Viện nghiên cứu Heritage Foundation của Mỹ đang kêu gọi chính quyền Tổng thống Trump áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với nhà sản xuất thiết bị quay không người lái (flycam) DJI của Trung Quốc. (Getty)
Viện nghiên cứu Heritage Foundation của Mỹ đang kêu gọi chính quyền Tổng thống Trump áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với nhà sản xuất thiết bị quay không người lái (flycam) DJI của Trung Quốc vì tổ chức này có thể đã thu thập dữ liệu cho Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Báo cáo công bố ngày 19/8 của viện Heritage Foundation chỉ ra rằng máy quay flycam của Trung Quốc đang được dùng ở Mỹ có thể thu thập được các thông tin về vị trí chính xác của cơ sở hạ tầng quan trọng và thông tin nhạy cảm như vị trí của các nhà lãnh đạo dân sự, hoạt động di chuyển và tương tác của họ.
Thành viên nghiên cứu cấp cao thuộc viện này Lora Ries cho biết: “Theo luật pháp Trung Quốc, các tập đoàn Trung Quốc phải cung cấp dữ liệu cho chính phủ Trung Quốc khi được yêu cầu. Với… những dữ liệu được thu thập, rủi ro là những thông tin đó sẽ quay trở lại Bắc Kinh”.
Viện Heritage Foundation đã kêu gọi chính quyền Tổng thống Trump đưa DJI vào “Danh sách đen các thực thể” - một danh sách đen thương mại của Hoa Kỳ bao gồm các công ty mà người Mỹ bị cấm giao thương với họ, trừ khi có giấy phép đặc biệt, vì lỗ hổng bảo mật mà công ty này có thể lợi dụng từ dữ liệu người dùng của công ty này cũng như sự tham gia của DJI vào cuộc đàn áp người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.
Công ty DJI là một công ty tư nhân có trụ sở chính tại thành phố Thâm Quyến, miền nam Trung Quốc, là nhà sản xuất thiết bị quay không người lái (flycam) thương mại lớn nhất thế giới, đang cực kỳ phổ biến ở Hoa Kỳ.
Theo dữ liệu của nhà nghiên cứu thị trường Drone Industry Insights, vào tháng 10/2019, DJI có thị phần lớn nhất tại Mỹ là gần 77%, đứng thứ 2 là gã khổng lồ công nghệ Mỹ Intel với 3,7%. Một nhà sản xuất flycam của Trung Quốc là Yuneec đứng thứ ba với 3,1%.
Theo báo cáo của viện Heritage Foundation, hiện có hơn 385.000 máy bay không người lái thương mại đang hoạt động tại Mỹ. Trong khi vào năm 2016, chỉ có 50.000 máy bay không người lái thương mại, theo dữ liệu từ Cơ quan Hàng không Liên bang Hoa Kỳ. Cơ quan này đã yêu cầu các nhà khai thác máy bay không người lái phải đăng ký máy bay không người lái của họ.
Nhiều máy bay không người lái này được sử dụng bởi các cơ quan chính phủ Hoa Kỳ. Theo một báo cáo hồi tháng Ba của Trung tâm Nghiên cứu Máy bay không người lái thuộc Đại học Bard, có 1.578 cơ quan cảnh sát, cảnh sát trưởng, cứu hỏa và dịch vụ khẩn cấp của các tiểu bang và địa phương ở Hoa Kỳ “được cho là đã mua máy bay không người lái”.
Hơn 970 cơ quan an toàn công cộng của Hoa Kỳ đã sử dụng máy bay không người lái do công ty DJI hoặc công ty Yuneec sản xuất, theo báo cáo.
Quân đội Hoa Kỳ, Lầu Năm Góc và Bộ Nội vụ đã cấm các máy bay không người lái do Trung Quốc sản xuất vì quan ngại rủi ro về do thám.
Vào tháng 8/2017, Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ (DHS) đã đưa ra cảnh báo, DJI đang “cung cấp [thông tin] về cơ sở hạ tầng quan trọng của Hoa Kỳ và dữ liệu về thực thi pháp luật cho chính phủ Trung Quốc”. DHS đã đưa ra cảnh báo tương tự một lần nữa vào tháng 5/2019.
Quan ngại về bảo mật
Viện Heritage Foundation đã nêu rõ các lỗi về bảo mật của máy bay không người lái do công ty DJI sản xuất, giống với các lỗi được nêu trong 2 nghiên cứu gần đây của công ty bảo mật Công nghệ thông tin Synacktiv có trụ sở tại Paris, Pháp và công ty an ninh mạng River Loop Security có trụ sở tại Washington, Hoa Kỳ.
Trong một báo cáo được phát hành vào tháng Bảy, công ty Synacktiv, đã thiết kế một phiên bản Android của một ứng dụng di động có tên DJI Go 4, cho phép người dùng điều khiển máy bay không người lái của DJI thông qua các thiết bị điện tử của họ. Công ty này đã phát hiện ra rằng ứng dụng đang thu thập một lượng lớn dữ liệu người dùng cá nhân, bao gồm số sê-ri của thẻ SIM của điện thoại, số nhận dạng IMEI của điện thoại và IMSI của điện thoại - số duy nhất mà các công ty viễn thông sử dụng để nhận dạng SIM.
Công ty Synacktiv khẳng định: “Dữ liệu này không liên quan hoặc không cần thiết cho các chuyến bay bằng máy bay không người lái và nằm ngoài chính sách bảo mật của DJI. Những dữ liệu này có thể được sử dụng bởi các cơ quan tình báo hoặc các cá nhân có mục đích xấu để theo dõi người dùng hoặc nghe lén liên lạc".
Công ty Synacktiv cũng phát hiện ra rằng phần mềm của DJI có thể ra lệnh cho điện thoại của người dùng cài đặt "bản cập nhật bắt buộc" và sau đó thực hiện bất kỳ lệnh nào mà nó muốn. Do việc vận hành ứng dụng của DJI yêu cầu phải cấp cho ứng dụng này quyền truy cập vào máy ảnh, vị trí địa lý, danh bạ và các dữ liệu khác của thiết bị, "các máy chủ DJI ... Trung Quốc gần như có toàn quyền kiểm soát điện thoại của người dùng".
Ngoài ra, công ty Synacktiv còn phát hiện ra rằng ngay cả sau khi người dùng đóng ứng dụng, thì ứng dụng vẫn tiếp tục chạy ngầm trong thiết bị của người dùng đã cài đặt ứng dụng này.
Công ty River Loop cũng đã đánh giá một ứng dụng khác của DJI có tên là DJI Mimo, cho phép người dùng chỉnh sửa ảnh và video được quay trên máy ảnh gắn với máy bay không người lái do DJI sản xuất. Trong một báo cáo được đưa ra vào tháng Năm, River Loop kết luận rằng ứng dụng DJI Mimo đã gửi dữ liệu qua các phương tiện không an toàn đến các máy chủ đặt tại Trung Quốc mà không có sự đồng ý của người dùng.
Hơn nữa, River Loop nhận thấy rằng thỏa thuận điều khoản sử dụng của ứng dụng cho phép DJI chia sẻ dữ liệu người dùng với chính quyền Trung Quốc.
Khi được cài đặt, ứng dụng DJI Mimo yêu cầu người dùng cấp quyền truy cập vào nhiều dữ liệu của điện thoại, chẳng hạn như vị trí, tin nhắn SMS và trạng thái WiFi.
“Những phát hiện này khiến bất kỳ công ty hoặc cơ quan chính phủ nào cũng như các nhà hoạch định chính sách đang làm việc để đảm bảo cơ sở hạ tầng quan trọng mà sử dụng công nghệ của DJI đều phải quan ngại”, báo cáo của Heritage Foundation kết luận khi đề cập đến hai báo cáo của Synacktiv và River Loop.
Hiện công ty DJI vẫn chưa bình luận nào về các kết luận.
Chính quyền Tiểu bang và Địa phương
Viện Heritage Foundation cho biết, tuy chính phủ liên bang Hoa Kỳ đã nhận ra các mối đe dọa của công ty DJI, nhưng giới chức cấp khu vực vẫn chưa có chuẩn bị gì.
Bà Ries cho biết: [đối với] “Các cơ quan nhà nước và địa phương có ngân sách nhỏ hơn” thì công ty DJI “đã giảm giá của mình để loại bỏ bất kỳ đối thủ cạnh tranh nào khác”.
Công ty DJI cũng đã tặng máy bay không người lái cho các cơ quan thực thi pháp luật và cơ quan ứng phó khẩn cấp. Trong tháng Tư, công ty DJI cho biết đã chuyển 100 máy bay không người lái cho 45 tổ chức cảnh sát, cứu hỏa và an toàn công cộng ở 22 tiểu bang của Mỹ, trong nỗ lực giúp nước này chống lại sự lây lan của virus Corona Vũ Hán.
Báo cáo của Heritage Foundation chỉ ra rằng: “Dữ liệu nhạy cảm này được thu thập bởi các máy bay không người lái do Trung Quốc tài trợ có thể được truy cập bởi nhà sản xuất máy bay không người lái — do đó, chính phủ Trung Quốc [cũng thể khai thác]”.
Nhóm nghiên cứu cho biết có thể có một động cơ bất chính hơn đằng sau cử chỉ giúp đỡ của của công ty DJI: “Bắc Kinh có lịch sử đưa những nỗ lực lén lút vào các giao dịch có vẻ tốt đẹp hoặc thậm chí là hoạt động từ thiện của chính phủ và / hoặc của các tập đoàn Trung Quốc.”
Viện Heritage Foundation cũng khuyến nghị Bộ Tư pháp Hoa Kỳ và DHS thông báo cho các cơ quan tiểu bang, thành phố và quận về “mối đe dọa và những hậu quả tiềm ẩn từ việc sử dụng máy bay không người lái của Trung Quốc”.
Đạo luật về máy bay không người lái an ninh của Mỹ năm 2019 sẽ cấm các bộ và cơ quan liên bang mua bất kỳ hệ thống máy bay không người lái hoặc máy bay không người lái cỡ nhỏ (UAS) thương mại nào được sản xuất hoặc lắp ráp tại các quốc gia được coi là mối đe dọa an ninh quốc gia đối với Hoa Kỳ, chẳng hạn như Trung Quốc và Iran.
Thượng viện đã giới thiệu dự luật vào tháng 9/2019 và dự luật đã được Ủy ban An ninh Nội địa và Các vấn đề Chính phủ của Thượng viện thông qua vào tháng 3/2020.
Hồi tháng Bảy, Hạ viện đã thông qua một biện pháp cấm các cơ quan liên bang mua và sử dụng máy bay không người lái do Trung Quốc sản xuất như một phần của dự luật chi tiêu quốc phòng hàng năm thuộc Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA). Thượng viện và nghị viện sẽ hòa giải mọi khác biệt và hoàn thiện NDAA trong một hội nghị vào cuối năm nay.
Nhóm nghiên cứu kêu gọi những hành động nhanh chóng để giải quyết mối đe dọa vì các công nghệ hiện đã có trên các máy bay không người lái cỡ lớn được quân đội Mỹ sử dụng, chẳng hạn như khả năng giám sát tiên tiến hơn, sẽ nhanh chóng được cài đặt trên các máy bay không người lái cỡ nhỏ hơn.
"Công nghệ đang tiến bộ nhanh chóng và các khả năng hiện có trong các máy bay không người lái lớn hiện đang được thu nhỏ và có khả năng sẽ chuyển sang các máy bay không người lái nhỏ hơn trong thời gian tới, điều này sẽ mở rộng đáng kể mối đe dọa", viện Heritage Foundation kết luận trong báo cáo.
(Theo ntdvn.com)