Một sĩ quan cảnh sát được tiêm chủng vắc-cin tại một bệnh viện ở  Colombo, Sri Lanka, ngày 31 tháng Một, 2021. Nguồn: GettyImages

 

 

 

 

 

 

Các quốc gia giàu có đã đặt mua phần lớn lượng vắc-xin ngừa COVID-19, điều đó khiến dấy lên lo ngại rằng các quốc gia nghèo hơn sẽ phải đợi nhiều năm mới tới lượt chích ngừa cho người dân của họ.

 

 

Hàng triệu liều vắc-xin đã được tiêm chủng trên toàn thế giới, thế nhưng việc phân phối vắc-xin vẫn còn ở mức chênh lệch rất lớn giữa các quốc gia.

 

 

Trong hai tháng qua, Trung tâm sáng kiếm về y tế thế giới thuộc trường đại học Duke ở Hoa Kỳ (gọi tắt là GHIC), đã theo dõi và công bố số liệu về việc mua vắc-xin trong mối tương quan với tình trạng đại dịch và mức thu nhập của các quốc gia.

 

 

Nghiên cứu của họ cho thấy rằng trong hơn 7 tỷ liều vắc-xin được mua trên thế giới, hơn 4 tỷ liều đã vào tay các quốc gia thu nhập cao, trong khi các nước thu nhập thấp chỉ mới có 270 triệu liều.

 

 

Chương trình phân phối vắc-xin toàn cầu COVAX, với mục tiêu cung cấp vắc-xin miễn phí cho các nước nghèo hơn, mới chỉ mua được hơn 1 tỷ liều vắc-xin.

 

 

Krishna Udayakumar từ Trung tâm sáng kiếm về y tế thế giới nói với SBS News rằng, các quốc gia giàu có chỉ chiếm khoảng 14 phần trăm tổng dân số thế giới, nhưng đã có hơn phân nửa các liều vắc-xin tiềm năng.

 

 

Tất cả các số liệu đều sẽ cho bạn thấy rằng việc phân phối cân bằng các liều vắc-xin sẽ mang đến các kết quả tốt nhất, trên mọi mặt từ y tế cho đến kinh tế và nhân đạo.

 

"Thế nhưng điều mà nhiều quốc gia đang bắt đầu thực hiện đi ngược lại điều đó, họ đang tìm cách thu được nhiều liều vắc-xin về cho nước mình một cách nhanh nhất có thể.”

 

 

Canada đã đặt mua số lượng vắc-xin nhiều nhất (362 triệu liều vắc-xin) so với số dân, có đủ để mỗi người dân Canada chích ngừa tới 5 lần.

 

New Zealand đã mua đủ lượng (18.32 triệu liều) để có thể chích ngừa cho người dân ba lần, tuy nhiên NZ dự định sẽ cung cấp miễn phí các liều vắc-xin cho các quốc gia láng giềng trong khu vực Thái Bình dương.

 

 

Hoa Kỳ sẽ có 1.2 tỷ liều vắc-xin, như vậy sẽ đủ để tiêm chủng cho toàn dân chúng hai lần.

 

 

Nước Úc có thể chích ngừa ít nhất bốn lần cho cư dân của mình, với 114.8 triệu liều vắc-xin đã được đặt mua.

 

 

Trong khi đó, với 670 triệu liều, Liên minh Phi châu mới chỉ đặt được ít hơn phân nửa số lượng liều vắc-xin họ cần để đạt được miễn dịch cộng đồng.

 

 

Nhà nghiên cứu y tế toàn cầu Michael Head nói rằng điều này không hề gây ngạc nhiên.

 

 

Tất nhiên tại thời điểm này nhu cầu đã vượt xa nguồn cung, và ở trong một tình thế như vậy bạn nhìn chung sẽ thấy các quốc gia mạnh nhất và giàu có nhất đang đứng đầu hàng chờ nhanh nhất.

 

 

"Và để có thể đưa chủng ngừa đến những nơi như Phi châu cận Sahara, sẽ cần sự hợp tác đa quốc gia, điều đó có thể sẽ bị giới hạn - đặc biệt khi mà hầu hết các quốc gia giàu đang đứng dưới một gánh nặng lớn trước COVID-19.”

 

 

Số liệu cũng cho thấy, vắc-xin đang không đi tới những quốc gia nơi có tỷ lệ lây nhiễm cao nhất.

 

 

Thí dụ, Nhật bản, Úc và Canada đã dự trữ 1.03 tỷ liều vắc-xin, nhưng cả ba quốc gia này cộng lại chiếm ít hơn 1% tổng số ca covid-19 hiện có.

 

 

Ông Udayakumar điều đó sẽ khiến đại dịch kéo dài thêm một cách không đáng có.

 

 

Có vẻ như các quốc gia thu nhập thấp và trung bình sẽ phải đợi hai, ba, hay bốn năm mới có thể đạt được miễn dịch cộng đồng nhờ tiêm chủng. Chúng tôi đang hy vọng có thể đẩy nhanh tiến trình đó bằng cách bảo đảm có thêm sự chia sẻ vắc-xin, đồng thời tăng cường sản xuất.

 

 

Ông dự đoán tốc độ hồi phục của nền kinh tế toàn cầu sẽ dựa phần nào vào việc các quốc gia giàu có sẽ nhanh chóng viện trợ các liều vắc-xin cho các nước nghèo hơn hay không.

 

 

Ông cho hay, Na Uy hiện là quốc gia duy nhất khẳng định rằng họ sẽ viện trợ vắc-xin cho nước nghèo cùng song song với thời gian tiêm chủng cho dân chúng của mình.

 

 

Và trong khi các quốc gia đang cạnh tranh để đạt được nhiều nhất vắc-xin cho dân mình, ông Udayakumar nói rằng điều tốt nhất cho mọi người là việc toàn cầu hóa vắc-xin được đưa lên thành ưu tiên hàng đầu.

 

 

Điều mà chúng ta đang thấy với các biến thể mới đó là, chúng có thể có khả năng kháng cự cao hơn trước bởi các loại vắc-xin hiện tại, đến một mức độ mà virus sẽ có thể tiếp tục tồn tại bất kỳ đâu trên thế giới.

 

"Nó thực sự vẫn là một mối đe dọa đến tất cả chúng ta, kể cả đối với những ai đã được chích ngừa. Hy vọng của chúng tôi đó là bằng cách chỉ ra điều đó một cách lặp đi lặp lại và sớm nhất có thể, chúng ta có thể tạo ra một cách ứng phó toàn cầu và hợp tác.”