Thủ tướng Anh Keir Starmer (T) tiếp tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại phủ thủ tướng Anh ở Luân Đôn, ngày 10/07/2025. AP - Thomas Krych
Trong ngày thứ ba của chuyến thăm cấp nhà nước sang Anh, tổng thống Pháp Emmanuel Macron, hôm 10/07/2025, cùng thủ tướng Keir Starmer họp với các nước Âu châu trong khối NATO để nhấn mạnh thông điệp ủng hộ Kyiv. Các hoạt động này diễn ra sau khi hai nước Anh và Pháp đạt thỏa thuận thắt chặt hơn bao giờ hết hợp tác về võ khí nguyên tử và hỏa tiễn tầm xa, cùng nhiều dự án quốc phòng khác.
Thông tín viên Nguyễn Giang tường thuật từ Luân Đôn:
Tổng thống Macron và thủ tướng Starmer cùng tới Bộ Tư lệnh Hàng hải NATO ở Northwood, hạt Hertfordshire (phía Bắc Luân Đôn) để nhấn mạnh vai trò của Anh và Pháp lãnh đạo Liên minh Ý chí (The coalition of the willing). Hai ông sẽ họp trực tuyến với lãnh đạo Ukraine Volodymyr Zelensky cùng đại diện của hơn 30 nước khác để thể hiện quyết tâm bước vào Ukraine cùng lữ đoàn hỗn hợp bảo vệ cho một thỏa thuận ngưng bắn một khi các bên đạt được, theo bộ Quốc Phòng Anh Quốc.
Cùng ngày, Anh-Pháp thông qua một thỏa thuận về việc tiến tới thiết lập cơ chế hợp tác võ khí nguyên tử để răn đe đối phương chung là Nga. Theo trang phân tích Navy Lookout, Anh và Pháp công bố một chiến lược răn đe được nâng cao và cùng phối hợp chặt chẽ hơn “khi mà Nga liên tục đe dọa xử dụng võ khí nguyên tử” ở Âu châu.
Cụ thể, dù quy chế dùng chung các tiêu chuẩn kỹ thuật về đầu đạn nguyên tử và tiềm thủy đỉnh nguyên tử của Anh với Hoa Kỳ vẫn được duy trì, Anh sẽ độc lập tự chủ với Pháp trong việc khai triển ở cấp độ chiến trường (operational domain) khi cần đem võ khí nguyên tử ra bảo vệ Âu châu trước một mối “đe dọa cực đoan” (extreme threats) mà không nhất thiết là đe dọa từ võ khí nguyên tử.
Bộ Quốc Phòng Anh Quốc cũng cho biết hai nước sẽ tiếp tục đẩy mạnh chương trình TEUTATES (ký năm 2010, được cập nhật năm 2022), bao gồm các công nghệ liên quan đến các chương trình đổi mới võ khí nguyên tử, nhằm duy trì sức răn đe nguyên tử của hai quốc gia. Dự án này đã có các hoạt động tài trợ và vận hành một cơ sở thủy động lực mới tại Pháp, ở trung tâm Epure, gần Dijon, và một trung tâm phát triển công nghệ võ khí nguyên tử ở căn cứ AWE Aldermaston của Anh.
Trên thực tế, Anh và Pháp đã hợp tác về công nghệ võ khí nguyên tử từ lâu nhưng chủ yếu tập trung vào kỹ thuật giám sát Hiệp ước Không phổ biến võ khí nguyên tử (NPT) vốn cần kiến thức, cơ sở vật chất và chuyên gia cấp cao mà trong các nước NATO ở Âu châu chỉ có Anh và Pháp đang sở hữu.
Hai nước “biến rủi thành may” sau vụ va chạm nhẹ, không tổn thất giữa hai tiềm thủy đỉnh nguyên tử HMS Vanguard của Anh và FS Le Triomphant của Pháp vào tháng 2/2009 ngoài Đại Tây Dương, để bắt đầu chia sẻ thông tin phối hợp các chuyến hải hành của tiềm thủy đỉnh nguyên tử tránh đâm nhầm vào nhau. Kể từ đó, quan hệ này ngày càng chặt chẽ và tới thời điểm này thì chánh thức trên đường trở thành đối tác răn đe nguyên tử, lần đầu tiên trong lịch sử Anh và Pháp.
Việc điều phối võ khí nguyên tử hai nước sẽ rất quan trọng khi mà ở Anh hiện chỉ có lực lượng răn đe trên tiềm thủy đỉnhy nguyên tử lớp Vanguard (nuclear deterrent at sea), còn Pháp lại có lực lượng răn đe hỗn hợp hải-không quân (force de dissuasion), gồm tiềm thủy đỉnh Le Triomphant và phi đội Rafale tác chiến độc lập mang theo hỏa tiễn hành trình có đầu đạn nguyên tử không đối đất (ASMP-A: Air-Sol Moyenne Portée – Amélioré) có sức công phá 300 kiloton.
Để giải quyết sự mất cân bằng này, hai nước sẽ cùng phát triển chung thế hệ tiếp theo của hỏa tiễn không đối không, tăng cường sức chiến đấu cho Không quân Hoàng gia Anh.
Ngoài ra, về dài hạn, Anh và Pháp đồng ý nghiên cứu thiết kế thế hệ tiếp theo của hỏa tiễn tấn công tầm xa và hỏa tiễn chống hạm thay thế cho hỏa tiễn Storm Shadow – là loại hỏa tiễn có hiệu quả cao đã được trao cho Ukraine.
Về ngắn hạn, hai nước sẽ nâng cấp các dây chuyền sản xuất hỏa tiễn hành trình Storm Shadow ở nhà máy tại Stevenage để tăng cường cho kho dự trữ quốc gia.
Trước mắt, Anh và Pháp đã cam kết nâng cao đáng kể năng lực phòng thủ hỏa tiễn cho các nước Âu châu thuộc Nato.
Về bộ binh, hai nước để Lực lượng Või trang Hỗn hợp (Combined Joint Force - CJF) chỉ huy các đơn vị chung Anh-Pháp với « quy mô lực lượng trên bộ được khai triển lớn nhất », bao gồm hàng nghìn quân và phối hợp hoạt động với các đồng minh NATO. Hiện chưa rõ lực lượng này có phải là đơn vị Anh Quốc sẽ cử sang Ukraine để bảo vệ cuộc ngưng bắn (nếu đạt được) hay không. Nhưng bộ trưởng Quốc Phòng John Healey trả lời báo chí, vào sáng ngày 10/07, xác nhận lại rằng “Anh luôn sẵn sàng cử quân lính sang Ukraine” để làm nòng cốt cho lực lượng chung mà các nước thuộc Liên minh cùng ý chí đã bàn tới trong những tuần qua
Pháp - Anh dự trù thông qua thỏa thuận về di dân vượt biển Manche
Nhập cư bất hợp pháp cũng là chủ đề chính trong thượng đỉnh song phương Pháp – Anh hôm 10/07. Hai bên sẽ cố đạt được thỏa thuận "one in, one out" (Anh gởi trả về Pháp những di dân vượt biển Manche bất hợp pháp đổi lấy việc Anh Quốc tiếp nhận một số người xin tị nạn đang ở trên đất Pháp, đặc biệt là những người có gia đình ở Anh hoặc có mối liên hệ với Anh). Dự án này gây lo ngại cho các nước Nam Âu.
Từ Bruxelles, thông tín viên Pierre Benazet cho biết thêm thông tin:
« Hôm 27/06, nhóm các nước vùng Âu châu Med5, bao gồm Hy Lạp, Ý, Tây Ban Nha, Cộng Hòa Cyprus, và Cộng Hòa Malte đã gửi một bức thư đến Ủy Ban Âu Châu để cảnh báo về các vấn đề di dân trong cuộc thảo luận giữa Pháp và Anh.
Mối lo ngại của 5 nước vùng Địa Trung Hải này là việc khai triển thỏa thuận 1 đổi 1 giữa Anh và Pháp. Theo số liệu của Anh, vào năm ngoái, 44 ngàn người đã vượt biển Manche trái phép. Các quốc gia Nam Âu lo ngại rằng những di dân đó sẽ quay trở lại các nước này nếu bị Anh trục xuất.
Ủy Ban Âu Châu xác nhận đã nhận được thư của Med5 và khẳng định sẽ có biện pháp để bảo đảm tuân thủ các quy định nhập cư hiện hành, đặc biệt là quy định Dublin. Đó chính là điều khiến 5 nước này lo ngại, bởi hầu hết các di dân đến Âu châu đều đi qua nước này. Quy chế Dublin dự trù rằng các yêu cầu xin tị nạn phải được nộp tại các nước đầu tiên mà di dân đặt chân đến. Bức thư chung của năm nước Địa Trung Hải một lần nữa cáo buộc Pháp và Anh thỏa thuận riêng với nhau, chẳng khác nào "đâm sau lưng" họ, bởi một khi những di dân bị trục xuất khỏi Anh, họ cũng sẽ buộc phải rời khỏi Pháp. »
Họp thượng đỉnh ở Roma về lộ trình tái thiết Ukraine thời hậu chiến
Hội nghị thượng đỉnh tại Rome, diễn ra trong hai ngày 10-11/07/2025, tập trung vào việc xây dựng lộ trình tái thiết lâu dài cho Ukraine sau cuộc xâm lược của Nga. Theo lời ngoại trưởng Ukraine, tổng thống Volodymyr Zelensky cũng sẽ gặp các viên chức Hoa Kỳ, chủ yếu để "thảo luận về việc Mỹ thông kế hoạch gói trừng phạt tiếp theo đối với Nga trong tương lai gần".
Theo thông báo của thủ tướng Ý Giorgia Meloni, các nước tham dự đã cam kết huy động hơn 10 tỷ euro cho công cuộc tái thiết Ukraine. Về phần mình, giáo hoàng Lêô XIV cho biết đã thảo luận với nguyên thủ quốc gia Ukraine về "tính cấp thiết của một nền hòa bình công bằng và bền vững", đồng thời tuyên bố Vatican sẵn sàng tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình giữa Moscow và Kyiv.
Từ Rome, thông tín viên Anne Le Nir tường trình:
« Mục tiêu của hội nghị thượng đỉnh này là đạt được một lộ trình chi tiết cho việc tái thiết Ukraine. Nói cách khác, lộ trình này sẽ không chỉ tập trung vào cơ sở hạ tầng, mà còn bao gồm cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, năng lượng và cải cách. Theo bà Nicoletta Pirozzi, chuyên gia về quản trị và mở rộng của Liên Hiệp Âu Châu, việc tập trung vào một số chủ đề nhất định là điều cần thiết.
Bà cho biết: "Với cương vị là Viện Các vấn đề quốc tế, chúng tôi đã xác định một số ưu tiên: trước hết là củng cố các thể chế, sau đó là các biện pháp liên quan đến chuyển đổi sinh thái, cũng như nông nghiệp, để mang lại tương lai cho Ukraine."
Đối mặt với một tiến trình tái thiết dài hạn với chi phí hiện được ước tính khoảng 500 tỷ đô-la, bà Nicoletta Pirozzi nhấn mạnh điều quan trọng là phải bảo đảm được tính minh bạch.
Bà nói : "Không có minh bạch thì không thể có niềm tin – đặc biệt là từ phía khu vực tư nhân quốc tế. Chỉ có minh bạch mới giúp tránh được nạn tham nhũng, vốn là một trong những vấn đề cốt lõi trong việc củng cố các thể chế dân chủ ở Ukraine."
Đây là một vấn đề càng thêm quan trọng khi niềm hy vọng tiến triển thực tế phần lớn dựa vào sự tham gia của 2.000 đại diện doanh nghiệp có tiềm năng đầu tư vào Ukraine. »
Về tình hình chiến sự, tổng thống Zelenskyy, hôm 10/07, thông báo Nga đã phóng 400 drone và 18 hỏa tiễn vào Ukraine trong cuộc tấn công đêm ngày 10/07. Ngoài ra, chánh quyền Kyiv cho biết các vụ tấn công vào thủ đô Ukraine hồi đêm 10/07 đã khiến hai người thiệt mạng.
(Theo RFI)