự án khai thác than lớn nào mới sẽ được triển khai tại Úc để có thể tăng thêm sản lượng, mở rộng nguồn cung cho các thị trường trong ngắn hạn.


Trong một diễn biến liên quan, Bộ trưởng Tài nguyên Úc, Keith Pitt, cho biết ông đã sắp xếp để các quan chức thương mại Ba Lan làm việc với các nhà sản xuất than của Úc nhằm tìm kiếm các hợp đồng cung cấp than giao ngay, bù đắp cho sự thiếu hụt nguồn cung than của nước này.

 

 

Ông nói mặc dù vẫn có một số thách thức về hậu cần, bao gồm nhu cầu cao và các hợp đồng dài hạn đã có từ trước, nhưng các nhà sản xuất than của Úc xác nhận sẽ hỗ trợ nếu có thể.

 

Bất chấp căng thẳng Nga- Ukraine đang mở ra cơ hội mới trong ngắn hạn cho than của Úc, các chuyên gia vẫn tin rằng chính sự thiếu hụt năng lượng trầm trọng tại Âu châu hiện nay sẽ góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sử dụng nhiều carbon sang các nguồn năng lượng sạch hơn.

 

Tương lai dài hạn của than phần lớn sẽ được quyết định bởi mức độ tích cực của các quốc gia đầu tư vào quá trình khử carbon, cũng như triển khai các giải pháp nhằm đáp ứng các cam kết quốc tế, giúp ngăn chặn thảm họa biến đổi khí hậu.