Ảnh tư liệu: Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt tay lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong Un tại Bàn Môn Điếm, khu phi quân sự, ngày 30/06/2019. AP - Susan Walsh
Ngày 12/06/2025, Mỹ thả 14 quả bom GBU phá hầm, mỗi quả nặng hơn 13 tấn, nhắm vào ba cơ sở hạch tâm của Iran. Vụ việc đã được Bắc Hàn, quốc gia sở hữu võ khí nguyên tử và hiện dưới lệnh trừng phạt quốc tế, theo dõi chặt chẽ. Liệu Washington có sẽ thực hiện điều tương tự với Bình Nhưỡng hay không vào lúc các cuộc đàm phán nguyên tử Mỹ - Triều cũng đang bế tắc?
Iran – Bắc Hàn: Một liên minh nguyên tử lâu năm
Không giống như Bắc Hàn, chế độ thần quyền Teheran vẫn chưa có võ khí nguyên tử. Nhưng mối quan hệ hợp tác về nguyên tử giữa Iran và Bắc Hàn đã tồn tại gần ba thập kỷ, kể từ sau chuyến thăm Bình Nhưỡng năm 1989 của đại giáo chủ Ali Khamenei, khi ấy giữ chức tổng thống Iran. Chuyến thăm này đã đặt nền tảng cho một liên minh lâu dài do cả đôi bên cùng phản đối Hoa Kỳ. Chính Bình Nhưỡng đã cung cấp cho Teheran chương trình tin học có thể mô phỏng dòng neutron, một công cụ chủ chốt để thiết kế đầu đạn nguyên tử.
Tuy nhiên, Bắc Hàn không chắc có được những thông tin rõ ràng chẳng hạn như độ sâu chính xác các cơ sở hạch tâm ngầm của Iran hay vị trí kho dự trữ uranium được làm giầu đến 60%. Do vậy, theo nhận định của chuyên gia nghiên cứu Laurent Gédéon, chuyên gia về Đông Nam Á, Đông Bắc Á, giảng viên trường đại học Sư phạm Lyon, với RFI Tiếng Việt, đòn tấn công của Mỹ đã cung cấp cho Bắc Hàn nhiều bài học quý giá.
Laurent Gedeon: « Chúng cung cấp cho Bình Nhưỡng nhiều yếu tố để chuẩn bị trước một hành động tương tự. Điều này càng đúng hơn khi Hoa Kỳ khó có thể quay lưng lại với Á châu trong thời gian dài, vì khu vực này vẫn là trung tâm trong các mối lo ngại về kinh tế và chiến lược của Washington.
Hành động của Mỹ ở Trung Đông dường như khá mang tính chiến thuật để hạn chế tác động của cuộc khủng hoảng ngày càng lớn. Điều đáng chú ý là Donald Trump đã dùng hết sức của mình để đạt được lệnh ngừng bắn mặc dù Israel vẫn chưa hoàn thành các mục tiêu đã tuyên bố là hủy diệt hoàn toàn chương trình hạch tâm của Iran và thay đổi chế độ ở Teheran. Do đó, chúng ta có thể đưa ra giả thuyết là Mỹ coi sự gia tăng căng thẳng trong khu vực này không nằm trong lợi ích của họ và việc giải quyết, dù chỉ là tạm thời, những vấn đề này sẽ cho phép họ tập trung trở lại vào Á châu. »
Iran và Bắc Hàn: Chánh sách « bên trọng, bên khinh » của Mỹ
Nếu như với Iran, chánh quyền Donald Trump có một thái độ cứng rắn và đã đưa ra một quyết định khá triệt để, thậm chí đầy vũ lực, thì ngược lại người ta ghi nhận có một sự thận trọng trong cách thức Tòa Bạch Cung hiện nay giải quyết hồ sơ nguyên tử Bắc Hàn. Cho đến nay, Donald Trump chưa có một lời đe dọa chiến tranh nào nhằm vào Bình Nhưỡng. Giới quan sát cũng ghi nhận chế độ Kim Jong Un có một phản ứng « khá thận trọng » sau cuộc không kích của Mỹ tại Iran, so với những lời lẽ gay gắt thường có với Washington.
Chuyên gia địa chánh trị Laurent Gédéon cho rằng có bốn lý do để giải thích cho cách hành xử « bên trọng, bên khinh » của Mỹ trong hồ sơ nguyên tử đối với hai nước. Thứ nhất, là thế cô lập của Iran. Chế độ thần quyền đã không thể tìm được một đồng minh nào có tiềm lực để hỗ trợ họ trong cuộc đối đầu với các đối thủ. Ngược lại, Bắc Hàn đã ký một thỏa thuận đối tác chiến lược toàn diện với Nga ngày 18/06/2024 nhân chuyến thăm Bình Nhưỡng của tổng thống Vladimir Putin.
Laurent Gédéon: « Trong số 23 điều khoản cấu thành hiệp định, điều 4 đặc biệt thú vị bởi vì nó quy định rằng nếu một trong hai quốc gia bị xâm lược võ trang, quốc gia kia sẽ cung cấp hỗ trợ quân sự ngay lập tức bằng mọi phương tiện mà mình có. Thỏa thuận này đã được thực hiện trong bối cảnh cuộc chiến ở Ukraina, khi Bắc Hàn cung cấp hàng triệu quả đạn pháo cho quân đội Nga và đưa binh lính Bắc Hàn ra tiền tuyến. Hoa Kỳ phải tính đến yếu tố này khi lập bất kỳ kế hoạch tấn công trực tiếp vào Bắc Hàn. »
Thứ hai, dù đã rút khỏi Hiệp ước Không phổ biến võ khí nguyên tử (NPT) năm 2003, Bắc Hàn có một học thuyết nguyên tử rõ ràng chi phối việc xử dụng võ khí nguyên tử.
Laurent Gédéon: « Đặc trưng của học thuyết này là nguyên tắc “quyền ưu tiên”. Điều này được áp dụng trong điều kiện sắp xảy ra một cuộc tấn công sắp từ một quốc gia thù địch và khi chiến tranh vẫn chưa bắt đầu. Điều này ngụ ý rằng Bình Nhưỡng sẽ bắt đầu cuộc chiến bằng võ khí nguyên tử ngay từ đầu.
Học thuyết này của Bắc Hàn phải được phân biệt với học thuyết của Nga dựa trên nguyên tắc "giải pháp đầu tiên". Chúng bao gồm việc xử dụng võ khí nguyên tử trước tiên nhưng trong trường hợp leo thang bạo lực liên tục kể cả bằng các loại võ khí nguyên tử. Học thuyết của Bắc Hàn, ngay lập tức đặt con trỏ ở mức cao nhất, còn ngụ ý rằng sẽ có những rủi ro lớn cho kẻ tấn công tiềm năng và giải thích cho sự thận trọng của Hoa Kỳ. »
Thứ ba là yếu tố gần gũi về địa lý. Khác với Iran vốn cách xa Nga và Trung Quốc, Bắc Hàn có đường biên giới chung với Trung Quốc và trong chừng mực nào đó là cả với Nga. Sự gần gũi về địa lý này khiến bất kỳ hành động nào của Mỹ chống lại Bắc Hàn đều có nguy cơ dẫn đến việc Trung Quốc xem đấy như là một mối đe dọa và sẽ có hành động trả đũa.
Cuối cùng là về năng lực tình báo. Không như tại Iran, tình báo và gián điệp Israel dễ dàng thâm nhập sâu, gây khó khăn cho việc ra quyết định và năng lực phản ứng của Teheran, việc các cơ quan tình báo Tây phương xâm nhập Bắc Hàn có vẻ khó khăn hơn nhiều.
Laurent Gédéon: « Ngay cả khi có thể có những điệp viên nằm vùng, người ta vẫn có thể đặt câu hỏi về tình huống thực hiện một hoạt động trên thực địa tương tự như cuộc tấn công bằng drone do các điệp viên Mossad tổ chức từ lãnh thổ Iran nhằm vào các mục tiêu quân sự.
Nhìn chung, rất khó để có được thông tin quân sự của Bắc Hàn, mà bằng chứng hiển nhiên là chúng ta không thể biết rõ về số lượng ICBM (Hỏa tiễn Đạn đạo liên Lục địa) hiện được khai triển trên lãnh thổ Bắc Hàn (và do đó đang hoạt động). Con số này thay đổi, tùy theo từng nguồn, từ mười đến ba mươi.
Do đó, chúng ta có thể thấy rằng chi phí tiềm tàng cho một cuộc tấn công của Mỹ nhằm vào Bắc Hàn là khó có thể chịu được, do những rủi ro cao về chiến lược. Điều này có lẽ giải thích chánh sách thận trọng của chánh quyền Trump trong hồ sơ này. »
Phô trương sức mạnh hạch tâm: Thất bại ngoại giao Mỹ
Thời gian gần đây, chế độ Bình Nhưỡng công bố nhiều hình ảnh cho thấy ông Kim Jong Un thị sát các vụ thử hỏa tiễn, hay đến thăm các cơ sở sản xuất thanh nhiên liệu nguyên tử. Mục tiêu là nhằm chứng tỏ với thế giới rằng chương trình phát triển nguyên tử của Bắc Hàn đang tiến triển mỗi ngày.
Nhìn lại chánh sách của Mỹ đối với Bắc Hàn trong quãng thời gian 15 năm gần đây, rõ ràng chiến lược « gây sức ép/đàm phán » của Mỹ đã chạm giới hạn: Washington đã cho thấy họ không có cơ hội buộc Bình Nhưỡng phải lùi bước. Trả lời RFI Tiếng Việt, chuyên gia về địa chánh trị người Pháp đánh giá đây là một thất bại trong chánh sách của Mỹ đối với nguyên tử Bắc Hàn.
Laurent Gédéon : « Ngược lại, Bắc Hàn còn gia tăng sức mạnh nếu xét về tầm bắn của hỏa tiễn đạn đạo. Vì vậy, chúng ta có thể nói đến một thất bại tương đối. Do đó, cần phải xem xét lại mô hình chiến lược ngoại giao của Washington.
Để làm được điều này, chúng ta chắc chắn phải đặt câu hỏi: Một mặt là về mối đe dọa thực sự mà Bắc Hàn gây ra cho Hoa Kỳ và mặt khác là đối với lợi ích của Hoa Kỳ trong khu vực, đặc biệt là đối với các đồng minh của Washington. Nhận thức về mối đe dọa này không giống nhau trong hai trường hợp và chánh sách của Mỹ đối với Bình Nhưỡng phải xuất phát từ sự cân bằng giữa hai trường hợp. »
Những cuộc tập trận gần đây giữa Mỹ và Nam Hàn bao gồm cả kịch bản tác động võ khí nguyên tử. Điều này chứng tỏ là mối đe dọa nguyên tử Bắc Hàn là hiện thực. Trong bối cảnh này, đến một lúc nào, cộng đồng quốc tế có nên công nhận Bắc Hàn như là một cường quốc nguyên tử nhằm tìm kiếm một giải pháp ngoại giao hay không? Và trong giả định này, đâu là những tác động địa chánh trị cho vùng Đông Bắc Á?
Laurent Gédéon : « Nguyên tắc công nhận chính thức Bắc Hàn là một cường quốc nguyên tử không phải là điều mới mẻ, vì đây cũng là trường hợp của Ấn Độ và Pakistan (…) Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là phản ứng của các nước trong khu vực, đặc biệt là Nhật Bổn và Nam Hàn, vì cả hai đều là những quốc gia có tiềm năng trong việc nhanh chóng sở hữu võ khí nguyên tử. Khi đó, có lẽ cần phải có áp lực và sự bảo đảm đáng kể từ phía Washington để ngăn cản Tokyo và Seoul tiếp tục trang bị võ khí cho mình.
Điều quan trọng là phải biết rằng các thành viên của câu lạc bộ rất nhỏ các cường quốc nguyên tử trên thế giới được hưởng một địa vị đặc biệt trong cộng đồng quốc tế (..) Và trong một thời gian dài, sự cân bằng này có lợi cho Tây phương, vì ba trong số năm thành viên thường trực của câu lạc bộ ban đầu này (Hoa Kỳ, Pháp và Anh) là thuộc phe Tây phương.
Tuy nhiên, những diễn biến hiện tại cho thấy sự trỗi dậy của nhiều cường quốc nguyên tử ít gần gũi với Tây phương hơn, ngoại trừ Israel. Trong khi Ấn Độ duy trì thái độ trung lập thì Pakistan và Bắc Hàn lại gần gũi với Moscow và Bắc Kinh. Trường hợp này cũng sẽ xảy ra tương tự với Iran, nếu nước này có được võ khí nguyên tử.
Và nếu điều này xảy ra, sự cân bằng có lợi cho Tây phương sẽ bị phá vỡ và đây là một trong những lý do giải thích cho sự miễn cưỡng mạnh mẽ của Hoa Kỳ và các đồng minh, cũng như những nỗ lực của họ nhằm chống lại hành động trên. »
RFI Tiếng Việt xin chân thành cảm ơn chuyên gia nghiên cứu Laurent Gédéon, trường đại học Sư phạm Lyon.