Công nhân của công ty  Posiva Oy đang bên trong trong cơ sở Onkalo, một kho lưu trữ chất thải hạt nhân nằm dưới tầng địa chất sâu (Nguồn: Posiva)

 

 

PHẦN LAN - Phần Lan sẽ mở kho lưu trữ chất thải hạt nhân vĩnh viễn đầu tiên trên thế giới có tên là Onkalo, có nghĩa là "hố sâu" vào năm 2024.

 

Phần Lan đang xây dựng một bãi xử lý chất thải hạt nhân nằm sâu dưới thành phố Eurajoki nhỏ bé. Được gọi là Onkalo, có nghĩa là "hố sâu" trong tiếng Phần Lan, kho chứa chất thải hạt nhân này dự kiến ​​sẽ mở cửa vào năm 2024. Nếu mọi việc diễn ra theo đúng kế hoạch, những thùng chứa bằng đồng chống ăn mòn sẽ lưu trữ các thanh nhiên liệu uranium đã qua sử dụng an toàn trong ít nhất 100.000 năm tới.

 

Phần Lan là một quốc gia thuộc vùng Scandinavia có diện tích tương đương Montana với khoảng 5,5 triệu cư dân. Vào thời điểm mà phần lớn các nước châu Âu đang chạy trốn khỏi năng lượng hạt nhân, thì Phần Lan lại đón nhận nó.

 

Trên thực tế, Phần Lan có điều kiện thuận lợi để tiếp xúc với hạt nhân dễ dàng hơn các nước khác. Với dân số tương đối thấp, chỉ đủ để vận hành một số lò phản ứng hạt nhân, điều này đã hạn chế khả năng chịu rủi ro của đất nước. "Các chuyên gia nói rằng thành công của Onkalo cũng phản ánh điều kiện văn hóa và chính trị độc đáo ở Phần Lan: sự tin tưởng cao vào các thể chế, sự tham gia của cộng đồng, thiếu các trung tâm quyền lực cấp nhà nước và sự cân bằng giữa công nghiệp và các ngành khác", Science báo cáo.

 

Sở hữu các khu vực nông thôn và các đường bờ biển rộng lớn, đất nước này có một địa điểm hoàn hảo để đặt cả lò phản ứng và nơi lưu trữ hạt nhân vĩnh viễn đầu tiên trên thế giới: một hòn đảo nhỏ với chỉ đủ người ở gần đó để giữ cho mọi thứ hoạt động. Đó là Olkiluoto, ngoài khơi làng quê Eurajoki.

 

"Hầu hết mọi người ở Eurajoki đều có bạn bè hoặc người thân từng làm việc trong các nhà máy điện hạt nhân, vì vậy họ biết cách vận hành", Janne Mokka, người giám sát công ty hạt nhân Posiva, cho biết. Posiva là công ty đã lên kế hoạch và thực hiện khu xử lý chất thải hạt nhân của Phần Lan, theo Science.

Thang máy có thể sử dụng trong các tình huống khẩn cấp

 

Olkiluoto, ở Vịnh Bothnia, hiện có hai lò phản ứng hạt nhân với một lò phản ứng thứ ba đang chuẩn bị đi vào hoạt động. Cả ba lò phản ứng dự đoán sẽ cung cấp hơn 40% điện năng của Phần Lan. Vì vậy, thật hợp lý khi Olkiluoto cũng có một bãi xử lý chất thải hạt nhân. Sự khác biệt ở đây là Phần Lan đã nhận được sự chấp thuận cho "ngôi mộ" vĩnh viễn đầu tiên dành cho chất thải hạt nhân.

Quá trình này đã kéo dài hàng thập kỷ, bắt đầu bằng việc tìm kiếm địa điểm vào những năm 1990. Olkiluoto là một ngôi nhà tự nhiên cho các lò phản ứng nước sôi (BWR), bởi vì các lò phản ứng này yêu cầu một dòng nước mát và sạch ổn định cho các biện pháp an toàn. Đối với chất thải hạt nhân, nước là kẻ thù.

 

Nhờ có tầng đá móng khá sâu bên dưới hòn đảo, Phần Lan có kế hoạch chôn chất thải hạt nhân ở độ sâu gần 500 mét dưới bề mặt. Vì vậy, họ đã xây dựng địa điểm này ở nơi có lớp đá dày đặc, kín nước. Đây cũng là một lý do khác khiến nó bị chôn vùi sâu như vậy.

 

 

Kho lưu trữ được cố ý đặt ở trung tâm, càng xa càng tốt so với hai đường đứt gãy địa hình gần đó, điều này sẽ giúp tránh mọi vấn đề về động đất. Quá trình lưu trữ chất thải sẽ bao gồm việc khoan vào đá ngầm và sau đó quan sát xem có bất kỳ vết nứt nào trong lớp nền dày đặc hay không. Nếu có, dù là một vết rất nhỏ, những vị trí cụ thể đó sẽ không được sử dụng.

 

Khi đến địa điểm, trước tiên chất thải sẽ được lưu trữ trong một bình đựng bằng gang. Sau đó, họ sẽ đưa vào bình đó một lớp khí trơ argon. Cuối cùng, nó sẽ được bọc lại toàn bộ bởi một chiếc thùng bằng đồng. Thùng này sẽ được hàn kín, khóa chất thải hạt nhân bên trong.

 

Mối lo thực sự là sự ăn mòn, nguyên nhân là do oxy hòa tan trong nước. Nhưng các chuyên gia tại Posiva cho biết đã có giải pháp. Vào thời điểm nước nào lọt vào thùng đồng kín của chất thải hạt nhân, lượng oxy hòa tan sẽ bị tiêu thụ bởi vi khuẩn và các tác nhân khác tác động lên nước. Điều này sẽ ngăn chặn bất kỳ sự ăn mòn nào mà nó có thể gây ra.

 

Phần Lan không phải là quốc gia đầu tiên cố gắng xây dựng một cơ sở xử lý chất thải hạt nhân vĩnh viê. Tuy nhiên, đây có thể là nơi đầu tiên thành công. Cả Mỹ và Pháp đều đã cố gắng xây dựng các địa điểm tương tự như Olkiluto, nhưng những dự án này thường gặp vấn đề do thiếu sự chấp thuận của cộng đồng.

 

"Người dân Phần Lan có sự tin tưởng rất cao vào khoa học và các cơ quan chức năng. Nếu cơ quan quốc gia cho biết kho lưu trữ an toàn, họ sẽ không phải lo lắng về điều đó", nhà nghiên cứu khoa học chính trị Matti Kojo cho biết. "Nếu người ta cố gắng thực hiện điều tương tự ở một quốc gia mà mức độ tin cậy của người dân thấp hơn, việc làm có thể sẽ thất bại".