Nhân Ngày Độc lập, người dân Philippines diễu hành phản đối việc Trung Quốc liên tục xâm phạm vùng biển Philippines, bên ngoài Đại sứ quán Trung Quốc ở Makati, Metro Manila, Philippines, ngày 12/06/2021. (Ảnh: Ezra Acayan/Getty Images)

 

 

Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) mới đây đã thông qua một số chính sách mới, trong đó hướng dẫn Cảnh sát biển Trung Quốc bắt giữ người nước ngoài. Động thái này làm leo thang căng thẳng xung quanh những tranh chấp lãnh thổ tại quần đảo Trường Sa ở Biển Đông.

 

Từ ngày 15/06/2023, Cảnh sát biển Trung Quốc sẽ áp dụng các quy định mới liên quan đến việc xử lý “các vụ án hình sự”. Các quy định này nêu rõ rằng người nước ngoài có thể phải chịu trách nhiệm pháp lý đối với các tội ác gây ra cho công dân Trung Quốc hoặc cho nhà nước Trung Quốc, ngay cả chúng xảy ra bên ngoài lãnh hải của Trung Quốc.

 

Ông Hạ Nhất Phàm (Xia Yifan), là thành viên của Liên đoàn vì một Trung Quốc Dân chủ và là chuyên gia về các vấn đề xã hội của Trung Quốc, nói rằng theo phán quyết năm 2016 của Tòa án Quốc tế về Luật Biển, thì các yêu sách và hoạt động hàng hải của Bắc Kinh ở Biển Đông vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS). Do đó, ĐCSTQ muốn hợp pháp hóa việc Cảnh sát biển Trung Quốc bắt giữ những người mà họ coi là “tội phạm” nước ngoài. Trên thực tế, một hành động như vậy tự nó đã là vi phạm luật pháp quốc tế.

 

Trung Quốc bắt nạt Việt Nam và Philippines

Chính quyền Trung Quốc từ lâu đã có nhiều tranh chấp lãnh thổ với Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei, Indonesia và thậm chí cả Đài Loan về các đảo và rạn san hô ở Biển Đông. Trong những năm gần đây, Trung Quốc hung hăng leo thang mở rộng lãnh hải. Các tàu Cảnh sát biển Trung Quốc, bao gồm cả tàu cá do nhà nước hậu thuẫn, thường xuyên đối đầu hoặc đụng độ với tàu của các nước kể trên.

 

Vào ngày 06/02, một tàu Cảnh sát biển Philippines đang thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ Hải quân Philippines ở Biển Đông trên Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal) thì bị một tàu Cảnh sát biển Trung Quốc tiếp cận. Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Philippines đã buộc phải thay đổi hướng đi do tàu Trung Quốc chiếu tia laser quân sự và làm mù tạm thời một số thủy thủ đoàn Philippines. Bộ ngoại giao Trung Quốc tuyên bố rằng tàu Philippines đã đi vào trong vùng biển của Trung Quốc, mặc dù Philippines đang kiểm soát các đảo san hô tranh chấp đó.

 

Ngày 07/05, một tàu Cảnh sát biển Trung Quốc đã chụp ảnh một giàn khoan của Việt Nam trong vùng biển Bãi Tư Chính (Vanguard Bank) để thu thập “bằng chứng”, nhưng đã bị tàu của Cục Kiểm ngư Việt Nam chặn lại. Đây được coi là vụ xung đột mới giữa hai nước.

 

Việt Nam coi trữ lượng dầu khí ở Biển Đông là rất quan trọng đối với nền kinh tế đất nước, vì chúng đóng góp một tỷ lệ đáng kể vào tổng thu ngân sách nhà nước. Trữ lượng dầu mỏ tại Bãi Tư Chính lên tới hơn 5 tỷ tấn và trữ lượng khí đốt tự nhiên là hàng nghìn tỷ mét khối, khiến nơi đây trở thành một trong ba khu vực giàu dầu khí nhất ở Quần đảo Trường Sa. Bãi Tư Chính chỉ cách bờ biển Việt Nam 250 dặm (khoảng 400 km) nhưng cách điểm cực nam của Trung Quốc hơn 750 dặm (khoảng 1.200 km).

 

Kể từ tháng 07/2017, Việt Nam đã thiệt hại hơn 1 tỷ USD do phải đình chỉ các hợp đồng dầu khí ở quần đảo Trường Sa với các công ty năng lượng Tây Ban Nha, Nga và Nhật Bản bởi áp lực từ phía chính quyền Trung Quốc.

 

Trước tình hình đó, vào năm 2020, Ngoại trưởng Mỹ khi đó là ông Mike Pompeo đã công khai cáo buộc ĐCSTQ sử dụng các chiến thuật bắt nạt ở Biển Đông. Lần đầu tiên một vị Ngoại trưởng Mỹ nói rõ ràng rằng các yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông là hoàn toàn bất hợp pháp. Ông Pompeo cũng nói rằng Hoa Kỳ có thể sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam và các nước khác trong việc bảo vệ trữ lượng dầu khí ngoài khơi của họ trước hành động gây hấn của Trung Quốc.

 

Mỹ và Philippines hợp lực

Ông Tập Cận Bình đang tăng cường chi tiêu quân sự để phát triển lực lượng hải quân Trung Quốc. ĐCSTQ, hiện có 2 tàu sân bay, muốn kiểm soát nhiều hơn quần đảo Trường Sa và các rạn san hô ở Biển Đông.

 

Xung đột giữa Trung Quốc và Philippines trở nên xấu đi kể từ năm 2014. Nguyên nhân một phần đến từ việc Trung Quốc xây dựng 10 căn cứ trên đảo nhân tạo ở Biển Đông, trong đó có 1 căn cứ quân sự nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines.

 

Ông Herman Kraft, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Philippines, cho rằng quan hệ song phương giữa Manila và Bắc Kinh trước đây không có vấn đề gì lớn do hai bên có lợi ích chung ở Biển Đông. “Tuy nhiên, vào năm 2012, [Trung Quốc] đã cố gắng giành quyền kiểm soát Bãi Cỏ Mây, và sau đó vào năm 2014, họ bắt đầu xây dựng các đảo nhân tạo”, ông Kraft nói. Các vụ việc đã làm thay đổi đáng kể mối quan hệ giữa hai quốc gia.

 

Năm 2016, căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippines gia tăng. Nó là kết quả của phán quyết của Tòa án The Hague. Tòa nhất trí phán quyết rằng Trung Quốc không có quyền lịch sử đối với tài nguyên thiên nhiên ở Biển Đông dựa trên Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển.

 

Ngày 02/02/2023, các bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ và Philippines đã đưa ra một tuyên bố chung đẩy nhanh việc thực hiện Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng Tăng cường (EDCA) năm 2014 giữa Hoa Kỳ và Philippines; theo đó Philippines sẽ cho Hoa Kỳ sử dụng thêm 4 căn cứ quân sự. Tuyên bố này được coi là động thái chống lại ĐCSTQ. Cuộc đối đầu giữa Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Trung Quốc và Philippines xảy ra chỉ 3 ngày sau khi tuyên bố được đưa ra.

 

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. đã có một cuộc họp tại Tòa Bạch Ốc vào ngày 01/05. Hai vị tổng thống tái khẳng định tầm quan trọng của liên minh an ninh Hoa Kỳ - Philippines vốn đã tồn tại hàng thập kỷ.

 

Ông Hạ Nhất Phàm tin rằng chính sách mới mà chính quyền Trung Quốc ban hành cho Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Trung Quốc là để đáp trả việc Philippines cho Hoa Kỳ sử dụng 4 căn cứ quân sự.

 

Ông Hạ đề xuất rằng Hoa Kỳ nên đẩy nhanh việc xây dựng một liên minh chống ĐCSTQ ở Biển Đông. Nếu liên minh này được thành lập, chắc chắn Đài Loan cũng sẽ an toàn hơn trước sự gây hấn ngày càng hung hăng của Trung Quốc.

(Theo The Epoch Times)

(ntdvn.net, Xuân Hoa biên dịch)