Năm chiếc F-16 Fighting Falcon của Mỹ (ảnh minh họa: Không quân Hoa Kỳ do Trung sĩ Colin Hollow chụp).
ÂU CHÂU - Đồng minh của NATO, Đan Mạch, đã liên tiếp chuyển giao một lô máy bay chiến đấu F-16AM do Mỹ sản xuất cho Ukraine. Mặc dù Ukraine đã nhận được loại máy bay mà họ mơ ước và một “hệ thống treo tích hợp” đặc biệt để tự vệ, nhưng trước hệ thống phòng không dày đặc của Nga, F-16 vẫn phải đối mặt với nguy cơ lớn. Gần đây, quân đội Mỹ tiết lộ rằng Một đơn vị quan trọng của Không quân Hoa Kỳ đã can thiệp, điều chỉnh hệ thống tác chiến điện tử cho máy bay F-16 của Ukraine nhằm đối phó với mối đe dọa từ Nga. Đồng thời, quân đội Ukraine sẽ chia sẻ thông tin tình báo quan trọng với phía Mỹ như một sự đền bù.
Đầu tháng Tám, Ukraine đã nhận được lô máy bay F-16 đầu tiên từ các đối tác NATO.
“F-16 đã ở Ukraine. Chúng tôi đã làm được”, Tổng thống Zelensky phát biểu tại một căn cứ không xác định với hai chiếc F-16 ở hai bên. Những chiếc máy bay này được quan sát thấy được trang bị một loạt các giá treo chuyên dụng, cho thấy chúng được trang bị một số biện pháp tác chiến điện tử tự vệ. Tuy nhiên, đó không phải là toàn bộ câu chuyện.
Không quân Hoa Kỳ đã tăng cường khả năng tác chiến điện tử của các chiến đấu cơ này. Phi đội tác chiến điện tử (EWS) số 68 của Không quân Hoa Kỳ đã dẫn đầu hoạt động lập trình lại phối hợp với các đối tác ở Đan Mạch và Na Uy, theo thông cáo báo chí do phi đội công bố vào ngày 26 tháng Tám.
Phi đội này nhấn mạnh tầm quan trọng của Chiến tranh điện tử trong cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine, khi cả lực lượng vũ trang của Nga và Ukraine đều phụ thuộc rất nhiều vào khả năng tiếp cận không hạn chế vào phổ điện từ để đạt được mục tiêu của họ và liên tục sử dụng các chiến thuật EW, chẳng hạn như giả mạo và gây nhiễu, để giành ưu thế về phổ.
Đội tác chiến điện tử còn cho biết: “Với việc chuyển giao F-16 của bên thứ ba từ Đan Mạch, Na Uy và Hà Lan cho Ukraine, một khả năng EW khác đang tham gia cuộc chiến vì Ukraine”. Họ cũng tuyên bố, trong những năm tới, Ukraine dự kiến sẽ nhận được khoảng 91 chiếc F-16 AM/BM từ Đan Mạch, Hà Lan, Bỉ và Na Uy cộng lại.
Hệ thống tác chiến điện tử của F-16 cần được lập trình lại để có thể sử dụng chống lại các mối đe dọa thay đổi của Nga trong quang phổ và được tích hợp thành công vào Không quân Ukraine.
Trong chiến trường có rủi ro cao của các hoạt động phổ điện từ (EMF), sự nhanh nhẹn và nhanh chóng là tối quan trọng. Đối thủ thường sử dụng các chiến thuật gây nhiễu để phá vỡ quyền truy cập vào phổ điện từ, chặn các khả năng liên lạc và dẫn đường quan trọng. Khi một tín hiệu được xác định, các lực lượng phải làm việc để lập trình lại hệ thống EW để chống lại nó. Với F-16 của Ukraine, điều này sẽ được thực hiện trong chiến đấu thực sự.
Đáng chú ý, dịch vụ này có thể được coi là “tùy chỉnh”. Quân đội Mỹ cho biết, khả năng tác chiến điện tử mới này đang được tích hợp vào cuộc chiến của Ukraine, nhưng chưa được đặt tên chính thức, và trong kho của quân đội Mỹ hiện cũng không có chức năng điện tử này. Để đạt được hiệu quả tích hợp tốt nhất, đội ngũ tác chiến điện tử của quân đội Mỹ đã một lần nữa từ bỏ phương pháp thông thường, cử các thành viên đến các phòng thí nghiệm của các quốc gia đối tác ở nước ngoài để phối hợp phát triển và thử nghiệm hệ thống cùng với các đồng minh.
Khi được hỏi việc lập trình lại Hệ thống EW có ý nghĩa gì đối với F-16 của Ukraine, cựu Thống chế Không quân IAF Anil Chopra (đã nghỉ hưu) đã nói với EurAsian Times rằng: “Việc lập trình lại F-16 của không quân Hoa Kỳ có lợi cho Hoa Kỳ và Ukraine. Họ cần bảo vệ tần số của mình khỏi Nga, nước cũng sử dụng các công cụ Tình báo Điện tử tiên tiến. Các công cụ này ghi lại mọi thứ. Hoa Kỳ đã lập trình lại hệ thống EW của F-16, do đó sẽ có nhiều thông tin không rơi vào tay Nga”.
Thống chế Không quân Chopra nói thêm rằng “các máy bay được gửi đến Ukraine là những máy bay phản lực cũ cần được nâng cấp. Washington biết rằng việc nâng cấp thành phần EW sẽ có lợi hơn là nâng cấp radar. Hoa Kỳ không cung cấp vũ khí tầm xa cho máy bay F-16 của Ukraine. Họ biết rằng những chiến đấu cơ này sẽ chỉ đóng vai trò phòng thủ, vì vậy trọng tâm là tăng cường phòng thủ và do đó, tăng cường khả năng tác chiến điện tử”.
Ông giải thích rằng những chiếc F-16 cổ lỗ sĩ này sẽ được cập nhật thông tin về các hệ thống quân sự mới nhất của Nga được khai triển cách tiền tuyến khoảng 300 km. Hoa Kỳ, giống như tất cả các quốc gia khác, duy trì một thư viện điện tử. Thông tin đó phải được đưa vào hệ thống EW của những chiếc F-16 cũ hơn. “Các hệ thống cũ được kết nối cứng, nhưng các hệ thống mới hơn được điều khiển bằng phần mềm và hiện đại hóa để theo kịp thực tế chiến trường”, ông cho hay.
Ukraine cũng sẽ cung cấp cho Hoa Kỳ dữ liệu họ thu thập được từ các cuộc xung đột thực tế để giúp tăng cường và mở rộng khả năng tác chiến điện tử mà cả hai quốc gia, cũng như các nước bạn bè và đối tác khác, có quyền truy cập.
Tuy nhiên, Phi đội tác chiến điện tử số 68 đang phải đối mặt với hai vấn đề. Thứ nhất, các hệ thống được sử dụng trên máy bay chiến đấu F-16 sắp bàn giao không có trong kho của Mỹ nên cần được phát triển lại và tích hợp. Thứ hai, chúng cần được tối ưu hóa; Vẫn còn phải xem liệu sự phát triển có thể đáp ứng được thời gian biểu đã định hay không.
Giám đốc giấu tên của Phi đội 68 cho biết họ có thể làm rõ hệ thống trong vòng 2 tuần và đi đến các nước khác cùng các đối tác để phát triển dữ liệu nhiệm vụ tốt nhất từ trước đến nay, điều này cũng là hoạt động chưa từng có của phi đội.
Ông nói thêm rằng một chiếc F-16 với thiết bị được lập trình lại không thể một mình đạt được ưu thế trên không, nhưng nó có thể mang lại cho phi công ưu thế trên không tạm thời để đạt được các mục tiêu có tầm quan trọng và tác động chiến lược. Khi một cuộc xung đột gần xảy ra, tất cả các đối tác trong liên minh cần phải hoạt động theo cùng một phương thức chiến lược để đạt được ưu thế trong chiến tranh điện tử.
(Theo DKN.TV)