Một hỏa tiễn được phóng từ căn cứ quân sự Miến Điện ở thị trấn Lashio, phía bắc tiểu bang Shan, ngày 28/10/2023. (Ảnh: STR/AFP/Getty Images)
MIẾN ĐIỆN - Kể từ khi Liên minh Ba Anh em (Three Brotherhood Alliance) gần đây phát động cuộc tấn công chống lại chính quyền cầm quyền ở Miến Điện (còn gọi là Myanmar), ngày càng có nhiều nhóm vũ trang tham gia cuộc chiến. Trong khi đó, Trung Quốc lo ngại về cuộc xung đột đang diễn ra do nước này đầu tư đáng kể vào cơ sở hạ tầng ở Miến Điện.
Liên minh Ba Anh em bao gồm Quân đội Liên minh Dân chủ Quốc gia Miến Điện (MNDAA, còn được gọi là Quân đội Liên minh Kokang), Quân đội Giải phóng Quốc gia Ta'ang (TNLA) và Quân đội Arakan (AA).
Trong tuyên bố hành động ngày 27/10, Liên minh Ba Anh em tuyên bố rằng họ sẽ đoàn kết tất cả các tổ chức cách mạng để lật đổ sự cai trị độc tài của chính quyền quân sự Miến Điện và nhổ tận gốc những kẻ lừa đảo viễn thông, bao gồm các trung tâm lừa đảo và những người bảo vệ cho họ, cả ở khu vực biên giới Trung Quốc - Miến Điện và trên toàn quốc.
Một báo cáo của Liên Hợp Quốc công bố vào tháng 8 ước tính rằng hàng trăm nghìn người từ khắp nơi trên thế giới đã bị buôn bán sang Đông Nam Á và bị ép tham gia vào các hoạt động lừa đảo trực tuyến.
Báo cáo tiết lộ, những nạn nhân này, nhiều người trong số họ bị lừa đảo hoặc bắt cóc từ các nước láng giềng (bao gồm cả Trung Quốc) bị nhốt trong các trung tâm lừa đảo của Miến Điện. Họ chịu đựng sự tra tấn, giam giữ tùy tiện, bạo lực tình dục, lao động cưỡng bức và nhiều hành vi vi phạm nhân quyền khác.
MNDAA, lực lượng dẫn đầu cuộc tấn công đang diễn ra - được mệnh danh là “Chiến dịch 1027” - còn tuyên bố thêm trong “Thư gửi Nhân dân” vào ngày 27/10 rằng họ nhằm mục đích đưa đất nước trở lại con đường dân chủ, pháp quyền, thành lập một nhà nước liên bang mới có quyền tự chủ cao đối với các dân tộc và chủ quyền của nhân dân.
Chính phủ quân sự đã mất quyền kiểm soát phần lớn khu vực biên giới với Trung Quốc, cũng như một số thị trấn trọng yếu ở khu vực phía Tây.
Quân đội chính phủ không có khả năng gửi quân tiếp viện chứ đừng nói đến việc giành lại những vùng lãnh thổ đã mất. Ông Aung Kyaw Lwin, chỉ huy quân đội của tiểu bang Shan, được cho là đã thiệt mạng. Ông là một trong hàng trăm sĩ quan, binh sĩ thiệt mạng và là sĩ quan cấp cao nhất hy sinh trong chiến đấu kể từ cuộc đảo chính quân sự.
Lực lượng chính quyền đã rút lui trong hai tuần giao tranh. Theo nền tảng blog Kokang Information Network, tính đến ngày 10/11, các lực lượng đồng minh tuyên bố đã chiếm được ít nhất 133 căn cứ quân sự và 4 thị trấn, bao gồm Chinshwehaw và Hsenwi, những nơi có trạm kiểm soát biên giới.
Phấn khởi trước hàng loạt chiến thắng, Chính phủ Thống nhất Quốc gia (NUG), tổ chức chính phản đối sự cai trị của quân đội Miến Điện, hứa hẹn rằng một khi chính phủ quân sự sụp đổ, họ sẽ cho phép liên minh nổi dậy tham gia đàm phán về cấu trúc liên bang mới của Miến Điện.
Nội chiến ở Miến Điện đe dọa đến lợi ích của Bắc Kinh
Miến Điện là một phần quan trọng trong Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI, thường được gọi là “Một vành đai, Một con đường”) của ĐCSTQ, với Hành lang Kinh tế Trung Quốc - Myanmar. Hành lang dài 1.056 dặm (khoảng 1.700 km) này bao gồm đường sắt, khu thương mại và các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn khác trị giá hàng tỷ USD. Hành lang này rất quan trọng đối với chiến lược an ninh năng lượng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Vào ngày 26/10, Trung Quốc và Miến Điện đã tổ chức hội nghị chuyên đề BRI tại Yangon, với sự tham dự của khoảng 100 người.
Ngay sau khi giao tranh nổ ra, ngày 31/10, chính quyền Bắc Kinh đã cử Bộ trưởng Công an Vương Hiểu Hồng (Wang Xiaohong) tới Miến Điện, vài ngày sau là Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Nông Dung (Nong Rong).
Mạng truyền hình nhà nước Miến Điện MRTV đưa tin rằng ông Vương Hiểu Hồng đã gặp Tướng cấp cao Min Aung Hlaing, người đứng đầu chính phủ Miến Điện, để thảo luận về các cuộc tấn công đồng bộ. Đài truyền hình này mô tả những cuộc tấn công này là nhằm mục đích phá hoại hòa bình và ổn định ở phía đông bắc Miến Điện.
Theo tạp chí thời sự Hoa Kỳ The Diplomat, tầm quan trọng của Miến Điện với Trung Quốc bắt nguồn từ việc nước này tiếp cận Vịnh Bengal và Ấn Độ Dương rộng lớn hơn. Bằng cách vận chuyển dầu mỏ và khí đốt đến tỉnh Vân Nam thông qua các đường ống chạy qua Miến Điện, Trung Quốc đã xoa dịu phần nào mối lo ngại về sự phụ thuộc nặng nề vào eo biển Malacca hẹp. Eo biển này là tuyến đường trọng yếu để nhập khẩu dầu khí từ Trung Đông sang Trung Quốc và rất dễ bị phong tỏa trên biển.
Theo báo cáo tháng 7/2018 của Viện Hòa bình Hoa Kỳ (USPI), ĐCSTQ đã gia tăng ảnh hưởng ở Miến Điện bằng cách hỗ trợ chính phủ quân sự nước này và một số nhóm vũ trang dân tộc hùng mạnh.
Theo USPI, mặc dù các quan chức quân sự Miến Điện dựa vào sự trợ giúp của Trung Quốc nhưng họ vẫn lo ngại về chiến lược phòng ngừa rủi ro của Bắc Kinh.
Theo USPI, MNDAA, vốn bị lực lượng chính phủ đẩy vào vùng núi vào năm 2009, vẫn sở hữu đủ vũ khí và đạn dược sau 14 năm ẩn náu, cho thấy ĐCSTQ là lực lượng đứng sau hậu trường.
(Theo The Epoch Times)
(ntdnv.net, Lam Giang biên dịch)