Một cây cầu biên giới được canh gác nghiêm ngặt giữa Bắc Hàn và Nam Hàn. (Nguồn ảnh: Tài khoản X @laprensaboli).

 

 

 

Nếu Nam Hàn không phải là mối đe dọa, vậy tại sao Bắc Hàn lại phải ầm ĩ tạo ra khủng hoảng chiến tranh giữa hai miền chỉ vì những việc nhỏ như truyền đơn từ máy bay không người lái?.

 

Gần đây, Bắc Hàn liên tục có những hành động gây sốc, không chỉ cử “kỹ sư quân sự” đến chiến trường Nga-Ukraine để “giúp đỡ,” mà còn thực hiện các vụ đánh bom đường giao thông giữa Bắc Hàn và Nam Hàn, đồng thời bắn cảnh cáo. Tình hình trên bán đảo Triều Tiên bỗng trở nên căng thẳng, có dấu hiệu của một cuộc khủng hoảng quân sự.

 

Vào khoảng 12 giờ trưa ngày 15/10, Bắc Hàn đã phá hủy một phần đường sắt ở Kangwon và Kaesong nối liền 2 miền trên Bán đảo Triều Tiên tại khu vực phía bắc của đường biên quân sự, đồng thời đã bắn cảnh cáo.

 

Trước đó, lãnh đạo Bắc Hàn, Kim Jong Un, đã ra lệnh phong tỏa toàn bộ giao thông đường biển và đường bộ với Nam Hàn, đồng thời yêu cầu 8 lữ đoàn pháo binh tinh nhuệ gần biên giới hai miền vào trạng thái “chuẩn bị bắn”. Em gái của ông Kim Jong Un, bà Kim Yo Jong, cũng đã liên tục công kích Nam Hàn và Mỹ trong 3 ngày.

 

Để ứng phó với sự khiêu khích đột ngột của Bắc Hàn, trên mạng cũng đã xuất hiện nhiều hình ảnh về trực thăng, xe tăng và xe mang hỏa tiễn của Nam Hàn tiến tới biên giới, tuy nhiên tính xác thực của các video này đã được xác nhận là không đúng.

 

Các phương tiện truyền thông Nam Hàn cho rằng, sự “củng cố biên giới” đột ngột của Bắc Hàn có ý định làm gia tăng căng thẳng trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Chuyên gia cho rằng có thể có nhiều hơn 1 lý do đó.

 

Victor Cha, chủ tịch của Khoa Địa chính trị và Chính sách đối ngoại và là Chủ tịch Nam Hàn tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), chỉ ra rằng việc Bắc Hàn xây dựng công trình phòng thủ trong khu vực phi quân sự mà không có sự thương thảo trước là hành động không bình thường, có thể vi phạm thỏa thuận ngừng bắn.

 

Giám đốc Văn phòng An ninh Quốc gia Nam Hàn, Shin Won-sik, vào ngày 13 cho biết, Bắc Hàn đã cáo buộc rằng máy bay không người lái của Nam Hàn thâm nhập không phận Bình Nhưỡng để phát truyền đơn. Nếu điều này được xác nhận, sẽ đúng như ý đồ của Bắc Hàn, tức là gây ra mâu thuẫn nội bộ ở Nam Hàn. Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Bắc Hàn đã lên án rằng, hiện nay tình hình trên bán đảo Triều Tiên đã trở thành “chiến tranh có thể nổ ra bất cứ lúc nào” do hành động tùy tiện của phía Nam Hàn.

 

Tuy nhiên, trong buổi diễu binh tổ chức vào ngày 1/10, ngày thành lập quân đội Nam Hàn, hỏa tiễn đạn đạo “Hyunmoo-5” hay “Huyền Vũ-5″ do Nam Hàn nghiên cứu chế tạo đã lần đầu tiên ra mắt. Nam Hàn cho biết đây là hỏa tiễn đạn đạo thông thường có đầu đạn nặng nhất, với trọng lượng lên tới 8 tấn và tốc độ tối đa đạt Mach 10. Vũ khí phòng không của Bắc Hàn gần như không có khả năng đánh chặn, và Nam Hàn cũng đặc biệt quảng bá về khả năng xuyên đất mạnh mẽ của hỏa tiễn này. Tầm bắn 300 km cũng đủ để phóng từ tiền tuyến và đánh trúng Bình Nhưỡng, thực hiện “đòn trừng phạt phủ đầu”.

 

Mặc dù Nam Hàn đã công bố hỏa tiễn, nhưng không có ý định khiêu khích Bắc Hàn bằng vũ lực. 

 

 

Động cơ thực sự của Bắc Hàn trong việc làm gia tăng xung đột trên bán đảo Triều Tiên

 

Nếu Nam Hàn không phải là mối đe dọa, vậy tại sao Bắc Hàn lại phải ầm ĩ tạo ra khủng hoảng chiến tranh giữa hai miền chỉ vì những việc nhỏ như truyền đơn từ máy bay không người lái?

 

Chuyên gia các vấn đề thời sự người Hoa – Tạ Bộ Trí (謝步智) có một số suy luận như sau:

 

1.Chuyển hướng sự chú ý khỏi việc Bắc Hàn cử quân “bán tham chiến” vào cuộc chiến Nga-Ukraine.

 

Đầu tháng Mười, vụ tấn công bằng hỏa tiễn vào khu vực Donetsk, nơi bị Nga chiếm đóng, đã khiến 20 quân nhân thiệt mạng, trong đó có 6 sĩ quan Bắc Hàn.

 

Tờ Guardian của Anh đã tiết lộ rằng các kỹ sư quân sự Bắc Hàn đang hỗ trợ quân đội Nga phóng hỏa tiễn KN-23. Được biết, hàng chục quân nhân Bắc Hàn đã được chia thành nhiều nhóm nhỏ bên trong lãnh thổ Nga, phụ trách vận hành và bảo trì bệ phóng KN-23.

 

Tổng thống Ukraine Zelensky cũng đã cáo buộc rằng Bắc Hàn không chỉ cung cấp vũ khí cho Nga mà còn cử công dân của mình tham gia quân đội Nga, giúp Nga chống lại Ukraine.

 

Sau chuyến thăm của Tổng thống Nga Putin đến Bắc Hàn vào giữa tháng Sáu, nơi ông đã ký kết một liên minh chiến lược với ông Kim Jong Un, ông Kim đã “bán” 4 lữ đoàn, khoảng 20.000 “kỹ sư quân sự” cho  Putin với giá 115 triệu USD để hỗ trợ “hậu cần” cho Nga.

 

Ngoài việc “bán tham chiến”, Bắc Hàn còn cung cấp số lượng lớn đạn dược và hỏa tiễn cho Nga.

 

Tờ Times vào đầu tháng Mười cho biết, trong 3 triệu viên đạn mà quân đội Nga sử dụng mỗi năm trong cuộc chiến Nga-Ukraine, khoảng một nửa trong số đó tới từ các quốc gia khác, và trong số đó có một lượng lớn đạn dược do Bắc Hàn cung cấp. Washington Post cũng dẫn lời các quan chức Ukraine và Nam Hàn cho biết, quân nhân Bắc Hàn đã cùng chiến đấu với quân đội Nga.

 

Ủy ban Quốc phòng Nghị viện Nam Hàn chỉ ra rằng, từ giữa năm 2022 đến nay, Bắc Hàn đã vận chuyển hơn 13.000 container vũ khí cho Nga, để đổi lấy những đột phá công nghệ liên quan đến vệ tinh, hỏa tiễn và máy bay không người lái.

 

Bây giờ việc Bắc Hàn cử quân hỗ trợ Nga đã bị phanh phui, họ lập tức tạo ra những sự cố khác để chuyển hướng chú ý, tránh để NATO và Mỹ có ý định áp đặt các biện pháp quân sự trừng phạt Bắc Hàn.

 

2.Động viên chuẩn bị chiến tranh để đối phó với việc bị phát hiện cử quân sang Nga-Ukraine.

 

Việc Bắc Hàn cử quân sang Ukraine sẽ gây phẫn nộ cho NATO và Mỹ, do đó Bắc Hàn phải động viên chuẩn bị chiến tranh. Vì vậy, ông Kim Jong Un yêu cầu quân đội Bắc Hàn trong trạng thái cảnh giác không phải với Nam Hàn, mà thực sự là để phòng ngừa các mối đe dọa từ châu Âu và Mỹ, vì vài chiếc máy bay không người lái phát truyền đơn không phải là vấn đề lớn.

 

 

3.Tạo cớ để tránh giúp ông Putin thêm nữa.

 

Mặc dù Bắc Hàn có liên minh chiến lược với Nga và đã cử quân cũng như đạn dược tới chiến trường Nga-Ukraine, nhưng tất cả những điều này đều có lợi cho họ, chứ không phải vì “tình nghĩa anh em” mà không màng đến bất cứ điều gì.

 

Kim Jong Un lo lắng nhất vẫn là việc chiến tranh có thể lan tới cửa nhà mình, do đó viện trợ cho Nga cũng phải có giới hạn, nếu không Bắc Hàn sẽ gặp khó khăn trong việc tự bảo vệ mình.

 

Nếu xung đột giữa hai miền Nam-Bắc Triều Tiên trở nên nghiêm trọng, nếu ông Putin lại yêu cầu gì đó, ông Kim có thể chỉ biết chịu thua và nói: “Ôi, tôi lo cho bản thân mình còn không xong”.

 

 

4.Lợi dụng bối cảnh bầu cử tổng thống Mỹ để gây rối, tranh thủ yêu cầu viện trợ.

 

Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp diễn ra, chính quyền ông Biden lo sợ nhất là “hỗn loạn”, vì “hỗn loạn” sẽ làm nổi bật sự không mấy hiệu quả của Đảng Dân chủ, đồng thời ảnh hưởng đến vận động tranh cử của bà Kamala Harris. Nếu có ai đó gây rối, ông Biden sẽ nghĩ đến việc lập tức làm dịu tình hình, chứ không phải đàn áp mạnh tay, vì đàn áp thường dẫn đến phản ứng ngược.

 

Ví dụ, một “bất ngờ tháng Mười” năm nay là công nhân cảng ở bờ Đông Mỹ đã tổng đình công, ông Biden ngay lập tức nhượng bộ tăng lương. Khi Israel tiêu diệt lãnh đạo Hezbollah Nasrallah, Toà Bạch Ốc cũng không chỉ trích nhiều; ngược lại, sau khi Iran bắn 200 hỏa tiễn vào Israel, ông Biden còn gửi hệ thống hỏa tiễn THAAD cho Israel, nhờ Thủ tướng Israel Netanyahu đừng tấn công các cơ sở nguyên tử và kho dầu của Iran, và Netanyahu thì đáp lại có ý rằng, đợi chúng tôi nhận được THAAD đã, rồi hãy bàn tiếp.

 

Ông Kim Jong Un vì thế cũng có thể đang học theo, nhân cơ hội gây rối để xem Mỹ có mang tài nguyên gì đến để làm dịu tình hình không.

 

 

5.Ông Putin cố kêu gọi “phe trục mới”, nên ông Kim ra mặt để thể hiện sự ủng hộ.

 

Tổng thống Nga Putin đã trình bày một dự thảo về việc phê chuẩn “Hiệp định Đối tác Chiến lược Toàn diện Nga- Bắc Hàn” tại Duma Quốc gia Nga, cho thấy mối liên hệ giữa Nga và Bắc Hàn sẽ được củng cố hơn nữa.

 

Đây là hành động mà ông Putin cố ý đưa ra sau khi Bắc Hàn “bán tham chiến” để ủng hộ Nga, ông làm điều này để đưa hiệp ước giữa hai bên ra trước công chúng một lần nữa, khiến Bắc Hàn khó có thể rút lui. Ông Putin có thể nghĩ rằng, không nên chỉ có mình tôi ở trong lò lửa, các “bạn bè tốt” khác cũng phải cùng nhau bước vào.

 

Ngoài Bắc Hàn, Bộ trưởng Quốc phòng Nga hiện đang thăm Bắc Kinh, có thể yêu cầu Trung Quốc cung cấp thêm vật liệu chiến tranh và thậm chí cử thêm “tình nguyện viên” ra chiến tuyến Ukraine. 

 

Mặc dù tân tổng thống Iran Masoud Pezeshkian đã cố gắng cắt đứt quan hệ với Nga và từng tuyên bố sẽ không cung cấp vũ khí cho Nga kể từ khi nhậm chức. Nhưng do Iran phải đối mặt với các cuộc tấn công hỏa tiễn từ Israel, họ đã khẩn cấp gửi hai vệ tinh đến Nga và nhờ Nga giúp phóng vệ tinh, đồng thời cung cấp thêm máy bay không người lái và hỏa tiễn cho Nga.

 

Cuối cùng, bốn “quốc gia phe trục mới” này ít nhiều đã gắn kết với nhau.

 

 

(Theo dkn.tv)