Getty Images

 

 

BBC đã tiếp cận được bản tuyên bố chung được Mỹ và Trung Quốc công bố sau cuộc họp thương mại giữa hai bên tại thành phố Geneva, Thụy Sĩ.

 

Dưới đây là tóm tắt về thỏa thuận:

Thời gian tạm ngừng quan thuế 90 ngày sẽ có hiệu lực từ Thứ Tư 14/5, trong đó Mỹ giảm quan thuế đối với hàng hóa Trung Quốc xuống 30%, từ mức 145%.

 

Trung Quốc sẽ giảm thuế đối với hàng hóa Mỹ xuống 10%, từ mức 125%.

 

Cả hai nước sẽ thiết lập "một cơ chế để tiếp tục các cuộc thảo luận về quan hệ kinh tế và thương mại", do Bộ trưởng Tài chánh Mỹ Scott Bessent và Phó Thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong dẫn đầu.

 

Tuyên bố cho biết thêm các cuộc đàm phán trong tương lai có thể được tổ chức tại Trung Quốc hoặc Hoa Kỳ.

 

Hai bên thừa nhận "tầm quan trọng của mối quan hệ kinh tế và thương mại song phương đối với cả hai nước và nền kinh tế toàn cầu".

 

Tuyên bố nói rằng cả Mỹ và Trung Quốc đều tin rằng "các cuộc thảo luận tiếp tục có tiềm năng giải quyết những lo ngại của mỗi bên trong mối quan hệ kinh tế và thương mại của họ".

 

Các cuộc đàm phán sẽ tiến triển theo "tinh thần cởi mở lẫn nhau, tiếp tục thông tin liên lạc, hợp tác và tôn trọng lẫn nhau".

 

Từ trái sáng: Phó Thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong, Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer và Bộ trưởng Tài chánh Mỹ Scott Bessent đã trực tiếp đàm phán lần đầu tiên tại thành phố Geneva, Thụy Sĩ vào hôm 10/5. Ảnh: Getty Images.

 

 

Bình luận của phóng viên kinh doanh của BBC Jonathan Josephs

 

Rõ ràng có một cảm giác lạc quan từ cả hai bên sau các cuộc đàm phán cuối tuần này ở Geneva, nhưng vẫn còn rất nhiều việc phải làm.

 

Việc đình chỉ quan thuế trong 90 ngày cho Mỹ và Trung Quốc thêm thời gian để đạt được tiến triển, tuy nhiên, danh sách các khiếu nại của Mỹ còn rất dài.

 

Tổng thống Trump từ lâu đã không hài lòng với việc Mỹ mua lượng hàng hóa từ Trung Quốc nhiều hơn đáng kể so với lượng hàng hóa bán sang nước này.

 

Các mối lo ngại khác bao gồm việc thiếu bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của các công ty Mỹ ở Trung Quốc, kể cả việc chuyển giao công nghệ bắt buộc.

 

Ngoài ra, Mỹ còn không hài lòng về các khoản trợ cấp bị cáo buộc của chánh phủ Trung Quốc, điều này mang lại lợi thế không công bằng cho các công ty của họ - điều mà Bắc Kinh nói rằng Washington cũng làm.

 

Và trong một số ngành công nghiệp, như sản xuất thép và nhôm, người ta cho rằng những khoản trợ cấp đó hỗ trợ sản xuất dư thừa, làm giảm giá toàn cầu, nhưng Bắc Kinh đã bác bỏ lập luận đó.

 

Thêm vào đó, có những bất đồng về các quy định trong nhiều ngành công nghiệp, từ thực phẩm đến mỹ phẩm.

 

Những khác biệt này đã hình thành trong nhiều năm, vì vậy rất khó để thấy tất cả có thể được giải quyết trước tháng 8/2025, nhưng tiến triển đáng kể chắc chắn sẽ làm giảm căng thẳng.

 

 

(Theo BBC)