Việc Úc cấm xuất cảng alumin sang Nga không chỉ gây sức ép lên tập đoàn nhôm khổng lồ United Co. Rusal International PJSC mà còn đẩy giá kim loại cơ bản được sử dụng rộng rãi nhất trong cuộc sống tăng vọt, góp phần làm gia tăng lạm phát vốn đã quá nóng.
Nguồn cung cấp nhôm - kim loại được sử dụng trong mọi thứ, từ đồ hộp, máy bay, khung cửa sổ… đã cạn kiệt từ trước khi xảy ra xung đột Nga – Ukraine. Sự gián đoạn thêm nữa càng khiến thị trường hàng hóa rơi vào tình trạng hỗn loạn.
Hôm 20/3, Úc đã công bố lệnh cấm xuất cảng quặng alumina và nhôm, bao gồm cả bauxite, sang Nga – thêm một động thái phá vỡ chuỗi cung ứng và sản xuất của "gã khổng lồ" Rusal – thuộc sở hữu của nhà tài phiệt người Nga Oleg Deripaska.
Ngay sau thông tin này, giá nhôm Giá nhôm trên Sàn giao dịch Kim loại London (LME) tăng vọt 5,7% lên 3.574 USD/tấn trong ngày 21/3, mức cao nhất kể từ 9/3/2022. Trong khi đó, cổ phiếu của Rusal sụt giảm mạnh, giảm 5,4% trên sàn Hongkong. Giá nhôm đã đạt mức cao kỷ lục lịch sử vào đầu tháng 3/2022, và đã tăng 25% trong năm nay.
Úc cho biết lệnh cấm sẽ áp dụng đối với "tất cả các chuyến hàng có liên quan" đến Nga. Các nhà sản xuất alumin thường trao đổi hàng hóa với các nhà cung cấp khác ở các địa điểm khác nhau để tiết kiệm chi phí vận chuyển.
Nga là nước sản xuất nhôm lớn thứ 2 thế giới, chỉ sau Trung Quốc, chiếm 6% tổng cung nhôm toàn cầu – ước tính khoảng 70 triệu tấn trong năm 2022. Kể từ khi xảy ra xung đột với Ukraine, ngành luyện nhốm Nga lâm vào khó khăn. Cùng với việc xuất cảng từ Ukraine bị gián đoạn, các nhà máy luyện kim của Nga đang phải đối mặt với sự thiếu hụt đáng kể nguồn cung nguyên liệu nhôm. Điều này diễn ra giữa lúc lượng nhôm dự trữ tại các kho của sàn LME hiện chỉ có 704.850 tấn, giảm sâu so với gần 2 triệu tấn cùng kỳ năm ngoái.
Dịch Covid-19 bùng phát ở Trung Quốc cũng đang làm gián đoạn nguồn cung cấp kim loại này, làm tăng thêm áp lực giá cả trên toàn cầu.
Nga phụ thuộc vào Úc để đáp ứng 1/5 nhu cầu alumina - nguyên liệu chính để sản xuất nhôm.
Công suất của Rusal sử dụng 8 triệu tấn alumina mỗi năm (alumina là nhôm sơ chế, dạng giữa bauxite và nhôm tinh luyện) để sản xuất 4 triệu tấn nhôm. Các nhà máy sản xuất alumin trong nước của Rusal năm 2021 chỉ đáp ứng 37% nhu cầu nguyên liệu của nhà máy luyện này. Phần còn lại được đáp ứng bởi 2 nhà cung cấp chủ chốt là Ukraine, nơi mà cuộc khủng hoảng với Nga đã khiến nhà máy luyện kim Nikolaev của Rusal phải đóng cửa, và Úc. Do đó, thiếu vắng nguồn cung từ Úc, tập đoàn Rusal sẽ rất khó khăn trong việc duy trì hoạt đông sản xuất nhôm nguyên sinh. Giới phân tích cho rằng lựa chọn duy nhất của Rusal lúc này là tìm kiếm nguồn hàng thông qua việc mua từ các công ty Trung Quốc, nhập cảng qua các cảng ở miền đông nước Nga.
Cơ cấu nhập cảng alumina của Nga năm 2021.
Rusal có 20% cổ phần trong nhà máy luyện kim Queensland Alumina Ltd (do Tập đoàn Rio Tinto điều hành) - có công suất 3,95 triệu tấn/năm và do đó cung cấp cho Rusal 790.000 tấn/năm.
Nhà máy luyện kim Nikolaev của Rusal ở Ukraine có công suất 1,75 triệu tấn/năm đã ngừng hoạt động vì cuộc xung đột. Chuỗi cung ứng tại nhà máy luyện kim Aughinish của Rusal với công suất 2 triệu tấn/năm ở Ireland cũng đang gặp trục trặc. Rusal đã buộc phải chuyển hướng vận chuyển bauxite từ Guinea đến nhà máy luyện kim của họ ở Ireland sau khi cơ ở ở Ukraine phải đóng cửa.
Ukraine và Úc chiếm 40% tổng cung alumina của Rusal.
Mặc dù nhôm không là mục tiêu của các lệnh trừng phạt từ phương Tây, song Rusal cần có bauxite và alumin để cung cấp cho các nhà máy của mình – những cơ sở đang đối mặt với sự gián đoạn chuỗi cung ứng kể từ khi Nga trở nên tách biệt với nền kinh tế thế giới.
Trong tuyên bố về lệnh cấm xuất cảng alumina sang Nga, Thủ tướng Úc, Scott Morrison, cho biết một con tàu sắp cập cảng Úc để nhận alumina cho Nga, nhưng sẽ không giao hàng. Nga là nhà cung cấp nhôm chính cho nhiều thị trường, bao gồm: Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản, và lệnh cấm này có nguy cơ gây thêm áp lực lạm phát lên nền kinh tế toàn cầu.
Các phân tích gia cho biết, có khả năng hãng Rio sẽ tiếp tục cung cấp kim loại cho Rusal trong một thời gian ngắn nữa, trừ khi chính phủ trực tiếp ngăn cấm. Trong khi đó, Rio cho biết họ sẽ tuân thủ tất cả các chỉ đạo của Canberra và nhắc lại rằng họ đang trong quá trình chấm dứt các mối quan hệ thương mại với các doanh nghiệp Nga. Từ đầu tháng 3, một số nguồn tin đã cho biết rằng Rio có kế hoạch ngừng cung cấp bauxite và mua alumin từ nhà máy Aughinish của Rusal ở Ireland.
Theo Guotai Junan Futures Co., việc Rusal có cắt giảm sản lượng nhôm hay không sẽ phụ thuộc vào khối lượng alumin dự trữ của họ. Hiện vẫn chưa rõ liệu Rusal có thể lách lệnh cấm bằng cách trao đổi hàng từ nhà máy ở Queensland hay không.
Gavin Wendt, phân tích gia cấp cao về tài nguyên thuộc công ty tư vấn Mine Life Pty, cho biết "Theo tinh thần của các lệnh trừng phạt đã công bố, có thể hiểu rằng Rusal sẽ không được phép thu lợi nhuận tài chính từ việc bán alumin, nhưng các từ ngữ trong lệnh cấm đến nay chưa rõ ràng."