Nguồn hình ảnh: Getty Images

 

 

Theo các tài liệu mà Reuters có được, nhà nước Việt Nam đang chuẩn bị áp dụng các hình phạt nghiêm khắc hơn nhằm trấn áp hành vi gian lận thương mại (tiếng Anh là commerical fraud) (Xem thêm định nghĩa của Commercial fraud bên dưới phụ giải)  và trung chuyển hàng hóa (tiếng Anh là transshipping; transshipment) (Xem thêm định nghĩa của transhipping bên dưới phụ giải) trái phép, đồng thời tập trung kiểm tra hàng hoá từ Trung Quốc trong nỗ lực tuân thủ các cam kết đã đưa ra với Washington.

 

Tuần trước, quốc gia do Đảng Cộng sản lãnh đạo này đã đạt được một thỏa thuận sơ bộ với chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, theo đó mức thuế nhập cảng dự kiến của Mỹ đối với hàng hóa từ Việt Nam được cắt giảm xuống còn 20%, thay vì mức 46% từng bị đe dọa vào tháng Tư.

 

Tuy nhiên, các mặt hàng mà Washington cho là được trung chuyển trái phép qua Việt Nam sẽ phải chịu mức thuế lên tới 40%.

 

Những biện pháp mới này – mở rộng chiến dịch trấn áp gian lận thương mại và hàng giả nhập cảng trong những tuần gần đây – sẽ đóng vai trò then chốt để duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Tổng thống Trump.

 

Giới chức Mỹ nhiều lần cáo buộc Việt Nam bị lợi dụng làm điểm trung chuyển cho hàng hóa Trung Quốc xuất sang Hoa Kỳ.

 

Các quan chức Mỹ cho rằng một số sản phẩm mang nhãn "Sản xuất tại Việt Nam" dù thực chất không được gia công hoặc chỉ được gia công rất ít tại Việt Nam – điều này giúp các nhà xuất cảng Trung Quốc tận dụng mức thuế thấp dành cho hàng hóa từ Việt Nam và né các mức thuế cao mà Mỹ áp lên hàng hóa từ Trung Quốc.

 

Chính phủ Việt Nam sẽ ban hành một nghị định mới nhằm "quy định thêm các mức xử phạt đối với hành vi gian lận xuất xứ", đồng thời đưa ra các biện pháp và quy trình kiểm tra nghiêm ngặt hơn để ngăn chặn gian lận, theo một tài liệu của Bộ Công Thương đề ngày 3/7.

 

Ngày 3/7 cũng là ngày Tổng thống Trump và lãnh đạo cấp cao nhất của Việt Nam, ông Tô Lâm, đạt được thỏa thuận – đưa Việt Nam trở thành quốc gia duy nhất sau Anh cho đến nay đạt được thỏa thuận sơ bộ với Mỹ về thuế quan.

 

Theo tài liệu, các cơ quan chức năng Việt Nam đã được chỉ đạo tăng cường kiểm tra đối với hàng xuất cảng sang Mỹ, trong đó gần đây tập trung vào các sản phẩm "có nguy cơ gian lận thương mại... hoặc các mặt hàng Trung Quốc đang bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại từ Liên minh châu Âu và Hoa Kỳ".

 

Tài liệu liệt kê các mặt hàng như đồ gỗ, ván ép, linh kiện thép, xe đạp, pin, tai nghe không dây và các sản phẩm điện tử khác là những ví dụ cụ thể.

 

Tài liệu cũng nêu rõ các hành vi gian lận phổ biến gồm: sử dụng giấy tờ giả để xin cấp chứng nhận xuất xứ, làm giả giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, và nhập cảng hàng giả vào Việt Nam.

 

Tài liệu cho biết gian lận thương mại gia tăng trong thời gian gần đây, tập trung vào việc tránh thuế và các biện pháp phòng vệ thương mại.

 

Bộ Công Thương Việt Nam và Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) đều không phản hồi yêu cầu bình luận của Reuters.

 

 

Nhiều điều vẫn chưa rõ ràng

 

Thỏa thuận thuế quan giữa Mỹ và Việt Nam vẫn còn nhiều điểm cần được làm rõ.

Hiện chưa rõ Washington sẽ định nghĩa thế nào là trung chuyển bất hợp pháp, cũng như giá trị gia tăng tối thiểu mà Việt Nam phải tạo ra đối với hàng nhập cảng để tránh bị áp thuế 40%.

 

Các nguồn tin cho biết Mỹ đang gây sức ép buộc Việt Nam giảm sự phụ thuộc vào linh kiện nhập cảng từ Trung Quốc, đặc biệt là đối với các thiết bị điện tử.

 

Hiện cũng chưa rõ khi nào thỏa thuận này sẽ được hoàn tất.

 

Dự thảo nghị định của chính phủ Việt Nam sẽ đưa ra các quy trình giám sát chặt chẽ hơn đối với các doanh nghiệp tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa, tăng cường kiểm tra thực địa đối với hàng hóa thương mại, và giám sát chặt việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ, theo bản dự thảo mà Reuters thu thập được (không ghi ngày cụ thể).

 

Dự thảo nghị định hiện chưa liệt kê rõ ràng các mức xử phạt, vốn được kỳ vọng sẽ được viết ra thêm trong các bản sửa đổi tiếp theo hoặc văn bản pháp luật khác, theo lời một người am hiểu quá trình soạn thảo. Người này không được phép công khai phát ngôn và từ chối nêu tên.

 

Việt Nam đã gần như tăng gấp ba kim ngạch xuất cảng sang Hoa Kỳ kể từ khi chiến tranh thương mại Mỹ-Trung bắt đầu năm 2018, thời điểm chính quyền Trump đầu tiên áp đặt các loại quan thuế trên diện rộng đối với Trung Quốc, buộc một số công ty sản xuất phải chuyển cơ sở sản xuất sang các nước ở Đông Nam Á.

 

Tuy nhiên, khi xuất cảng sang Mỹ tăng mạnh, nhập cảng của Việt Nam từ Trung Quốc cũng tăng tương ứng, với giá trị và biến động gần như khớp nhau, mỗi bên đều đạt khoảng 140 tỷ USD vào năm 2024, theo dữ liệu từ cả phía Mỹ và Việt Nam.

 

 

 

(Theo BBC)

-*-*-

 

Dân Việt phụ giải

 

1/Định nghĩa gian lận thương mai:

(Nguồn tổng hợp từ: Healys LLP; Harding Evans Solicitors; Saracens Solicitors)

 

Gian lận thương mại là các hành vi không trung thực, hoặc lừa đảo trong giao dịch kinh doanh, nhằm mục đích thu lợi bất chính thông qua các biện pháp bất hợp pháp hoặc phi đạo đức. Gian lận thương mại bao gồm một loạt các hành vi, bao gồm khai man, lừa dối, hối lộ và vi phạm hợp đồng, thường liên quan đến báo cáo tài chính gian lận, trộm cắp sở hữu trí tuệ, hoặc cố gắng trốn thuế hoặc các quy định/luật lệ.

 

Các kiểu gian lận thương mại

Gian lận thương mại có thể bao gồm nhiều hoạt động khác nhau, chẳng hạn như:

Trình bày sai lệch: Cung cấp thông tin sai lệch hoặc gây hiểu lầm về sản phẩm, dịch vụ hoặc tình hình kinh doanh.

Lừa dối: Cố ý lừa dối người khác để đạt được lợi thế.

Hối lộ: Đưa hoặc nhận hối lộ để tác động đến các quyết định kinh doanh.

Vi phạm Hợp đồng: Cố ý vi phạm các điều khoản của hợp đồng với mục đích lừa đảo.

Trộm cắp Sở hữu Trí tuệ: Đánh cắp bí mật thương mại hoặc thông tin bí mật khác.

Kế toán gian lận: Làm giả hồ sơ tài chính để thổi phồng lợi nhuận hoặc che giấu thua lỗ.

Trốn thuế: Tránh nộp thuế theo cách bất hợp pháp.

Rửa tiền: Che giấu nguồn gốc của số tiền bất hợp pháp

 

 

2/Định nghĩa trung chuyển (hay chuyển tải) – transshipment/transshipping:

(Nguồn tự điển toàn thư mở)

“Chuyển tải, chuyển tiếp hoặc chuyển tải là việc vận chuyển hàng hóa hoặc thùng hàng container đến một điểm đến trung gian, sau đó đến một điểm đến khác.

 

Một lý do có thể xảy ra cho việc chuyển tải là thay đổi phương tiện vận tải trong suốt hành trình (ví dụ: từ vận tải đường biển sang vận tải đường bộ), được gọi là chuyển tải. Một lý do khác là gộp các lô hàng nhỏ thành một lô hàng lớn (gộp hàng), hoặc ngược lại: chia một lô hàng lớn thành các lô hàng nhỏ hơn (tách hàng). Chuyển tải thường diễn ra tại các trung tâm vận tải. Nhiều hoạt động chuyển tải quốc tế cũng diễn ra tại các khu vực hải quan được chỉ định, do đó tránh được nhu cầu kiểm tra hải quan hoặc thuế, nếu không sẽ là một trở ngại lớn cho việc vận chuyển hiệu quả.

 

Một mặt hàng được vận chuyển (theo quan điểm của người gửi hàng) như một lần di chuyển duy nhất thường không được coi là chuyển tải, ngay cả khi nó thay đổi từ phương thức vận tải này sang phương thức vận tải khác tại nhiều điểm. Trước đây, nó thường không được phân biệt với chuyển tải, vì mỗi chặng của một chuyến đi như vậy thường được vận chuyển bởi một người gửi hàng khác nhau.

 

Chuyển tải thường hoàn toàn hợp pháp và là một phần công việc diễn ra hàng ngày trong thương mại thế giới. Tuy nhiên, nó cũng có thể là một phương pháp được sử dụng để che giấu ý định, như trường hợp khai thác gỗ trái phép, buôn bán hàng hóa phi pháp, hoặc buôn bán hàng hóa chợ đen.”