Nguồn: Chris Miller, “China’s weaponisation of rare earths is a new kind of trade war,” Financial Times, 08/07/2025
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng (nghiencuuquocte.org)
Các lệnh trừng phạt mới nhất của Trung Quốc có hiệu quả hơn nhiều so với những nỗ lực trước đây.
Ngay sau khi Bắc Kinh công bố những hạn chế mới đối với việc xuất cảng khoáng sản đất hiếm và các nam châm chuyên dụng được chế tạo từ chúng, ngành công nghiệp xe hơi toàn cầu đã cảnh báo tình trạng thiếu hụt có thể buộc các nhà máy phải đóng cửa. Việc Trung Quốc khéo léo áp đặt các lệnh trừng phạt về đất hiếm vào mùa xuân này có lẽ là yếu tố then chốt buộc Washington phải đảo ngược việc tăng thuế đối với họ. Các lệnh trừng phạt này cũng đánh dấu một kỷ nguyên mới trong năng lực quản lý kinh tế của Trung Quốc – bằng chứng cho thấy một chánh sách trừng phạt có tiềm năng gây áp lực không chỉ lên các nước láng giềng nhỏ, mà còn cả nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã áp dụng rất nhiều biện pháp trừng phạt kinh tế, nhưng phần lớn đã được khai triển tương đối nhẹ và chỉ đạt hiệu quả một phần. Các biện pháp trừng phạt thường bị che giấu và thậm chí bị phủ nhận chánh thức. Chẳng hạn, các đoàn du lịch Trung Quốc được cho là “mất hứng thú” đến Philippines, trong khi dứa Đài Loan “không đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm,” và người tiêu dùng Trung Quốc đơn giản là “không muốn mua” sản phẩm từ Nam Hàn.
Các cuộc tẩy chay do chính phủ hậu thuẫn đã gây ra tổn thất kinh tế cho nhiều đối tác thương mại của Trung Quốc, nhưng về mục tiêu chánh trị, thành tích của chúng lại không đồng đều. Chúng dường như đã ngăn cản một số quốc gia tiếp đón Đức Đạt Lai Lạt Ma hoặc thách thức đường chín đoạn của Bắc Kinh ở Biển Đông, nhưng lại tỏ ra kém hiệu quả hơn khi lợi ích cốt lõi của quốc gia bị đe dọa.
Chẳng hạn, nước Úc đã không nhượng bộ khi Trung Quốc cắt giảm nhập cảng rượu vang do tranh chấp trong chánh sách đối ngoại. Nam Hàn cũng không tháo dỡ hệ thống phòng thủ tên lửa mà họ đã lắp đặt vào năm 2016, bất chấp việc Trung Quốc áp đặt lệnh trừng phạt và yêu cầu tên lửa phải rút đi. Và các lệnh trừng phạt trước đó của Trung Quốc đối với Mỹ – bao gồm việc đưa các công ty quốc phòng vào danh sách đen và áp dụng chế độ cấp phép đối với một số mặt hàng khoáng sản xuất cảng – mang tính chất chánh trị nhiều hơn là kinh tế.
Tuy nhiên, các biện pháp kiểm soát mới đối với xuất cảng vật liệu đất hiếm và nam châm lại khác. Chỉ trong vài tuần, chúng đã đe dọa đóng cửa các nhà máy chủ chốt trong ngành công nghiệp xe hơi – lĩnh vực sản xuất lớn nhất ở hầu hết các nền kinh tế tiên tiến. Chúng cũng buộc Tổng thống Mỹ phải nhượng bộ đối với sáng kiến mang tính biểu tượng của mình: chiến tranh thương mại.
Tòa Bạch Cung nghĩ rằng họ nắm trong tay ưu thế leo thang. Lý thuyết của họ cho rằng mức quan thuế cao ngất ngưởng sẽ gây ra thiệt hại lớn đến mức Bắc Kinh không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đàm phán. Trên thực tế, các nhà lãnh đạo Trung Quốc vẫn có thể chấp nhận trả cái giá chánh trị của quan thuế. Nhưng Washington không thể làm ngơ trước việc mất nguồn cung đất hiếm và tác động của nó lên các công ty xe hơi của họ.
Vậy tại sao các biện pháp trừng phạt này lại tỏ ra hiệu quả hơn nhiều so với những nỗ lực trước đây? Một phần là vì Bắc Kinh đã và đang cải thiện bộ công cụ của mình, xây dựng một chế độ pháp lý để cắt giảm xuất cảng có sách lược, và nâng cao hiểu biết về những điểm yếu của các đối tác thương mại. Trung Quốc thậm chí còn mở rộng phạm vi ra ngoài lãnh thổ, yêu cầu các công ty ở các quốc gia khác không sử dụng khoáng sản Trung Quốc để sản xuất sản phẩm cho ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ. Bắc Kinh đã đặt cược rằng các đối tác thương mại lớn khác sẽ không đổ lỗi cho họ về các hạn chế đất hiếm, mà thay vào đó, sẽ thúc đẩy Washington dỡ bỏ quan thuế.
Thật vậy, kể từ tháng Tư, xuất cảng khoáng sản đất hiếm và nam châm của Trung Quốc đã giảm không chỉ sang Mỹ mà còn sang các đối tác thương mại lớn khác như Nhật Bổn và Nam Hàn. Các công ty sản xuất xe hơi Ấn Độ đã phải cắt giảm sản lượng do thiếu hụt nguyên liệu. Chủ tịch Ủy ban Âu Châu, Ursula von der Leyen, đã mang một nam châm đất hiếm đến cuộc họp G7 vào tháng Sáu để kêu gọi tăng cường sản xuất ngoài Trung Quốc. EU hiện đang ưu tiên xuất cảng đất hiếm trong các cuộc đàm phán ngoại giao với Trung Quốc.
Tác động toàn cầu rộng lớn này cho thấy Trung Quốc có lẽ vẫn chưa thành thạo được khả năng nhắm mục tiêu một cách chính xác. Kiểm soát việc bán lại các mặt hàng như oxit đất hiếm khó hơn so với động cơ phản lực hoặc thiết bị sản xuất chip. Nếu Trung Quốc chỉ muốn ngăn vật liệu đất hiếm đến Mỹ, họ có thể gặp khó khăn, bởi các công ty ở các quốc gia khác vẫn có thể tiếp tục âm thầm bán cho khách hàng Mỹ.
Tuy nhiên, khía cạnh đáng chú ý nhất trong việc Trung Quốc vũ khí hóa đất hiếm là sự thiếu chuẩn bị của các chánh phủ và công ty Tây phương. Ngay cả những người không thể kể tên một nguyên tố đất hiếm nào cũng biết rằng Trung Quốc đang thống trị ngành này. Đã hơn một thập niên rưỡi kể từ khi Trung Quốc lần đầu tiên cắt giảm xuất cảng đất hiếm sang Nhật Bổn vào năm 2011, nhưng tới nay Tây phương vẫn chưa tìm được nhà cung cấp mới.
Một số bước đi khiêm tốn đã được thực hiện. Nam Hàn mở rộng kho dự trữ. Nhật Bổn đầu tư vào các mỏ khai thác ở Úc Đại Lợi. Tuy nhiên, vấn đề là hầu hết các chánh phủ Tây phương đều đã vạch ra các chiến lược khoáng sản quan trọng, rồi lại chọn cách không tài trợ cho chúng. Các công ty sản xuất liên tục nói về năng lực phục hồi, nhưng một số chỉ dự trữ nam châm đất hiếm đủ dùng trong một tuần. Đây là thứ võ khí mà họ đã nhìn thấy rõ trong nhiều thập niên. Họ không nên ngạc nhiên khi Bắc Kinh cuối cùng cũng “bóp cò.”
Chris Miller là tác giả cuốn “Chip War” (Cuộc chiến vi mạch) và cố vấn cho Vulcan Elements.
(Phụ đính: Dân Việt Newspaper)