Trong số 114 ca nhiễm hiện tại ở Campuchia, đã có 53 ca hồi phục và nước này không ghi nhận thêm ca nhiễm trong 3 ngày qua. Trong khi đó, báo Nhật cho rằng chính quyền Tokyo sẽ tuyên bố tình trạng khẩn cấp.

 

 

* Bản tin cập nhật lúc 16h30 ngày 6-4

 

Số ca tử vong toàn cầu vượt 70,000 

Theo cập nhật của trang Wordometers lúc 16h50 ngày 6-4, số ca tử vong do COVID-19 trên toàn cầu đã lên tới 70,172. Trong khi đó, có tổng cộng 1,282,041 ca nhiễm và 269,451 ca hồi phục. 

 

Ý là quốc gia ghi nhận số ca tử vong nhiều nhất thế giới, với 15,887 ca. Kế đến là Tây Ban Nha với 13.055 ca tử vong, còn đứng thứ ba là Mỹ với 9,620 ca tử vong do COVID-19.

 

Indonesia: Số ca nhiễm tăng nhiều nhất trong một ngày

Ngày 6-4, Indonesia ghi nhận thêm 218 ca bệnh COVID-19 và đây là số ca nhiễm tăng thêm trong một ngày nhiều nhất tới nay. Hiện nước này ghi nhận tổng cộng 2,491 ca nhiễm.

 

Trong khi đó, có thêm 11 ca tử vong được ghi nhận, lên tổng cộng 209 ca tử vong do COVID-19. Có 192 người đã hồi phục ở nước này.

 

Tại Philippines, Bộ Y tế nước này cho biết vừa ghi nhận thêm 11 ca tử vong và 414 ca nhiễm mới. Tổng số ca tử vong do COVID-19 ở Philippines hiện là 163, còn số ca nhiễm là 3,660. Có 73 bệnh nhân đã hồi phục.

 

Singapore công bố gói hỗ trợ thứ ba 

Ngày 6-4, Singapore đã công bố thêm gói kích thích trị giá 5,1 tỉ đô-la Singapore (3,6 tỉ USD) để hỗ trợ các doanh nghiệp và hộ gia đình nhằm giảm thiểu thiệt hại kinh tế do dịch gây ra. Mỗi người trưởng thành Singapore sẽ nhận được 600 đô-la Singapore (417.7 USD). 

 

"Đây là mức ngân sách chưa từng có dành cho các thời điểm đặc biệt" - Bộ trưởng Tài chính Singapore Heng Swee Keat phát biểu trước quốc hội Singapore. 

 

Đây là gói kích thích thứ ba mà Singapore công bố từ đầu mùa dịch. Cùng với hai gói trước, quốc gia Đông Nam Á này đã dành tổng cộng 59,9 tỉ đô la Singapore (41,7 tỉ USD), chiếm khoảng 12% GDP quốc gia, để giảm tác động của dịch COVID-19, theo kênh CNBC.

 

 

Campuchia không có ca nhiễm mới trong 3 ngày

Bộ Y tế Campuchia hôm nay cho hay nước này không ghi nhận ca bệnh COVID-19 mới nào trong 3 ngày liên tiếp từ ngày 4 tới 6-4, theo trang Phnom Penh Post.

 

Trong khi đó có thêm 3 bệnh nhân hồi phục và được xuất viện, nâng tổng số người hồi phục ở xứ sở Chùa tháp lên 53. Cả 3 người hồi phục mới nhất đều là người Malaysia, không phải dân địa phương. Họ đã đến Campuchia trong một sự kiện tôn giáo.

 

Tổng số ca nhiễm được ghi nhận ở Campuchia tới nay là 114. Người phát ngôn Bộ Y tế Campuchia Or Vandine nói rằng mặc dù không có ca nhiễm mới, người dân nước này vẫn cần duy trì cảnh giác với dịch bệnh.

 

Tây Ban Nha: Số ca tử vong mới lại ít đi 

Theo số liệu của Bộ Y tế Tây Ban Nha ngày 6-4, nước này vừa ghi nhận thêm 637 ca tử vong do COVID-19, thấp hơn con số 674 của ngày hôm trước và đây là mức tăng chậm đi liên tiếp vài ngày qua. Tổng số ca tử vong ở nước này hiện là 13,055, còn tổng số ca nhiễm là 135,032 ca (con số ngày hôm trước là 130,759 ca).

 

* Số ca tử vong vì COVID-19 của Thụy Sĩ đã tăng từ 559 lên 584 trong ngày 6-4. Cơ quan Y tế công Thụy Sĩ hôm 6-4 cũng cho biết tổng số ca nhiễm tại đây hiện là 12,652, tăng từ 21,100 ca trước đó.

* Người phát ngôn Bộ Y tế Iran ngày 6-4 cho hay số ca tử vong do COVID-19 ở nước này đã lên tới 3,739 ca, trong khi tổng số ca nhiễm là 60,500.

 

 

Nga: Tăng gần 1,000 ca nhiễm trong 24 giờ

Hãng tin Reuters ngày 6-4 dẫn thông tin từ Trung tâm phản ứng khủng hoảng của Nga cho biết, số ca bệnh COVID-19 ở nước này đã tăng thêm 954 ca trong 24 giờ qua, lên tổng cộng 6,343 ca.

 

Có 47 người đã tử vong do COVID-19 ở nước này đến nay.

 

Trong một diễn biến liên quan, theo báo Guardian, Bộ Quốc phòng Nga nhấn mạnh sẽ tiếp tục kế hoạch tổ chức lễ duyệt binh Ngày Chiến thắng 9-5 với khoảng 15.000 binh sĩ tham gia, bất chấp dịch COVID-19.

 

Ba Lan: Chạm đỉnh dịch vào tháng 5, tháng 6 

Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki hôm nay cho biết Ba Lan vẫn đang trong giai đoạn bắt đầu chống dịch COVID-19 và rằng nước này được dự đoán sẽ chạm đỉnh dịch vào khoảng tháng 5, tháng 6. 

 

 Ông cho biết hiện Ba Lan gặp tình trạng thiếu hụt trang thiết bị y tế. Quốc gia châu Âu này có kế hoạch sẽ tăng số xét nghiệm mỗi ngày từ 6,000-7,000 lên 8,000-9,000.

 

 

Tổng thư ký LHQ kêu gọi bảo vệ phụ nữ giữa dịch COVID-19

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) Antonio Guterres đã kêu gọi chính phủ các nước trên toàn thế giới coi việc bảo vệ phụ nữ là một phần trong kế hoạch hành động ứng phó với dịch COVID-19.

 

Trong một tuyên bố ngày 5-4, ông Guterres nhấn mạnh bạo lực không chỉ hiện hữu ở các vùng chiến, mà thậm chí "đối với nhiều phụ nữ và trẻ em gái, mối đe dọa xuất hiện lớn nhất ngay tại nơi họ đáng lẽ sẽ được an toàn nhất: trong chính ngôi nhà của họ".

 

Ông cho biết: "Những tuần qua khi áp lực kinh tế, xã hội và nỗi sợ hãi tăng lên, chúng ta chứng kiến một sự gia tăng khủng khiếp về bạo lực gia đình trên toàn cầu. Do đó, tôi kêu gọi chính phủ tất cả các nước ngăn chặn tình trạng bạo lực đối với phụ nữ, xem đây là một phần quan trọng trong kế hoạch ứng phó quốc gia chống đại dịch COVID-19".

 

Báo Nhật: Nhật sẽ tuyên bố tình trạng khẩn cấp

Hãng tin Reuters dẫn thông tin từ báo Yomiuri của Nhật Bản cho hay Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe dự kiến tuyên bố tình trạng khẩn cấp vào đầu ngày mai 7-4 nhằm tăng các biện pháp đối phó dịch COVID-19. Trong khi đó, Hãng tin Kyodo của Nhật cho biết các biện pháp mới sẽ có hiệu lực từ ngày 8-4.

 

Đến nay hơn 3,500 người dương tính với virus corona chủng mới và 85 người tử vong do COVID-19 ở Nhật Bản. Tuy không ghi nhận sự bùng phát lớn so với một số điểm nóng khác, nhưng chính quyền địa phương ngày càng báo động trước số ca nhiễm liên tục tăng, đặc biệt tại Tokyo, nơi có hơn 1,000 ca nhiễm.