Tấm hình không rõ ngày tháng năm của Yang Hengjun và vợ Yuan Xiaoliang. © Chongyi Feng/AP
Nguồn: Hamish McDonald, “Yang Hengjun’s death sentence shows power of China’s secret service,” Nikkei Asia, 08/02/2024
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng (nghiencuuquocte.org)
Bộ An ninh Nhà nước Trung Quốc đã gửi thông điệp cảnh báo đến những nhà hoạt động dân chủ.
Với số lượng nhân viên ước tính khoảng 110.000 người, Bộ An ninh Nhà nước Trung Quốc (MSS) có lẽ là cơ quan tình báo lớn nhất thế giới, nhưng lại ít được người ngoài biết đến, và chắc chắn không có những truyền thuyết gián điệp nổi tiếng như các đối tác phương Tây của họ.
Khoảng 20 năm trước, Dương Hằng Quân (Yang Hengjun) đã bắt đầu thay đổi mọi chuyện bằng ba tập tiểu thuyết viết về những trận chiến ngầm giữa MSS và CIA, được thêm thắt các yếu tố tình dục, hỗn loạn, và tham nhũng ở cấp cao. Sách được xuất bản tại Hong Kong và Đài Loan, nhưng độc giả khắp Trung Quốc cũng rất háo hức đọc những bản sao lậu.
Các cán bộ MSS, những người thích được biết đến như những trụ cột của chế độ cộng sản chính trực, dường như lại không đánh giá cao nỗ lực của Dương trong việc làm cho họ trở nên thu hút hơn, hoặc chí ít thì họ không thích nó nhiều đến vậy. Năm năm trước, Dương đã bị MSS bắt giữ khi vừa từ New York đến Quảng Châu để thăm gia đình.
Kể từ đó, nhà văn đã phải chịu đựng cảnh biệt giam, bị tra tấn hàng trăm lần, và còn phải ra trước một phiên tòa bí mật về tội gián điệp. Tuần này, các thẩm phán đã chính thức tuyên án tử hình, hoãn thi hành hai năm, và có thể giảm xuống tù chung thân nếu Dương không tái phạm bất cứ tội gì ở phòng giam trong thời gian đó.
Bản án khắc nghiệt đã gây chấn động ở Canberra. Dương di cư đến Australia vào năm 1999 và đã trở thành công dân nước này. Quan hệ Australia-Trung Quốc đã đi lên kể từ khi Công Đảng lên nắm quyền vào tháng 5/2022. Nhiều người từng dự đoán rằng Dương sẽ được thả sau khi bị bắt giam.
Đối với phe diều hâu ở Canberra, điều này có nghĩa là Bắc Kinh muốn Australia phải sợ hãi. Và hai năm cải tạo tốt – phải chăng điều đó còn áp dụng cho cả chính phủ Australia?
Richard McGregor, chuyên gia về Trung Quốc tại Viện Lowy ở Sydney, đã hạ thấp quan điểm rằng Trung Quốc đang gửi thông điệp tới Australia.
“Điều này không liên quan đến Australia nhiều bằng liên quan đến chính Trung Quốc,” ông nói. “Một mặt, MSS gần như chẳng quan tâm đến tác động xấu từ bản án của Dương lên quan hệ song phương. Thay vào đó, bạn có thể tưởng tượng rằng bộ này đang cố tình yêu cầu mức án khắc nghiệt nhất có thể như một lời cảnh báo cho các nhà hoạt động dân chủ, rằng họ đang đánh cược mạng sống của mình.”
MSS có lý do đặc biệt để tập trung vào Dương Hằng Quân, hiện 58 tuổi. Ông từng là một trong những tân binh ưu tú của họ, gia nhập bộ sau khi tốt nghiệp Đại học Phúc Đán, Thượng Hải, và được bí mật cử đến Hong Kong từ năm 1994 đến 1997, phụ trách giai đoạn trước khi Anh trao trả đặc khu.
Tiếp đến, sau hai năm làm việc tại Hội đồng Đại Tây Dương (Atlantic Council) ở Washington, ông di cư đến Australia. Bên cạnh việc sáng tác tiểu thuyết gián điệp, ông còn lấy bằng tiến sĩ tại Đại học Công nghệ Sydney (UTS) vào năm 2007 với một nghiên cứu về cách các nhà hoạt động chính trị Trung Quốc vượt tường lửa Internet để truyền bá thông điệp của họ. Các mối liên hệ trong nghiên cứu đã cho phép Dương thu hút một lượng độc giả khổng lồ cho các blog bằng tiếng Trung Quốc chuyên thảo luận về cải cách chính trị của mình.
Tuy nhiên, sự khoan dung đang dần cạn kiệt. Phong Trác Nghị (Feng Chongyi), giáo sư hướng dẫn luận văn tiến sĩ của Dương tại UTS, một người tự nhận là “tự do” trong bối cảnh Trung Quốc, đã bị MSS bắt giam vào tháng 3/2017. Phong cho biết trước khi được thả do áp lực từ Canberra và trường đại học của mình, ông đã bị thẩm vấn rất nhiều lần về các hoạt động và mối quan hệ của Dương Hằng Quân. “Họ nói: Chúng tôi sẽ loại bỏ anh ta,” ông nhớ lại.
Lượng độc giả theo dõi blog của Dương, và thu nhập của ông từ đó, đã giảm dần. Nhưng Phong đã giúp Dương có được học bổng nghiên cứu 2 năm tại Đại học Columbia, New York, đồng thời tăng thu nhập bằng cách tham gia buôn bán hàng xa xỉ không chính thức từ Mỹ về Trung Quốc. Tháng 1/2019, sau khi kết thúc thời gian ở Columbia, Dương và người vợ thứ hai quay trở lại Australia, nhưng trên đường về, ông đã phạm sai lầm chết người khi ghé thăm cha mẹ già ở Trung Quốc. “Tôi đã bảo anh ấy đừng quay lại Trung Quốc,” Phong nói. “Anh ấy đáp, ‘Nếu họ muốn bắt tôi, họ đã làm thế từ lâu rồi.’”
Phong cho rằng việc bắt giữ Dương có thể là một biện pháp phòng ngừa của MSS, để loại bỏ một nhân vật có tiềm năng gây ảnh hưởng trước hai dịp kỷ niệm lớn diễn ra trong năm 2019: 100 năm phong trào sinh viên Ngũ Tứ chống nhượng địa ngày 04/05/1919, và 30 năm vụ thảm sát Thiên An Môn.
Tuy nhiên, để biện minh cho sự buộc tội của mình, MSS đã lật lại quá khứ của Dương ở Hong Kong, cáo buộc ông làm gián điệp cho Đài Loan. Phong cho biết, trên thực tế, chính MSS đã giao nhiệm vụ cho Dương tiếp xúc với các đặc vụ tình báo Đài Loan trước thềm bàn giao Hong Kong năm 1997. Dương đã hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc tới mức được nhận một vị trí quan trọng tại Hội đồng Đại Tây Dương, ngay cả khi đang là sĩ quan MSS.
Trong khi đó, MSS không chỉ lấn át Bộ Ngoại giao Trung Quốc mà còn mở rộng phạm vi phản gián của mình sang cả các doanh nhân và chuyên gia phân tích tài chính ở trong và ngoài nước, theo đó càng huỷ hoại niềm tin vào nền kinh tế.
Không có dấu hiệu cho thấy MSS sẽ bị kiềm chế. “Trong bất kỳ hệ thống chính trị nào, việc chống lại cơ quan an ninh nội bộ là cực khó,” McGregor đến từ Viện Lowy nhận xét. “Đối với chính sách ngoại giao ‘chiến lang,’ đã từng có một sự can thiệp chính trị cấp cao nên nó hầu như đã dừng lại. Cho đến nay, vai trò của MSS dường như rất phù hợp với định hướng mà Chủ tịch Tập Cận Bình đã đặt ra cho đất nước. Động lực duy nhất ở Trung Quốc là làm nhiều hơn những gì bạn nghĩ lãnh đạo mong muốn.”
(nghiencuuquocte.org)