Thế giới ghi nhận hơn 233.000 người chết vì dịch viêm đường hô hấp Covid-19 trong hơn 3,3 triệu ca nhiễm, trong khi tại một số nước tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, một số quốc gia khác đã báo cáo tín hiệu tích cực và dự kiến nới lỏng phong tỏa.

 

 

Tổng thống Putin hôm 28/4 thông báo kéo dài kỳ nghỉ có lương tới hết ngày 11/5 do nước này chưa qua đỉnh dịch. Trong ảnh, Tổng thống Putin mặc đồ bảo hộ khi đi thăm các bệnh nhân Covid-19. (Nguồn: CNN)

 

Theo thống kê của Worldometers, thế giới hiện có 3.304.140 ca nhiễm và 233.829 trường hợp tử vong do coronavirus, 1.039,055 người đã hồi phục. Dịch bệnh được ghi nhận tại 210 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng lần lượt 85.957 ca nhiễm mới và 5.800 trường hợp tử vong do Covid-19 so với hôm qua.

 

Tại cuộc họp trực tuyến với Tổng thống Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Mikhail Mishustin ngày 30/4 cho biết, ông đã dương tính với virus SARS-CoV-2. Ông Mishustin cũng đã đề nghị chỉ định Phó Thủ tướng thứ nhất Andrei Belousov làm quyền Thủ tướng Nga trong thời gian ông chữa bệnh và được Tổng thống Putin chấp thuận.

 

Thủ tướng Nga cho biết, bản thân sẽ phải tuân thủ chế độ cách ly và chỉ dẫn của bác sỹ, song vẫn sẽ giữ liên lạc thường xuyên với nội các Nga. Thủ tướng Mishustin khẳng định: "Chính phủ sẽ tiếp tục làm việc như bình thường. Tôi sẽ liên lạc thường xuyên qua điện thoại và video về tất cả các vấn đề chính. Tôi đề nghị Phó Thủ tướng thứ nhất Andrei Elimich Belousov tạm nắm quyền điều hành chính phủ”

 

Ngay trong ngày 30/4, Tổng thống Putin đã ký Sắc lệnh về việc chỉ định Phó Thủ tướng thứ nhất Belousov đảm nhiệm cương vị quyền Thủ tướng Nga.

 

Nga vừa báo cáo thêm 7.099 ca nhiễm Covid-19, nâng tổng số người nhiễm lên 106.498, trong đó 1.073 người chết. Trung tâm xử lý Khủng hoảng dịch Covid-19 của Nga hôm nay cho biết đây là mức tăng ca nhiễm hàng ngày cao nhất kể từ khi Covid-19 bùng phát tại nước này, khiến Nga trở thành quốc gia thứ 8 trên thế giới có hơn 100.000 người nhiễm nCoV. Hơn một nửa ca nhiễm mới được báo cáo tại ở Thủ đô Moscow và các vùng lân cận.

 

Tổng thống Putin hôm 28/4 thông báo kéo dài kỳ nghỉ có lương tới hết ngày 11/5 do nước này chưa qua đỉnh dịch. Ông yêu cầu các địa phương tiếp tục duy trì nghiêm ngặt cách biệt cộng đồng, cho biết Nga có thể từng bước nới lỏng hạn chế từ ngày 12/5, tùy theo tình hình đại dịch. Điện Krelin kêu gọi người dân ở nhà trong kỳ nghỉ lễ đầu tháng 5.

 

* Trong khi đó, Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 30/4, đã xuất hiện lần đầu tiên tại cuộc họp báo thường nhật của Chính phủ Anh sau thời gian chiến đấu với bệnh Covid-19. Ông cho rằng, nước Anh đã “đi qua đỉnh”, bất chấp việc ghi nhận thêm 674 ca tử vong trong 24 giờ qua, đưa tổng số nạn nhân thiệt mạng ở "xứ sở sương mù" do virus SARS-CoV-2 lên 26.711 người.

 

Ông Johnson nói: “Lần đầu tiên, chúng ta đã đi qua đỉnh của dịch bệnh này… và chúng ta xuống sườn dốc bên kia… Điều sống còn là chúng ta giờ đây không được mất quyền kiểm soát và va vào ngọn núi thứ hai và thậm chí còn lớn hơn”.

 

Trong khi đó, Cố vấn khoa học trưởng của Chính phủ Anh - ông Patrick Vallance cho hay, tỷ lệ lây nhiễm ở nước này hiện ở dưới mức 1, với số lượng bệnh nhân phải nhập viện và thuộc diện điều trị đặc biệt thấp hơn. Điều này đã tạo ra ảnh hưởng tích cực đối với tổng số ca tử vong. Ông Vallance nêu rõ: “R (tỷ lệ lây nhiễm) ở dưới mức 1. Chúng tôi cho là nằm trong khoảng 0,6 đến 0,9 trên toàn quốc”.

 

Cũng theo Thủ tướng Johnson, người đang chịu sức ép ngày càng tăng của việc dỡ bỏ lệnh phong tỏa xã hội được áp đặt cuối tháng 3 vừa qua, “lộ trình” sẽ được công bố vào tuần tới về kế hoạch của Chính phủ Anh nhằm nới lỏng các hạn chế sau khi xuất hiện các quan ngại về những tác động kinh tế từ các biện pháp giãn cách xã hội.

 

Thụy Điển thì lại đang tin chiến lược chống Covid-19 "một mình một kiểu" đang đạt hiệu quả, nhưng những con số lại cho thấy một câu chuyện hoàn toàn khác. Quốc gia Bắc Âu này đang kỳ vọng sẽ đạt "miễn dịch cộng đồng" ở Thủ đô Stockholm vào tháng 5, giúp người dân vượt qua Covid-19 mà không phải chịu lệnh phong tỏa nghiêm ngặt như hầu hết các nước châu Âu khác.

 

Được xem như một ngoại lệ trong cuộc chiến chống Covid-19, không phong tỏa như nhiều quốc gia khác, hình ảnh của Thụy Điển hiện lên với những con phố tấp nập người qua lại, những quán cà phê đông khách ngồi tán chuyện hay những quán bar sáng lấp lánh ánh đèn giữa đại dịch. Trẻ em tiếp tục tới trường, hoạt động kinh doanh vẫn duy trì. 

 

Tuy nhiên, những con số thống kê cho thấy, tỷ lệ tử vong của Thụy Điển đang cao hơn hẳn nhiều quốc gia châu Âu khác, chạm ngưỡng 22 trên 100.000 dân, trong khi đó, con số này của Đan Mạch là 7, Na Uy và Phần Lan là 4, theo số liệu của Đại học Johns Hopkins. 

 

* Tây Ban Nha báo cáo thêm 2.740 ca nhiễm và 268 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong ở nước này lên lần lượt 239.639.435 và 24.543, tiếp tục là vùng dịch lớn thứ hai trên thế giới.

 

Đây là ngày Tây Ban Nha ghi nhận số ca tử vong thấp nhất kể từ 20/3, khi nước này báo cáo 235 người chết. Hơn 112.000 người đã hồi phục. Các chuyên gia y tế tin rằng, Tây Ban Nha đạt đỉnh dịch hôm 2/4 khi ghi nhận 950 người chết trong 24 giờ. Kể từ đó, số ca nhiễm và tử vong do dịch bệnh tại nước này giảm dần. Tây Ban Nha áp lệnh phong tỏa từ giữa tháng ba và sẽ giảm dần mức độ phong tỏa từ ngày 2/5.

 

* Tính đến tối 30/4 (theo giờ địa phương), số ca tử vong vì bệnh Covid-19 tại Pháp đã tăng thêm 289 trường hợp, lên 24.376 người, bao gồm 15.244 ca (tăng 191 trường hợp) ở các bệnh viện và 9.132 ca (tăng 98 trường hợp) ở các nhà dưỡng lão và cơ sở y tế xã hội.

 

Pháp hiện ghi nhận 26.283 bệnh nhân Covid-19 đang nằm viện - giảm 551 ca so với hôm 29/4, trong đó có 4.019 bệnh nhân thuộc diện chăm sóc đặc biệt - giảm 188 trường hợp. Như vậy, số bệnh nhân nặng cần được hồi sức tích cực ở Pháp đã giảm liên tiếp suốt 22 ngày qua. Tổng số bệnh nhân mắc Covid-19 được xác nhận qua xét nghiệm từ ngày 1/3 là 129.481 trường hợp, trong đó có 91.600 người phải nhập viện.

 

Cùng ngày, Bộ Giao thông Vận tải Pháp cho biết, nước này đã nhập khẩu 500 triệu khẩu trang y tế từ Trung Quốc. Từ giữa tháng 5 sẽ có thêm 2 máy bay chở hàng bổ sung nhằm nâng công suất vận chuyển lên 150 triệu khẩu trang/tuần.

 

* Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy ngày 30/4 đã ghi nhận thêm 1.872 ca nhiễm Covid-19 trong vòng 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc bệnh ở nước này lên 205.463 trường hợp. Trong đó, số ca tử vong tăng thêm 285 trường hợp lên 27.967 người, tổng số ca hồi phục là 75.945 người - tăng 4.693 trường hợp.

 

Cũng theo cơ quan trên, Italy hiện có 18.149 ca nhập viện với các triệu chứng, trong đó tổng số bệnh nhân phải điều trị đặc biệt là 1.694 người, giảm 101 trường hợp.

 

Trong khi đó, vùng tâm dịch Lombardy tiếp tục cho thấy dấu hiệu tích cực khi số ca mắc mới Covid-19 đang có chiều hướng giảm dần. Tổng số ca mắc bệnh trong vùng hiện là 75.732 người - tăng 598 trường hợp, số ca hồi phục là 51.166 người - tăng 819 trường hợp và số bệnh nhân tử vong là 13.772 người - tăng 93 ca. Trong tổng số 6.834 bệnh nhân Covid-19 nhập viện (giảm 286 trường hợp), chỉ còn 605 người phải điều trị đặc biệt (giảm 29 trường hợp).

 

* Vùng dịch lớn nhất thế giới Mỹ ghi nhận 1.067.289 ca nhiễm, trong đó 62.870 người đã tử vong, tăng lần lượt 29.763 và 1.934 ca.

 

Mỹ đã thực hiện hơn 6 triệu xét nghiệm, cao nhất thế giới, nhưng giới chuyên gia cho rằng con số này vẫn chưa đủ. Đại học Harvard công bố một nghiên cứu khuyến nghị Mỹ cần tiến hành ít nhất 5 triệu xét nghiệm nCoV/ngày vào tháng 6 để có thể sớm mở cửa trở lại kinh tế, trong khi mức xét nghiệm một ngày ở Mỹ hôm 22/4 là 314.182.

Tổng thống Trump hôm 28/4 ký sắc lệnh dựa trên Đạo luật Sản xuất Quốc phòng, buộc các nhà máy thịt tiếp tục hoạt động do lo ngại về tình trạng thiếu thực phẩm và nguồn cung ứng bị gián đoạn.

 

* Ủy ban giám sát khoa học về diễn biến của đại dịch Covid-19 cho biết, tính đến chiều 30/4 (theo giờ địa phương), Algeria đã ghi nhận thêm 158 ca và 6 trường hợp tử vong, nâng tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 ở quốc gia Bắc Phi này lên 4.006 người, trong đó có 450 ca tử vong. Algeria hiện đứng thứ 4 ở châu Phi về số người mắc Covid-19, sau Ai Cập, Nam Phi và Maroc, nhưng lại là quốc gia có số ca tử vong cao nhất châu lục, với tỷ lệ trên 10%.

 

Theo người phát ngôn của Ủy ban trên - ông Djamel Fourar, hiện dịch bệnh Covid-19 đã lây lan đến 47/48 tỉnh, thành phố của Algeria. Các địa phương có tình trạng dịch bệnh diễn biến phức tạp nhất gồm Blida, Algiers, Oran, Sétif, Constantine, Ain Defla, Tipaza. Phần lớn bệnh nhân mắc bệnh nằm trong độ tuổi từ 25 đến 60 (chiếm 56%) và 65% ca tử vong nằm trong độ tuổi từ 65 trở lên.

 

* Bộ Y tế Ai Cập ngày 30/4 xác nhận, số ca mắc Covid-19 đã tăng thêm 269 trường hợp, nâng tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 ở quốc gia Bắc Phi này lên 5.537 người. Đây là ngày ghi nhận số ca mắc mới cao kỷ lục kể từ khi Ai Cập phát hiện trường hợp đầu tiên hồi giữa tháng 2. Bên cạnh đó, số người thiệt mạng do căn bệnh nguy hiểm này cũng tăng lên 392 trường hợp, sau khi ghi nhận thêm 12 người tử vong trong ngày.

 

Theo Bộ Y tế Ai Cập, tất cả các ca nhiễm bệnh mới, trong đó có 3 người nước ngoài, đều có tiếp xúc với các trường hợp dương tính trước đó. Cùng ngày, số bệnh nhân bình phục và được xuất viện đã tăng thêm 46 người, nâng tổng số trường hợp khỏi bệnh lên 1.381 người.

 

* Truyền thông châu Phi vừa đưa tin, Comoros đã trở thành quốc gia châu Phi tiếp theo thông báo trường hợp đầu tiên nhiễm SARS-CoV-2. Như vậy, trên bình diện châu lục, chỉ còn Lesotho là quốc gia châu Phi chưa ghi nhận trường hợp nào mắc bệnh Covid-19.

 

Bệnh nhân đầu tiên này là một người đàn ông, có tiếp xúc với một người từng tới Pháp trong thời gian gần đây. Bệnh nhân hiện ở trong tình trạng sức khỏe ổn định và chính quyền Comoros đang tầm soát các trường hợp có tiếp xúc với ca bệnh đầu tiên này.

 

Tổng thống Assoumani cho biết thêm, ưu tiên của quốc đảo nhỏ bé nằm giữa eo biển Mozambique trên Ấn Độ Dương là bảo vệ hệ thống y tế tránh khỏi nguy cơ quá tải. Vì vậy, Chính phủ Comoros phải áp dụng các biện pháp quyết liệt hơn, khi quốc gia có diện tích nhỏ thứ 4 châu Phi này đang bước vào một giai đoạn quan trọng trong công tác kiểm soát dịch bệnh.

 

Thái Lan cho khai thác lại bay nội địa

Theo báo Bangkok Post, chính phủ Thái Lan đã thông báo hướng dẫn an toàn trên các chuyến bay nội địa, được khai thác trở lại từ hôm nay. 

 

Theo đó, hành khách phải đeo khẩu trang toàn bộ thời gian, từ lúc chuẩn bị lên máy bay đến lúc xuống máy bay. Nếu họ không đeo khẩu trang khi làm thủ tục check-in và không thể tìm được khẩu trang để đeo, thì sẽ không được lên máy bay. Hành khách cũng không được ăn, uống trên toàn chuyến bay. Phải để ít nhất 1 ghế trống giữa hai hành khách. 

 

Ngoại lệ chỉ dành cho các máy bay có ghế ngồi có không gian rộng xung quanh đủ để các hành khách không tiếp xúc hoặc phát tán virus hoặc các máy bay nhỏ dưới 19 chỗ được thuê riêng. Các máy bay dưới 90 chỉ được chở tối đa 70% công suất.

 

Nhật chưa quyết định gia hạn lệnh khẩn cấp 

Theo đài truyền hình NHK, Nhật Bản sẽ chính thức quyết định về việc gia hạn hay không lệnh khẩn cấp liên quan đến virus corona sớm nhất là vào ngày thứ Hai, 4-5. 

 

Lệnh khẩn cấp ở quốc gia Đông Á này sẽ hết hiệu lực vào ngày 6-5. Theo nguồn tin của Reuters, nhiều khả năng lệnh này sẽ được gia hạn. 

 

Hong Kong lo tụ tập đông người vào Lễ lao động

 

Nhiều sự kiện nhảy flashmob dự kiến sẽ được tổ chức trong ngày Quốc tế Lao động 1-5, bất chấp các lệnh hạn chế tụ tập phòng tránh dịch ở Hong Kong.

 

Theo hãng tin Reuters, suốt 7 tháng trong năm 2019, ở Hong Kong đã xảy ra các cuộc biểu tình bắt nguồn từ việc phản đối một dự luật dẫn độ sang Trung Quốc. 

 

Virus corona làm tình hình tạm lắng dịu trong 4 tháng nhưng các cuộc biểu tình nhỏ lẻ đã diễn ra từ tuần trước. Người biểu tình hi vọng ngày hôm nay 1-5 sẽ là một cuộc tụ tập lớn.